Chuyên mục truyền thanh Tuần 609 (09/12 – 15/12/2019)

Thứ ba - 11/02/2020 03:55 942 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Có nên coi "bữa sáng như ông hoàng"?”  được trích từ tạp chí Gia đình.
    TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay, bữa sáng là chủ đề các nhà khoa học dinh dưỡng tranh luận nhiều.
    Nhiều quan điểm ủng hộ bữa sáng quan trọng nhất trong ngày. Họ cho rằng sau khi kết thúc buổi tối, con người cần có nạp năng lượng đảm bảo cho một ngày. Có những nghiên cứu còn chỉ ra mối liên quan giữa bữa sáng và trí nhớ, huyết áp, giảm cân.
    Ngoài ra, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng cho hay, thời gian lưu lại thức ăn trong dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Độ tuổi, giới, hoạt động thể lực, trạng thái tâm lý, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào bản chất hoá học của thức ăn. Ví dụ: Glucid lưu lại trong dạ dày trung bình 4 giờ, protid 6 giờ và lipid là 8 giờ.
    Qua một đêm nghỉ ngơi dạ dày đã trống rỗng, nếu không ăn sáng thì không tốt vì từ bữa ăn tối đến sáng hôm sau thời gian nhịn ăn tối thiểu là 10 giờ.
    Dạ dày luôn co bóp lúc có thức ăn cũng như khi không có thức ăn. Khi dạ dày co bóp không có thức ăn sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày và có cảm giác cồn cào. Đồng thời khi quá đói, đường huyết hạ dễ mệt mỏi và giảm năng suất lao động.
    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nên duy trì 7 bữa sáng trong tuần. Nhiều nghiên cứu ở Nhật Bản cho ra, những người duy trì thói quen ăn sáng sẽ tạo thói quen tốt cho cơ thể, còn nếu không ăn sáng, nhiều người có xu hướng hút thuốc hoặc không ăn trái cây, rau củ. Nếu nhịn tới bữa trưa thì sẽ ăn gấp đôi, nguy cơ bị tiểu đường.
    Ngược lại, có những nhà khoa học lại cho rằng khi lọc bỏ yếu tố nhiễu, ăn sáng chỉ là một phần trong tổng thể, tùy thuộc vào từng người. Thậm chí có người cho rằng bỏ bữa ăn sáng nằm trong liệu trình giảm cân. Vì dù bữa ăn trưa có tăng lên thì năng lượng cũng tiêu hao đi từ 200-400kcalo/ngày.
    "Sẽ không có công thức chung cho mọi người mà tùy vào từng người" - TS Sơn nói và cho rằng, việc ăn sáng thì quan trọng, nhưng quan trọng đến đâu phải tùy vào độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng và cách sống nữa.
    Không ít người coi ăn sáng là chiêu trò của những nhà thực phẩm ăn sẵn nên quyết tâm loại bỏ trong khi cơ thể lại cần. Ví dụ những người bị đường huyết phải rải đều các bữa trong ngày, nếu bỏ bữa sáng thì lại thiếu năng lượng trong thời gian dài.
    Còn với người thừa cân béo phì, có người nghĩ phải "ăn sáng như ông hoàng", là quan trọng nhất nên nạp thái quá năng lượng khi không đói, thậm chí bữa sáng lại không đạt chất lượng (chất xơ, protein…). Từ đó năng lượng vào cơ thể rất thừa, khiến họ thất bại trong giảm cân. Không ít người vì thế lại thắc mắc: "Có ăn gì đâu mà vẫn béo".
    Lời khuyên nào của chuyên gia?
    Theo TS Trương Hồng Sơn, không có giải pháp nào mặc nhiên đúng cho tất cả mọi người như chúng ta vẫn tưởng.
    Tuy nhiên, với trẻ em và người cần tăng cân, bữa sáng nên có và nên sau khi ngủ dậy 30 phút.
Với người thừa cân, có thể không cần hoặc năng lượng thấp ở thời điểm giữa buổi sáng hoặc muộn hơn nữa (tuỳ theo cảm giác đói của mỗi người), điều này sẽ giúp họ có cảm giác không đói và ăn ít vào bữa trưa.
    Chọn nhóm thực phẩm: Tinh bột (vừa phải); protein, chất xơ, vitamin. Tránh ăn các món chiên rán, xào vào bữa sáng bởi nó sẽ gây cảm giác đầy bụng. Cũng không nên dùng đồ ngọt quá nhiều, chất béo.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
    - Các thầy giáo Việt Nam xưa.
    - Người Cồn Sơn.
 
CÁC THẦY GIÁO VIỆT NAM XƯA

    Truyền thống tôn sư trọng đạo là một truyền tốt đẹp của người dân Việt Nam. Quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) cho thấy sự hiếu học và tình nghĩa thầy trò của dân tộc ta.
    Quyển sách “Các thầy giáo Việt Nam xưa” do Phạm Khang biên soạn, Nxb. Thanh niên ấn hành năm 2019 sẽ đưa người đọc ngược dòng lịch sử tìm hiểu về những người thầy xưa - những nhà giáo ưu tú nhất lịch sử Việt Nam; ca ngợi công lao, tài năng của họ và tự hào khi lịch sử nước ta có được những con người tài năng đó.
    Sách có độ dày 191 trang giới thiệu 23 tấm gương nhà giáo nổi tiếng như: Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Bảo, Lê Quang Bí, Nguyễn Khắc Kính, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Duệ, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu,…
    Viết về Chu Văn An, ông là một trong những nhà giáo ưu tú nhất trong lịch sử dân tộc. Thầy Chu Văn An vốn là người chính trực nên không thích việc quan trường. Ông mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung bên sông Tô Lịch (Hà Nội), sau này được chính vua Trần Minh Tông mời đến dạy tại Quốc Tử Giám và làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Điển tích nổi tiếng nhất của thầy Chu Văn An khi sinh thời thể hiện sự chính trực chính là việc ông dâng “Thất trảm sớ”, yêu cầu vua Trần Dụ Tông chém đầu bảy gian thần song bị vua từ chối. Sau đó, ông cáo lão, về ở ẩn gần núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương, làm một thầy giáo truyền thụ kiến thức cho đến khi mất.
    Hay nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn được biết đến với cái tên quen thuộc là Trạng Trình. Ông nổi tiếng vì tính tình cương trực, tư cách đạo đức và tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Lê – Mạc phân tranh, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, ông đỗ Trạng nguyên và quyết định phò vua giúp nước. Song vì không chịu được những điều thị phi, ông dâng sớ hạch tội 18 tên gian thần nhưng bị từ chối. Sau đó, ông cũng từ quan về ở ẩn, trở thành một nhà giáo lỗi lạc.
Nhà giáo Lê Quý Đôn là một vị quan, một nhà khoa học trong rất nhiều lĩnh vực ở thời hậu Lê. Với kiến thức uyên thâm, tài trí hơn người, ông đã để lại cho hậu thế nhiều bộ sách có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, địa lý, thơ văn, … Ngoài ra, ông còn là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ. Tên của ông được dùng để đặt tên cho rất nhiều ngôi trường tại Việt Nam.
    Do tư liệu lịch sử về các thầy không nhiều nên quyển sách phải sử dụng nguồn tài liệu khai thác từ truyền thuyết, dã sử và huyền thoại về các nhân vật. Dẫu tính chính xác không cao nhưng phẩm chất của người thầy vẫn là điều đáng ghi nhận, người đọc sẽ thấy ở đây các tấm gương về những người thầy hết lòng tận tâm đào tạo những người học trò đi từ những bước chập chững đầu tiên đến đỉnh vinh quang.
    Quyển sách “Các thầy giáo Việt Nam xưa” đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Mời bạn đọc tìm đọc quyển sách tại phòng Đọc với ký hiệu: 371.1009597 / C101TH; mã số: DV.056522; phòng Mượn với mã số: MA.021010, MA.021011.
 
NGƯỜI CỒN SƠN

    Cồn Sơn - mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với đất phù sa màu mỡ, nằm giữa dòng sông Hậu là điểm du lịch miệt vườn hấp dẫn ở Cần Thơ. Trong những năm gần đây, Cồn Sơn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của vùng đất này?
    Quyển sách “Người Cồn Sơn”, do Hòa Hội biên soạn, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ ấn hành năm 2019 sẽ kể cho người đọc những thông tin hữu ích về địa điểm du lịch thú vị này. Sách có độ dày 179 trang gồm 03 phần.
    Phần 1 với tiêu đề “Thưở xa xưa” đưa người đọc tìm về với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Cồn Sơn. Cồn Sơn được hình thành trên dưới 100 năm, là phần đất do phù sa bổi đắp nổi lên giữa sông Hậu, cách bến Ninh Kiều non chục cây số về thượng nguồn. Đầu cồn đối diện bờ sông Trà Nóc chạy xuống gần chợ Bình Thủy. Cồn rộng 75ha, thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Nếu Làng cổ Long Tuyền - Bình Thủy được ví như con rồng thì Cồn Sơn chính là viên ngọc nằm trong miệng rồng. Ngoài ra còn có những bài viết về nguồn gốc tên Cồn Linh, Cồn Sơn; về nếp sống và những giá trị văn hóa lâu đời được gìn giữ và phát huy qua bao thế hệ…
    Phần 2 “Cồn Sơn có gì lạ?” sẽ giải đáp thắc mắc cho người đọc vì sao du lịch cồn Sơn lại hút khách. Bên cạnh những điểm đến lý tưởng, nơi đây níu chân du khách bằng sự gắn kết cộng đồng khi làm kinh doanh, du lịch và cách làm du lịch mới, lạ. Mâm cơm tiếp khách do nhiều nhà cùng chuẩn bị, các món ăn làm xong được mang đến đãi khách trở thành “thực đơn bay”. Mọi người cùng ăn và cùng nhìn lại những điều cần rút kinh nghiệm để cải thiện tốt hơn. Đó là cách làm du lịch tạo nên thương hiệu cồn Sơn như hôm nay.
    Phần 3 “Người Cồn Sơn” phác họa chân dung của những con người gắn bó và mang tất cả sức lực, tâm huyết để đưa cồn Sơn phát triển như hôm nay qua những cái tên như: Phan Thị Kim Lợi, Nguyễn Thị Ngọc Sương khơi nguồn cảm hứng làm du lịch, “mở đường” cho khách Tây đến cồn; chàng trai Trần Thành Xuyên lập nên đội ngũ hướng dẫn viên du lịch CLB Liên thế hệ cồn Sơn, Chị Bé hơn 20 năm chở miễn phí cho học sinh trên cồn đi học; Những nghệ nhân bánh dân gian, sinh viên mới ra trường hay những người mẹ đơn thân vất vả nuôi con,… với những tâm sự về sự thay đổi lớn trong cuộc đời khi bước chân làm du lịch. Và còn đó những ngậm ngùi, lo lắng cho cồn Sơn trong mối lo chung của vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu.
    Quyển sách được minh họa sinh động với nhiều hình ảnh đẹp. Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với ký hiệu phân loại: 915.9793 / NG558C; tại phòng Đọc với mã số: DV.056539, DC.002705, DC.002706, DC.002707, phòng Mượn với mã số: MG.009682, MG.009683, MG.009684.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi” được trích từ báo Tiếp thị và Gia đình.
    Bạn đã nghe đủ lời khuyên, đọc đủ loại sách về tiết kiệm nhưng tháng ngày lâm vào cảnh tay tiêu tiền, tướng tiều tụy? Đã đến lúc bạn lập “kỷ luật sắt” với bản thân bằng 12 chiêu giữ tiền khắc nghiệt nhưng hiệu quả này:
    1. Nếu bạn mượn một khoản tiền, dù là rất nhỏ của người khác, hãy trả lại họ ngay khi bạn có tiền dư, kể khi họ đã quên, kể cả khi “chủ nợ” bảo bạn đừng lo lắng. Có vay có trả, chẳng có lý do gì để bạn phải trở thành một “con nợ” không biết điều cả!
    2. Hãy lẳng lặng tự mình tiết kiệm. Bạn không cần khai báo tình hình tài chính cho gia đình và bạn bè biết.
    3. Quy đổi tiền ra thời gian. Bạn chỉ làm ra 100.000 đồng/giờ nhưng lại muốn mua chiếc asogias 1.500.000 đồng? Tự hỏi mình xem 15 tiếng lao động của bạn có đáng cho một chiếc áo không?
    4. Suy nghĩ kỹ trước khi cho bạn bè, người thân mượn tiền, vì biết đâu bất ngờ, bạn sẽ mất tiền, hoặc mất luôn mối quan hệ thân thiết đó.
    5. Khi bạn hủy hoặc kết thúc chi trả hàng tháng cho một khoản thanh toán nào đó (ví dụ: wifi, truyền hình cáp, trả góp điện máy, …), hãy chuyển số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm trong những tháng tiếp theo.
    6. Đừng so sánh bạn với người khác, mà hãy so sánh bạn của hôm nay và bạn của 1-2 năm trước. Đó sẽ là động lực để bạn đạt được các mục tiêu trong cuộc sống, dù là về sự nghiệp, địa vị, vóc dáng hay tiền bạc.
    7. Luôn để sẳn khoản 500.000 đồng trong cốp xe. Sẽ chẳng bao giờ bạn biết được lúc nào mình quên ví. Số tiền đó sẽ là “vị cứu tinh” của bạn.
    8. Đừng bao giờ để chỉ duy nhất một người trong mối quan hệ tình cảm hoặc hôn nhân quản lý tài chính.
    9. Quản lý chi tiêu cá nhân như thể đó là công việc kinh doanh của bạn. Hãy thường xuyên lập bảng quyết toán và bảng cân đối thu phí. Mỗi đồng ra đồng vào đều cần được ghi lại và cập nhật hàng ngày, hàng tháng.
    10. Nếu rãnh rỗi vào buổi tối hoặc cuối tuần, hãy đăng ký một khóa học ngắn hạn về tài chính và kế toán cơ bản, dù có thể đó không phải sở trường của bạn. Những hiểu biết về thuế má và tài chính cá nhân chưa bao giờ là vô ích.
    11. Những người quản lý tốt tiền bạc đều có chung một đặc điểm: Họ tạo một ngân sách chi tiết cho từng tháng và chấp hành nó một cách nghiêm chỉnh. Nếu bạn chưa bao giờ làm vậy, hãy nghĩ đến việc bắt đầu vào ngày mai.
    12. Nếu đã lép ví nhưng vẫn muốn mua những thứ xàm xí, hãy sử dụng quy tắc 5. Khi có ý định sắm một món đồ không thật sự cần thiết, chỉ mua khi bạn biết mình đủ sức mua 5 món như vậy.

IV. GIẢI TRÍ
    Kính thưa quý vị và các bạn!
   Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bản giao hưởng “Yesterday one more”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây