I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những thói quen xấu làm hỏng dáng mà bạn đang mắc phải” được trích từ tạp chí Mẹo vặt và đời sống Ông bà ta đã nói “nhất dáng nhì da”, dáng dấp là yếu tố quyết định diện mạo của mỗi người, chẳng thế mà mọi người đều mỗi ngày tập thể dục và ăn uống lành mạnh để giữ dáng chuẩn nhỉ? Nhưng những thói quen xấu làm hỏng dáng mà bạn đang mắc phải hàng ngày mình liệt kê sau đây, không biết các bạn có để ý không đây.
Những thói quen xấu làm hỏng dáng mà bạn đang mắc phải:
Vắt chéo chân
Tư thế ngồi “sang chảnh” này giúp bạn trở nên kiêu sa, sang chảnh và lịch lãm đặc biệt là với những cô mặc váy và mang giày cao gót. Thế nhưng, các nghiên cứu chỉ ra rằng, những hậu quả của việc ngồi vắt chéo chân quá lâu gồm những triệu chứng như: tăng huyết áp, giãn tĩnh mạch và tổn thương dây thần kinh. Bên cạnh đó, tư thế ngồi vắt chéo còn gây ra những tác hại nhất định lên cấu trúc xương của cơ thể. Khi ngồi ở tư thế này, chúng ta thường ngả người về phía trước và khum vai lại làm lệch cấu trúc xương vốn có.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ Đại học Y ở Rotterdam, Hà Lan các nhà nghiên cứu đã cho thấy, ngồi vắt chéo chân có thể tăng độ giãn của cơ hình lên 11% so với ngồi không vắt chéo chân và tăng 21% so với đứng, điều này có thể giúp tăng độ vững cho xương chậu.
Vì vậy, nếu bạn vẫn muốn duy trì tư thế ngồi sang chảnh này thì hãy ngồi thẳng trong khi vắt chéo chân, đặc biệt là không để cho đến khi chân bạn bị tê liệt, những vấn đề về vóc dáng sẽ được khắc phục.
Tư thế không ngay ngắn
Ngồi cong lưng và chúi người về phái trước sẽ khiến xương chậu vì đẩy về sau dẫn đến cột sống mau chóng cong vẹo. Với học sinh hay dân văn phòng thì tư thế ngồi cong lưng còn gây ra chứng thoái hóa sớm cũng như tích mỡ ở phần bụng dưới.
Tư thế ngả ra sau quá nhiều gây áp lực lên xương chậu, điều này cũng làm gia tăng nhức mỏi cơ và cong vẹo cột sống.
Nằm bò ra bàn
Học tập căng thẳng, công việc chồng chất dễ khiến bạn dẫn đến thói xấu nằm bò ra bàn. Nếu thói quen này bị duy trì, sẽ khiến bạn dễ bị giật mình hay có cảm giác khó thở sau khi ngủ gật trên mặt bàn. Khi nằm bò ra bàn, phần ngực tì sát vào cạnh bàn tạo áp lực lên tim và phổi gây ra chứng khó thở, lâu dài, tư thế này dễ gây chứng đau hay cong vẹo cột sống.
Ngồi cong lưng hay ngả ra sau quá lâu
Ngồi cong lưng hay ngả ra sau quá lâu trong thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến cột sống. Bởi khi đó, khung xương chậu sẽ bị đẩy về phía sau hoặc trượt dài về phía trước. Những áp lực tác động lên chúng sẽ làm gia tăng nhức mỏi và nguy cơ gây cong vẹo cột sống.
Dùng bàn quá thấp hoặc quá cao
Kích cỡ và độ cao của bàn học hay làm việc không phù hợp có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì, bàn quá thấp sẽ khiến lưng phải cúi xuống trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến cột sống. Bàn quá cao cũng khiến bạn phải rướn người lên gây mỏi và tác động tiêu cực đến khung xương.
Lưu ý về tư thế ngồi học và ánh sáng phòng học, phòng làm việc
Tư thế ngồi học của trẻ, luôn nhắc trẻ giữ khoảng cách từ mắt đến sách là 30 – 35cm.
Không được cúi thấp khi học. Không tránh dùng bàn quá thấp khiến lưng phải cúi xuống quá nhiều.
Lưng thẳng, vai thẳng và đẩy nhẹ về sau. Nếu mệt mỏi, hãy ngả người về sau một góc 30-45 độ.
Nên luân chuyển đổi chỗ ngồi một tháng một lần nhằm tạo cho mắt trẻ linh hoạt trong tầm nhìn.
Không được kê bàn học ngược sáng với đèn tuýp treo trong phòng, cho dù có đèn bàn nhưng vẫn gây ra bóng trên bàn học.
Không tắt tất cả các đèn trong phòng vì người học rất bị lóa mắt khi nhìn từ sáng ra tối hoặc ngược lại, hơn nữa chỉ có một nguồn sáng duy nhất nên nhìn lâu bị mỏi mắt. Bạn cần loại bỏ thói quen này nếu có, khi trẻ học ngoài đèn bàn nên bật đủ đèn trong phòng.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Những người con sống mãi với non sông.
- Nâng cao vai trò của công đoàn trong việc thực hiện quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động.
NHỮNG NGƯỜI CON SỐNG MÃI VỚI NON SÔNG
Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, lực lượng vũ trang nhân dân ta đã nối tiếp truyền thống anh hùng của dân tộc, ngoan cường đánh bại những kẻ thù to lớn nhất để giành lại non sông, thống nhất đất nước. Đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh, hiến trọn đời mình cho quê hương, Tổ quốc. Đó là những hình ảnh trường tồn, nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ công ơn.
Quyển sách “Những người con sống mãi với non sông” do Thái Chí Thanh tuyển chọn và biên soạn, NXB Dân trí ấn hành năm 2018 sẽ giới thiệu đến các bạn những tấm gương anh hùng của các lực lượng vũ trang nhân dân trong công cuộc kháng chiến chống Pháp. Với độ dày 215 trang, sách bao gồm những hồi kí viết về những anh hùng, liệt sĩ, lực lượng vũ trang đầy nhiệt huyết cách mạng và tinh thần yêu nước như: Vũ Văn Hiếu, Kim Đồng (tức Nông Văn Dền), Lục Sĩ Thành, Nguyễn Phúc Lai, Lê Bình, Dương Minh Châu, Vừ A Dính, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót,... Đó là những anh hùng đã vượt qua bao chặng đường hiểm nguy, lập nên những kỳ tích vĩ đại nhất, vẻ vang nhất của lịch sử Việt Nam, đưa dân tộc ta sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Với những cống hiến to lớn đó, họ được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Nhiều tượng đài, con đường, trường học được dựng lên mang tên những người anh hùng để đền đáp công ơn to lớn ấy và phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các liệt sĩ đã đem xương máu của mình vun đắp cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày nay... Công trạng của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dân và non sông đất nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang vàng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”.
Chiến tranh đã qua đi với bao người con đã hy sinh, bao nhiêu hài cốt các liệt sỹ còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ thân yêu. Quyển sách này chính là một phần nhỏ để tri ân đến các anh hùng bất từ, vừa giúp các bạn trẻ hôm nay hiểu thêm, để kính yêu, ghi nhớ và sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống.
Kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 959.704092/NH556NG; Mã số: DV.55338, MG.9363, MG.9364.
NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN
TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN LỢI ĐẢM BẢO, PHÚC LỢI TỐT HƠN CHO ĐOÀN VIÊN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những năm qua, Công đoàn luôn có nhiều hoạt động hướng về cơ sở, gắn với cơ sở, thiết thực chăm lo, đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp đoàn viên và người lao động yên tâm làm việc.
Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” cho đoàn viên và người lao động, năm 2018, NXB Lao động đã ấn hành quyển sách “Nâng cao vai trò của Công đoàn trong việc thực hiện Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động” do Nguyễn Thị Lan Anh và Vũ Kim Thanh biên soạn. Sách dày 331 trang bao gồm 11 bài viết, bài phát biểu.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp tăng năng suất lao động, thực hiện Quyền lợi đảm bảo phúc lợi tốt hơn cho Đoàn viên, người lao động” trong một cuộc gặp gỡ đối thoại đặc biệt với công nhân lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã nêu bật những thành tựu và vai trò của tổ chức Công đoàn trong những năm gần đây. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các cấp Công đoàn, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp cùng lo cho giai cấp công nhân bớt khó khăn, vất vả; Bên cạnh đó cũng mong muốn mỗi người lao động phải tự phấn đấu, không ngừng rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc vì gia đình, vì doanh nghiệp và vì đất nước.
Ngoài ra, quyển sách còn có những bài viết nhằm đưa ra các kiến nghị nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, tiếp tục nâng cao vai trò của Công đoàn trong việc thực hiện quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động, thông qua một số hoạt động của các Công đoàn tiêu biểu như: “Công đoàn Cao su Việt Nam: Nhiều hoạt động vì quyền lợi của người lao động, hướng về cơ sở” (Phan Mạnh Hùng), “Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam: Luôn nỗ lực vì người lao động” (Lê Thanh Xuân),… Cuối quyển sách là phụ lục một số văn bản của Nhà nước trong việc chỉ đạo thực hiện Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động.
Qua các bài viết, quyển sách “Nâng cao vai trò của Công đoàn trong việc thực hiện Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động” đã cho thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Công đoàn đã có những hoạt động tích cực trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, góp phần giúp cho tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực.
Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 344.59701/N122C; Mã số: DV.54904, MA.19488, MA.19489.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Kính trọng người khác là một loại cảnh giới cao thượng”.
Vào một ngày mùa thu, sau khi Ajian tốt nghiệp đại học, cô nộp đơn xin việc làm quảng cáo tại nước ngoài với một công ty quốc tế.
Sau mấy lần thử thách, cô tự biết rằng mình không giỏi như những người xin việc khác và cảm thấy rất khó để xin được công việc này. Sau lần thử thách cuối cùng, cô bước ra khỏi toà nhà sang trọng của công ty đó cùng với các bạn xin việc khác và đi bộ trên một con đường nhỏ dưới ánh nắng chói chang. Các bạn xin việc khác rất vui vẻ, nhưng cô đi một mình phía sau mọi người và cảm thấy rất buồn rầu.
Đi bộ được một đoạn ngắn thì có một người ăn mày đang đi trên đường đưa tay ra xin tiền từ các bạn này.
“Cút đi. Đừng đến đây và làm quấy rầy cuộc vui này”, một số bạn bực mình nói. “Tránh xa ra, tôi không có tiền đâu”, một người gắt gỏng nói. “Dường như đây là cách dễ nhất để làm tiền!”, một ngươì khác mỉa mai. Một số người quay mặt và tránh đi chỗ khác. Với lòng thương hại, một số ném vài đồng trên đường rồi bỏ đi.
Không cần biết họ nói và làm những gì, nét mặt của người ăn xin vẫn bình lặng.
Dừng lại trước mặt người ăn mày, Ajian vui vẻ mỉm cười đưa tay vào túi xách toan lấy tiền. Nhưng cô chợt thấy mắc cỡ vì đã bỏ quên cái ví ở nhà nên không tìm ra được đồng tiền nào.
Cảm thấy có lỗi, cô nắm lấy tay người ăn mày và nói với vẻ xin lỗi: “Thưa ông, cháu xin lỗi. Cháu quên mang theo ví và không có tiền ở đây”.
“Không sao, cô à, tôi xin biết ơn suốt đời. Những gì cô cho tôi còn quý hơn tiền bạc. Cô là người đầu tiên tôn trọng tôi”. Ngay lúc này, người ăn mày ứa nước mắt.
Một tuần sau, cô nhận được thư báo tuyển dụng từ công ty lớn đó. Đó là một công việc mà cô hằng mơ ước.
Nhân có giờ họp riêng, cô bèn hỏi người phỏng vấn rằng tại sao cô được chọn trong khi cô không phải là người giỏi nhất trong số những người xin việc. Người phỏng vấn trả lời: “Cô là người tốt nhất cho công việc quảng cáo. Cô có thể là người không giỏi về những công việc khác, nhưng điều quan trọng nhất cho việc làm này là sự kính trọng người khác. Cô biết kính trọng người khác, không cần biết là địa vị của họ thấp kém đến đâu, và cô vẫn xem họ bình đẳng với cô. Kính trọng người khác trong tim mình còn hơn là đức độ”.
Thật ra, cảnh người ăn mày trên con đường nhỏ là được dàn dựng bởi công ty này.
IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Trong chương trình phát thanh tuần này, xin gởi đến quý vị và các bạn bài hát “Màu hoa đỏ”, sáng tác của Thuận Yến.