CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 36 (01/9– 06/9/2020)

Thứ tư - 07/10/2020 02:29 807 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG     
                      

     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “7 mùi hương giúp nâng cao tâm trạng và năng suất làm việc” trích từ báo Cần Thơ.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số mùi hương nhất định có thể tác động đến trí nhớ, duy trì sự chú ý, khả năng tập trung và chức năng nhận thức - những yếu tố có thể cải thiện năng suất làm việc. Dưới đây là 7 mùi hương được chứng minh là có hiệu quả cải thiện tâm trạng và hiệu quả làm việc nhiều nhất:
Chanh
Hương thơm nồng nàn của chanh có thể “đánh thức” các giác quan và cải thiện chức năng nhận thức, đặc biệt là giúp tăng cường khả năng tập trung. Không chỉ vậy, hương chanh còn có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và làm cho đầu óc minh mẫn hơn, rất thích hợp để ngửi mỗi khi bạn tức giận hoặc cảm thấy buồn chán và bất an.
Hoa nhài
Hương hoa nhài có công dụng làm tăng sự phấn chấn, không chỉ thúc đẩy tâm trạng tích cực, cảm giác lạc quan và tự tin, mà còn phục hồi năng lượng hoạt động cho cơ thể. Ngửi hương hoa nhài trong thời gian nghỉ ngơi có thể giúp bạn trở nên tỉnh táo và cải thiện năng suất làm việc tức thì.
Hoa oải hương
Mùi hương ngọt ngào của oải hương có tác dụng làm dịu và giảm căng thẳng thần kinh, trầm cảm, đau đầu và đau nửa đầu. Ngửi tinh dầu oải hương trong thời gian nghỉ ngơi còn giúp lấy lại sự tỉnh táo và “nạp pin” cho bộ não. Nhờ đặc tính trấn tĩnh thần kinh, hương oải hương còn giúp kiểm soát stress hiệu quả.
Hương thảo
Tiếp xúc với mùi thơm của loại rau gia vị phổ biến này vừa có thể gia tăng sự tỉnh táo vừa cải thiện khả năng ghi nhớ. Hơn nữa, các đặc tính kích thích của hương thảo còn giúp đẩy lùi tình trạng kiệt sức về thể chất, đau đầu và mệt mỏi về tinh thần.
Quế
Nghiên cứu chỉ ra rằng hương quế có thể chống lại sự mệt mỏi về tinh thần và cải thiện khả năng tập trung. Ðặc tính kích thích của quế cũng làm tăng tốc độ phản xạ và tăng cường trí nhớ - những yếu tố rất hữu ích cho quá trình xử lý công việc. Theo một nghiên cứu, ngửi hương quế có thể cải thiện hiệu suất trong một số hoạt động đòi hỏi khả năng ghi nhớ.
Bạc hà
Nếu đang tìm kiếm một mùi hương có thể nâng cao năng lượng hoạt động nhanh chóng vào buổi sáng, bạn chỉ cần hít một ít hương tinh dầu bạc hà hoặc thêm một vài giọt tinh dầu bạc hà vào loại dầu gội đang sử dụng. Hương bạc hà giúp đầu óc tươi tỉnh và tăng cường sự tập trung. Các nhà nghiên cứu phát hiện tinh dầu bạc hà còn có hiệu quả ngăn ngừa cảm giác mệt mỏi và cải thiện thành quả tập thể dục.
Cà phê
Mọi người đều biết rằng uống cà phê giúp chúng ta tỉnh táo hơn, nhưng sự thật là chỉ cần ngửi hương thơm của thức uống này cũng có thể mang đến tác dụng tương tự. Trong một nghiên cứu, nhóm sinh viên được ngửi hương cà phê đã thực hiện các nhiệm vụ phân tích và lý luận tốt hơn so với nhóm sinh viên không tiếp cận với liệu pháp mùi hương này.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                    
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     -  Luật Thư viện.
     -  Hành trình chữ viết.
LUẬT THƯ VIỆN

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, Luật Thư viện chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống.  Đây là dấu mốc quan trọng giúp hoạt động thư viện hiệu quả hơn, cũng như nâng cao văn hóa đọc của nhân dân. Nhằm giúp bạn đọc hiểu và vận dụng hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến thư viện và văn hóa đọc, trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn quyển “Luật Thư viện” do Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2020.
Với 59 trang, quyển sách trình bày toàn văn Luật Thư viện đã được công bố theo Lệnh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 03 tháng 12 năm 2019. 
Luật Thư viện gồm 52 điều thể hiện qua 6 chương gồm: Những quy định chung; Thành lập thư viện; Hoạt động thư viện; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá  nhân trong hoạt động thư viện; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện; Điều khoản thi hành.

Qua đây, các nội dung như: Thư viện; Thư viện số; Tài nguyên thông tin; Dịch vụ thư viện; Chức năng, nhiệm vụ của thư viện; Các loại thư viện; Điều kiện thành lập thư viện; Nguyên tắc hoạt động thư viện; Quyền, nghĩa vụ của của người làm công tác thư viện; Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng thư viện; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;… được quy định rõ trong các điều Luật. Trong đó, về phát triển văn hóa đọc, ở điều 30 của Luật Thư viện đã quy định: "Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Điều này có ý nghĩa thiết thực tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, cũng như tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. 
Có thể thấy, Luật Thư viện ra đời là niềm vui của những người làm công tác thư viện và những người yêu văn hóa đọc. Luật Thư viện vừa là điểm tựa vững chắc vừa tạo niềm hy vọng về sự chấn hưng và phát triển của sự nghiệp thư viện cũng như văn hóa đọc của đất nước trong thời gian tới. Bạn đọc có thể tra tìm quyển “Luật Thư viện” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: Ký hiệu phân loại: 344.597 / L504TH;  PHÒNG ĐỌC: DV.058306; PHÒNG MƯỢN: MA.022680; MA.022681; MA.022682
 
HÀNH TRÌNH CHỮ VIẾT

Trong tiến trình lịch sử nhân loại, chữ viết đến với chúng ta xuyên qua hàng ngàn năm, kể từ khi xuất hiệu những ký hiệu qua hình vẽ cho đến những trang sách, báo liên tục rời khỏi nhà in và đến nay là vô vàn con chữ trên môi trường internet. Vậy chữ viết được hình thành như thế nào? Trước hay sau ngôn ngữ? Giấy ra đời từ khi nào? Chữ cho người mù do ai sáng tạo ra? Chữ Quốc ngữ hình thành như thế nào?,... Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong quyển sách “Hành trình chữ viết” do Lê Minh Quốc biên soạn. Nxb.Trẻ ấn hành năm 2000.
Qua 148 trang, sách chuyển tải đến bạn đọc những kiến thức liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của chữ viết. Bạn đọc sẽ biết được chữ viết ra đời cách đây bao nhiêu năm? Chữ Hán truyền vào Việt Nam từ lúc nào? Tạo sao ông cha ta sáng tạo ra chữ Nôm và giá trị ảnh hưởng của nó trong văn hóa nước nhà? Người Việt Nam đã biết đến công nghệ in vào lúc nào và tổ chức in ra sao? Trò chơi ô chữ xuất hiện từ lúc nào?...
Đọc quyển sách, chúng ta sẽ hiểu được tại sao gọi chữ viết là lời nói thuộc thị giác và có quyền năng lặng lẽ và có sức mạnh vô biên trong truyền đạt ý tưởng. Nó cho phép con người du hành qua thời gian và không gian, giúp con người tìm hiểu và khám phá về quá khứ. Khẳng định điều này, nơi bức tường của lối vào thư viện thành phố Brooklyn, New York, người ta có thể đọc: "Nơi đây lưu giữ hy vọng của những trái tim lớn/ Với âm vang thăm thẳm câu nói bay đi/ Sự mầu nhiệm của từ đến với chúng ta/ Bằng sự khôn ngoan bao đời tích lũy".
Ở đất nước ta, ngay sau khi giành được Độc Lập, ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ “chống giặc đói, chống giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Tháng 10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra lời kêu gọi “Toàn dân chống nạn thất học”. Người đã viết những dòng tha thiết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu nước mạnh, mọi người Việt Nam phải biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Qua đây, càng cho thấy tầm quan trọng rất đặc biệt của chữ viết đúng như lời một học giả uyên bác từng nhận định: “Sự phát minh của chữ viết, chỉ riêng nó thôi, còn quan trọng hơn toàn bộ những trận đánh trên toàn thế giới”.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Hành trình chữ viết” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: Ký hiệu phân loại: 495.922 / H107TR; PHÒNG ĐỌC: DV.028567; PHÒNG MƯỢN: MB.003068; MB.003069

 III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
    Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn đoạn trích trong bài viết “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của tác giả Nguyễn Thế Lượng đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chữ viết, tiếng nói là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc. Tiếng Việt của dân tộc Việt Nam cũng như vậy. Tiếng nói, chữ viết tiếng Việt có nguồn gốc bản địa, được cha ông ta sáng tạo, gìn giữ, cải tiến trong hành trình tạo dựng cuộc sống, phát triển cộng đồng xã hội. Trải qua các triều đại lịch sử, qua những giai đoạn phát triển, tiếng Việt đã trở thành hồn cốt của dân tộc, có sức sống lâu bền trong tâm hồn, lối sống, tư duy của con người Việt Nam. Dù có sống ở miền đất nào trên lãnh thổ Việt Nam hay sống xa quê hương, những con người mang dòng máu Việt đều không quên thứ tiếng ông cha, lời ăn tiếng nói của dân tộc mình...
Chúng ta cần nhận thức rõ, tiếng Việt là tiếng của dân tộc Việt, là tài sản quốc gia, việc sử dụng tiếng Việt gồm cả nói và viết phải theo một hệ thống quy định về chuẩn mực. Việc ban hành quy định về sử dụng tiếng Việt theo chuẩn mực là thuộc về Nhà nước, không cá nhân và tổ chức nào có quyền thay thế những quy định về sử dụng tiếng Việt vốn đã trở thành quy tắc chung cho toàn dân. Đồng thời, việc cải tiến, sáng tạo tiếng Việt trong quá trình sử dụng là điều cần thiết nhưng không được thay đổi hoàn toàn diện mạo của nó, không xáo trộn gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Bởi lẽ, việc đưa những quy tắc nói và viết tiếng Việt vào nhân dân, vào từng người không phải là việc dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều mà phải trải qua một quá trình học tập từ khi con người mới tập nói, tập viết đến khi nói và viết thành thạo. Trong sự cải tiến, sáng tạo tiếng Việt, chúng ta có thể chấp nhận sự cải tiến tiếng Việt để sử dụng cho phù hợp với đặc thù ngành nghề, nhóm ngành nghề. Chẳng hạn như việc sử dụng tiếng Việt không dấu, viết tắt, những kí hiệu gắn với đặc thù các lĩnh vực như công nghệ thông tin, các ngành khoa học... Hiện nay, có tình trạng giới trẻ sử dụng “tiếng lóng” trong tiếng Việt, ngôn ngữ quảng cáo sử dụng không đúng quy cách... ít nhiều đã và đang làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Giữ gìn và làm giàu tiếng Việt là trách nhiệm của toàn dân. Song, dù xã hội, khoa học công nghệ có thay đổi đến đâu, chúng ta phải nhận thức sâu sắc và xác định không được làm méo mó, lai căng tiếng Việt trong quá trình sử dụng. Mỗi người cần ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải trên cơ sở nói và viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ. Cần loại bỏ những yếu tố không phù hợp, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn mực, trong sáng của tiếng Việt. Mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Việt để chúng ta luôn tự hào về tiếng của dân tộc Việt Nam, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn

     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây