Bác Hồ - Nhà báo cách mạng / Phạm Thị Thu sưu tầm, tuyển chọn. - H. : Mỹ thuật, 2014. - 136tr.; 24cm. - (Những câu chuyện về Bác Hồ)

Thứ hai - 31/05/2021 05:03 1.354 0
Bác Hồ - Nhà báo cách mạng / Phạm Thị Thu sưu tầm, tuyển chọn. - H. : Mỹ thuật, 2014. - 136tr.; 24cm. - (Những câu chuyện về Bác Hồ)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa của nhân loại. Người cũng là một nhà báo chân chính đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam vào ngày 21/6/1925 với tờ báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Người làm chủ bút. Đối với Người, làm báo là để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức, thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả nhất. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người đã để lại một gia tài báo chí đồ sộ với hàng nghìn bài viết ký nhiều bút danh khác nhau.

Nhằm giúp độc giả hiểu rõ và sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, Thư viện TP. Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Bác Hồ - Nhà báo cách mạng” do Phạm Thị Thu sưu tầm, tuyển chọn. Sách do Nxb. Mỹ thuật ấn hành năm 2014, nội dung gồm 03 phần được chuyển tải qua 136 trang:

Phần thứ nhất trình bày “Quan điểm, tư tưởng về báo chí của Bác Hồ”, nêu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí cách mạng. Trong đó, Người đã đưa ra 4 lời khuyên dành cho người làm báo, đó là: Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta; Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu; Luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ.

Phần thứ hai với tiêu đề “Bác Hồ - Nhà báo cách mạng” là các bài viết như: Bác Hồ, tấm gương sáng về đạo đức báo chí; Hồ Chí Minh – một nhà báo cách mạng; Sức mạnh của báo chí cách mạng; Nói và viết với phong cách Bác Hồ; Bác Hồ với thơ cổ động báo chí; Nguyễn Ái Quốc và những bài đăng trên báo Le Paria;… Cho thấy Bác Hồ là nhà báo lớn, là tấm gương sáng về đạo đức báo chí, là nhà báo với ý nghĩa cao cả, chân chính, tốt đẹp nhất của hai từ ấy. Tư duy, phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh là một kho tàng quý báu người để lại cho các thế hệ người làm báo ngày nay và mai sau.

Phần thứ ba trình bày những tác phẩm, bài viết của Bác Hồ đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước như: Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919); Toàn dân kháng chiến; “Thực dân” là ăn cướp dân; Thư gửi toàn thể chiến sĩ và cán bộ đại đoàn 312; Lời kêu gọi nhân ngày 20/7/1965; Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng;… Đây là những tác phẩm báo chí xuất sắc với cách viết độc đáo đã có tác dụng to lớn tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân làm cách mạng, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, đội ngũ người làm báo cách mạng đã tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng nền báo chí nước nhà luôn luôn xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Trân trọng giới thiệu quyển sách “Bác Hồ - Nhà báo cách mạng” đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 335.4346 / B101H
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.013990

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây