THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY
Bài GTS tuần 2 tháng 11
Thứ năm - 14/11/2024 20:30160
Với vùng đất Nam Bộ, thiên nhiên dạt dào, dịu hiền như dòng sữa mẹ nuôi lớn ước mơ, tâm hồn đã hình thành nên tầm vóc con người Nam Bộ vô cùng nhiệt tình, hào hiệp, năng động, hào sảng. Hành trình khám phá con người, tự nhiên Nam Bộ qua văn học sử cũng là hành trình trở lại cội nguồn văn hóa – xã hội - lịch sử - phong tục tập quán, giúp bạn đọc càng thêm quý mến vùng đất và con người Nam Bộ hơn.
Từ muôn đời, thiên nhiên luôn là nguồn an ủi, người bạn lớn của con người. Ông bà ta quan niệm rằng: “Đất thế nào nuôi ra người thế ấy”. Đất ngàn năm văn hiến xuất hiện lớp lớp anh tài, nhân tài tri thư đạt lý. Đất non xanh nước biếc xuất hiện vô vàng thi nhân mặc khách, làng nghề nổi tiếng thi thư. Đất anh hùng tại ra biết bao thế hệ quân dân, anh thư hào kiệt xuất sắc bảo vệ nước nhà. Đất núi, đất rừng, đất cao nguyên hùng vĩ là nền tảng sinh ra những người con kiên trung, mạnh mẽ, cần cù, chăm chỉ lao động, cải tạo thiên nhiên để vươn lên. Đất sông nước mênh mông đồng ruộng, biển, hồ, sản thực vật phong phú nuôi nên những người con hào sảng, phóng khoáng, trọng tình trọng nghĩa, giúp nhau vượt khó khăn. Quả thật vậy, với vùng đất Nam Bộ, thiên nhiên dạt dào, dịu hiền như dòng sữa mẹ nuôi lớn ước mơ, tâm hồn đã hình thành nên tầm vóc con người Nam Bộ vô cùng nhiệt tình, hào hiệp, năng động, hào sảng. Hành trình khám phá con người, tự nhiên Nam Bộ qua văn học sử cũng là hành trình trở lại cội nguồn văn hóa – xã hội - lịch sử - phong tục tập quán, giúp bạn đọc càng thêm quý mến vùng đất và con người Nam Bộ hơn. Từ lâu vùng đất Nam Bộ đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, nhưng do hạn chế về tư liệu nên nhiều vấn đề còn đang thảo luận, ở trong nước còn quá ít sách viết về lịch sử -văn hoá-xã hội vùng đất này, sách giáo khoa phổ thông thì gần như không đề cập đến, nói chi đến hướng tiếp cận từ văn học. Để tiếp tục góp phần làm phong phú thêm cái nhìn toàn cảnh về vùng đất Nam Bộ và đáp ứng yêu cầu của nhiều bạn đọc, NXB Trẻ cho xuất bản cuốn sách “ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM BỘ” dưới sự tham gia hiệu đính của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ Việt Nam và sự dày công biên soạn của tác giả Ca Văn Thỉnh -bút hiệu Ngạc Xuyên giới thiệu đến bạn đọc năm 2016. Nếu kể về lượng thì số trang viết của tác giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh để lại không nhiều, nhưng ông đã thấy và chỉ cho chúng ta thấy rõ mạch văn mối đạo cũng như tinh tuý của cổ học Nam Bộ thông qua các bài nghiên cứu công phu, thận trọng, khoa học, đầy tính phát hiện, thể hiện tài hoa của một người luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc. Hôm nay,Tổ Thư viện – Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh quận Ninh Kiều xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả quyển sách “ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM BỘ” của tác giả Ca Văn Thỉnh. Quyển sách “ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM BỘ” của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnhcó 365 trang in giấy màu trắng ngà, sạch sẽ, minh họa bìa màu đẹp mắt, ấn tượng về buổi đầu đi khai hoang mở cõi, hăng hái lao động của cư dân vùng sông nước Nam Bộ, bìa giấy cứng khổ 16cmx23cm. Sách có 10 phần nội dung chính như sau: Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta; Minh bột di ngư một quyển sách, hai thi xã; Lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu-tác giả Lục Vân Tiên; Khổng học ở đất Đồng Nai; Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế; Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại (Thuỵ)(1976-1829); Đất và người Nam Bộ; Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm – Xoài Mút; ý nghĩa về văn học sử Nam Bộ và mối quan hệ Bắc Nam; Hào khí Đồng Nai. Kính thưa quý độc giả, Nam Bộ là vùng lãnh thổ hình thành muộn nhất của Việt Nam, tính đến nay mới chừng ba thế kỷ lịch sử. Nếu nói đến “cổ học” ở đây, chỉ có khoảng hai trăm năm. Tác giả Ngạc Xuyên nghiên cứu cổ học Nam Bộ ở nhiều phương diện, mà thông qua các nội dung được tập hợp lại để giới thiệu trong quyển sách “ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM BỘ” này,tạm thời chia hướng tiếp cận của ông theo ba phương diện: sử học, văn học và nho học. Mỗi một phương diện nêu trên là kèm theo các bài viết, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu qua hơn 10 năm tích luỹ, nghiền ngẫm, đã được ông công bố vào đầu thập niên 1940-1943 và tiếp tục được lưu truyền đến ngày nay, như một minh chứng khẳng định những giá trị lớn lao, cao đẹp của lịch sử, văn học, giáo dục, con người Nam Bộ. Tất cả các bài viết của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh viết về Nam Bộ được giới thiệu trong quyển sách này đều rất hay, với văn phong dùng từ đậm chất văn học Nam Bộ xưa. Mong rằng, quyển sách “ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM BỘ” sẽ đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu lịch sử vùng đất Nam Bộ của đông đảo bạn đọc và phần nào cung cấp thêm tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan. Thông qua đó, nối dài niềm tự hào, tinh thần thuần tuý nghiên cứu khoa học của tác giả về khẳng định giá trị, bản sắc văn hoá cũng như cổ học Nam Bộ, bác bỏ những luận điểm sai trái của một số học giả trong và ngoài nước về con người, lịch sử, văn chương, giáo dục Nam Bộ.