CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 19 (tháng 02/2024)  

Thứ năm - 01/02/2024 23:02 419 0
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 19 (tháng 02/2024) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
 
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0  
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết  “Đọc sách và làm việc trong bóng tối có thực sự gây hại cho mắt?” của Tùng Lâm đăng trên báo điện tử Giáo dục và thời đại.

Cần phải khẳng định ngay rằng đọc trong bóng tối sẽ không làm hỏng thị lực của bạn vĩnh viễn nhưng nó có thể gây hại tạm thời.

Theo một bài báo đăng trên trang web của Đại học Arizona, những quan niệm sai lầm về việc đọc trong bóng tối vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi.

Và hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng hành động đọc trong bóng tối không gây hại cho mắt nhưng có thể dẫn đến mỏi mắt.

Tác hại của đọc sách trong bóng tối?
Theo hầu hết các bác sĩ chuyên khoa mắt cho biết, đọc sách trong bóng tối sẽ không gây ra thiệt hại lâu dài.

Tầm nhìn có xu hướng suy yếu theo thời gian đối với hầu hết mọi người, nhưng trong khi đọc trong điều kiện ánh sáng yếu sẽ không làm giảm thị lực, mà nó có thể dẫn đến mỏi mắt.

Đúng như tên gọi, mỏi mắt xảy ra khi mắt chúng ta làm việc quá sức. Võng mạc của chúng ta vốn được thiết kế để thích ứng với các điều kiện ánh sáng khác nhau, nhưng nó cần thời gian để thích nghi với các tình huống ánh sáng mới.

Hơn nữa, các cơ trong mắt giúp tập trung ánh sáng vào võng mạc cũng phải làm việc vất vả hơn khi ánh sáng mờ hoặc yếu. Vì vậy, dẫn đến cơ mắt bị mỏi. Một số lý do khác khiến việc đọc dưới ánh đèn mờ gây mỏi mắt có thể là:

- Mắt khó tập trung hơn vào ánh sáng yếu.
- Các tình trạng không được điều trị khác có thể làm tăng sự mệt mỏi của mắt.
- Chúng ta chớp mắt nhiều hơn khi đọc trong ánh sáng mờ, dẫn đến khô mắt và khiến tình trạng mỏi mắt trở nên trầm trọng hơn.
- Cận thị hoặc loạn thị cũng có thể khiến việc đọc dưới ánh sáng yếu trở nên khó khăn hơn.

Tác hại của sử dụng điện thoại trong bóng tối

Việc đọc, xem thông tin trên thiết bị kỹ thuật số cũng có thể gây mỏi mắt. Theo Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ, các chữ cái trên các thiết bị phát ra ánh sáng xanh không sắc nét như trên sách, do đó ảnh hưởng đến mức độ tương phản. Đỉnh điểm là mỏi mắt.

Ngoài ra, nhìn vào màn hình trong điều kiện ánh sáng yếu cũng là một công việc khó khăn đối với mắt. Nó buộc mắt chúng ta phải liên tục điều chỉnh giữa màn hình sáng của điện thoại và phòng tối. Do đó, kết quả là bạn có thể bị mắc một loại mỏi mắt đặc biệt được gọi là hội chứng thị giác máy tính.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy việc quá ham mê các hoạt động nhìn từ thiết bị có ánh sáng xanh có thể gây ra cận thị hoặc các vấn đề khác liên quan đến mắt.

Mẹo để tránh mỏi mắt do đọc trong bóng tối

Đọc trong bóng tối là thói quen có thể thay đổi. Vì vậy, cách dễ dàng nhất để tránh mỏi mắt do đọc sách dưới ánh sáng yếu là bật đèn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo nhiều giải pháp khác:
- Hỏi ý kiến chuyên gia và xem xét việc sử dụng kính chống ánh sáng xanh.
- Dùng thuốc nhỏ mắt để bôi trơn.
- Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ đo thị lực và xem xét việc đeo kính đọc sách.
- Thực hiện theo quy tắc 20-20. Nghĩa là cứ sau 20 phút đọc, nghỉ 20 giây để nhìn vào một vật ở cách xa mình.
- Thường xuyên đến gặp bác sĩ đo thị lực của bạn.

Chăm sóc thị lực toàn diện bắt đầu từ những bước nhỏ
Mặc dù không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc đọc trong bóng tối sẽ gây tổn thương mắt vĩnh viễn hoặc làm suy giảm thị lực của bạn.
Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng việc đọc trong bóng tối sẽ dẫn đến mỏi mắt, gây ra nhiều hậu quả khó chịu. 
Vì vậy, thực hiện từng bước nhỏ là rất quan trọng để đảm bảo chăm sóc toàn diện cho thị lực của bạn. (Theo specscart.co.uk)        
                              
II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Nét đẹp trong Tết cổ truyền Việt” của Phương Thảo đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Trong tiềm thức của người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ là thời điểm khởi đầu cho một năm mới mà còn là nét đẹp văn hóa gắn với giá trị cổ truyền.
Tết Nguyên đán có nguồn gốc lâu đời gắn với nền văn minh lúa nước, yếu tố khởi sinh của dân tộc Việt Nam. Mọi hoạt động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, cư dân Việt cổ thường dựa vào tiết trời để cày cấy, gieo hạt và gặt hái. Chính vì thế, người nông dân rất tôn sùng và thờ cúng các yếu tố thiên nhiên như mưa, gió, sấm, chớp… Sau thu hoạch, cư dân Việt lại tổ chức hội hè, đình đám để tạ ơn trời đất, thánh thần, tổ tiên, ông bà và cầu chúc những điều tốt đẹp cho vụ mùa mới. Đó là nguồn gốc ra đời của Tết. Theo nhiều thư tịch cổ và các chuyên gia văn hóa, khái niệm “Tết” do người dân đọc chệch từ chữ “tiết” (thời tiết, tiết trời, tiết khí…) mà ra. Qua thời gian, khái niệm Tết trở nên quen thuộc và thống nhất trên mọi vùng đất khác nhau. 

Như vậy, có thể thấy, nguồn gốc ra đời của Tết nguyên đán thể hiện thế giới quan và đời sống tâm linh của người Việt xưa. Họ cho rằng tất cả sự vật, hiện tượng xung quanh đều có linh hồn. Họ ý thức rằng hoạt động nông nghiệp rất cần sự thuận lợi từ điều kiện thiên nhiên. Vì thế, họ sùng kính “tiết trời” và định hình thành mùa lễ hội đầu tiên trong năm.

Trong Tết Nguyên đán, tất cả các phong tục, tập quán đều thể hiện giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với việc đề cao chữ HIẾU, mối quan hệ gia đình - huyết thống. Chúng ta có thể thấy rằng, dù đi làm ăn khắp tứ phương, Tết vẫn là dịp gia đình sum vầy, tu họp, là cơ hội để con cháu thể hiện lòng thành kính với ông bà, cha mẹ. Tục thờ cúng tổ tiên  biểu hiện rất rõ việc coi trọng mối quan hệ huyết thống trong văn hóa Việt. Dù gia đình nghèo khó hay giàu sang, trong những ngày Tết, đều thành tâm chuẩn bị những mâm cỗ thờ cúng tổ tiên để các cụ thế hệ trước được ăn tết cùng con cháu. Bên cạnh đó, Tết còn là dịp để đi chúc Tết và thăm hỏi ông bà và người thân trong gia đình… Những tục lệ này mang giá trị tinh thần rất sâu sắc, nhắc nhở người con đất Việt nhớ tới ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ và lòng hiếu thảo sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Những phong tục xuất hiện trong Tết Nguyên đán gắn với tâm tư, nguyện vọng ngàn đời của dân tộc, được truyền từ đời này sang đời khác. Đó là mong muốn về năm mới sẽ khởi đầu cho mọi sự tốt đẹp và may mắn. Có thể thấy, tục xông đất, phong bao lì xì đỏ thắm, khai bút đầu xuân hay nghi lễ đi chùa đầu năm đều xuất phát từ nguyện vọng năm mới bình an và nhận những điều tốt đẹp nhất. Trong ngày Tết, người ta cũng nói với nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Hay các lễ hội đầu xuân cũng đều diễn ra với mục đích cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Có lẽ, trong tâm tư ngàn đời của dân tộc, sự khởi đầu của vạn vật đều vô cùng thiêng liêng và là động lực cho sự phát triển trong tương lai. Vì thế, chuẩn bị một cái Tết chu đáo nhất có thể sẽ không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui của mỗi gia đình Việt.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị Tết Việt truyền thống
Ngày nay, nhịp sống xã hội thay đổi nhiều so với giai đoạn trước, theo đó Tết Nguyên đán cũng ít nhiều biến đổi. Bên cạnh những giá trị tốt được lan tỏa với bạn bè quốc tế, Tết Việt đang có đứng trước nhiều mối đe dọa và thách thức.
Tết là kỳ nghỉ lễ kéo dài hàng tuần, dẫn đến việc xuất hiện nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội. Nhiều đề xuất bỏ Tết Nguyên đán hay gộp Tết Dương và Tết Âm thành một nổi lên gây xôn xao dư luận. Những người ủng hộ đề xuất này cho rằng Tết hiện nay không còn giữ nguyên vẹn giá trị mà đã bị biến tấu rất nhiều. Hiện tượng tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều do tình trạng rượu bia quá mức. Tuy vậy, đại bộ phận vẫn coi đón Tết là một phần không thể thiếu trong tâm hồn người Việt và muốn giữ gìn và bảo vệ Tết Việt. Ngoài ra, những hiện tượng phản cảm trong mùa lễ hội cũng gây ra sự bức xúc trong xã hội.

Trong thời đại hội nhập, ngoài việc giao lưu hợp tác giữa các nền kinh tế, mỗi dân tộc cần khẳng định bản sắc dân tộc mình để định hình chỗ đứng trên trường quốc tế. Mà Tết Nguyên đán là nét văn hóa đậm đà bản sắc Việt gắn với các giá trị truyền thống. Nhờ những giá trí đó, Tết Nguyên đán Việt Nam tạo nên sự khác biệt của nền văn hóa dân tộc với toàn nhân loại. Vì thế, Tết Nguyên đán đang rất cần giữ gìn và bảo vệ để xây dựng bản sắc dân tộc với thế giới.

Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần lên án và hạn chế những hành động phản cảm diễn ra trong Tết và các lễ hội. Ban tổ chức lễ hội cần nỗ lực lên phương án tổ chức lễ hội một cách khoa học và quy củ, có các biện pháp ngăn chặn những hành động phản cảm. Có như vậy, các lễ hội mới giữ được ý nghĩa thiêng liêng, cao quý và người dân có thể yên tâm tham gia lễ hội.

Sứ mệnh thiêng liêng này là nhiệm vụ của mọi người con đất Việt. Cụ thể, mỗi người dân thay vì cho rằng Tết là kỳ nghỉ lâu dài, hãy nhận thức Tết là nét đẹp văn hóa. Qua đó, mỗi con người sẽ có những cách ứng xử văn minh, lịch sự khi thực hiện các phong tục tập quán trong dịp Tết. Những cử chỉ đẹp của người Việt trong dịp Tết sẽ ghi điểm trong mắt người nước ngoài, những sứ giả sẽ truyền thông điệp tốt đẹp về văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Xã hội thay đổi khiến chúng ta có thêm nhiều niềm vui mới. Tuy nhiên, niềm vui đó không thể nào trọn vẹn và đáng chờ đợi như cảm xúc khi Tết đến xuân về. Trong nhiều người Việt, Tết vẫn mãi thiêng liêng và đáng trân trọng.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:

1. Quyển sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh - Để Đảng ta mãi là đạo đức, là văn minh” của GS.TS. Hoàng Chí Bảo do Nxb. Hà Nội ấn hành năm 2021 với 369 trang, trình bày 12 nội dung gồm: Tư tưởng và phương pháp chính trị Hồ Chí Minh; Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò nhân tố con người trong quá trình công nghiệp hoá đất nước; Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân và vai trò của giai cấp công nhân đối với cách mạng Việt Nam; Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng theo Di chúc của Bác Hồ; Lời kêu gọi Thi đua ái quốc - một văn kiện lịch sử vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa trong Đảng; Văn hóa Hồ Chí Minh - Giá trị và ý nghĩa; Văn hóa Hồ Chí Minh từ tầm nhìn đổi mới, hội nhập và phát triển; Di sản Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa ở nước ta; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta... Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự trong sạch vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” hiện nay được xem là vấn đề hệ trọng có tầm chiến lược và vô cùng cấp thiết. Toàn Đảng và mỗi Đảng bộ các cấp cần phải quán triệt phương châm Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “lời nói đi đôi với việc làm”,  “đề cao trách nhiệm của Đảng trước nhân dân”. Đặc biệt nêu cao tinh thần gương mẫu và trách nhiệm, đoàn kết và kỷ luật của từng tổ chức Đảng, từng đảng viên. 

Được biên soạn với tất cả tình cảm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyển sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh - Để Đảng ta mãi là đạo đức, là văn minh” là tài liệu quý để cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo gương của Người. Thư viện TP. Cần Thơ trân trọng giới thiệu quyển sách đến bạn đọc. Sách được phục vụ với số ký hiệu phân loại 324.2597075 / T550T ; Phòng Đọc: DV 59654 ; Phòng Mượn: MH 12234-12235.

2. Quyển sách “Tết này mình cưới nhau nhé” do Kim Tam Long biên soạn, Nxb. Phụ nữ ấn hành năm 2019. Qua 235 trang, sách bao gồm 05 truyện ngắn: Tết này, mình cưới nhau nhé; Cạm bẫy tình yêu; Đi qua cổng làng; Lấy vợ còn trinh; Nhà nghỉ chói chang. Mỗi câu chuyện là một mảng đề tài khác nhau về cuộc sống xung quanh chúng ta thể hiện tình yêu của mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi trong xã hội, mang nhiều sắc thái cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng mà sâu lắng, là một bản nhạc cổ điển da diết êm đềm nhưng thấm đẫm, khắc khoải trong trái tim người đọc. Tuy không có một dòng triết lí sâu xa nào, tác giả chỉ đơn thuần là kể lại những câu chuyện, nhưng đó chính là khoảng trống đặc biệt dành cho người đọc tự ngẫm, tự nghĩ và có thể bắt gặp hình ảnh chính mình ở đâu đó trong sách. 

    Đọc “Tết này mình cưới nhau nhé” sẽ giúp bạn hiểu được nhiều điều, có thể đó sẽ là những câu chuyện tình yêu khiến bạn thổn thức hoặc cũng có thể là lời thức tỉnh cho những cặp đôi trước ngưỡng cửa hôn nhân: Hạnh phúc chỉ dành cho những ai sống và yêu chân thành, không vụ lợi.  Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 895.92234 / T258N; ▪ PHÒNG MƯỢN: MV.021041; MV.021042

3. Quyển sách “Kể chuyện Tết Nguyên đán” do Trương Quý Tranh biên soạn và Kim Duẩn vẽ tranh, Nxb. Kim Đồng xuất bản năm 2020. Với 39 trang, sách sẽ dẫn dắt các bạn nhỏ đến với những câu chuyện thú vị về phong tục  ngày Tết. Các bạn sẽ biết được ngày đầu năm mới được xem như cột mốc thời gian muôn vật trong thiên nhiên đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở. Ông cha ta hay nói “ba ngày Tết” nhưng thực ra, việc chuẩn bị Tết đã bắt đầu từ cuối tháng Chạp. 

Các em sẽ biết được vì sao ngày 23 tháng Chạp nhà nào cũng tất bật cúng đưa ông Táo về trời qua “Sự tích Táo quân”. Tiếp đến là những ngày giáp Tết với các công việc chuẩn bị đón Tết diễn ra tất bật: Đi chợ hoa, gói bánh (bánh chưng, bánh tét), dựng cây nêu, bày biện bàn thờ, chưng mâm ngủ quả, treo tranh Tết, dọn dẹp trang trí nhà cửa, làm cỗ... Đây là khoảng thời gian hối hả trôi vì ai cũng muốn nhà mình tươm tất trước phút giao thừa. Những tục lệ như: cúng giao thừa, xông đất, mừng tuổi, chúc Tết (mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy), lễ hội, khai bút, vãn cảnh đền chùa, du xuân, khai trương,… được sách giới thiệu khá đầy đủ về nguồn gốc và ý nghĩa. 

  Với nhiều tranh vẽ tươi vui, nội dung được trình bày súc tích, ngắn gọn, đọc quyển “Kể chuyện Tết Nguyên đán” chắc chắn các bạn thêm hiểu rõ và yêu thích các phong tục ý nghĩa trong ngày Tết, những nét đẹp đã trở thành văn hóa truyền thống của Việt Nam. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ các bạn đọc nhỏ với số ký hiệu phân loại 394.261409597 / K250CH; ▪ PHÒNG THIẾU NHI: ND.010057

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây