Bà mẹ của mười liệt sĩ / Tô Phương. - In lần thứ 2. - H. : Thanh niên, 2007. - 293tr.; 19cm

Thứ tư - 17/07/2024 22:05 138 0
BA ME CUA 10 LIET SY
BA ME CUA 10 LIET SY
   Chiến tranh đã đi qua và ngày càng lùi xa về quá khứ, nhưng những trang sử hào hùng của dân tộc ta trong những năm trường kì kháng chiến chống lại bọn thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ như những ngọn đuốc sáng mãi trong lịch sử dân tộc. Sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đã đánh đổi biết bao nhiêu xương máu của biết bao thế hệ cha anh. Sự chia li giữa người còn sống và những người đã nằm xuống luôn là những niềm đau và nỗi mất mát lớn lao không có gì có thể bù đắp và có lẽ sự mất mát của những bà mẹ mất đi những đứa con mãi là nỗi đau vô tận. Những hi sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/07/1947-27/07/2024), Thư viện thành phố Cần Thơ trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách Bà mẹ của mười Liệt sĩ” của Nhà báo - Nhà văn Tô Phương do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2007.
   Sách dày 293 trang gồm 3 truyện ký: Bà mẹ của mười Liệt sĩ, Hương tràm, Cuộc đời mẹ Mười. Mỗi truyện ký đều để lại cho bạn đọc niềm kính trọng, yêu thương sâu sắc, trong đó nổi bật là truyện ký Bà mẹ của mười Liệt sĩ viết về bà má Dũng sĩ Nguyễn Thị Rành (Má Tám Trầu). Má sinh năm 1900 tại ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Má có đến 8 người con trai và 2 cháu nội ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
   Trong 22 năm từ những năm 1947 đến 1969, má Tám phải chịu cảnh đau đớn, tre già khóc măng non khi 8 đứa con trai là Nguyễn Văn Đúng, Xã đội trưởng xã Phước Hiệp, Nguyễn Văn Sóc, Tiểu đội trưởng đặc công, Nguyễn Văn Dé, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Văn Huội, Nguyễn Văn Sướng, Nguyễn Văn Nảng, Nguyễn Văn Luông đã lần lượt ra đi mãi mãi không về. Những đứa cháu trai của má lại tiếp tục lên đường đánh giặc tiếp bước những người cha, người chú, người cậu anh hùng của mình và rồi lại một lần nữa má lại khóc tiễn đưa những người cháu yêu thương, đó là cháu nội Nguyễn Văn Rưng, cháu ngoại Huỳnh Văn Cường. Nợ nước, thù nhà không cho phép má gục ngã, quyết không từ bỏ khi Tổ quốc còn lâm nguy, còn một mình, má cũng đánh giặc đến cùng. Má tiếp tục đào hầm nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thuốc men.... Má vẫn ngày đêm âm thầm đóng góp cho cách mạng. Cả cuộc đời má đã cống hiến cho non sông, đất nước, cống hiến cả những đứa con ruột thịt, thứ quý giá nhất của mình cho đất nước.
   Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sự hy sinh cao cả, kiên trung của họ chính là tấm gương sáng ngời Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau, đời đời ghi ơn, tri ân và biết ơn sâu sắc. Các bạn hãy tìm đọc “Bà mẹ của mười Liệt sĩ” và cảm nhận để hiểu hơn về những nhân vật đã làm nên huyền thoại, không tiếc máu xương bảo vệ đất nước; đọc để tự hào về những người mẹ đã thầm lặng hy sinh, chấp nhận đau thương để con mình làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc!
   Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
   Ký hiệu phân loại: 895.922803 / B100M
   PHÒNG MƯỢN: MV.014214; MV.014215

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây