Chuyên mục truyền thanh Tuần 12 (16/3 – 22/3/2020)

Thứ sáu - 28/08/2020 03:50 783 0



I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Mùa lạnh: Cơ thể càng nhạy cảm với cúm!” trích từ báo Sức khỏe và đời sống.
Cúm cũng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hay hiếm gặp hơn là viêm cơ tim và cần phải nhập viện.
     Một buổi sáng, khi thức dậy bạn hắt hơi, ho, sổ mũi hoặc đau nhức, sốt, thân hình uể oải không muốn cử động, làm sao bạn biết mình mắc phải triệu chứng cảm lạnh hay cúm? Dân gian ta thường lầm “cảm cúm” là do virut cúm nhưng thật sự ra “cảm” và “cúm” là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Cúm nghĩa là nhiễm virut cúm với mỗi năm mỗi virut khác nhau, còn cảm là bệnh lý do virut thông thường gây ra hoặc do thay đổi thời tiết, tạng người dị ứng, sức đề kháng kém.
     Cảm lạnh thông thường
     Cảm lạnh thường bắt đầu bằng triệu chứng đau họng và sẽ khỏi sau một hoặc hai ngày. Các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, cùng với ho sẽ xuất hiện khoảng ngày thứ tư và thứ năm. Người lớn bị cảm lạnh thường ít sốt cao, nhưng có thể bị sốt nhẹ. Trẻ em có nhiều khả năng bị sốt khi mắc cảm lạnh. Vài ngày đầu, người bệnh chảy nước mũi trong. Sau đó, nước mũi trở nên đặc và thẫm màu, đó là diễn tiến rất tự nhiên.
     Phần lớn các trường hợp cảm lạnh không kéo dài ngày, triệu chứng nhẹ, ít sốt cao và khả năng lây ít hơn so với bệnh cúm, thường không gây đau nhức mình mẩy. Cảm ít khi gây ra biến chứng và sẽ tự hết. Tuy nhiên, ngủ kém, dinh dưỡng không đủ khiến sức đề kháng kém đi, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng, nên mới dễ bị cảm sụt sùi. Do đó, cảm lạnh cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để virut cúm tấn công tiếp theo sau đó, đặc biệt là vào mùa lạnh.
     Cúm
     Vào mùa lạnh, người ta rất coi trọng bệnh cúm vì khả năng virut sống, tồn tại trong môi trường ở nhiệt độ thấp dễ dàng hơn và lây lan nhiều hơn. Đặc biệt vào mùa lạnh, cơ thể người “hợp” với virut cúm nhiều hơn vì lúc đó sức đề kháng dễ suy giảm.  Cúm nhiều khi lây cho cả gia đình. Triệu chứng cúm xuất hiện đột ngột và rất rầm rộ như sốt rất cao (39 - 40oC), đau nhức mình mẩy, đau hốc mắt, sổ mũi, hắt xì với tần suất nhiều, thậm chí cả nôn mửa và tiêu chảy.
     Bệnh cúm ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động, vì người mắc bệnh cảm vẫn có thể đi làm được. Còn theo thời gian, các triệu chứng của bệnh càng diễn tiến càng làm cho người bệnh mệt mỏi, toàn thân đau nhức, đau hốc mắt, cay mắt, chảy nước mắt và dễ lây bệnh cho người khác nên phải ở nhà ít nhất từ 3 - 5 ngày.
     Điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng cách hạ sốt, giảm ho, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn nhiều trái cây tươi. Đối với cúm nặng hoặc cúm trên cơ địa đặc biệt, người ta mới dùng đến thuốc kháng virut. Một biến chứng phổ biến của cúm là viêm phổi, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, hen suyễn hoặc những người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, phổi.
Do đó, bệnh nhân phải theo dõi hơi thở. Nếu bị khó thở, thở hổn hển, thở gấp hoặc thở mệt, bệnh nhân phải được nhập viện để bác sĩ theo dõi sát diễn tiến của bệnh và kịp điều trị, phòng ngừa các biến chứng nặng. Một dấu hiệu thông thường khác của bệnh viêm phổi là sốt xuất hiện trở lại sau khi đã biến mất trong một hoặc hai ngày.
     Giống như các loại virut, virut cúm xâm nhập vào cơ thể qua các màng nhầy ở mũi, mắt, hoặc miệng và có thể lây nhiễm nếu chạm tay vào các mặt phẳng bị nhiễm bẩn. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa đầu tiên và rất quan trọng là phải giữ rửa sạch bàn tay để ngăn ngừa cả cúm và cảm lạnh. Trẻ em trên 6 tháng cho đến người cao tuổi nên đi chích ngừa cúm mỗi năm một lần, vì virut cúm có đặc tính thay đổi theo năm.
     Ở người lớn, lâu nay ít bệnh, tự nhiên sốt cao, đau nhức mình mẩy, sụt sùi, ho, sổ mũi thường là mắc phải cúm.
     Trẻ em dễ bị cảm hơn cúm, vì có nhiều loại virut khác virut cúm ảnh hưởng. Và trẻ em chưa tích lũy đủ lượng kháng thể so với các loại virut có trong tự nhiên. Một nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam ghi nhận, ở trẻ bị ho - sốt - sổ mũi, chỉ 20 - 30% do virut cúm.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Quản lý bền vững biển, đảo Việt Nam.
     - Đời không plastic.
 
QUẢN LÝ BỀN VỮNG BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM

     Nằm trong khu vực Biển Đông, biển Việt Nam giàu, đẹp và có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng; cung cấp tiềm năng to lớn và tạo tiền đề cho nước ta phát triển kinh tế biển bền vững. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò đặc biệt của kinh tế biển trong chiến lược phát triển và bảo đảm các quyền và lợi ích biển, đảo của đất nước.
     Quyển sách “Quản lý bền vững biển, đảo Việt Nam” do Nguyễn Chu Hồi, Nguyễn Hải Ninh và Nguyễn Văn Thành biên soạn, Nxb. Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2018 sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản về biển, đảo và việc quản lý biển, đảo của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
      Sách dày 246 trang, được cấu trúc thành 04 phần.
     Phần giới thiệu khái quát về vai trò của biển và đại dương đối với sự phát triển của xã hội loài người; và vai trò, vị thế của Biển Đông trên thế giới và trong khu vực.
     Phần 2 trình bày vị thế, tiềm năng biển, đảo Việt Nam theo góc nhìn liên kết không gian giữa một “Việt Nam biển” và một “Việt Nam đất liền”.
     Phần 3 mô tả hoạt động và hiệu quả của một số lĩnh vực kinh tế biển, trên cơ sở đó phân tích các tác động chủ yếu đến tài nguyên và môi trường biển ở nước ta hiện nay.
     Phần 4 trình bày thực trạng công tác quản lý biển, đảo ở Việt Nam hiện nay và khuyến nghị một số giải pháp hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển theo tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 22/10/2018 về “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
     Quyển sách là một tài liệu tham khảo hữu ích giúp nhân dân có cách hiểu thống nhất, đúng đắn đối với các vấn đề biển, đảo của nước ta trong bối cảnh hiện nay ở Biển Đông.
     Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu tại phòng Đọc với ký hiệu phân loại: 320.109597/QU105L, mã số: DV.056610; phòng Mượn có mã số: MA.021158, MA.021159.
 
ĐỜI KHÔNG PLASTIC

     Mặc dù túi nilon và một số vật được làm từ nhựa mang lại những lợi ích cho cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên quá trình sản xuất và xử lý chúng lại gây ra mối đe dọa lớn cho trái đất. Nhựa không chỉ làm ảnh hưởng đến đất, nước, không khí, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhận thức được ảnh hưởng từ ô nhiễm nhựa đến môi trường, Hiệp hội Bảo tồn Biển đã cho ra đời quyển sách “Đời không plastic”. Sách do Hoàng Ngọc Phố dịch và được Nxb. Dân Trí ấn hành năm 2019.
     Với độ dày 261 trang, quyển sách bao gồm 12 bài viết xung quanh vấn đề những vật dụng được làm bằng nhựa và lợi ích cũng như tác hại của chúng. Thông qua các bài viết, quyển sách chỉ ra cho chúng ta thấy chúng ta đã lệ thuộc vào nhựa như thế nào và cách nào để thoát ra khỏi sự lệ thuộc ấy, khi thức giấc, trong bữa ăn, trong vệ sinh hàng ngày, chăm sóc thú cưng, thể thao, du lịch,... nghĩa là trong hầu hết các hoạt động của sự sống.
     Quyển sách không khuyên người đọc bài xích các vật phẩm làm từ nhựa, và dành nhiều trang nói lên tầm quan trọng của nhựa, để chúng ta thấy sự tuyệt vời của nhựa khi được ứng dụng đúng nơi, đúng chỗ. Bạn có toàn quyền quyết định với lối sống của mình. Và môi trường, thiên nhiên phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn đó của bạn. Chính vì vậy, cuối mỗi chương, các tác giả đưa ra những cách để chúng ta có thể giảm thiểu tối đa việc sử dụng nhựa ngay từ những điều nhỏ nhất. Ví dụ như hạn chế sử dụng túi ni lông bằng cách sử dụng giấy gói hoặc túi vải (hoặc tái sử dụng chiếc túi ni lông bạn được đưa cho), sử dụng những vật dụng tái chế, mua đồ ăn bằng hộp cá nhân cũng như luôn mang theo bình nước cá nhân khi ra ngoài.
     Quyển sách sẽ là người bạn đồng hành cho những ai quan tâm đến việc bảo vệ môi trường mà vẫn còn trăn trở nên bắt đầu từ đâu, sẽ là niềm cảm hứng để chúng ta cùng bắt đầu chia sẻ, lan tỏa những hành động chúng ta có thể cùng làm để bảo vệ thiên nhiên
     Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu tại phòng Đọc với ký hiệu phân loại: 363.739/Đ462KH, mã số: DV.056642; phòng Mượn có mã số: MA.021223, MA.021224.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Cái kén và con bướm
     
Một người đàn ông tìm thấy một cái kén của sâu bướm. Con sâu dường như đang cố gắng để chui ra khỏi kén. Người đàn ông ngồi xuống và quan sát cái kén suốt hàng giờ nhưng dường như con sâu bướm phải vật lộn rất vất vả mà chỉ tạo ra được một chiếc lỗ nhỏ xíu. Đột nhiên nó dừng lại và dường như kiệt sức, bế tắc.
     Người đàn ông quyết định giúp con bướm có thể chui ra ngoài bằng cách dùng kéo cắt lỗ trên chiếc kén rộng thêm một chút nữa. Sau đó, con bướm nhỏ đã có thể thoát ra khỏi kén dễ dàng hơn nhưng cơ thể nó dường như yếu ớt, đôi cánh rúm ró.
     Người đàn ông vẫn ở đó, chờ cho đôi cánh bướm có thể dang rộng và con bướm bay lên. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra. Con bướm sẽ chỉ có thể sống phần đời con lại bằng cách bò với cơ thể khuyết tật và đôi cánh rúm ró. Nó không bao giờ có thể bay,
     Mặc dù, người đàn ông có lòng tốt, nhưng anh ta không hiểu quy luật của tự nhiên. Cái kén chật hẹp là thử thách để sâu có thể hóa bướm. Chỉ có tự mình nỗ lực thoát khỏi cái kén, chất lỏng trong cơ thể sâu mới chuyển hết sang đôi cánh, giúp nó có thể bay tự do.
     Bài học: Cuộc chiến với cuộc sống giúp chúng ta phát triển sức mạnh. Không đấu tranh, chúng ta không bao giờ trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Tự mình giải quyết các vấn đề, không dựa dẫm vào người khác là điều rất quan trọng để bạn có thể vững vàng trong cuộc sống. /.

     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
      Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây