Chú Tễu kể chuyện Tết Trung thu / Lê Phương Liên sưu tầm, biên soạn; Minh hoạ: Vương Linh. - Tái bản lần thứ 1. - H. : Kim Đồng, 2016. - 42tr. : Tranh màu; 19cm

Chủ nhật - 08/09/2019 23:22 2.217 0
Chú Tễu kể chuyện Tết Trung thu / Lê Phương Liên sưu tầm, biên soạn; Minh hoạ: Vương Linh. - Tái bản lần thứ 1. - H. : Kim Đồng, 2016. - 42tr. : Tranh màu; 19cm
Với trẻ thơ, Trung thu là một trong những tết vui nhất trong năm vì có thật nhiều quà ngon và những trò chơi lí thú. Dưới ánh trăng sáng ngời, các bạn sẽ được đùa vui và hát vang những bài ca rộn ràng về chú Cuội, về chị Hằng, về cả trăng và sao. Hấp dẫn hơn, tất cả còn được thưởng thức những hoa quả và bánh kẹo thơm ngon trong dịp “phá cỗ”. Không chỉ có vậy, trẻ con còn được rước đèn ông sao đi khắp thôn làng, khu phố, trong tiếng trống rộn ràng. Vì sao lại có Tết Trung thu? Chị Hằng và chú Cuội là ai? Lễ rước đèn ông sao ngày xửa ngày xưa diễn ra như thế nào? Mời bạn lắng nghe chú Tễu kể chuyện, khám phá nhiều điều hấp dẫn trong quyển sách “Chú Tễu kể chuyện Tết Trung thu”.
Quyển sách có độ dày 42 trang, do Lê Phương Liên sưu tầm và biên soạn, Nxb. Kim Đồng ấn hành năm 2016.
Trong quyển sách này, bạn sẽ được nghe chú Tễu kể về nguồn gốc Tết Trung thu. Theo đó, Tết Trung thu (hay còn gọi là Tết Trông trăng, Tết Nhi đồng) được diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hằng năm (theo âm lịch). Ở nước ta, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hình vẽ tả Tết Trung thu trên trống đồng có từ thời Hùng Vương. Và theo văn bia chùa Đọi (năm 1121), từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Dưới ánh trăng thu, mọi người uống trà, nhắm rượu, ngắm trăng, chiêm nghiệm và dự đoán những điều trong tương lai. Bởi vậy mà thành ngữ dân gian ta vẫn có câu: “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.
Đối với trẻ con, Trung thu là dịp vui nhất trong năm với biết bao trò chơi và những câu chuyện cổ lí thú, như câu chuyện về Chú Cuội - một anh chàng rất hay nói dối nhưng lại cực kì tốt bụng, hay chị Hằng Nga - tiên nữ trên cung trăng, thường ban cho người dân may mắn và bình an qua phong tục “bái nguyệt” vào Tết Trung thu.
Theo từng trang sách, bạn còn biết mỗi lễ vật được cúng trong Tết Trung thu đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Vì thế, người Việt quan niệm rằng, ăn uống để tiếp thêm sức mạnh của trời đất, đủ sức chống lại mọi thiên tai, dịch bệnh. Chính vì vậy, Tết Trung thu là dịp các bậc ông bà, cha mẹ đều muốn cho cháu “phá cỗ” thật vui vẻ, ăn uống thật thỏa thích, để mong con mình sẽ “hay ăn chóng lớn”.
Vào dịp Rằm tháng Tám, từ thời xa xưa, đã có tục lệ làm đèn lồng, đèn con thỏ, đèn con cóc, đèn cá chép… Những vật phẩm này đều làm bằng giấy màu, có cốt nan tre và mang một ý nghĩa riêng: Đèn con thỏ chính là biểu thị của Thỏ Ngọc, vị thần đã tạo nên viên thuốc trường sinh cho Hằng Nga; Đèn con cóc (đèn Thiềm Thừ) biểu thị cho sự cầu mong mưa thuận, gió hòa của cư dân trồng lúa nước; Đèn cá chép là bắt nguồn từ sự tích cá chép hóa rồng, với ý nghĩa cầu mong cho con cháu học hành giỏi giang, tấn tới.
Và còn rất nhiều thông tin hay và bổ ích khác được chú Tễu kể trong quyển sách này, như không khí rộn ràng của những điệu múa Kì Lân, của lễ rước đèn, hội thi, lễ ngắm trăng... Mời các bạn tìm đọc quyển sách “Chú Tễu kể chuyện Tết Trung thu” tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
Phòng Thiếu nhi:
394.269597/CH500T
NB.10057, NB.10058.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây