Chiến tranh không bao giờ là một ngày hội. Và những người lính ra trận không phải để múa hát. Họ ra trận để đánh giặc và chấp nhận một sự thật giản đơn kinh khủng: một chết, hai sống sót. Chúng ta thường nghe câu nói “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. “Xanh cỏ” thì ai cũng biết là gì. Còn “đỏ ngực” là sống mà có huân chương. Nhưng không người lính nào mong có huân chương cả, họ chỉ mong, nếu Trời thương, thì cho sống sót trở về.
Trong nền văn học Việt Nam, nhiều tác phẩm viết về chủ đề này đã tạo được tiếng vang lớn trên văn đàn, chạm vào trái tim thổn thức của những người vừa chớm được hưởng thành quả ngọt lành của hoà bình. Người cựu chiến binh Đoàn Tuấn đã chọn hướng ngòi bút của mình vào cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, về nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng của quân đội Việt Nam trong việc giúp đỡ, cứu dân tộc Campuchia trước nạn diệt chủng, mà chính ông đã trực tiếp tham gia với tư cách trợ lý chính trị tiểu đoàn và “tiếp xúc với nhiều đau thương”.
Đau thương ấy đã thôi thúc ông viết lên những trang hồi ký “Mùa linh cảm” một cách chân thật, sâu sắc như một lời tri ân đồng đội, những người đã “ngã xuống bên ngoài Tổ Quốc”. Sách dày 196 trang, do Nhà xuất bản trẻ ấn hành năm 2019.
Có cái chết nào mà không mang theo bao nhiêu nước mắt, có cái chết nào không khiến người ở lại muốn đứt ruột đứt gan, đặc biệt là khi thân xác họ phải vùi lấp nơi đất khách quê người. 18 nhân vật, 18 bức chân dung được những người đồng đội vẽ lại, dựng lại bằng lời kể chân thành, những trang viết thấm đẫm thương đau.
Từng trang nhật ký, từng dòng hồi ký của rất nhiều đồng đội, thân nhân của các tử sĩ được lật giở vừa là sự thật đến đau đớn vừa là một góc tâm linh huyền diệu, bí ẩn về sự “linh cảm”, về những giấc mộng báo tin, về những điều linh thiêng, huyền hoặc.
Với những người lính ra trận, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, những thứ gọi là “điềm” mang ý nghĩa về tinh thần rất lớn lao. Đôi khi chỉ một tấm bùa chú cũng mang lại niềm tin, là điểm tựa cho lính tráng trong những ngày trận mạc, trong những giây phút cận tử, gieo vào tâm họ niềm hi vọng được bình an, sống sót trở về. Những việc bình thường như mặc quân phục mới, đánh vỡ gương, ăn cơm nhão, cơm khê, cơm sống… đều trở thành nỗi lo sợ mơ hồ giày vò tinh thần những người lính.
Có rất nhiều điều mà nền khoa học hiện đại chưa có lời giải thích thỏa đáng được viết, được kể, được tâm niệm trong những trang ký thương tâm khiến cho cuốn sách mang đầy vẻ kỳ bí, lạ lùng.
“Mùa linh cảm” – thứ “mùa” đau đớn và kỳ lạ một lần nữa phơi bày sự trần trụi, đau thương của chiến tranh khi viết về từng cái chết một, lần lượt, lần lượt mà người đọc chỉ biết tràn nước mắt. Những người lính ấy còn đang trong độ tuổi bồng bột, dại khờ, từng mong mình bị thương rồi chụp một tấm ảnh, gửi về cho các bạn trong lớp cũ cho oai! Để rồi, sau khoảnh khắc, người còn sống, người “hoá trăm mảnh sao trời”. Những thân xác nát tan vì bom mìn, những nỗi đau đớn tận cùng cho đến lúc chết bởi thuốc men, phương tiện còn thiếu thốn, việc không chôn các phần thi thể cùng nhau, những thân xác trương sình mới đưa được về điểm tập kết để còn có cơ hội tìm thấy để lại nỗi day dứt cho người ở lại đến mãi sau này.
Đã gần nửa thế kỷ qua đi kể từ khi nghĩa vụ quốc tế được hoàn thành, với độ chín của sự nghiền ngẫm, của sự chiêm nghiệm từ đồng đội, từ việc đau đáu cho ra đời một tác phẩm để tri ân những người con anh hùng ngã xuống phía bên ngoài Tổ quốc, Mùa linh cảm cùng các tác phẩm khác trong bộ sách Bốn mùa của Nhà xuất bản Trẻ đã đem đến một góc nhìn thật chân thật và sống động về chân dung của những người lính nơi chiến trường K đầy khốc liệt.
Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
Ký hiệu phân loại: 895.92283403 / M501L
▪ PHÒNG MƯỢN: MV.021492; MV.021493