CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 01 (01/8/2022)

Thứ hai - 01/08/2022 00:02 1.159 0

Kính thưa quý vị và các bạn! nhằm khuyến khích thói quen, phát triển tư duy và kỹ năng đọc hiệu quả trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời cung cấp thông tin về các sự kiện lịch sử văn hóa, xã hội nổi bật, các kiến thức khoa học ứng dụng trong đời sống và giới thiệu những quyển sách hay cần đọc; Thư viện TP. Cần Thơ bắt đầu thực hiện Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” với 02 chuyên mục "Văn hóa đọc 4.0""Nhịp cầu tri thức", định kỳ 1 lần/tháng và được đăng tải trên Cổng TTĐT Thư viện TP. Cần Thơ, tại địa chỉ http://www.cantholib.org.vn . Kỳ đầu tiên của chương trình được phát từ tháng 8/2022. 
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn theo dõi!

I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
     Kính thưa quý vị và các bạn!  Chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ đầu tiên này, chúng tôi xin mời quý vị và các bạn tìm hiểu về ý nghĩa của thuật ngữ  “Văn hóa đọc” và thuật ngữ “Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Về thuật ngữ “văn hóa đọc”, theo tác giả Nguyễn Hữu Viêm trong bài viết “Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam”, thì: “Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc”. Còn PGS.TS nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khẳng định: “Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở. Phải biết đọc sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức". Có thể thấy, theo những cách hiểu như trên, thì việc phát triển văn hóa đọc chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

  Tiếp theo, xin mời các bạn cùng tìm hiểu về “Cách mạng Công nghiệp 4.0” trích từ bài viết “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay” của tác giả Trần Thị Thanh Bình, đăng trên Tạp chí Cộng sản Online.

Theo tác giả: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Có thể khái quát bốn đặc trưng chính của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một là, dựa trên nền tảng của sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối internet vạn vật sẽ thúc đẩy sự phát triển của máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. Hai là, sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất sản phẩm một cách hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ - công nghệ này cũng cho phép con người có thể in ra sản phẩm mới bằng những phương pháp phi truyền thống, bỏ qua các khâu trung gian và giảm chi phí sản xuất nhiều nhất có thể. Ba là, công nghệ nano và vật liệu mới tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. Bốn là, trí tuệ nhân tạo và điều khiển học cho phép con người kiểm soát từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian, tương tác nhanh hơn và chính xác hơn. 

Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng, cuộc cách mạng này có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế người lao động bằng máy móc có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai và làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao", do đó dễ dẫn đến sự phân tầng xã hội ngày càng trầm trọng thêm”.

Các bạn thân mến! Qua hai nội dung trên chúng ta có thể thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội và thách thức của tất cả các thành phần trong xã hội, nhất là lực lượng lao động. Vì thế, mỗi cá nhân phải không ngừng trau dồi tri thức, kỹ năng, trong đó việc đọc sách báo, tài liệu và học tập suốt đời là phương thức bền vững nhất để đáp ứng yêu cầu phát triển hòa nhịp cùng thời đại.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC
 Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này xin gởi đến quý vị và các bạn nội dung tóm tắt bài viết “Những ca khúc ra đời trong cách mạng tháng Tám lay động cả dân tộc” của Hoài Hương trên Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam (VOV.VN).

 Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 trở thành những ký ức không thể nào quên trong tâm trí của nhiều người dân Việt Nam. Những khoảnh khắc thiêng liêng ấy cũng đã được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng nổi tiếng sống mãi cùng lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nghe những ca khúc ấy, dường như ai cũng có thể cảm nhận được không khí hào hùng, sục sôi khí thế cách mạng của toàn dân tộc trong những ngày tháng lịch sử ấy. Những ca khúc như: Cùng nhau đi hồng binh- Đinh Nhu, Lên đàngTiếng gọi thanh niên- Lưu Hữu Phước, Du kích ca- Đỗ Nhuận, Phất cờ Nam Tiến- Hoàng Văn Thái, Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam- Văn Cao, Diệt phát xít- Nguyễn Đình Thi, Đoàn Vệ quốc quân- Phan Huỳnh Điểu, Mười chín tháng Tám- Xuân Oanh… Những ca khúc cách mạng nổi tiếng đó không chỉ làm lay động trái tim những khán giả lớn tuổi từng tham gia các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà ngay cả lớp khán giả thế hệ 8X, 9X, 2K+ cũng phần nào hình dung được không khí đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc.

Những lời ca như: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/Nào có sá chi đâu ngày trở về/Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui” (Đoàn Vệ quốc quân- Phan Huỳnh Điểu)… cho đến tận hôm nay vẫn giữ vẹn nguyên khí thế hừng hực, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh giành chính quyền từ các thế lực đế quốc, phát xít.

Trong những ngày rung chuyển của Cách mạng Tháng Tám, có 8 ca khúc thường xuyên được vang lên trong không gian Hà Nội, trong không khí sôi sục của một thời đại mới. Đó là các ca khúc: 

Ca khúc Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu. Đặc biệt, ca khúc Tiến quân ca - Văn Cao sau Cách mạng Tháng Tám được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc ”Tiến quân ca” tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ca khúc khác của Văn Cao được viết cùng thời gian với “Tiến quân ca”, đó là ca khúc Chiến sĩ Việt Nam trong những ngày đầu cách mạng cũng được Đại hội Quốc dân xem xét để bầu chọn làm bài ca chính thức của Mặt trận Việt Minh.

Ca khúc Diệt phát xít- Nguyễn Đình Thi, hòa chung vào những ca khúc chống phát xít của toàn thế giới. Sau này Diệt phát xít  được chọn làm nhạc hiệu hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Một ca khúc nữa được hát vang trong những ngày đầu cách mạng, mang một hơi thở mới từ chiến khu loang về, đó là Du kích ca do Đỗ Nhuận viết đầu 1945.

Trong số những ca khúc vang lên trong những ngày Tháng Tám lịch sử phải kể đến hai hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đó là Lên đàngTiếng gọi thanh niên. Ca khúc như lời thúc giục, sục sôi dành cho thế hệ thanh niên thời điểm bấy giờ và cho đến ngày nay hai ca khúc này vẫn là ca khúc bất hủ dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam. Ca khúc “Tiếng gọi thanh niên” trở thành ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. 

Được tác giả sáng tác ngay trong thời điểm diễn ra cuộc đấu tranh sôi sục của quần chúng nhân dân, ca khúc Mười chín tháng Tám được nhạc sĩ  Xuân Oanh viết ngay khi ông hòa cùng dòng người đấu tranh tiến về Bắc Bộ Phủ - Hà Nội. Đến nay, ca khúc này vẫn được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc.

Riêng ca khúc Ba Đình nắng- nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch là một ca khúc “độc nhất vô nhị” đưa lời nói hào sảng mà rất thân thương, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào giữa Ba Đình lịch sử: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu nói ấy được lồng vào giai điệu với 7 nốt nhạc rất nhuần nhị lại tự nhiên mà nghe thật tình cảm. “Ba Đình Nắng” cho đến nay nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn hát vang:…“Gió  vút lên ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Gió vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao…".

Thời gian càng lùi xa, nhưng những ca khúc ấy vẫn vang vọng những giai điệu hào hùng của dân tộc, vẫn tiếp nối truyền năng lượng tích cực đến các thế hệ trẻ hôm nay, để như một niềm tự hào về cha ông, như một lời hứa trách nhiệm với đất nước.

*Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn 03 quyển sách sau:

1. Quyển sách: “Sự hy sinh kỳ diệu” do Quốc Đại sưu tầm, tuyển chọn, Nxb Dân Trí xuất bản năm 2022 với dày 251 trang, là các bài viết, các câu chuyện cảm động về đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ, về những tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất đất nước (như Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Cừ, Cù Chính Lan, Vừ A Dính, Nguyễn Viết Xuân, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Kim Đồng, 10 cô gái Tiểu đội 4 ở Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Thái Bình, Trần Can, Phan Đình Giót, cũng như những liệt sĩ trên mặt trận Tây Nam, trên đường tiến vào nội thành Sài Gòn, mặt trận biên giới phía Bắc, Thành cổ Quảng Trị,...). Năm tháng sẽ trôi qua nhưng những hy sinh cống hiến quên mình của các anh hùng liệt sĩ mãi mãi được Tổ quốc và Nhân dân ghi nhớ công ơn.
 Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP Cần Thơ với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / S550H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061423; 
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.011132; MG.011133

2. Quyển sách “Để ăn không phải băn khoăn” được viết bởi Vũ Thế Thành và Nguyễn Bích Hiền, Nxb. Thế giới xuất bản năm 2021. Đây tiếp nối thành công của tập 1 “Ăn để sướng hay ăn để sợ”, tập 2 “Để ăn không phải băn khoăn” tiếp tục giải mã các tin đồn và giải tỏa phần nào nỗi hoang mang cho bạn đọc về an toàn thực phẩm. Qua 263 trang, sách giải đáp những câu hỏi như: Chất chống oxi hóa có “thần thánh” như quảng cáo? Về cái gọi là “siêu thực phẩm”; Thực phẩm bổ máu; Chất béo nào tốt? Có cần kiêng cá vì e ngại thủy ngân? Bột ngọt, bột nêm, siêu bột ngọt, thứ nào hại? Sao lắm phụ gia thực phẩm gây ung thư thế này?...sẽ  giúp bạn biết cách sử dụng thực phẩm thực sự khoa học, an toàn và có thể an tâm trong việc ăn uống hàng ngày.
 Các bạn hãy tìm đọc quyển sách này tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
- Môn loại: 363.19 / Đ250Ă;
- Phòng Đọc: DV 59554;
- Phòng Mượn: MA 24268-24269

3. Quyển sách “Chúng ta học thế nào?” của tác giả Benedict Carey, được Trần Trọng Hải Minh dịch sẽ giúp các bạn hiểu biết chi tiết về cơ chế học tập của bộ não qua các phần: lưu trữ ký ức, giải quyết vấn đề, khai thác tiềm thức. Từ đó, các bạn có thể vận dụng để nhanh chóng cải thiện quá trình học tập hiệu quả hơn. Sách do Nxb. Thế giới xuất bản năm 2022, dày 402 trang, Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 153.1 / CH513T; 
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061092;
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.013347; MH.013348

    Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ đầu tiên đến đây xin tạm dừng.
    Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây