Sách khái quát hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ

Thứ tư - 06/09/2023 04:18 235 0
Cuốn "Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ" kết hợp kiến thức lịch sử, khoa học với trí tưởng tượng của tác giả để lý giải ngôn ngữ người Việt.

    Sách được kể dưới dạng bán hư cấu, qua lời của Alexandre de Rhodes (1593-1660), một linh mục của Tòa thánh Vatican, tới Việt Nam từ thế kỷ 17 và có công lớn trong việc in cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên (Từ điển Việt - Bồ - La), năm 1651. Nội dung sách do Phạm Thị Kiều Ly viết, dựa vào luận án Tiến sĩ của cô về Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latin của tiếng Việt cũng như các tài liệu châu Âu và các cuốn sách về hành trình truyền giáo ở Việt Nam. Họa sĩ Tạ Huy Long vẽ tranh minh họa.

     Theo cuốn sách, năm 1624, Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong, thường được người dân gọi tên tiếng Việt là A Lịch Sơn Đắc Lộ. Năm 1627, ông tiếp tục ra Đàng Ngoài truyền giáo. Năm 1630, chúa Trịnh cấm giảng đạo, Đắc Lộ phải đến Macau. Thời gian này, ông dạy tiếng Việt, thần học, viết cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài. Một số cộng sự của ông, trong đó có cha Fontes, quay lại Đàng Ngoài năm 1631. Trong báo cáo Fontes gửi đến Macau cho Đắc Lộ, ông đã dùng hai chữ cái "ơ" và "ư" trong bảng chữ cái của thổ ngữ vùng Toscana (Italy) để ghi các âm tương ứng trong tiếng Việt. Vậy là các giáo sĩ khi ấy đã tìm đủ chữ cái để ghi hệ thống nguyên âm. Cũng trong thời gian này, Fontes được tiếp xúc với tiếng Đàng Ngoài có sáu thanh điệu, nên đã ghi lại đủ các dấu thanh: bằng, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng, thanh không

Chân dung Alexandre de Rhodes (1593-1660) do Tạ Huy Long vẽ. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Chân dung Alexandre de Rhodes (1593-1660) do Tạ Huy Long vẽ. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

     Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cách ghi âm của tiếng Việt, nhóm tác giả sáng tạo một đoạn phỏng vấn đặc biệt với ba nhân vật tiêu biểu trong quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ là: Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ), Francisco De Pina và Gaspar do Amaral, bàn luận về quá trình sáng tạo chữ viết Latin của tiếng Việt.

     Sách còn nhắc tới vấn đề gây tranh cãi nhiều năm, khi một số học giả cho rằng Đắc Lộ không xứng đáng là tác giả cuốn Từ điển Việt - Bồ - La. Năm 1640, Đắc Lộ trở lại Đàng Trong, âm thầm truyền đạo rồi liên tục bị trục xuất đến bốn lần. Năm 1649, ông trở về La Mã, xin ngân sách in ba cuốn sách ngữ pháp, từ điển và giáo lý bằng tiếng Việt. Trong đó, cuốn Từ điển Việt - Bồ - La là công trình tổng hợp của các linh mục Dòng Tên. Vì Đắc Lộ là người tổng hợp và chịu trách nhiệm in ấn tại Roma, sách đứng tên ông. Trong một báo cáo gửi cho Tòa thánh, ông viết: "Sau mười tháng làm việc với sự trợ giúp của tám người Đàng Trong, con vừa hoàn thành sáu bản cuốn từ điển gồm tất cả chữ và từ theo thứ tự alphabet". Sau này, ông cho biết không nhớ tên tám học trò.

Cuốn Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ dày 127 trang, giá bìa 105.000 đồng, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành trong tháng 4.

Cuốn "Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ" dày 127 trang, giá bìa 105.000 đồng, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành trong tháng 4.

     Sách lồng ghép nhiều chi tiết hài hước liên quan ngôn ngữ. Khi Đắc Lộ mới sang Việt Nam, vì nhầm lẫn thanh điệu, ông mua nhầm cá thành cà. Vì không biết tiếng Việt đơn âm tiết, các cha thường ghi các chữ dính vào nhau. Thầy dạy tiếng Việt của cha khi ấy là cậu bé người bản địa 13 tuổi, hàng ngày theo phụ việc và chỉ dẫn cách phát âm. Chỉ trong ba tuần, ông đã biết phân biệt các thanh của tiếng Việt.

     Ngoài khắc họa hành trình nghiên cứu, sáng tạo tiếng Việt của Đắc Lộ, hai tác giả còn có thêm phần Chữ quốc ngữ ký sự, nói về việc chữ quốc ngữ được cải biên, phổ biến, đón nhận qua năm tháng ra sao, có đóng góp thế nào trong việc xóa mù chữ cho dân ta thời Pháp thuộc. Năm 1945, chữ quốc ngữ được công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam.

     Tác giả Phạm Thị Kiều Ly hiện làm việc tại khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2018, cô từng bảo vệ luận án Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latin của tiếng Việt (1615-1919) tại Đại học Sorbonne (Pháp). Năm 2022, nhà xuất bản Les Indes Savantes (Pháo) đã xuất bản luận án của cô.

     Họa sĩ Tạ Huy Long sinh năm 1974, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đang làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Anh là họa sĩ truyện tranh đương đại hàng đầu Việt Nam, thích các đề tài liên quan lịch sử, văn hóa dân gian. Anh từng minh họa cuốn Lược sử nước Việt bằng tranh, Lĩnh nam chích quái, Nam Hải dị nhân liệt truyện.

Hà Thu

Nguồn báo: VnExpress - Báo tiếng việt nhiều người xem nhất

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây