Truyện ngắn: Cái mương ranh

Thứ năm - 30/11/2023 21:20 166 0
CÁI MƯƠNG RANH
     Từ khi xảy ra vụ tranh chấp cái ranh đất đến nay, ông Ba Tôn thường vắng nhà, mỗi sáng sớm tay cầm sơ-mi đựng giấy tờ đến ngồi ở quán cà phê gần trụ sở Ủy ban Nhân dân phường, nơi mấy cán bộ hưu trí tụ họp lại râm ran biết bao chuyện. Từ chuyện hồi trước trận đánh đồn ở Lương Tâm, đến chuyện tập kích ở Ông Hào, lan man qua chuyến hành quân về làm công tác dân vận ở vùng tôn giáo, chuyện nọ xọ chuyện kia, có những chuyện thiếu đầu thiếu đuôi, phần nhiều là ngẫu hứng.
     Ông Ba Tôn vẫn ngồi trầm ngâm. Chẳng biết có chuyện nào lọt vào tai ông không, bởi vì ông không hưởng ứng, cũng chẳng phản đối. Đến khi không khí của buổi “tán gẫu” sắp tàn, ông thở dài. Có người hiểu được tâm trạng của ông, nên sau ngụm nước trà cuối cùng, người ngồi trong góc của bàn cà phê quay sang Ba Tôn, hỏi:
          - Chuyện thưa gởi đến đâu rồi anh Ba?
          - Mấy thằng ở phường cứ nín thinh biết đâu mà nói, nghe đâu thằng Hoàng “chạy thuốc” tới trên Quân khu. Ông Ba Tôn nói như để trút cơn giận dữ. Ông Ba Chiến - người vừa hỏi thăm vốn dĩ ít nói, bình tĩnh, thường nhận xét đánh giá một việc nào có lý, có tình, ông nói thẳng thắn, không su nịnh, không sợ mất lòng.
          - Mình lớn rồi, người có vị thế xã hội về hưu, đám ở phường là em cháu. Nó muốn giải quyết chuyện nào đó, nhứt là việc tranh chấp của cánh hưu trí tụi mình, nó dè dặt cẩn thận là đúng. Mình nói phải có ngằn, không khéo em cháu nó đánh giá mình. Nói xong, ông Ba Chiến đủng đỉnh bước ra về. Bàn cà phê sáng cũng tản hàng theo ông. Ông Ba Tôn lục lọi trong sơ-mi rút ra tờ giấy, liếc sơ ngang rồi rời quán, bước về hướng trụ sở Ủy ban phường.
          Cơ quan UBND phường chuẩn bị để được công nhận là phường văn hóa. Tất cả cán bộ phó trưởng ngành, kết hợp cán bộ trên về chỉ đạo xuống khu vực làm nốt các việc còn lại. Hôm nay Ủy ban phường thật vắng, chỉ có cán bộ trực lãnh đạo và số nhân viên các bộ phận tiếp dân.
          Ông Ba Tôn tay cầm tấm giấy, nách kẹp cái sơ-mi bước vào cửa Ủy ban, Phượng – cán bộ tư pháp thấy ông gật đầu chào:
          - Bác Ba đến tìm anh Trung chủ tịch hả bác Ba?
          - Ừ, nó có ở đây không cháu?
          - Dạ, ảnh đi xuống khu vực rồi. Có gì, bác gởi cho con, ảnh về con đưa lại. Ông Ba Tôn lưỡng lự một lúc, nói:
          - Cũng được, nhưng cháu cho bác nhắn với nó, chuyện của bác, giải quyết như vậy bác không đồng ý. Bên kia nó cứ lấn qua hoài, hổm rày bác kêu nài mấy lá đơn rồi mà vẫn cứ nín thinh. Cháu nói với nó rằng bác rất phiền, làm chánh quyền gì mà dân kêu nài cứ ậm ừ ậm ực!... Như trút được cơn nóng giận, ông Ba Tôn quầy quã ra về.
     Chiều hôm đó, Trần Chí Trung, Chủ tịch phường cùng các cán bộ các ban ngành quận, trong đó có đồng chí Phó bí thư quận ủy đi các khu vực về, ghé lại trụ sở phường kiểm điểm công việc. Thấy những người trong phòng chủ tịch đi ra, chỉ còn lại có Trung và đồng chí Phó bí thư quận, Phượng cầm lá đơn của ông Ba Tôn vào đưa cho Trung, nói lại những lời ông Ba Tôn nhắn với Trung. Trung đọc lướt qua lá đơn, rót thêm nước trà mời đồng chí Phó bí thư, nói:
          - Sẵn trong dịp nầy, chúng tôi nhờ anh Lâm giúp cùng chúng tôi giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp cái ranh đất giữa bác Ba Tôn và thượng tá Hoàng cho rồi. – Phó bí thư Lâm gật đầu:
          -  Phường sắp được công nhận phường văn hóa, chuyện nầy không thể để ngày qua ngày được, phải làm ngay. Vụ tranh chấp nầy giữa cán bộ đại tá hưu trí với một thượng tá đang chức đang quyền dễ cho dân dị nghị. Tôi đề nghị các anh sắp xếp thời gian để giải quyết dứt điểm.
*
*       *
     Cuộc họp giải quyết vụ tranh chấp ranh đất giữa đại tá Ba Tôn về hưu và thượng tá Hoàng được gói gọn trong phạm vi nội bộ. Đại biểu đến dự chỉ có đại diện Phó bí thư quận ủy Nguyễn Lâm, chủ tịch phường Trần Chí Trung, cán bộ địa chính và một số đại diện đoàn thể. Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, chủ tịch Trung tóm tắt nội dung tranh chấp như sau:
          - Số là chú Ba được cấp trên cấp cho thổ cư vốn của tên đại úy ngụy ác ôn đã vượt biên sau giải phóng. Chú Ba về ở lâu rồi, chú có lấn sang phần đất kế bên một cái bờ lúc trước chưa có ai nhận. Sau đó thượng tá Hoàng được cấp cho phần đất giáp ranh chú Ba. Căn cứ theo sơ đồ địa chính cũ, thì chú Ba phải trả lại cho anh Hoàng cái bờ mà chú đã lấn sang. Chú Ba bằng lòng với điều kiện là anh Hoàng phải bồi hoàn cho chú Ba một lượng vàng công khai phá và số hoa màu trên mặt đất chú đã trồng. Phía anh Hoàng không tán thành cho là vô lý. Sự việc như vậy cứ dằng co tới lui mãi đến hôm nay.
    Có ý kiến cho rằng giải quyết như thế là thỏa đáng, ai bảo ông Ba Tôn lấn ranh sang người ta, nhưng ông Ba Tôn vẫn không chịu, cứ đòi Hoàng phải bồi hoàn. Cuộc họp trở nên căng thẳng.
          Ông Ba Chiến - đại tá về hưu - đại diện Hội cựu chiến binh, từ đầu cuộc đến giờ ngồi trầm ngâm trong góc bàn phía trên giơ tay xin phát biểu. Với giọng trầm buồn, ông Ba Chiến nói với cuộc họp, nhưng như kể chuyện với Ba Tôn:
          - Anh Ba à, bộ anh quên trận biệt kích ở Dinh Điền rồi sao, tụi mình kẹt ở trong nhà chị tư Thân, chị vật lộn với mấy tên lính trong nhà để mình chạy thoát, sau đó tụi nó bắt trói chị, đốt nhà xong, dẫn chị đến đầu kinh Dinh Điền bắn chị thả xuống kinh. Anh Tư thì bận việc ở xa, chiều hôm đó mình trở lại chôn cất chị Tư xong rồi dẫn thằng Hoàng theo mình. Mấy năm sau Hoàng mới gặp và theo ba nó. Mãi đến gần đây tôi mới nhìn ra nó trong dịp lễ 30 tháng 4 năm rồi. Nó cho biết anh Tư Thân hy sinh kỳ vô tiếp thu Cà Mau. Sau khi cha hy sinh nó đi bộ đội luôn. Rồi nó đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Quân khu mới cấp cho nó miếng đất ở khu dân cư sĩ quan với mình. Bây giờ xảy ra chuyện như thế, tôi nghĩ thật trớ trêu! Thôi thì tôi có ý kiến giải quyết thế nầy để chúng ta suy xét.
          Ông Ba Chiến ngưng nói. Cuộc họp lặng trang, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng. Không khí cuộc họp yên lặng. Một lúc sau ông Ba Chiến mới nêu ý kiến của mình:
          - Gia đình cháu Hoàng cũng hy sinh xương máu nhiều rồi. Bây giờ chú khuyên cháu hãy hy sinh thêm một ít vật chất nữa. Về phía anh Ba Tôn cũng vậy, mình dám hy sinh cả cuộc đời cho cách mạng, thương tích đầy mình, bây giờ chẳng lẽ vì cái ranh đất ít ỏi vậy mà làm lớn chuyện ra đến luật pháp, người ta mà biết, họ cười cho. Tôi đề nghị cái bờ ranh đó đào cái mương, ngang 1 mét chính giữa, để làm cái mương ranh. Nếu cần thiết, sau nầy hùn lại xây bức tường là chắc ăn.
          Mọi người vỗ tay vang dội hội trường tán thành ý kiến ông Ba Chiến.
          Sau tràng vỗ tay, cuộc họp trở lại yên lặng. Phó bí thư quận ủy Nguyễn Lâm đứng lên phát biểu:
          - Cách giải quyết của chú Ba rất hay. Riêng tôi xin bổ túc thêm thế nầy: ngay ngày hôm nay, tôi đề nghị Ban địa chính của phường cùng chú Ba với anh Hoàng về đo đạc căng dây đâu đó cho hoàn chỉnh, ngày mai chú Ba thuê một số nhân công từ ngoài đào vô, anh Hoàng cũng thuê một số nhân công từ trong đào ra, 2 bên gặp nhau sẽ khánh thành “công trình” – Và tôi cũng đề nghị các đại biểu có mặt hôm nay, ngày mai cũng đến đó chứng kiến.
*
*       *
     Xế chiều, hai đàng đào còn trên một mét nữa mới thông cái mương ranh. Thượng tá Hoàng xách ra một xô nước dừa đá và một thau khoai lang luộc, kêu mọi người gom lại ăn khoai uống nước dừa. Ông Ba Tôn cũng xách ra một xô nước chanh với chuối luộc, mọi người xúm xít ăn, uống...
          Ông Ba Tôn nói:
          - Hồi nhỏ tôi đào đất cho điền chủ một ngày đến mấy chục mét khối, bây giờ mới đào mấy cục quăng hết nổi rồi – Thượng tá Hoàng chen vào:
          - Hồi ở bên Campuchia, đất cứng sỏi đá vậy mà tôi đào đấp trong vòng 2 tiếng đồng hồ là xong cái hầm, từ đó đến giờ không đào nữa, để tôi thử vài leng coi! Hoàng nhảy xuống đào, anh vừa xắn leng xuống, nghe phía dưới lưỡi leng đụng vật gì cứng cái kịt, anh reo lên:
          - Đụng hủ vàng rồi anh em ơi!
          Ông Ba Tôn châm vào:
          - Thằng nói giỡn, nhưng coi chừng có thật. Nghe nói vùng đất nầy hồi trước toàn đám nhà giàu, sĩ quan Ngụy ở, năm 1968 bộ đội mình đánh vô hy sinh cũng bộn, biết đâu vong hồn của các liệt sĩ quanh quẩn ở đây dẫn dắt ta đào trúng hũ vàng, nếu được như vậy chú cháu mình chia đôi nghe Hoàng.
          Hoàng cãi lại:
          - Chia đều cho các anh em có mặt bữa nay chớ chú.
          - Cũng được. Ông Ba Tôn nói tán thành.
          Hoàng lấy leng nạy đất xung quanh vật cứng kia, rồi xeo mạnh, một bựng đất to văng lên. Hoàng đến bưng cái bựng đất ấy lên, anh ngạc nhiên kêu lên:
          - Trời ơi, đầu lâu!
          Hoàng bưng cái đầu lâu kia đem qua cái mương kế bên rửa thật sạch, đem trở lại, để trên cái mâm chuối của ông Ba Tôn đem ra khi nãy. Ông Ba Tôn vào nhà lấy ra mấy nén nhang, đốt lên cặm trước cái đầu lâu, ông khấn:
          - Ngay các vong linh xiêu mồ lạc mã, hãy chứng giám cho chú cháu tôi không phải là người chuyên đào mồ cuốc mã, đây là việc làm vô tình, mong các vong linh thứ lỗi. Nếu có linh thiêng quý ông quý bà phò hộ cho chúng tôi thu gom hết hài cốt, chúng tôi sẽ đem về nghĩa địa từ thiện ở tập trung với người ta cho vui. Còn nếu có linh thiêng hơn, dẫn dắt chúng tôi đào gặp hũ vàng, chúng tôi sẽ làm mồ yên mã đẹp cho quý ông bà.
          Khấn xong, Ba Tôn nhảy xuống mương đào, leng thứ hai cũng đụng vật gì rất cứng nghe cái keng, thanh và chắc, ông la lớn:
          - Hủ vàng thật Hoàng ơi, chú cháu mình “trúng mánh” rồi!
          Mọi người đổ xô lại. Một người thò tay xuống mũi leng, moi móc. Hàng chục cặp mắt đổ dồn theo động tác của người nầy. Anh móc lên một cái chai xá xị dính đầy bùn đất. Anh đem qua mương kế bên rửa sạch sẽ, rồi trở lên đưa cho ông Ba Tôn. Miệng chai được đóng nút bần có khằn cẩn thận nước không vào được. Trong chai có miếng giấy cuốn tròn. Mọi người tò mò đề nghị đập cổ chai để xem giấy gì. Ông Ba Tôn dùng sóng dao đập gảy cổ chai lấy ra lọn giấy, đưa tấm giấy cho Nguyễn Lâm:
          - Nè chú Lâm tỏ mắt, đọc thử coi giấy gì!
          Nguyễn Lâm cầm lấy mảnh giấy. Mảnh giấy loại giấy tập học trò xổ xuống. Tuồng và chữ viết đứng, nét chữ rất đẹp, còn rất rõ ràng. Lâm đọc to cho mọi người nghe:
          - “Liệt sĩ Vũ Trọng Khang, cấp bậc: thượng sĩ, Tiểu Đội trưởng Tiểu đội III, Trung Đội II, Tiểu Đoàn III, Trung Đoàn X. Sinh năm 1948, quê quán tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 5 năm 1966 – Hy sinh ngày mồng 02 tháng giêng, năm 1968 âl”.
          Ông Ba Tôn nói:
          - Vậy là chiến sĩ của Trung Đoàn Mười chúng ta rồi. Năm Mậu Thân tấn công vào thành phố nầy, hy sinh đem xác ra không được nên chôn tạm ở đây. Ông vội vã chạy vào nhà đem thêm ra một bó nhang, mọi người cùng nhau rút nhang đốt, cắm trước cái đầu lâu. Ông Ba Tôn và thượng tá Hoàng mỗi người đốt 3 nén nhang cắm trước cái đầu lâu, cả hai người quỳ xuống lạy 3 lạy. Nhưng cả hai đều cảm thấy từ hai hố mắt thật sâu thăm thẳm, đen ngòm như đang chằm chằm nhìn thẳng vào hai người, trách móc:
          - Đồng đội của các ông còn nằm đây, các ông hưởng được cảnh thanh bình sung sướng, sao còn tranh giành nhau từng chút quyền lợi!
          Ông Ba Tôn và Hoàng không hẹn mà cùng quay lại nhìn nhau, ánh mắt như hối hận: “phải rồi chúng ta có tội!”.
          Một kế hoạch đào bới tiếp được nhanh chóng triển khai để tìm hài cốt liệt sĩ.
MINH THƠ
Đầu năm 2008

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây