CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 06 (08– 14/02/2021)

Thứ ba - 02/03/2021 19:58 1.245 0
     I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những lợi ích tuyệt vời của nụ cười” trích từ báo Thanh niên.  
Lâu nay chúng ta thường nghe nói “tiếng cười là 10 thang thuốc bổ”, nhưng không phải ai cũng biết những “thang thuốc bổ” đó là gì. Dưới đây là một số lợi ích đáng chú ý của tiếng cười.
Hỗ trợ vận động
Theo chuyên gia tâm lý Mỹ Judy Kuriansky, khi bạn cho phép mình cười lớn, bạn đang sử dụng cơ bụng, vai, mở phổi và thực sự cải thiện tư thế của mình.
Cải thiện quan hệ
Theo tạp chí Forbes, các cặp vợ chồng cùng nhau cười thường có mối quan hệ chất lượng cao hơn. Cả đàn ông và phụ nữ được khảo sát đều nói rằng việc có khiếu hài hước rất quan trọng trong việc lựa chọn bạn đời.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Theo một nghiên cứu do Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ) thực hiện, cười dường như có tác dụng kháng viêm, giúp bảo vệ các mạch máu và cơ tim khỏi bệnh tim mạch. Nó mở rộng lớp lót bên trong các mạch máu để máu lưu thông tự do hơn.
Giảm căng thẳng
Tiếng cười đã được chứng minh có tác dụng có tác dụng giảm các hoóc môn gây căng thẳng như cortisol và epinephrine, có thể gây tổn thương cho các tế bào.
Đốt cháy calorie 
Đừng bỏ các buổi tập của bạn vì điều này, nhưng tiếng cười thực sự có thể góp phần hỗ trợ kế hoạch tập thể dục của bạn. Theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san International Journal of Obesity, cười làm tăng nhịp tim và chi tiêu calorie, dẫn đến việc đốt cháy khoảng 10 - 40 calorie đốt cháy trong 15 phút.
Tăng cường hệ miễn dịch
Tiếng cười làm tăng số lượng tế bào sản xuất kháng thể, giúp hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn và chống lại nguy cơ bệnh tật tốt hơn.
Củng cố sự tự tin
Biết cách tự cười chính mình sẽ giúp bạn phát triển khả năng ứng biến thông qua bất kỳ quyết định khó khăn nào bạn có thể đưa ra, giúp bạn bớt lãng phí thời gian và giảm thiệt hại.
Vượt qua lúc khó khăn
Thông qua sự hài hước, bạn có thể làm dịu đi những trải nghiệm tồi tệ nhất mà cuộc sống mang lại. Một khi bạn tìm thấy tiếng cười, thì dù tình cảnh của bạn có đau đớn đến thế nào, bạn vẫn có thể sống sót.
      II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
          - Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử.
          - Nghệ thuật yêu: Truy vấn về bản chất tình yêu.

 
TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ
 
    Nghệ thuật Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX. Đây là loại hình diễn tấu gồm 4 loại nhạc cụ là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này đã có sự cách tân với việc bổ sung một số nhạc cụ khác. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do những người lao động bình dân Nam Bộ sáng tác, biểu diễn sau những giờ làm việc. Chữ “tài tử” có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc. Nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 5/12/2013.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu biết về một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, năm 2015, Nxb. Quân đội nhân dân tổ chức tái bản có bổ sung cuốn “Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử” của tác giả Võ Trường Kỳ.
    Sách dày 219 trang, nội dung gồm 5 chương là những đúc kết của tác giả sau nhiều năm nghiên cứu, cung cấp đến bạn đọc những thông tin cơ bản về nghệ thuật đờn ca tài tử: Nguồn gốc phát sinh dòng âm nhạc tài tử Nam Bộ; phong trào âm nhạc ở Nam Bộ và quá trình hình thành hệ thống bài bản đờn ca tài từ; giá trị nghệ thuật cũng như việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống này... Ngoài ra, tác giả cung cấp một số bài viết liên quan cũng như giới thiệu một số thông tin về các nghệ nhân, nhạc sư đờn ca tài tử đã có nhiều đóng góp trong lưu truyền phát triển loại hình nghệ thuật này, cũng như các nghệ nhân đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt nam truy tặng và phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. 
    Xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử” đến bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 781.62009597 / T310H
    ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.054218
    ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009021; MG.009022

 
NGHỆ THUẬT YÊU

    “Enrich Fromm vừa là một nhà tâm lý học đầy thấu suốt, vừa là một cây viết đầy tài năng. Cuốn sách của ông là một trong những tác phẩm chân thực và thẳng thắn, có tính thực tiễn và đạt đến sự chính xác” – Chicago Tribune.
    Đó là những dòng nhận xét về tác giả được trích trong quyển “Nghệ thuật yêu”. Sách được viết bởi Erich Fromm, do Lê Phương Anh dịch, Nxb. Thế giới ấn hành năm 2020. 
Qua 252 trang, sách hấp dẫn không hẳn là vì nhan đề mà còn vì quyển sách cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết sâu rộng về bản tính con người liên quan đến vấn đề: Lòng yêu thương. Tuy nhiên, như chính tác giả bộc bạch: “Bất cứ ai trông đợi sự chỉ dẫn dễ dãi về nghệ thuật yêu sẽ thất vọng khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách, ngược lại, muốn cho thấy tình yêu không phải một thứ tình cảm mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đắm chìm vào, dù người đó đạt tới mức độ trưởng thành nào”. 
    Theo Erich Fromm nhận định “Yêu là một nghệ thuật, giống như sống cũng là một nghệ thuật vậy”. Quá trình học hỏi một nghệ thuật có thể được chia thành hai phần: một là tinh thông lý thuyết, hai là tinh thông thực hành. Nhưng ngoài học kiến thức lý thuyết và kiến thức thực hành, còn có một yếu tố cần thiết thứ ba để trở thành người tinh thông đó là phải coi việc tinh thông nghệ thuật là mối quan tâm tối hậu. Từ đó, quyển sách đã đi vào phân tích cặn kẽ những lý thuyết về tình yêu, lý giải về tình yêu như lời giải đáp cho sự tồn tại và nhu cầu sâu xa nhất của con người là vượt qua sự chia cách để rời khỏi ngục tù cô độc của mình, để có được sự hòa giải bằng tình yêu. Tác giả phân tích những hình thái khác nhau của tình yêu dựa trên đối tượng của tình yêu như: tình yêu đồng loại, tình mẫu tử, tự yêu bản thân, tình yêu thượng đế và tình yêu nhục cảm. Đồng thời cũng phân tích hình thái tình yêu giả tạo, mà trên thực tế phần lớn chúng là những hình thức tan rã của tình yêu trong xã hội của chúng ta hiện nay. 
    Tác giả nói về tình yêu dựa trên chính bản chất của con người, với niềm tin rằng: dù đầy những khó khăn thì tình yêu không chỉ là một hiện tượng cá nhân hiếm có mà sẽ trở thành hiện tượng xã hội giúp con người có cái nhìn toàn diện hơn về tình yêu. Cuối cùng, để thực sự làm chủ được nghệ thuật yêu, tác giả đi đến những bàn luận về các tiền đề của nghệ thuật yêu, các phương pháp tiếp cận và thực hành những điều ấy: kỷ luật, sự tập trung, kiên nhẫn và hết lòng quan tâm đến nghệ thuật ấy.
    Quyển sách “Nghệ thuật yêu” là cẩm nang dành cho những người nghiên cứu ngành tâm lý học hoặc những người đang muốn tìm hiểu về bản chất thật sự của tình yêu. Các bạn hãy tìm đọc quyển sách ngay từ bây giờ để có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, có thêm niềm tin để đi tìm và xây dựng những giá trị yêu thương trong cuộc sống. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 152.4 / NGH205TH; Phòng đọc: DV.058682; Phòng mượn: MH.011551; MH.011552

 
     III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết  “Chuyện về Bác Hồ tập thể dục’’ trích từ báo Nhân dân điện tử:  https://nhandan.com.vn/chinhtri/chuyen-ve-bac-ho-tap-the-duc-258557
    Cách đây hơn 70 năm, ngày 27-3-1946, Bác Hồ viết bài báo “Sức khỏe và thể dục”, kêu gọi toàn dân hăng hái tập thể dục, nâng cao sức khỏe để công việc tốt hơn. Sinh thời, Người luôn quan tâm việc tập thể dục, rèn luyện thân thể và cho rằng, muốn làm một việc gì cũng cần phải có sức khỏe; muốn có sức khỏe thì phải rèn luyện, phải tập thể dục. “Dân cường thì quốc thịnh” - Người nói.
    Trong bài “Sức khỏe và Thể dục”, Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”; “Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”; “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Đối với Bác, bất cứ lúc nào và ở đâu, khi có điều kiện là tranh thủ thời gian tập, rèn luyện sức khỏe, như: tập dưỡng sinh, điền kinh, võ thuật, quyền, bóng chuyền, bơi lội, cờ tướng…, trong đó điền kinh là môn được Bác thực hiện nhiều nhất. 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã quét tuyết, phụ bếp, làm bánh và đủ mọi việc, không nề hà. Thời gian hoạt động ở Trung Quốc, khi bị bắt tại Trùng Khánh và giải đi trong nhiều ngày, vừa ra tù, Người liền tập leo núi để lấy lại sức khỏe và thể hiện tinh thần thư thái, ung dung qua những vần thơ: Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh/Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa… Sau bao năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, ngày 28-1-1941, Bác Hồ về đến Pác Bó (Cao Bằng). Một trong những việc được Bác quan tâm đầu tiên là đắp một nền đất để tập thể dục buổi sáng. Đồng chí Phùng Thế Tài kể lại, năm 1941, tại Cao Bằng, một lần hai thầy trò đi công tác và gặp lũ lớn, suối trở thành sông, ông ngỏ ý dìu Bác qua dòng nước xoáy, nhưng Bác kiên quyết không chịu và nói: “Tôi bơi được, phải biết tự lực chứ”, rồi nhảy xuống nước. Hôm ấy, nước mạnh kéo Bác đi một đoạn, khiến đồng chí Tài phải lao theo hỗ trợ. Khi hai thầy trò nghỉ bên bờ suối, Bác cười hóm hỉnh nói: “Chú hơi nóng khi trách Bác đấy!”. Khi ở chiến khu, chiều chiều sau giờ làm việc, Bác đi trồng rau, hoặc đánh bóng chuyền cùng anh em ở cơ quan. Hôm nào có Bác tham gia là sân bóng sôi nổi, vui hẳn lên.
    Khi về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Bác vẫn giữ nếp tập thể dục đều đặn, tập buổi sáng và bách bộ vào buổi chiều trong Phủ Chủ tịch. Năm 1958, sang thăm Cộng hòa Ấn Độ, Bác vẫn leo 379 bậc cầu thang khi đến thăm tháp Cu-táp-mi-na cao 73 m, vẫy hoa chào các bạn Ấn Độ và ngắm nhìn Thủ đô Niu Đê-li. Tết Mậu Thân năm 1968, Bác đề nghị Bộ Chính trị được đi thăm, động viên đồng bào và chiến sĩ miền nam và lên kế hoạch tập luyện để chuẩn bị cho chuyến đi. Mỗi ngày, Bác đi bộ từ 5 km đến 10 km, có hôm tăng lên 20 km. Bác còn tập đeo ba-lô nặng 25 kg… Bác Hồ chính là tấm gương rèn luyện thân thể, để mỗi người trong chúng ta học tập và làm theo. 
    Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn.  
    Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây