Truyện ngắn: Chiếc phái

Thứ năm - 30/11/2023 03:14 248 0
CHIẾC PHÁI
    Trong lớp học đàn tranh ở cuối xóm Đồng Năn, có một anh vệ quốc đoàn khá điển trai; trung người, dáng mảnh khảnh, làn da trắng mịn như con gái, đôi mắt hai mí rành rạnh, lồ lộ, môi đỏ hồng như thoa son, trông giống vẻ thư sinh hơn một nam tử hán. Nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ với tất cả người lớn trẻ nhỏ. Đó là anh Ba Tình, người lính Cụ Hồ được lịnh tập trung quân đóng trong nhà dân học tập trước khi xuống tàu tập kết ra miền Bắc hồi năm 1954.
     Ban ngày nào thì lo học chính trị, giúp dân đấp lộ, cất nhà, xây trường học, dạy chữ cho thiếu nhi, nào là cải thiện đời sống v.v... họa chăng chỉ rổi rảnh lúc đêm về, Ba Tình mới tranh thủ đến nhà ông Năm Chắc ở cuối xóm để học đàn tranh.
     Có lẽ nhờ thiên phú cái khiếu văn nghệ, nên học chẳng bao lâu, ngón đàn của anh trở nên điêu luyện. Không biết có phải vì tiếng đàn tranh réo rắc khoan nhặt như chứa u ẩn nổi niềm tâm sự của người lính sắp xa quê chăng; chẳng những ông thầy Năm Chắc mà ngay cả Út Nhung, con gái của thầy, cũng cảm mến Ba Tình đặc biệt hơn bao đệ tử khác.
     Mặc dù anh xin thầy vào học, là người muộn màn nhứt; vì cái mác là lính Cụ Hồ, nên ông Năm Chắc miễn cưỡng thâu nhận anh không ăn tiền. Nhưng có ngờ đâu người học trò bị thầy coi là miễn cưỡng lại lội ngược dòng. Sáu bắc, ba nam, nhứt là các bài oán như: trường tương tư, giang nam cửu khúc, phụng cầu hoàng duyên, bình sa lạc nhạn v.v... Tiếng đàn tranh của Ba Tình như những giọt mưa tí tách trong lòng, nghe tỉ tê ai oán và vô cùng đầm thấm dịu dàng, mùi mẫn đến du dương.
     Chẳng hiểu vô tình hay cố ý, nhiều đêm sau giờ dạy, ông Năm Chắc bảo Ba Tình ở lại, ông đưa cho cô Út Nhung cầm cây đàn nguyệt, Ba Tình đàn tranh, còn ông thủ nhị cầm mà gõ song lang. Hễ ông gõ bài nào, thì Ba Tình và Út Nhung hòa theo ông bài ấy. Nếu chỉ nghe tiếng đàn kìm và đàn tranh, như đôi chim chỉ lướt trên bầu trời lặng gió khi thêm tiếng đàn cò vào như quyện đôi chim tâng lên vút trời mây và tiếng song lang như lời bảo hãy vững nhịp mà tung cánh trong biển tình đôi lứa.
     Qua âm thanh của thầy trò trong những đêm hòa nhạc, hai con tim của Tình và Nhung cũng rung động theo cung bậc của tiếng đàn. Trong lúc buông đàn giải lao, ông Năm Chắc nhấp ly trà, rít hơi thuốc thật sâu, như thẩm định câu nói ông sắp buông lời, rồi ông phì ra làn khói dài như tiên đoán, ông nói:
    - Hai đứa bây sau nầy chắc én nam nhạn bắc?
     Mối tình đầu đời của anh vệ quốc đoàn ở cái tuổi mười tám và đôi mươi là như vậy đó, quá xuôi chèo mát mái. Rồi biết bao bức tranh đẹp được vẽ lên trong những đêm tâm sự. Cả hai như sờ đụng bức tranh gam màu xanh bên dòng Vĩnh Phú, một ngôi nhà lá đơn sơ, có tiếng trẻ thơ bập bẹ hát theo tiếng đàn của mẹ, dần đưa bé vào giấc ngủ ban trưa, để cha yên lòng ra đồng gặt lúa. Nhưng những ngày tháng ấy không bao lâu, anh được lệnh xuống tàu tập kết.
     Đêm chia tay, Ba Tình và Út Nhung ôm cây đàn nguyệt và đàn tranh xuống ngôi nhà mát ở bến sông hòa với nhau mấy bản tâm đồng như: tứ đại oán, khúc phượng cầu hoàn, thanh dạ đề huyên... Hai tiếng đàn càng về khuya càng hòa quyện nhau, dìu dặt trong đêm thanh vắng, nghe như hai mảnh tình keo sơn gắn bó không ai chia tách được. Trăng hạ tuần tháng 2 đã chếch bóng về tây, sương khuya xuống lạnh mà tiếng đàn sóng đôi còn réo rắc trên bờ sông vắng. Xuồng đi chợ khuya dừng tay chèo nghe, họ tắm tắt “ ...tiếng đàn ai như đưa họ về trên thiên bồng nước mượt”.
     Mãi đến khi trời đã đâm mây ngang, Ba Tình và Út Nhung mới ngưng hòa nhạc, mấy chiếc xuồng đi chợ mới chịu tiếp tục hành trình. Khi chỉ còn lại hai người, Ba Tình bạo dạng nắm chặt tay Nhung, thấy cô nín thinh không có phản ứng, tay trái anh choàng ngang cổ Nhung siết lại, hai tay của cô cũng choàng thân Ba Tình, 2 gương mặt cạ sát nhau, mũi Ba Tình hít rất mạnh vào má Nhung, toàn thân anh như men say ngấm vào từng sớ thịt, cái ngây ngất ấy 2 người cứ để rất lâu, rất lâu...trên má anh ướt đẩm, mới hay Nhung đã khóc. Khi ấy 2 người mới từ từ buông ra, Nhung vẫn còn khóc rấm rít, Ba Tình mới hiểu thế nào là nụ hôn đầu đời say đắm. Thổn thức hồi lâu, Ba Tình móc trong bóp ra tấm ảnh 4x6 của anh đưa cho Nhung rồi thì thầm:
     - Chẳng có kỷ vật gì để lại cho em, chỉ có tấm ảnh nầy khi nhớ tới anh lấy ra xem cho đỡ. Chỉ 2 mùa ngô đồng trổ bông anh sẽ trở về, khi ấy hai ta sẽ cưới nhau, thực hiện những ước mơ mình đã thêu dệt!
    Nhung sụt sùi khóc, móc ở túi áo chai dầu nhị thiên đường và chiếc khăn mùi xoa đưa cho ba Tình, nói trong tiếng nấc:
     - Anh đi mạnh giỏi, nói thì nhớ giữ lời nghe, dù lâu mấy em cũng chờ anh đó! Chai dầu nè, có say sóng thì sứt vào mũi, vào cổ, vào rún cho ấm còn cái khăn, có lỡ ói thì bụm lại, để người ta cười. Em xin ba được một ít tiền Cụ Hồ, và ba cho thêm, đem theo đi có thèm gì thì mua ăn.
     Buổi sáng hôm ấy tại bến tàu Chắc Băng, rất đông bà con là thân nhân ra tiễn người thân của mình xuống tàu tập kết. Kẻ đem quà vật, người cho tiền... đưa những người con Nam bộ ra miền Bắc, biết bao lời dặn dò nhau lời chúc phúc cho nhau: “...ra ngoải nhớ; nào là cho ba, nào là mẹ gởi lời thăm Cụ Hồ...”, “...cho con gởi lời từ giả ông nội, bà ngoại v.v và v.v...”. Ở một gốc riêng chỉ có 3 người, ông Năm Chắc, Út Nhung và Ba Tình, họ như quyến luyến nhau hơn mọi cặp vợ chồng, hơn cha con ruột. Ông đưa cho Ba Tình cây đàn tranh có khắc chữ Út Nhung bên hông mạng cây đờn, đoạn ông đưa chiếc song lang ông nói:
     -Cái song lang là để giữ nhịp trường canh cho đờn và khi nghe nó, đó cũng là lời giữ cho đời nhớ chữ thủy chung. Ra ngoài đó gặp Bác Hồ cho bác và bà con trong nầy kính chúc Bác sống lâu muôn tuổi và lãnh đạo lái con thuyền cách mạng đưa nước ta sớm hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhứt nước nhà.
     Ba Tình chỉ biết chấp tay, gật đầu, dạ. Út Nhung thì lấy trong vỏ xách ra cái mùng mới, chiếc khăn choàng tấm đôi mới dồn vào ba lô cho Tình, cô đưa cả vỏ xách, trong đó nào là xôi trái gất, khô cá lóc, cá sặc rằng... và cả 2 nấm đất, Nhung cho là đi sông biển xa, lâu ngày, có 2 nấm đất là âm dương của quê hương theo phò hộ sẽ vượt qua mọi trở ngại nguy nan.
     Còi tàu đã 3 lần vang dội, những vệt khói như vẫn còn quấn quít giữa kẻ ở, người đi. Rồi chiếc tàu Pháp xa dần, xa dần...
*
*     *
     Sau những tháng năm trong quân trường ở miền Bắc, Ba Tình được điều đi học trường sĩ quan ở nước bạn Liên Xô. Chiếc đàn tranh của Nhung, khi ra đến sân bay người ta không cho đem theo lên phi cơ. Ba Tình đành ôm cây đàn gởi cho thằng bạn thân tình nhứt, dặn nó hãy coi như bảo vật vô giá của đời riêng Ba Tình.
     Tuy ở nước bạn xa xôi, nhưng Ba Tình luôn theo dõi mọi diễn biến của quê hương, đất nước. Anh rất câm thù thằng giặc đã phản hiệp định Giơneve, ở miền Nam chúng thẳng tay khủng bố, tàn sát dân lành, bọn bù nhìn Ngô Đình Diệm đưa ra luật số 10/59, đàn áp gia đình có công kháng chiến, có người thân tập kết. Đầu óc Ba Tình gần như không còn tập trung đèn sách, anh nghỉ không biết gia đình của thầy Năm Chắc, Út Nhung có mệnh hệ gì?
     Sau 5 năm ở trường sĩ quan lục quân Liên Xô, trở về Việt Nam với cấp bằng đại học, lon thượng úy, ngày đêm anh mong ước sớm được trở về Nam để trả thù cho đồng bào ta bị giặc khủng bố. Ước muốn ấy đâu chỉ riêng anh, nhưng là lính Cụ Hồ, phải chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
*
*     *
     Gia đình ông Năm Chắc không ngoài hoàn cảnh những gia đình có người thân đi tập kết, thâm độc hơn việc khủng bố dã man trắng trợn, chúng cho binh lính, sĩ quan hễ tên nào dụ dỗ hoặc hãm hiếp được vợ hoặc người hứa hôn với người đi tập kết đều được thưởng.
     Năm 1960, Út Nhung tròn 24 tuổi, cái tuổi đứng đắn ấy của cô với mái tóc thề chấm ngang vai, gương mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu đen như hạt nhãn, chỉ với bấy nhiêu nhan sắc thì đã không lọt khỏi bao cặp mắt thèm thuồng của lũ chó săn bên dưới, huống chi đến cái chuyện là người hứa hôn với lính Cụ Hồ đã đi tập kết là mối hiểm họa không sao tránh khỏi.
     Một hôm, tên cảnh sát Đằng cùng đám an ninh quận vào lụt xét nhà ông Năm Chắc, chúng lôi mấy bó giấy tờ truyền đơn “đả đảo Mỹ Diệm, đòi hiệp thương tổng tuyển cử...” và chúng đem từ sau vườn vô cây súng mus Anglé, lắm lem bùn đất, chúng bảo là khui được hầm súng của ông Năm Chắc, với lý do như vậy, chúng còng tay ông Năm dẫn đi về quận đánh đập tả tơi, vẫn không moi được ở ông Năm lời nào, chúng giải ông lên tỉnh, sau đó chúng đưa ông ra Côn Đảo. Và ông Năm Chắc đã không về.
     Chỉ biết như vậy là vì người con trai lớn của ông đã đi kháng chiến, những người con kế nghe đâu chết khi nhỏ, chỉ còn được Út Nhung. Còn bà Năm đã vắn số lúc Nhung mới lên 4 tuổi. Nên đâu ai biết được ngày mất của ông, hằng năm giỗ ông chỉ nhớ loáng thoáng ngày ông bị bắt, rồi ấn định ngày đó làm ngày kỷ niệm hằng năm là ngày mùng 10 tháng 4 âl.
*
*     *
     Sau khi dẫn ông Năm đi, tên cảnh sát Đằng với vẻ thân mật đến bên Út Nhung an ủi:
     - Cô đừng lo, tôi sẽ nói với quận trưởng thả ông trong nay mai. Điều tôi muốn nói với cô là đừng mơ tưởng đến người tình ở Bắc Việt nữa. Cô không thấy đã 5, 6 năm nay rồi có tổng tuyển cử, có hòa bình gì đâu, mấy ông Hoa Kỳ đưa cố vấn Taylo qua giúp Ngô Tổng Thống rồi đó, đừng dại dột với cái thủy chung mù quáng nữa.
     - Mấy ông nói gì tôi không hiểu. Mấy ông đừng phao phản cho ba tôi, nhà tôi từ nào ở đây, bà con xóm Đồng Năn nầy ai không biết, ngoài việc ba tôi dạy đờn, có làm gì mà có giấy tờ ở trong nhà, làm gì có súng ngoài vườn, mấy ông phải thả ba tôi.
     Tên Đằng thấy Nhung có thái độ cương quyết, hắn dịu giọng:
     -Tôi đã nói với cô là ông Năm về trong nay mai – Hắn giả vờ như chẳng hiểu kế hoạch của chính hắn sắp đặt, vừa lắc đầu nhẹ, hắn nói tiếp: - Tôi nào có biết chuyện của mấy ông quận họ làm. Nhưng điều mà tôi biết rành là cô đã hứa với tên lính Cụ Hồ, thằng đó là đệ tử giỏi nhứt của ông Năm, và chính ông Năm dẫn 2 người đến con đường tình yêu – Ngưng một chút, hắn nói tiếp pha giọng chế giễu: - Phải không cô Út Nhung? – Bỗng hắn nhìn thẳng vào ngực Nhung thấy chiếc phái, vẻ ngạc nhiên hắn tiếp: - Ủa, cô cũng tin dị đoan nữa sao mà đeo bùa. Ạ, chắc cô vái van cho tên đó vượt qua tai nạn để về với cô chớ gì. Tôi dám chắc không chừng nó đã làm mồi cho cá ngoài biển, có tới miền Bắc đâu mà cô đợi.
    - Mấy ông muốn áp đặt ai mà không được, chuyện không có, mấy ông vô phao phản rồi bắt người ta, đâu phải chỉ có ba tôi. Còn cái vụ tôi hứa hôn với ai đó, là cũng tự mấy ông bịa ra chuyện.
Tên cảnh sát Đằng trở giọng:
     - Tôi không thể lời ngon ngọt với cô nữa, bây giờ cô chịu về đồn sống với tôi, thì ba cô sẽ được thả tức khắc, và cả sanh mạng cô không ai dám đụng sợi lông chưn – Bằng ngược lại, điều gì xảy ra chắc cô đã hiểu? Cho cô suy nghĩ đêm nay, ngày mai tôi trở vô.
          Nói xong hắn khoát tay ra hiệu cho đám lính cùng hắn ra về.
          Đêm đó người anh thứ hai của Út Nhung lẻn về nhà, sau khi nghe cô báo tất cả sự tình đã xảy ra, anh ngồi lẳng lặng nghe từng lời của em gái kể lại. Sau đó hai anh em bàn bạc với nhau rất lâu, rồi anh nói như ra lịnh: “...tình hình như vậy, em không thể nào ở lại đây được nữa, hãy sửa soạn đi ngay tức khắc. Không phải đợi đến sáng được, tụi nó thâm độc lắm, biết đâu nữa đêm nó vô làm bậy rồi nó lại phao phản. Còn về ba, để anh bố trí người hợp pháp ra quận thăm, liên hệ thế nào...”. Nói xong 2 anh em thu dọn trong nhà những thứ cần thiết rồi cấp tốc ra đi trong đêm tối âm u.
          Sau nầy nghe bà con nói lại, nếu đêm đó Nhung không nghe lời người anh thì tai hại ập đến khó lường!
*
*     *
          Phải mất ngót 6 tháng vượt Trường Sơn cả đêm ngày, đơn vị của Ba Tình mới về tới đồng bằng miền Tây. Những cơn gió bấc cuối mùa làm lắc lay những nhành mai nụ chờ đoán mùa Xuân mới nở xòe 5 cánh. Vì lệnh ém quân ở sau vườn hoặc trong nhà dân, nên Ba Tình không dám ra trước sân để ngắm cây mai được chủ nhà đã lặt lá, chỉ qua kẽ vách, Ba Tình nhìn cây mai trước ngõ, lòng anh bồi hồi nhớ về miền Bắc. Trước cửa nhà anh cũng có cây đào, những ngày trung tuần tháng chạp, anh cùng vợ và 2 đứa con bắt thang lặt hết lá, anh về Nam chắc vợ con anh đã thay anh làm cái việc hằng năm cả nhà làm thành thông lệ. Nhìn đấm đuối cây mai mà lòng anh tưởng nhớ đến người vợ Băc và 2 con, chắc cây đào trước cửa nhà mình, những ngày cận Tết cũng đôm nụ lắc lay trước gió đông...
          Đơn vị anh đã nổ súng đúng giờ đón giao thừa Xuân 1968. Theo hợp đồng, anh chỉ huy đưa đơn vị mình sau khi đánh vào Bộ chỉ huy vùng tư chiến thuật, đánh chiếm tòa nhà cư xá Mỹ. Nhưng trên đường tiến đánh, anh bị thương nhiều miễng rockét của trực thăng cá lẹp phóng xuống. Chị em tải thương đưa anh vào một ngôi chùa, nơi bộ phận Quận y tiền phương đang đóng ở đó. Các y bác sĩ băng bó xong các vết thương ở tay, ở lưng, ngực và bắp vế, may mà các vết ấy chỉ chạm phần mềm, máu ra nhiều, làm anh choáng mặt, bất tỉnh. Các ni cô trong chùa khiêng anh về phía hậu liêu nằm trên bộ ván, có một ni cô ở bên cạnh chăm sóc.
     Anh mở mắt thấy ni cô ngồi bên cạnh chăm chú nhìn anh, khi 4 mắt gặp nhau như có luồng điện chập mạnh trong người, tít tắt qua nhanh, anh cố nhớ lại trong trí, rồi một gương mặt trái xoan, đôi mắt đen hạt nhãn, mái tóc đen dài óng mượt của 14 năm về trước ở tận xứ Đồng Năn chập chờn trong trí nhớ, anh cố nhớ lại, gương mặt của ni cô nầy giông giống, chỉ có điều khác là đầu cô không có tóc, không lẽ nào cô xuống tóc qui y, và nếu có chăng thì ở một chùa vùng dưới, chớ sao lại tu ở tận trên thành phố Tây Đô nầy. Nghỉ vậy, anh quả quyết trăm lần không phải, có lẽ người giống người. Ba Tình quay nhìn sang hướng khác, trong đầu anh nghỉ “Út Nhung năm nay đã 32 tuổi rồi, chắc đã lấy chồng và đã có con, có đợi mình đâu, 14 năm rồi chớ ít, mình cũng không thể trách hờn Nhung được, mình còn có vợ và đã có 2 con, chiến tranh mà!”.
     Ni cô ân cần hỏi Ba Tình:
     - Thí chủ thấy khỏe lại chưa? – Ba Tình gật đầu. Ni cô nhỏ nhẹ nói như đã nhớ lại:
     - Nhìn thí chủ, ni cô thấy giông giống một người, nhưng chắc không phải, chỉ người giống người mà thôi – Ba Tình quay lại hỏi:
     - Nói vậy chắc ni cô thấy tôi giống người thân với ni cô? – Vị ni cô lắc đầu, đoạn quay sang hướng khác nói:
     - Nhưng không phải, người ấy ở xa lắm! – Ba Tình thản nhiên hỏi tiếp:
     - Ở tới đâu mà xa hả ni cô, xin lỗi tôi hơi tò mò, vì thấy ni cô tôi cũng nhớ giông giống một người – Vị ni cô nghe tiếng máy bay quần đảo ầm ầm vang động át tiếng nói người bộ đội, vội bước ra ngoài ngó lên xem, một chiếc khu trục bằng chiếc ghe lườn lướt ngang chùa thật thấp. Ni cô bước vội trở lại nói với người bị thương:
     Sợ nó ném bom, để tôi dìu thí chủ xuống hầm – Đoạn ni cô khòm xuống dìu người thương binh, Ba Tình thấy từ trong ngực áo nhà tu một chiếc phái vuông đeo tòn teng, bởi sợi dây chỉ màu hồng se thắt luồng ở đầu chiếc phái nên lủng lẳng ở cổ ni cô. Sau mấy lượt quần đảo, chiếc khu trục quăng trái bom sát hiên chùa, làm sập một gốc, may là tất cả đều xuống hầm không ai hề hớn. Sau trận bom, những người khỏe mạnh và cả những chiến thương nhẹ đều lên khỏi hầm, chỉ có mình Ba Tình bị thương nặng ở lại dưới hầm cùng người ni cô được phân công chăm sóc khi nảy. Các vết thương trên người Ba Tình, sau khi hết thuốc anh nghe toàn thân ê ẩm, đau buốt, anh nhăn mặt cố nén cơn đau trước mặt vị nữ tu, nhưng không tránh khỏi đôi mắt nhìn chăm chăm của ni cô qua ánh sáng chập chờn từ ngoài cửa hầm rọi vào. Vị ni cô sốt ruột hỏi giọng như chia sẻ:
      - Bộ thí chủ đau lắm hả, sao nhăn mặt? để tôi đỡ thí chủ nằm xuống. Rồi một tay đỡ đầu, một tay đỡ thân cho Ba Tình nằm nghiêng dựa vách hầm, đầu hướng ra miệng cái trảng-xê được xây bằng xi-măng. Hai người lặng thinh hồi lâu, Ba Tình gợi lại chuyện khi nảy:
     - Hồi nảy ni cô nói tôi giống một người ở xa lắm, mà xa tới đâu – Vị ni cô nói giọng buồn buồn:
     - Chắc không phải đâu, lâu lắm rồi, tôi chỉ mường tượng vậy thôi, dễ gì có cảnh tao ngộ hiếm có.
     - Nhưng ni cô cứ nói thử người ấy ở đâu?
     - Ở... Có tiếng nói từ ngoài miệng cái trảng-xê vọng vào:
     - Anh Ba ơi, được lịnh phải rút khỏi nơi đây gắp.
     Vị ni cô đỡ Tình dậy, khó khăn lắm mới bò ra khỏi hầm. Trạm Quân y dã chiến đã thu xếp xong đồ đạc, một chiến sĩ đến cõng Ba Tình theo đoàn Y, Bác sĩ của trạm trở vô hậu tuyến.
     Các ni cô trong chùa cũng được lịnh tảng đi nơi khác, được biết cả dãy phố đó là mục tiêu sẽ bị hủy diệt của giặc.
*
*     *
    Mãi đến năm 1994, Ba Tình tròn 60 tuổi, mới nghỉ hưu, bây giờ chuyện binh nghiệp đã rổi rảnh với bậc lương thiếu tướng, cũng tạm 2 vợ chồng già sinh hoạt trong tháng, còn cái của cái ăn đã có mấy đứa con trai, gái làm ở Công ty nầy, xí nghiệp kia bảo lãnh, nên Ba Tình càng có điều kiện đi đây đó chơi, thăm bạn bè, tham quan du lịch.
     Được điện báo, người bạn rất thân ở chung đơn vị hồi kháng chiến, cũng tuổi với ông sau cơn bệnh ngặt nghèo đã từ trần ở tại quê nhà huyện Hồng Vân tỉnh Bạc Liêu. Ông thu xếp, rồi cấp tốc lên đường nhứt nhơn với vài bộ áo quần do vợ ông cẩn thận xếp theo trong túi du lịch.
     Qua 2 ngày ở quê thằng bạn, Ba Tình hỏi thăm mới biết ra cái xóm Đồng Năn cách đây chỉ vài cây số, đường đi tắt qua nhà 2 Thân con trai lớn của ông Năm Chắc chỉ hơn 1 cây số, đường đất khô ran rất dễ đi. Vậy là kế hoạch sau khi đưa thằng bạn đến nơi an nghỉ cuối cùng, ông sẽ ở lại đến cái xóm heo hút cách nay ngót 40 năm, nơi ấy có cô gái con của ông Năm Chắc dạy đàn tranh cho ông, cô ấy cũng là mối tình đầu khó nhòa trong tâm tưởng.
     Theo lời chỉ dẫn, ông dễ dàng tìm đến nhà 2 Thân.
     Thấy trong nhà có rất đông người, năm bảy cậu trai làm vịt, gà, mấy người phụ nữ tất bật chặt thịt chiên xào mùi tỏi cháy bay nồng nặc thơm phức. Có lẽ thấy bộ quân phục và chiếc mũ sĩ quan trên đầu của lão quân nhân tiến vô cửa cái, không riêng ông chủ nhà, mà tất cả đều ngạc nhiên châm chú nhìn vị sĩ quan, lão chủ nhà ra cửa gật đầu chào. Ba Tình đưa tay ra bắt với người đứng trước mặt ông và hỏi:
     - Đây có phải nhà của ông 2 Thân?
     - Dạ phải, ông là ai mà biết tên tôi, xin mời vào trong dùng nước! – Hai người vào bộ sa lon ngồi đối diện. Ba Tình nghe trong lòng mừng rơn, nhưng ông vẫn giữ nét tỉnh khô. Vị chủ nhà rót nước trà mời khách, ông hỏi:
     - Thưa ông là ai, xin cho biết quý danh – Ba Tình vẫn vẻ thản nhiên hốp ngụm nước trà thơm lừng 2 lỗ mũi, ông nuốt cái ực, để tách trà xuống, không trả lời câu hỏi của vị chủ nhà, mà ông hỏi lại giọng tò mò:
     - Xin lỗi ông anh, có phải ông anh đây là con của ông thầy dạy đờn tranh Năm Chắc.
     - Phải, nhưng ông là ai mà biết rành ba tôi. Hôm nay là đám giỗ ổng, mùng 10 tháng 04 hằng năm 
    – Ba Tình vẫn chưa vội nói ra, tiếp tục hỏi thêm:

     - Vậy có phải ông anh còn có người em gái, tên là...
     Nói đến đó, bỗng từ ngoài sân có một nhà nữ tu khoan thai bước vô nhà. Vị chủ nhà vội vã đứng lên, mắt trông về người khách ni cô, ông tươi cười vui vẻ hỏi:
     - Cô Út mới về! – Vị ni cô gật đầu: “dạ!” – Mắt không rời người bộ đội đang ngồi trên chiếc sa lon. Ông chủ nhà giới thiệu với người bộ đội:
     - Đây là cô Út Nhung, em gái tôi, tu ở ngoài chùa Vĩnh Phú.
     Ba Tình không còn nghi ngờ gì nữa, nhìn trân trân vào mặt Út Nhung, đúng là ni cô nầy mình đã gặp hồi năm Mậu thân 68, ở một ngôi chùa tại thành phố Cần Thơ, lúc mình bị thương. Ông đứng lên giọng từ tốn, nghẹn ngào:
     - Thưa anh Hai, cô Út, 2 người không nhận ra tôi sao? Tôi là BaTình đây! – Út Nhung để giỏ xách trái cây xuống mà như rụng rời tay chân, cô ngó Ba Tình không chớp mắt; cô nghẹn giọng:
     - Anh...B...a! – Cô nấc thành tiếng, như không còn sợ ai chê cười, Út Nhung chồm tới ôm chầm Ba Tình khóc như đứa trẻ. Hai tay của Ba Tình cũng siết chặt thân hình Út Nhung vào mình rất lâu, cảnh âu yếm ấy diễn ra không chỉ trước mặt ông 2 Thân, mà rất đông người dự đám kỵ cơm ông Năm Chắc hôm đó chứng kiến. Đến khi Nhung bớt khóc, Ba Tình nhè nhẹ ôm đôi vai Nhung đưa về phía trước mặt anh. Khi 4 mắt nhìn nhau, Út Nhung gọi khẽ: - Anh Ba! – Rồi cô lại ngã vào vai Ba Tình khóc rấm rứt lần thứ 2.
     Cánh trong bếp, trong buồng, cả cánh trai gái ngoài sân họ thì thầm giải thích với nhau “ông bộ đội đó là chồng của cô Út”, có người còn châm thêm: “mới bữa hổm về nhà, cổ còn kể cái chuyện tình với ông bộ đội đi tập kết cho tôi nghe đây v.v...”, có người chặc lưỡi: “vậy mà cô Út dám đợi đến mấy chục năm trời, hay thật chớ!”.
     Nghe loáng thoáng những lời như vậy Ba Tình cảm thấy trong lòng ái náy. Ông chầm chậm dìu Út Nhung ngồi xuống ghế sa lon, ông cũng ngồi cạnh bên. Sau phút giây thổn thức, Nhung bình tĩnh trở lại, không còn khóc nữa, cô hỏi Ba Tình:
     - Có phải năm 68, anh bị thương được đưa về Chùa ở Cần Thơ đó không?
     - Phải! Nhung hỏi tiếp:
     - Sao anh không nhận ra em?
     - Giữa cảnh hỗn loạn, thương vong, anh không ngờ!
     - Em cũng không ngờ! Chỉ nghi vậy thôi, với lại chiến tranh ì đùng tiếng súng lúc đó, kế lại anh đi, điều kiện đâu mà gặp nữa.
    Hai Thân tự nảy giờ lặng thinh, để nhường không gian cho em gái mình với người tình xưa gặp lại. Bây giờ ông mới đứng dậy đi về phía bàn thờ, lấy ba nén nhang đốt lên, tay cầm nhang đưa lên tráng xá 3 xá đoạn cấm nhang vào lư hương, miệng ông lầm thầm khấn, nhưng cũng đủ cho Ba Tình và Út Nhung nghe: “ngay hương hồn ba, hôm nay ngày cúng cơm cho ba, có Ba Tình người học trò giỏi của ba năm xưa về dự, đó là điều phúc cho gia đình ta”. Khấn xong, 2 Thân trở về ngồi lại chỗ cũ, ông nói:
     - Cô Út nó khổ lắm Ba Tình ơi, khoát chiếc áo nhà tu để che mắt bọn giặc ngày xưa, hồi đó ở một mình khó lắm, với lại Út nó cũng có chút nhan sắc, càng khó hơn, nên tôi bàn với cổ, thôi thì mượn chốn thiền môn mà nương náo cho qua ngày để chờ sum họp. Mấy năm sau khi ông già bị đày ra Côn Đảo, Út nó ở mấy chùa lẩn quẩn đây, bọn nó vẫn tìm kiếm, cổ gặp tôi bàn, theo cô bạn về Cần Thơ tu, sau hòa bình đến nay, Út nó về xây cái am tu một mình ngoài chợ Vĩnh Phú.
     Trong khi 2 Thân lọm khọm quay lại Ba Tình và Út Nhung định nói điều gì, thì mấy đứa cháu đã bưng lên những món cúng kiến trên bàn thờ ông Năm Chắc. Lễ giỗ đã xong mọi người lần lượt từ giã ra về.
     Đám kỵ cơm về chiều chẳng còn lại mấy người, ngoài đám con cháu trong nhà, chỉ có Út nhung và Ba Tình là 2 vị khách quý. Trên gian nhà khách, Nhung và Tình ngồi đối diện nhau trên bộ sa lon. Lời thì thầm của Ba Tình, Út Nhung nghe rõ từng câu từng lời về mối tình khá trớ trêu, kết quả của mối tình ấy là hiện nay Ba Tình có được 4 đứa con, 2 trai, 2 gái đường học vấn đến nơi đến chốn, đã có công ăn việc làm ổn định.
     Khi mới nghe câu chuyện Út Nhung thắc mắc, cho rằng Ba Tình bất thủy chung với mình, nhưng càng về sau Nhung thấy mối tình của Ba Tình là sự đáp ân có nghĩa, nếu không thì Ba Tình đã chết vì cơn bịnh sốt rét ác tính ở Viện Quân y ngoài Bắc.
     Út Nhung nghe tim mình quặn thắt, ngồi đối diện với Ba Tình chưa quá thước tây mà như thấy cách biệt nghìn trùng, nàng nghiền ngẫm lời tiên đoán của ông già mới có lý làm sao, đây với đó có bao xa mà phải én nam nhạn bắc, ngày xưa thì do thằng giặc chia cắt, còn bây giờ do sự “báo ân” chăng. Nàng chẳng dám nghỉ thêm sợ không kềm chế được sự bạo loạn trong đầu. Út Nhung chậm rãi cởi chiếc phái đang đeo trước ngực xuống, hai tay bóc từng lớp vải một cách thư thả, đến lớp bọc nhựa ni lon dừng lại, hai tay nàng trân trọng nâng tấm hình 4x6 của Ba Tình còn nguyên vẹn như lúc chàng tặng trong đêm chia tay cách nay ngót 40 năm, đoạn đưa cho Ba Tình nàng nói:
     - Tấm ảnh luôn ở trên ngực em suốt 40 năm rồi, như có anh bên em vượt qua muôn ngàn hiểm nguy gian khổ, em chọn đường tu ngoài việc để che mắt giặc, còn có nghĩa tự kềm chế nhục dục để đợi lời hứa người xưa thành hiện thực. Nhưng hiện thực bây giờ!...
     Nói đến đây nàng vội vàng ấn tấm ảnh trong tay Ba Tình rồi đứng dậy bước vội vào buồng 2 Thân nàng khóc nức nở.
*
*     *
     Năm rồi, 2007 đám tang của Ba Tình ở miệt Xáng Xà No có đến hàng ngàn quan khách đến đốt nhang vĩnh biệt vị thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam vì cơn bịnh ngặt nghèo, đã từ trần, hưởng thọ 73 tuổi.
     Người ta chú ý có 2 người phụ nữ, 1 người có giọng Bắc và 1 vị ni cô chít khăn tang. 
MINH THƠ
Đông 2007

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây