THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY

http://cantholib.org.vn


CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 03 (18/01– 24/01/2021)

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
       Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Ăn gì cho đẹp ?” của DS Lê Kim Phụng, trích từ báo Tuổi trẻ. 
   Ăn protein để sửa chữa và xây dựng cơ bắp. Gắng sức về thể chất luôn kích hoạt sự phân hủy protein cơ bắp, nhưng tốc độ phân hủy có liên quan đến loại hình và cường độ tập luyện. Nghiên cứu cho thấy 20-40 gam protein là lượng lý tưởng để tối đa hóa khả năng xây dựng cơ bắp. Lựa chọn protein thông minh gồm trứng, sữa chua, cá hồi, thịt gà, cá ngừ...
   Ăn carbs để tái tạo nhiên liệu. Carbohydrate (carbs) là một yếu tố dinh dưỡng đa lượng, là thành phần cơ bản trong thức ăn của con người. Carbs cùng với protein, lipid, vitamin và khoáng chất giúp con người duy trì sự sống, sinh trưởng và phát triển. Glycogen là nhiên liệu do cơ thể tạo ra từ glucose và nó được dự trữ trong cơ bắp của chúng ta. Glucose có nguồn gốc từ carbohydrate, vì vậy ăn carbs sau khi tập thể dục giúp bổ sung glycogen đã cạn. Lựa chọn carbs ăn nhẹ như gạo, bánh gạo, khoai lang, khoai tây trắng, trái cây, bánh mì nướng...
   Bổ sung chất béo. Chất béo thường được cho là xấu, đặc biệt là khi dùng nó để duy trì sức khỏe cân nặng. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra chính chất đường mới là thủ phạm tồi tệ nhất. Ăn một ít chất béo cùng với carbs và protein sau khi tập luyện sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa nhưng không ức chế sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Cho dù các chuyên gia không khuyên nên nạp thêm chất béo, nhưng cũng đừng lo lắng rằng việc thêm một chút chất béo vào bữa ăn sẽ làm hỏng mục tiêu tập thể dục để giảm cân. Nên chọn các chất béo như các loại hạt, bơ hạt như bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân, dầu ôliu, sôcôla đen...
   Bổ sung nước đầy đủ. Cần nhớ kỹ phải uống nước trước, trong và sau khi tập luyện. Giữ đủ nước giúp tạo ra một môi trường tối ưu để cơ thể có thể thực hiện các phản ứng quan trọng trong quá trình tập luyện cũng như trong giai đoạn phục hồi. 
   Ngoài nước lọc thì nước dừa, nước trà đen và trà xanh cũng giống như nước ép anh đào, nước trà chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao đã được chứng minh là giúp giảm đau nhức cơ bắp, phục hồi sức mạnh cơ bắp nhanh hơn.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Cách mạng Tháng Tám - Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946
     - Tư duy hệ thống trong công việc.    

 
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - XÂY DỰNG
VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN 1945 - 1946

    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lật đổ chế độ quân chủ phong kiến hàng nghìn năm, đánh tan xiềng xích gần 100 năm, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra bước ngoặc vĩ đại của cách mạng, dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Trong đó, cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 
    Quyển “Cách mạng Tháng Tám - Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 - 1946” là Văn kiện được Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước công bố, NXb. Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2020 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về một gian đoạn lịch sử của đất nước ta với muôn vàn khó khăn, nhưng đã có những thành quả cách mạng quan trọng, khẳng định bản chất ưu việt của chế độ mới - cơ sở góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong những giai đoạn sau này.
    Với độ dày 663 trang, quyển sách gồm 4 phần: 
    Phần 1: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
    Phần 2: Xây dựng và củng cố chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
    Phần 3: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
    Phần 4: Kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ nền độc lập (1946).
Có thể thấy rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng dù còn non trẻ nhưng đã thể hiện rõ bản chất tiến bộ của một nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Quá trình xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền cách mạng từ Trung ương tới địa phương và cơ sở được tiến hành đồng thời với nhiệm vụ kháng chiến chống xâm lược, trấn áp các thể lực phản cách mạng và chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân. Trong đó, Tổng tuyển cử đầu tiên và sự ra đời của Quốc hội là minh chứng ghi dấu vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử  bầu Quốc hội khoá I: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/1/1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”. 
     Ngày 30/10/1946, tại phiên họp Quốc hội đã chuẩn y “đề nghị suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự hoạt động, lãnh đạo toàn dân của Quốc hội là một trong những nhân tố quan trọng khởi đầu tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, cả trong giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ và được tiếp nối, phát huy đến giai đoạn hiện nay và sau này.
    Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ với mã số:  ▪ Ký hiệu phân loại: 959.704 / C102M;    ▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019015

 
TƯ DUY HỆ THỐNG TRONG CÔNG VIỆC 

   Bạn có muốn tư duy một cách tinh vi hơn? Bạn có muốn tìm hiểu xem tại sao một số việc xảy ra có vẻ ngẫu nhiên nhưng một số khác lại dường như theo quy luật? Hay bạn có muốn trở nên năng suất hơn bằng việc tìm kiếm những cách làm đỡ tốn thời gian, công sức? Bạn có muốn tìm được cách làm việc thông minh hơn? 
   Quyển sách “Tư duy hệ thống trong công việc” của tác giả Steven Schuster (Diệp Ngô dịch) sẽ giúp bạn cách làm thế nào để thay đổi tư duy. Sách do NXB Thế giới ấn hành năm 2020 với 163 trang trình bày những kiến thức nền tảng của tư duy hệ thống; các mô hình và phương pháp tư duy hệ thống nhằm ứng dụng vào trong công việc, trong các mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày qua 11 chương gồm: Tư duy hệ thống là gì? Các phần của tư duy hệ thống; Các loại tư duy; Cách thức chuyển tư duy từ tư duy hệ tuyến tính sang tư duy hệ thống; Thấu hiểu hành vi hệ thống; Lỗi hệ thống; Hệ thống suy giảm; Leo thang; Tại sao người giàu ngày càng giàu? Tư duy hệ thống trong các mối quan hệ; Thông điệp quan trọng từ tư duy hệ thống. 
   Đọc sách, bạn đọc sẽ hiểu rõ rằng: Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn khi ta nhìn thế giới xung quanh theo cách toàn diện. Mỗi thành phần cấu thành nên một hệ thống rất quan trọng, nếu chúng thay đổi, hệ thống sẽ thay đổi. Cách thức nhận diện vấn đề để áp dụng loại tư duy phù hợp sẽ mang đến hiệu quả thiết thực cho các vấn đề. Việc chuyển từ tư duy tuyến tính sang tư duy hệ thống là không dễ dàng nhưng nó đáng giá để bạn thử. 
   Việc thấu hiểu hành vi hệ thống được ví như việc bạn hiểu được quá trình gieo hạt trồng tất cả đều cần bước đệm thời gian, chứ không phải hạt sẽ lớn thành cây chỉ sau một đêm. Nếu mọi người có thể buông bỏ mục tiêu cá nhân của mình để chuyển nỗ lực và sức lực hướng tới mục tiêu lớn hơn và quan trọng hơn trong hệ thống thì chúng ta có thể đạt được những điều tuyệt vời. Những nhận thức tiêu cực sẽ làm suy giảm mục tiêu và tiêu chuẩn. Leo thang là vòng lặp phản hồi tăng cường và không thể duy trì cho đến phút cuối, cách tốt nhất là không bước vào nó ngay từ đầu. Chính vòng lặp phản hồi tăng cường đã được tạo ra và trở thành một bức tường kiên cố trong hệ thống của người giàu nên người giàu sẽ càng giàu hơn, nếu họ luôn tận dụng các ưu thế sẵn có. 
   Áp dụng tư duy hệ thống để tạo nên các mối quan hệ bền vững là tránh các vòng lặp phản hồi tăng cường tập trung vào mặt tiêu cực. Bài học từ tư duy hệ thống đó là hãy mở rộng xem xét mọi khả năng để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Đó chính là tìm kiếm sự đơn giản trong thế giới phức tạp. 
   Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Tư duy hệ thống trong công việc” để nâng cao kỹ năng quan sát, giải quyết vấn đề theo logic và làm việc thông minh hơn. Sách được Thư viện TP Cần Thơ phục vụ với ký hiệu phân loại: 153.4 / T550D.
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058925; ▪ PHÒNG MƯỢN: MH.011726; MH.011727

  III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Đờn ca tài tử - nét đẹp từ tiếng lòng của con người miền sông nước” của Nguyễn Hằng, trích từ Báo Du lịch. 

   Tiếng hát từ chính cuộc sống, từ chính tiếng lòng con người và cả một vùng đất luôn là món quà quý giá nhất. Đờn ca tài tử khi cất lên, ta hiểu được cả nỗi lòng của con người miền sông nước. 
   Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, hay còn gọi là Đờn ca tài tử. Đó là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kì 19. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đàn và ca. Những người bình dân Nam bộ đã sáng tác để hát chơi những ca khúc này sau những giờ lao động mệt mỏi. Có lẽ, vì thế mà nó mang nặng chất mặn mòi của phù sa, cái tình của con người miệt vườn trong đó. Chữ “tài tử” có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về ca nhạc. Lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện thêm hình thức ca nữa nên nghệ thuật này được gọi là đờn ca. 
Đặc điểm của Đờn ca tài tử
 Các bài bản của Đờn ca tài tử được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam. Các bài bản này được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cô và đặc biệt là từ 20 bài gốc cho 4 điệu, gồm: 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia li).
 Nhạc cụ được sử dụng trong đờn ca tài tử khá phong phú. Bao gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan,… Từ khoảng năm 1930 thì có thêm đàn ghita phím lõm, violin, ghita Hawaii (đàn hạ uy cầm).
Người thực hành Đờn ca tài tử gồm người dạy đàn (thầy Đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi các nhạc cụ, người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới, người dạy ca (thầy Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến,…; người Đờn (Danh cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca là người thể hiện các bài bản bằng lời.
    Để tạo nên những bản đờn ca hay, cuốn hút lòng người cần có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa cả đờn và ca. Tiếng đờn cất lên, tiếng ca vang vọng khắp sông nước như nói hộ tiếng lòng của người dân. Ở đó có niềm vui, có nỗi buồn, có hạnh phúc và cả sự chia ly. 
    Nét đẹp diệu kỳ của đờn ca tài tử
   Cũng giống như nhiều thể loại nhạc dân gian khác, đờn ca tài tử cũng bắt nguồn từ cuộc sống thường nhật. Nhờ đó mà nó gây được xúc cảm, nó dân giã và gần gũi. 
    Bây giờ ở đâu, lúc nào, người dân Nam Bộ cũng tự hào về tài sản tinh thần chung của người dân miền sông nước – đờn ca tài tử. Bởi đó chính là tiếng lòng của họ, bởi nó được nuôi dưỡng qua biết bao nhiêu thế hệ con người. Nó lớn lên, được vun đắp tình thương, được nhiều thế hệ vun vén và xây đắp. Họ nói những âm điệu quê hương ấy đã chảy trong huyết quản của họ để thành “máu đờn ca”. Nghe bạn ca, ai cũng có thể gật gù theo tiếng song loan gõ nhịp, thưởng thức cung bậc bổng trầm, cảm câu ca, chữ nhạc và đánh giá tổng hòa bằng lời suýt soa: “mùi quá”, “đã quá” hoặc cười xòa khi người thể hiện bị lỡ nhịp. 
 Người dân Nam Bộ tự hào về điệu hát quê hương
 Những người con của miền sông nước có niềm tự hào riêng về đờn ca tài tử. Vì đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật duy nhất vừa có được sự sang trọng, công phu của thể loại nhạc thính phòng, vừa có sức lan tỏa trên phạm vi rộng lớn nhất. Và ngay trong cuộc sống đương đại, đờn ca tài tử vẫn lan rộng khắp những con sông, trên những chuyến đo, trong sân nhà, ngoài ngõ,… Cuộc sống có luân chuyển, đổi thay thì những tiếng ca, tiếng đờn vẫn thế. Nét mộc mạc, giản đơn của đờn, giọng hát mặn mà, tha thiết của người hát cứ vang vọng mãi cho đến cả cuộc sống ngày hôm nay. 
Không khó để người ta có thể thưởng thức được những điệu đờn ca tài tử khi đến với miền Tây sông nước. Đến đây, đi ở ngoài đường, thỉnh thoảng ta vẫn có thể nghe một câu vọng cổ vang vọng đâu đó, ngồi trên sông cũng có thể nghe vài điều đờn ca tài tử vọng lại. 
 Vào những đêm trăng sáng, ở các miệt vườn, các bến tàu, bến thuyền, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những đội diễn đờn ca tài tử của người dân miền Tây. Nó giống như một nét văn hóa đặc trưng, một nếp sinh hoạt thường ngày của con người miền sông nước vậy. Đối với họ, đó là một lối sống. Có thể nói, đối với người dân miền Tây, tình yêu với bộ môn nghệ thuật này đã thấm vào máu thịt. 
   Người trẻ của ngày hôm nay được được gieo vào trong tim một tình yêu bất diệt với đờn ca tài tử. Họ hát bằng chính những cách mà người đi trước truyền dạy. Nhờ đó, ta hiểu hơn về con người miền Tây, những nỗi lòng, niềm vui và nỗi buồn của họ. 
    Nếu một lần đặt chân đến miền Tây sông nước, sao không thử dành một khoảng thời giờ nào đó, đắm mình trong những giai điệu đờn ca tài tử, bạn sẽ thấy yêu hơn đất nước và con người Việt Nam.
     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.





 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây