Biển Việt Nam và các mối giao thương biển / Nguyễn Văn Kim. - H. : Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019. - 788tr.; 21cm

Thứ hai - 09/09/2019 23:45 2.309 0
Biển Việt Nam và các mối giao thương biển / Nguyễn Văn Kim. - H. : Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019. - 788tr.; 21cm
Đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. Các vùng biển nước ta có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Quyển sách “Biển Việt Nam và các mối giao thương biển” do Nguyễn Văn Kim biên soạn, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2019 sẽ giúp các bạn tìm hiểu, nhận thức sâu sắc hơn về truyền thống biển Việt Nam; đặc tính của các không gian biển; tiềm năng tự nhiên, nhân văn của các vùng biển đảo; vai trò và vị thế của biển Việt Nam trong hệ thống hải thương châu Á, thế giới.
Sách có độ dày 788 trang với bố cục 3 phần
Phần 1 đưa người đọc về với những huyền thoại thời lập quốc của đất nước ta: luôn chứa đựng nhiều yếu tố biển, mang đậm dấu ấn của biển khơi với thương cảng Vân Đồn, thương cảng vùng Nghệ - Tĩnh, hệ thống thương cảng miền Trung, Thị Nại - Vijaya, Óc Eo - Phù Nam,.... Qua đó cho thấy từ thời khởi nguyên, biển đã là môi trường sống, không gian sinh tồn của nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam. Biển là môi trường giao tiếp, cửa ngõ hướng ra đại dương, hướng tới các giá trị, tiềm năng kinh tế, văn hóa, đồng thời cũng là không gian đón nhận nhiều sinh lực sáng tạo mới của các thế hệ người Việt Nam. Họ là sản phẩm của các thời đại văn hóa và chính các cộng đồng dân cư sống ven biển, trên biển ấy là những người bảo tồn, lưu truyền và nhân lên các giá trị văn hóa biển.
Phần 2 gồm các bài viết với cách tiếp cận vùng, liên vùng, chuyên ngành kết hợp với liên ngành, đã nêu bật vai trò, vị thế biển Việt Nam trong hệ thống giao thương khu vực châu Á và thế giới. Việt Nam - vùng cực bắc của Đông Nam Á bán đảo, được coi là cửa ngõ thông ra biển của vùng tây nam lục địa Trung Hoa và hơn thế chính các tuyến giao lộ xuyên lục địa cùng các thương cảng miền Trung là các cửa ngõ thoát ra biển của những quốc gia vùng bán đảo. Tiềm năng, thế mạnh của Biển Đông không chỉ là sự giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn là do vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị với vai trò kết nối, chuyển giao quan trọng giữa các không gian biển Đông Á, châu Á và thế giới.
Phần 3 là những nhìn nhận, đánh giá lại vai trò và hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong thời hoàng kim của hệ thống thương mại châu Á. Trong thời kỳ này, cùng với nhiều quốc gia Đông Á, Việt Nam đã dự nhập tương đối mạnh mẽ vào hệ thống hải thương khu vực một số hoạt động kinh tế đó là mang tính toàn cầu.
Trong bối cảnh các mối quan hệ kinh tế và giao lưu văn hóa ngày càng rộng mở nhưng cũng không kém phần phức tạp, Việt Nam cũng ngày càng có ý thức đầy đủ và mạnh mẽ hơn về vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền, tài nguyên kinh tế biển và những nguồn lợi có thể thu được từ đại dương. Những bài học kinh nghiệm của quá khứ luôn có ý nghĩa thiết thực với chúng ta hiện nay trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam
Qua 18 bài viết, quyển sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và đông đảo các nhà nghiên cứu cùng bạn đọc. Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra cứu tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 387.509597/B305V
- DV.55719

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây