Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam : Hà Minh Hồng chủ biên, Trần Thuận, Lưu Văn Quyết, Nguyễn Thanh Tuyền. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2021. - 83tr.

Thứ ba - 12/07/2022 04:34 857 0
Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam : Hà Minh Hồng chủ biên, Trần Thuận, Lưu Văn Quyết, Nguyễn Thanh Tuyền. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2021. - 83tr.
Trong 30 năm tìm kiếm con đường cứu nước (1911 - 1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ xác định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, mà còn cùng Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ: Chính quyền cách mạng của nước dân chủ ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc”.

Từ năm 1941 khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; đặc biệt khi phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lèo lái con thuyền cách mạng qua những thách ghềnh hiểm nguy. Chỉ tính trong hơn một năm kể từ lúc khai sinh ra nền dân chủ cộng hòa (02/9/1945) đến khi bước vào toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bốn lần kiện toàn Chính phủ. Trong hàng chục năm kháng chiến sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa đấu tranh thống nhất nước nhà. 

Tác phẩm “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” do Hà Minh Hồng chủ biên, Nxb. Trẻ xuất bản năm 2021 tập hợp nhiều sử liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị kiến trúc sư trưởng của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa - để lại cho chúng ta những tiền đề và bài học thiết thực trong việc xây dựng và điều hành Chính phủ kiến tạo ngày nay.

Qua 83 trang, sách gồm 3 phần: Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ (1945 - 1946); Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945 -1969); Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và rèn luyện Chính phủ công bộc. Trong đó, tiêu biểu là các bài viết: Thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập; Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I; Chính phủ mới phải tỏ rõ các tinh thần đại đoàn kết; Chính phủ ra Quốc lệnh; Phiên họp đầu tiên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về lại Thủ đô; Hồ Chí Minh mở đầu xây dựng Chính phủ kiến tạo; Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích chữ “công bộc”; Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng; Trước hết mình phải làm gương; Bác Hồ “bắt bệnh và kê đơn” cho cán bộ; Nước ta là nước dân chủ; Chủ tịch Chính phủ tặng “Bút chống quan liêu”;...

Có thể thấy, trong nhiều công việc của Chính phủ, từ mở rộng thành phần Chính phủ đến hướng toàn bộ Chính phủ và những công việc cấp bách, thiết thực như chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lo tìm nhân tài, sắp xếp cán bộ, cùng các thành viên Chính phủ đề ra và thi hành các chính sách đối nội, đối ngoại. Người cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là tấm gương cho cả Chính phủ noi theo. Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Người viết: “Các công việc của Chính phủ làm phủ nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

Với nội dung được hệ thống ngắn gọn súc tích, kèm một số ảnh tư liệu quý, quyển sách “Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam” sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về lịch sử. Đặc biệt thêm hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hoạt động của Người trong Chính phủ Việt Nam. 

Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / B101H
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.020133
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010871; MG.010872

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây