Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vùng Tây Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế / Võ Thành Hùng. - H. : Chính trị Quốc gia, 2017. - 203 tr.; 21 cm

Thứ bảy - 14/09/2019 08:25 3.080 0
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vùng Tây Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế / Võ Thành Hùng. - H. : Chính trị Quốc gia, 2017. - 203 tr.; 21 cm
Nhiệm vụ bảo tồn những giá trị văn hóa Tây Nam Bộ là một vấn đề quan trọng liên quan mật thiết đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, công tác định hướng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của vùng đất này cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ với một hệ thống giải pháp tổng thể, hợp lý nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đó.
Quyển sách “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vùng Tây Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế” do Võ Thành Hùng biên soạn, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2017 sẽ giúp người đọc hiểu về đặc điểm địa lý, con người và những nét văn hóa của vùng Tây Nam Bộ, qua đó thấy được những giá trị văn hóa vô cùng quý giá của vùng đất này để từ đó bảo tồn và phát huy trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.
Sách có độ dày 203 trang gồm 10 bài viết của tác giả nằm trong các tham luận, kỷ yếu tại các hội thảo khoa học liên quan đến vùng Tây Nam Bộ từ năm 2010 đến năm 2015, một số bài viết tiêu biểu như: “Bảo tồn bản sắc văn hóa - Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Tây Nam Bộ phát triển bền vững”, “Bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nhân loại”, “Thanh niên vùng Tây Nam Bộ trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa”, “Vai trò của ngôn ngữ, văn học sông nước vùng Tây Nam Bộ trong phát triển tiếng Việt”, “Làng nghề và phát triển du lịch vùng Tây Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp”,…
Qua các bài viết, tác giả không chỉ nêu bật những nét đặc trưng văn hóa của người dân Nam Bộ mà còn đưa ra bốn giải pháp để giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa nói chung và văn hóa Nam Bộ nói riêng, bao gồm: Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để mọi người tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nếp sống văn hóa cho chính bản thân, gia đình, khu dân cư và cơ quan; Đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống, tuyên truyền để mọi người hiểu sâu hơn về những nét văn hóa truyền thống mang đậm tính Nam Bộ như tổ chức các trò chơi dân gian, sinh hoạt tập thể tái hiện lại cảnh lao động, sản xuất của ông cha ta ngày xưa, hay khuyến khích sáng tác những bài thơ, truyện ngắn, bài vọng cổ ca ngợi quê hương, tình làng nghĩa xóm, ca ngợi quá trình lao động sản xuất, sự chân chất thật thà, thủy chung của người dân Nam Bộ; Phát huy hơn nữa phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương và nhấn mạnh ý nghĩa của tinh thần tương thân tương ái để những nét văn hóa truyền thống có cơ hội được tỏa sáng; Đưa những bài học về văn hóa địa phương, văn hóa vùng miền vào nội dung giáo dục của các trường phổ thông.
Song song đó, trên đường hội nhập, chúng ta cũng phải cần: Phát huy bảo tồn văn hóa địa phương, lễ hội cổ truyền, các di sản nổi tiếng; Tập trung xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm văn hóa đại diện cho cả vùng; Tiếp tục nghiên cứu con người, vùng đất Nam Bộ qua văn hóa Óc Eo - Ba Thê (An Giang); Xây dựng các Trung tâm nghiên cứu “Khmer”, Trung tâm nghiên cứu về “Kinh tế”, “Khoa học xã hội - Văn hóa”,… của vùng đất này. Đây là những việc làm có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay và cho cả mai sau.
Quyển sách “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vùng Tây Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế” là nguồn tài liệu hữu ích để các cấp, các ban ngành và nhân dân vùng đất này hiểu rõ hơn một số nhiệm vụ quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa để đồng bằng sông Cửu Long vững bước đi lên.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 306.095978/B108T
- DV.52849
* Phòng Mượn:
- 306.095978/B108T
- MA.17718, MA.17719

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây