Lời dạy của Bác Hồ về Văn hoá và Thể thao / Sở Văn hoá và Thể thao thành phồ Hồ Chí Minh. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2022. - 245tr : Hình ảnh; 10x15cm 

Thứ năm - 22/12/2022 22:51 1.253 0
Lời dạy của Bác Hồ về Văn hoá và Thể thao / Sở Văn hoá và Thể thao thành phồ Hồ Chí Minh. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2022. - 245tr : Hình ảnh; 10x15cm 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Tư tưởng, sự nghiệp của Người đã trở thành văn hóa có giá trị vô giá, vĩnh cửu. Đó là di sản to lớn mà người để lại cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại.

Từ một người đi tìm đường trở thành người dẫn đường cho dân tộc đi đến độc lập tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền văn hóa cách mạng và bản thân Người là chiến sĩ tiên phong trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa là kim chỉ nam cho chúng ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời không ngừng mở rộng giao lưu văn hóa với thế giới.

Bên cạnh việc quan tâm đến sự nghiệp văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến sự nghiệp thể thao Việt Nam, với quan điểm “Dân cường thì Quốc thịnh”, phải có sức khỏe để phục vụ cách mạng, phụng sự Nhân dân. Người luôn dành cho ngành Thể thao sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và cụ thể.

Từ thực tiễn cuộc sống, vốn với tri thức văn hóa cổ kim, Đông, Tây uyên bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những “lời hay, ý đẹp” trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau , trong đó có văn hóa, thể thao, văn học nghệ thuật và lời dạy cán bộ, đảng viên… trở thành những danh ngôn nổi tiếng, bất hủ.

Quyển sách Lời dạy của Bác Hồ về Văn hoá và Thể thao do Sở Văn hoá và Thể thao thành phồ Hồ Chí Minh thực hiện, nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2022, nhằm phục vụ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu. Sách dày 245 trang nội dung gồm các phần:
Phần thứ nhất: Văn hóa.
Phần thứ hai: Văn học - Nghệ thuật.
Phần thứ ba: Di sản văn hóa.
Phần thứ tư: Thể dục - Thể thao.
Phần thứ năm: Đảng viên.

Trong đó, nói về xây dựng nền văn hóa của Việt Nam, Người chỉ rõ:
“Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của đân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải là cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập.”
 Trích Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I,24/11/1946. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 321.

“Số sách vở nhiều hay là ít cũng chứng tỏ trình độ văn hóa của một dân tộc thấp hay là cao.”
Trích “Liên Xô vĩ đại”, 10/1957, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 141.

Về văn học - nghệ thuật, Người cũng căn dặn:
“… Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp. Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc.”
Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách: Người tốt, việc tốt, 07/6/1968.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.665.

Về di sản văn hóa, Người đã ra Sắc lệnh 65/SL,23/11/1945 :
“Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam... Cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn.” 

Về thể dục - thể thao, Người viết:
“Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao rộng khắp.”
Thư gửi Hội nghị Thể dục Thể thao, 31/3/1960. Báo Nhân dân, số 2205, 01/4/1960. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.542.
Về Đảng viên, Người căn dặn:
“Làm gương cả về ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành và làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”.
Bài nói tại Trường Cán bộ Tự vệ Hồ Chí Minh, 07/01/1946. Báo Cứu Quốc, số 136, 08/01/1946. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011, tr.1.

Với nhiều ảnh tư liệu và nội dung súc tích, Lời dạy của Bác Hồ về Văn hoá và Thể thao là tài liệu quý, thuận tiện giúp bạn đọc và cán bộ đảng viên ngành Văn hóa, Thể thao nói riêng mãi khắc ghi những lời căn dặn giản dị, dễ hiểu tựa như những lời khuyên nhủ. Tìm hiểu, học tập và vận dụng những tư tưởng của Người, để mỗi chúng ta làm cho mình trở nên tốt hơn, tốt với bản thân, với gia đình và xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ước nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời.

Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
 - Môn loại: 306 / L462D
 - Phòng Mượn: MA 26999-27000

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây