Nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sa Đéc và nghệ thuật sân khấu Nam Bộ / Thiện Mộc Lan. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2018. - 212tr.; 22cm

Thứ bảy - 14/09/2019 05:17 2.034 0
Nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sa Đéc và nghệ thuật sân khấu Nam Bộ / Thiện Mộc Lan. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2018. - 212tr.; 22cm
Cô Năm Sa Đéc” là một trong năm cô đào được vinh danh Ngũ Trân Châu của ngành nghệ thuật tuồng cổ. Tên tuổi bà không còn xa lạ gì với những người yêu thích hát bội, cải lương, thoại kịch hay điện ảnh.
Quyển sách “Nữ nghệ sĩ Tiền phong Năm Sa Đéc và nghệ thuật sân khấu Nam Bộ” của tác giả Thiện Mộc Lan do Nxb. Tổng hợp TP. HCM ấn hành năm 2018 sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn trọn vẹn về cuộc đời nghệ thuật của bà, từ hát bội đến cải lương, sang thoại kịch, rồi điện ảnh và cái nhìn chung về nghệ thuật sân khấu ở Nam Bộ.
Sách dày 212 trang với bố cục 3 phần.
Phần 1 giới thiệu về cuộc đời của nữ nghệ sĩ. “Cô Năm Sa Đéc” (tên thật là Nguyễn Kim Chung) trưởng thành từ sân khấu hát bội, tên tuổi của bà luôn sáng chói trên danh vị một nghệ sĩ tiền phong của sân khấu hát bội, cải lương và cuộc hôn nhân hạnh phúc với học giả Vương Hồng Sển. Người đời vinh danh bà là một kiện tướng của nghệ thuật trình diễn với những vai diễn xuất sắc trên sân khấu hát bội như: Đổng Trác, Lữ Bố (tuồng “Phụng Nghi Đình”); Trưng Trắc (tuồng “Trưng Nữ Vương”); Cao Lan Anh (tuồng “Ngũ biến báo phù cừu”); Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn (tuồng “Trảm Trịnh Ân”),…
Phần 2 trình bày sự phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương của vùng đất Sa Đéc xưa. Quyển sách ghi nhận sự phát triển của phong trào đờn ca tài tử từ những năm đầu của thế kỷ XX đến nay, không chỉ vùng đất Sa Đéc mà còn của cả Nam Bộ với nhiều tên tuổi. Sự phát triển của Ban tài tử Bảy Đồng đến thành lập nhóm “Sedec Amis” (Nhóm Bạn hữu Sa Đéc), gánh hát Thầy Tư Thận. Trương Duy Toản và Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là hai soạn giả nổi tiếng của lớp tiền phong. Sự ra đời của gánh hát Thầy Năm Tú, Đoàn cải lương Tân Thinh,… Đặc biệt là sự ra đời của nghệ thuật cải lương với những vở cải lương đầu tiên như: “Lục Vân Tiên”, “Kim Vân Kiều, “Lưu Bình - Dương Lễ”,…
Phần 3 giới thiệu tên tuổi của một số nghệ sĩ cùng quê với bà, đó là các tài danh như: Soạn giả Lê Hoài Nở - ngòi bút trào phúng bậc nhất của sân khấu cải lương; Các nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, Nguyễn Văn Thinh - trọn một đời với nghiệp cầm ca; Danh ca Tám Thưa; Các soạn giả: Thanh Nha, Hoài Ngọc; Các Nghệ sĩ Nhân dân: Đinh Bằng Phi, Diệp Lang,…
Quyển sách “Nữ nghệ sĩ Tiền phong Năm Sa Đéc và nghệ thuật sân khấu Nam Bộ” đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 792.092/N550NGH
- DV.55050
* Phòng Mượn:
- 792.092/N550NGH
- MG.9285, MG.9286

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây