CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 18 (tháng 01/2024)     

Thứ năm - 28/12/2023 23:33 579 0
    Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 18 (tháng 01/2024) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
 
 
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Văn hóa tặng sách dịp tết: Giá trị cần gìn giữ” của Diệp Lục đăng trên trang Phụ nữ Online.

Trong những giỏ quà tết cho nhau, sẽ ý nghĩa biết bao nếu thấp thoáng giữa bánh mứt, phong bao đỏ, còn có những cuốn sách gửi tặng cho gia chủ và các cháu nhỏ…

Một buổi chiều tháng Chạp, nhà văn Lê Văn Nghĩa bồi hồi nhắc lại những cái tết của tuổi thơ xưa. Một trong những nỗi nhớ không phai trong ký ức ông là hình ảnh ba ông, cứ đến ngày tết là “phải ra sạp mua mấy tờ báo tết về đọc”. Việc đọc sách báo ngày xuân như một thú vui, thói quen của gia đình nhà văn. Năm tháng ấy, ông vẫn còn là một đứa trẻ chỉ biết háo hức với quần áo mới, thức ăn ngon. Nhưng những hình ảnh vàng son quý giá về cụ thân sinh mãi mãi lưu dấu trong ký ức nhà văn như một nét đẹp, giá trị văn hóa của một thời. 

“Trong không khí mùa xuân êm dịu, ngồi dưới khung cửa sổ tĩnh lặng, ngắm cành mai nở nhụy ngát hương, nhấp chén trà thơm nồng ấm vị… Bồng bềnh giữa cõi thực hư đó, được nhâm nhi, nghiền ngẫm quyển sách mình tâm đắc thì thật hạnh phúc biết bao. Sách ẩn náu lý tưởng trong chuỗi ngày tĩnh lặng” - thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, tâm tình. Năm nào anh cũng có quà sách/báo xuân cho người thân, bạn bè, cháu nhỏ ở nhà.

 “Có một vị sư thầy đã nói với tôi rằng, trong các quà tặng dịp tết, có lẽ sách là món quà cao cấp nhất, vì thể hiện tính tri thức. Nó khiến người được tặng cảm giác là người am hiểu, thích tìm tòi tri thức của nhân loại. Đối với các cháu nhỏ, thường khi tặng, tôi sẽ nói thêm về sự phong phú của nội dung sách để các cháu có thêm thông tin, và cũng hy vọng tạo được thói quen yêu thích đọc sách cho các cháu” - thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ. Anh cũng là người viết thư pháp “tặng chữ” đầu năm cho các thi nhân. 

Vài năm trở lại đây, nhiều người đã nói đến “sự hồi sinh” của phong tục tặng sách ngày tết, cùng gửi gắm kỳ vọng rằng những nét đẹp văn hóa ấy cần được giữ gìn, phát huy, truyền tải những thông điệp quý giá về văn hóa đọc. Các nhà làm sách cũng đã chú ý đầu tư làm sách đẹp, từ hộp gỗ đến thiết kế bìa sách, dàn trang, minh họa đều rất bắt mắt; hoặc tạo ra những “combo” sách tết ấn tượng hướng đến nhiều đối tượng độc giả. 

Những năm gần đây, các đơn vị làm sách đều phải “gồng mình” qua đại dịch, nhưng vẫn nỗ lực - để những tác phẩm mới, chất lượng vẫn tuần tự được lên kệ. Mùa tết không thiếu những tựa sách hay, đẹp để người người làm “quà sách cho nhau”.

“Cá nhân tôi không chỉ đợi đến tết mới tặng sách, mà trong năm, bất cứ lúc nào thấy được sách hay, phù hợp, tôi đều mua tặng bạn bè, con cháu trong nhà. Tôi thấy mừng là nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu có thói quen tặng sách cho nhau trong những dịp đặc biệt: ngày lễ tình nhân, 8/3, hoặc mua sách tặng thầy cô dịp 20/11. Việc tặng sách ngày tết lại càng nên phát huy. Điều đó rất ý nghĩa, rất đáng trân trọng” - ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM, chia sẻ. 

Một cuốn sách hay đôi khi được người nhận lưu giữ mãi ký ức/ấn tượng/giá trị đến về sau. Có những cuốn sách góp phần làm thay đổi nhận thức, lựa chọn của người đọc. 

Tết là dịp đoàn viên, sum họp. Không phải ai cũng có thể thư nhàn thưởng trà đọc sách, hay chấp nhận “đổi” thời gian vui chơi với gia đình, bạn bè để ngồi nhâm nhi một quyển sách hay. Nhưng tặng quà sách tết cho nhau, là trao đi và cùng gìn giữ một nét đẹp văn hóa ngày tết. Quà sách tết - cũng như những ấn bản sách in vào dịp tết đang góp phần mang những giá trị cũ trở lại, nói như nhà văn Lê Văn Nghĩa, là cùng “phục hưng phong tục tặng sách ngày xuân”. Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn, dù quay lưng lại nhưng vẫn là bạn tốt - người xưa đã từng có lời như vậy.  
                                               
II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Cần Thơ gạo trắng nước trong…” của Hùng Việt đăng trên tạp chí điện tử Du lịch.
Cùng với điều kiện thuận lợi sẵn có của tự nhiên, hệ thống sông ngòi chằng chịt với những tuyến sông, kênh rạch bao quanh các vườn cây ăn trái và tuyến lộ vòng cung lịch sử, Cần Thơ đang trở thành trung tâm du lịch của đồng bằng sông Cửu Long, thu hút đông đảo du khách bởi sự hấp dẫn đặc trưng của sông nước miệt vườn.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình du lịch vùng sông nước miệt vườn là chợ nổi Cái Răng. Đến Cần Thơ mà không ghé qua chợ nổi Cái Răng xem như chưa đến Cần Thơ. Chỉ mất khoảng 30 phút ngồi thuyền từ bến Ninh Kiều theo dòng sông Hậu xuôi về chợ nổi - chợ trên sông nổi tiếng của miền tây Nam Bộ, chuyên buôn bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Chợ họp từ tờ mờ sáng đến khi mặt trời đứng bóng, vì thế hãy đến thật sớm để cảm nhận sự đặc biệt cùng với người dân nơi đây. Trong không khí dịu dàng của buổi sớm mai lãng đãng hơi sương, hương phù sa ngan ngát của dòng sông huyền thoại, hàng trăm thuyền bè thúng mủng lớn nhỏ từ các nơi đổ về tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, hối hả. Trời dần sáng, ta như lạc vào một vườn trái cây khổng lồ đầy hương sắc, màu xanh sậm của dưa hấu, những trái thanh long hồng tươi, màu vàng của dứa, mùi thơm của các loại trái cây hòa quyện, tiếng nước mơn man mạn thuyền, tiếng người mua hàng í ới… tạo nên một hợp âm vô cùng khó tả, rộn rã nhưng không tất bật, náo nhiệt nhưng không ồn ã… Ngoài mặt hàng chủ đạo, chợ cũng có đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Một điều thú vị là tất cả những mặt hàng được người chủ thuyền treo lên mũi sào, như một phương thức “tiếp thị” độc đáo để người mua dễ dàng quan sát, chọn lựa món cần tìm.
Du khách có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ đi dạo lòng vòng quanh chợ. Dù là chợ trên sông nhưng vẫn có đủ các món ẩm thực phục vụ du khách. Ngồi trên sông nước bồng bềnh, thưởng thức tô hủ tiếu đậm chất Nam Bộ, nhấm nháp ly rượu đế cay nồng trong buổi sớm mai sẽ khiến chuyến đi thêm phần thi vị.
Văn hóa miệt vườn sông nước đặc sắc của Cần Thơ ngày càng hấp dẫn du khách đến trải nghiệm với nhiều loại hình du lịch độc đáo. Một trong những điểm “phải đến” là vườn cò Bằng Lăng. Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 50km theo quốc lộ 91 về hướng Thốt Nốt, vườn cò Bằng Lăng là “vương quốc” của các loài cò từ các nơi tụ tập về. Nhìn từ xa, vườn cò như được phủ một màu trắng, khi đến gần, du khách sẽ vô cùng ấn tượng bởi hàng vạn con cò chao cánh giữa thiên nhiên, tiếng ríu rít gọi đàn, tiếng gió, tiếng sóng nước nhè nhẹ tạo nên bản hòa tấu của thiên nhiên, trữ tình khoáng đạt và dạt dào cảm xúc.
Cần Thơ còn có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái vườn. Được thiên nhiên ưu đãi đất đai màu mỡ, kết hợp với khí hậu ấm áp quanh năm nên vùng đất này có nhiều loại trái cây nổi tiếng như vú sữa, mận, nhãn, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, táo, quýt… Điều thú vị là đến vùng đất này vào bất cứ mùa nào trong năm, du khách cũng đều được thưởng thức hương vị tươi ngon của trái cây bởi sự đa dạng, phong phú của các loại cây ăn quả. Nếu muốn dạo chơi trong những vườn cây rộng lớn “thẳng cánh cò bay”, du khách nên tới huyện Phong Điền và cù lao Tân Lộc. Một số nhà vườn nổi tiếng tại đây như Vàm Xáng, cồn Ấu, Giáo Dương, Mỹ Thơm, Mỹ Khánh, Vũ Bình, vườn nhãn Mỹ Thuận…
Ngoài ra, làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh (thuộc huyện Phong Điền) cũng là một trong những điểm đến tiêu biểu của Cần Thơ. Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ 10 km, Mỹ Khánh là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa sông nước miệt vườn với nhiều chủng loại trái cây đặc sản, bốn mùa trĩu quả kết hợp cùng ẩm thực phong phú, đậm chất Nam Bộ. Một điều chắc chắn là bất cứ ai tham gia các hoạt động như một ngày làm điền chủ, tát mương bắt cá, bơi thuyền, câu cá, tham quan làng nghề truyền thống, nghe đàn ca tài tử, xiếc khỉ... sẽ không muốn rời xa vùng đất này…
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói về bến Ninh Kiều, nơi đây từ lâu đã nổi danh với câu thơ: “Cần Thơ có bến Ninh Kiều / Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”.
Hấp dẫn du khách bởi phong cảnh hữu tình, đặc biệt là nhà thủy tạ là một con tàu bồng bềnh trên sông được nối với bờ bằng một cây cầu được thiết kế độc đáo. Du khách có thể thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của vùng đất “gạo trắng nước trong” trên nhà thủy tạ, vừa bao quát dòng sông Hậu thơ mộng, với “đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều, về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu…”.
Hiện nay, ngành Du lịch Cần Thơ đang xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch mới như chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer tại chùa Pothysomrom (quận Ô Môn);  khôi phục hệ thống nhà cổ, lễ hội trái cây Tân Lộc (quận Thốt Nốt); làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy); du lịch trải nghiệm ở các nông trường. Cùng với đó, đưa các loại hình du lịch mang tính đặc trưng của Cần Thơ như du lịch hội nghị, du lịch sông nước - miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng, lưu trú tại nhà dân để thu hút du khách trong và ngoài nước. Thành phố tiếp tục hoàn thiện, phát huy những sản phẩm đã có, tập trung hoàn thành và thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” theo định hướng là chợ văn hóa, văn minh gắn với phát triển du lịch.
“Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về” - câu ca dao xưa đã bao hàm ý nghĩa trọn vẹn về một vùng sông nước trù phú, với những sản vật và môi trường sinh thái níu chân du khách thập phương…
 
* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:

1. Tập Thông tin “THÀNH PHỐ CẦN THƠ - DẤU ẤN 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (2004 - 2024)”. Đây là sản phẩm thông tin của Thư viện Thành phố Cần Thơ thiết thực chào mừng Kỷ niệm 20 năm Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01/01/2004 - 01/01/2024), tập thông tin bao gồm những tư liệu chính thống được thu thập, chọn lọc nêu bật những thành tựu cơ bản, những định hướng quan trọng của Cần Thơ trong chặng đường phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị hạt nhân mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nội dung được sắp xếp thành phẩn chủ yếu gồm: Chính trị - Xã hội; Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Kinh tế; Khoa học - Kỹ thuật; Quốc phòng - An ninh.

  Bên cạnh đó, tập thông tin còn có phần Phụ lục với các nội dung: Infographic về danh nhân Cần Thơ;  Giới thiệu sách về Cần Thơ và Mã QR truy cập các bộ sưu tập số của Thư viện thành phố Cần Thơ, nhằm giúp bạn đọc thuận tiện tra cứu, tham khảo mở rộng hướng tiếp cận các nguồn thông tin hữu ích.

Tập Thông tin chuyên đề sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm giá trị những thành quả trong chặng đường qua, cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu và khai thác mọi tiềm năng để Thành phố Cần Thơ tiếp tục vững bước đi lên trong tiến trình hội nhập và phát triển. 

Quý vị và các bạn có thể đọc toàn văn Tập thông tin này tại Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP Cần Thơ, theo đường dẫn sau:  http://cantholib.org.vn/tpct-dau-an-20-nam-xay-dung-va-phat-trien

2. Quyển sách “Những ngày Tết Tây” do Tô Hồng Vân biên soạn, Hoài Phương minh hoạ, Nxb. Kim Đồng xuất bản năm 2015 với 83 trang. Cuốn sách với hình ảnh nhiều màu sắc minh họa sống động cho các nội dung giới thiệu về các ngày lễ phổ biến, các ngày kỷ niệm quan trọng và lễ hội khắp thế giới, “Những ngày Tết Tây” sẽ trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho các bạn thanh thiếu niên tự tin vững bước trong thời đại mới. Mở đầu là bài viết về dương lịch và âm lịch. Tiếp đến, sách giới thiệu những ngày lễ phổ biến được nhiều người biết đến như: Tết Dương lịch 1/1, Lễ tình yêu - Valentine 14/2, Quốc tế phụ nữ 8/3, Quốc tế thiếu nhi 1/6, Ngày của Mẹ và ngày của Cha, Lễ hội ma quỷ Halloween, Lễ Giáng Sinh - Christmas - Noel, Lễ Tạ Ơn - Thanksgiving, Lễ Phục sinh - Easter.

Trong đó, Ngày Tết Dương lịch (còn gọi là Tết Tây, Tế Quốc tế) ở Việt Nam tuy không có nghi lễ truyền thống phải thực hiện như Tết Nguyên Đán, nhưng đã được quy định nghỉ lễ vào ngày 1/1 để đón chào năm mới. Truyền thống của dịp Tết Dương lịch là mọi người đặt ra những “Quyết tâm cho năm mới”. Đó có thể là: ăn uống đúng cách, bỏ thuốc lá, trả bớt nợ, tiết kiệm tiền, học một thứ gì đó mới, sống độc lập hơn, không thức khuya, tình nguyện giúp đỡ những người xung quanh,... hay đối với các bạn học sinh là sẽ quyết tâm học tốt hơn môn học mình chưa hài lòng.

Các bạn muốn lập được Quyết tâm năm mới thật hợp lý, bạn cần phải hiểu bản thân mình muốn gì và cần thay đổi những gì. Khi bạn thực hiện được những lời hứa và quyết tâm này - biến chúng thành hiện thực, bạn sẽ cảm thấy năm mới của mình trở nên tốt đẹp hơn.

Sách còn cung cấp những thông tin của các ngày kỷ niệm quan trọng của Việt Nam như: Giải phóng miền Nam 30/4, Sinh nhật Bác Hồ 19/5, Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam 2/9, Ngày tôn vinh các ngành nghề... Các lễ hội khắp thế giới như: Ngày Trái đất - Eath Day 22/4, Ngày Quốc tế Hòa Bình 21/9, Ngày thế giới không thuốc lá - No Smoking Day 31/5 và các lễ hội trên thế giới...

Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách “Những ngày Tết Tây” được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ  với số ký hiệu phân loại: 394.2691 / NH556NG. ▪ PHÒNG THIẾU NHI: ND.003051; ND.003052

3. Quyển sách “Kỹ năng quản lý thời gian và lập kế hoạch dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên” do Trí Thức Việt biên soạn, Nxb Dân trí xuất bản năm 202. Với 91 trang kèm nhiều tranh vẽ sinh động, sách giúp các bạn biết cách sử dụng thời gian và lập kế hoạch một cách tối ưu nhất.

Đọc sách, bạn hiểu rõ hơn về quản lý thời gian là gì? Kế hoạch là gì? Giới thiệu phương pháp rèn luyện kỹ năng sử dụng thời gian một cách tối ưu nhất và tự lập kế hoạch cho bản thân mình trong mọi việc một cách khoa học, nhằm tránh được sự lãng phí thời gian và công sức.

Sách còn có những mẩu chuyện về sử dụng thời gian và xây dựng kế hoạch đem đến những kinh nghiệm hữu ích giúp các bạn có thể vận dụng như: Chuẩn bị tốt tránh thất bại; Thời gian quý báu lắm; Hãy làm chủ; …

Đây là quyển sách thiết thực đồng hành cùng các bạn, giúp các bạn thêm vững tin vào bản thân, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, chinh phục những mục tiêu mới! Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số phân loại: 650.1 / K600N. ▪ PHÒNG THIẾU NHI: ND.010522; ND.010523

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây