Cái Răng hình thành và phát triển / Nhâm Hùng biên soạn. - Tp. Hồ Chí Minh : Văn nghệ, 2007. - 223tr.; 21cm

Thứ bảy - 14/09/2019 05:29 1.656 0
Cái Răng hình thành và phát triển / Nhâm Hùng biên soạn. - Tp. Hồ Chí Minh : Văn nghệ, 2007. - 223tr.; 21cm
Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.”
Câu ca dao trữ tình trên đã nói lên sự sung túc của một vùng đất dọc theo hai bờ rạch Cần Thơ là vùng Cái Răng. Cái Răng là mảnh đất góp phần làm nên danh tiếng Cần Thơ - Tây Đô trong lịch sử hơn 150 năm hình thành
Quyển sách “Cái Răng - Hình thành và phát triển” do Nhâm Hùng biên soạn, Nxb. Văn nghệ ấn hành năm 2007 có độ dày 223 trang gồm 3 phần sẽ cung cấp cho người đọc lượng thông tin phong phú, khá đầy đủ về vùng đất Cái Răng.
Phần 1 với tiêu đề “Mở đất và kháng chiến” giới thiệu về vùng đất Cái Răng trong buổi đầu hình thành. Cái Răng xưa khí hậu tốt, mưa thuận gió hòa quanh năm nên là nơi những người khẩn hoang đặt chân tới khá sớm trên đường chinh phục dãy đất mênh mông phía Tây sông Hậu. Trên vùng đất này ngay từ buổi đầu đã hội tụ được cộng đồng 3 dân tộc: Việt - Hoa - Khmer. Họ đoàn kết, sống hòa hợp bên nhau, cùng khẩn hoang lập nghiệp, dốc sức mở mang, xây dựng Cái Răng trở thành đô thị và phát triển nhanh chóng. Trong giai đoạn kháng chiến, giữ đất, Cái Răng ghi dấu những chiến công lãy lừng vùng Nam Bộ, tiêu biểu với: Cuộc nổi dậy của nghĩa quân Đinh Sâm năm 1868, mở đầu sớm nhất cho phong trào khởi nghĩa vũ trang, chống thực dân Pháp ở Cần Thơ; Trận Lê Bình vang tiếng và 9 năm trường kỳ kháng Pháp đầy gian khổ; Trong chống Mỹ cứu nước với chiến thắng Rạch Ông Cửu (1969), trận đánh sập cầu Cái Răng (1972). Qua đó cho thấy đây là vùng đất anh hùng, cùng bao chiến công rạng ngời trong trang sử vàng giữ nước.
Đến với phần 2 của quyển sách mang tên “Dấu ấn Cái Răng xưa”, cho thấy Cái Răng là vùng đất sớm hình thành hoạt động thương mại - dịch vụ với sự ra đời của chợ Cái Răng từ những thập niên đầu thế kỷ XX, đáp ứng kịp thời yêu cầu công cuộc khẩn hoang mở đất, dần trở thành một chợ đầu mới lớn trong vùng. Đặc biệt là sự hình thành chợ nổi - một loại hình kinh doanh, mua bán đặc thù của vùng sông nước miệt vườn, từ sự kết dính giữa chợ trên bờ và chợ trên sông, hoạt động giao thương rất qui mô, nhịp nhàng, sôi động. Bên cạnh đó, Cái Răng còn là cái nôi ra đời của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nổi bật với các xóm nghề như: Kinh doanh lúa gạo, Lò nem, Trại mộc, Lò rèn, Sản xuất rượu… Cái Răng còn được biết đến với các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử như: Đình Thường Thạnh, Chùa Hiệp Thiên Cung,…
Phần 3 với tiêu đề “Cái Răng trên đường phát triển”. Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt trong thời kỳ TP. Cần Thơ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Cái Răng trở thành một trong những địa bàn giữ vị trí trọng yếu, cửa ngõ phía Nam của TP. Cần Thơ với các công trình tiêu biểu như: Cầu Cần Thơ, Khu đô thị mới, Cảng biển Cái Cui, Trung tâm Văn hóa Tây Đô,… ngày càng khẳng định triển vọng phát triển trong tương lai của TP. Cần Thơ.
Quyển sách “Cái Răng - Hình thành và phát triển” là tài liệu phản ánh toàn diện về vùng đất Cái Răng trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Mời bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 959.793/C103R
- DC.1364
* Phòng Mượn:
- 959.793/C103R
- MG.3951

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây