Chuyên mục truyền thanh Tuần 29 (13/7– 19/7/2020)

Chủ nhật - 30/08/2020 22:50 897 0
 


I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Lợi ích bất ngờ từ việc ăn 3 quả chuối mỗi ngày” trích từ tạp chi Sức khỏe và đời sống.
Bạn sẽ thấy 10 lợi ích bất ngờ từ việc ăn chuối mỗi ngày. 3 quả chuối mỗi ngày sẽ bổ sung kali và mang đến vô số lợi ích cho sức khỏe.
     Chuối tốt cho những người cao huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy, ăn ít nhất 3 quả chuối mỗi ngày sẽ giúp giảm huyết áp đáng kể. Một quả chuối có trung bình 422mg kali và gần như không có natri, giúp trung hòa vấn đề tăng huyết áp thường gặp phải khi cơ thể nạp natri trong quá trình ăn uống hàng ngày.
     Chuối chứa nhiều chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ đóng vai trò quan trọng để cải thiện tiêu hóa, nhất là giải quyết vấn đề táo bón.
     Ăn chuối tốt cho tim mạch. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chất xơ hòa tan có trong chuối giúp giảm nguy cơ bệnh tim.
     Chuối giàu vitamin B6, giúp cơ thể sản sinh những tế bào khỏe mạnh cho cơ thể, đồng thời sản xuất kháng thể chống nhiễm trùng.
     Một quả chuối cung cấp khoảng 27mg magie - chất giúp bạn ngủ ngon. Nếu cơ thể thiếu magie, bạn sẽ luôn cảm thấy lo lắng, trầm cảm và nhiều rối loạn khác. Lời khuyên là hãy ăn ba quả chuối mỗi ngày.
     Chuối giúp cải thiện đường tiêu hóa vì đây là loại thực phẩm dễ tiêu hóa và không gây kích ứng cho đường tiêu hóa của con người. Đây là lý do mà chuối là một trong những thực phẩm đầu tiên được khuyến nghị cho trẻ sơ sinh ăn.
     Chống oxy hóa nhờ vitamin C có trong chuối. Vitamin C hỗ trợ các mạch máu khỏe mạnh, tạo ra collagen và tốt cho xương, cơ.
     Chuối - thực phẩm cho người chơi thể thao. Bạn sẽ thấy rất nhiều vận động viên thích ăn chuối, vì loại quả này tăng cường cơ bắp và cung cấp các chất dinh dưỡng một cách tự nhiên.
     Chuối giúp ức chế cơn đói nhờ mùi hương dễ chịu. Mùi hương này có thể ngăn chặn sự thèm ăn. Nghiên cứu của Tiến sĩ Alan Hirsch, thuộc Tổ chức nghiên cứu mùi vị ở Chicago (Mỹ) đã cho thấy, ngửi chuối khi đói bạn sẽ đánh lừa não bộ rằng cơ thể bạn đã ăn no. Do vậy, muốn giảm cân hãy ngửi hương chuối.
     Chuối giúp chống thiếu máu nhờ chứa hàm lượng sắt cao. Hơn nữa, vitamin B6 trong chuối giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, rất có lợi với những người bị thiếu máu./.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Hạnh phúc gia đình - những điều cần biết: Hôn nhân với cuộc sống gia đình.
     - Di tích khảo cổ học Nhơn Thành - Cần Thơ.

 
HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT: HÔN NHÂN VỚI
CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Ngày nay trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá rất cao vị thế và vai trò của gia đình. Gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
     Nhằm cung cấp tới bạn đọc những kiến thức để xây dựng gia đình hạnh phúc, năm 2020 Nxb. Văn hóa dân tộc xuất bản bộ sách nhiều tập Hạnh phúc gia đình - Những điều cần biết. Trong đó, quyển sách “Hạnh phúc gia đình - Những điều cần biết: Hôn nhân với cuộc sống gia đình” sẽ giới thiệu đến bạn đọc 3 phần nội dung gồm:
     Phần 1 “Một số vấn đề chung về hôn nhân và gia đình” trình bày khái lược về hôn nhân và gia đình, vai trò của hôn nhân và gia đình, tình yêu và hôn nhân, những tiền đề để đảm bảo cho hôn nhân hạnh phúc.
     Phần 2 “Một số quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình” trình bày những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, quy định bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, quy định về kết hôn, quan hệ giữa vợ và chồng.
     Phần 3 “Một số kinh nghiệm giữ gìn hôn nhân hạnh phúc” đề cập đến việc giải quyết  những vấn đề nảy sinh thời kỳ mới kết hôn, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, những vấn đề nảy sinh thời kỳ cao tuổi. Đặc biệt trình bày 9 nguyên tắc được xem là chìa khóa cho hôn nhân hạnh phúc gồm:
     * 4 điểm chung của vợ chồng: cùng mục tiêu phấn đấu; cùng môi trường sống; cùng mối quan tâm về cuộc sống; có cùng những người bạn.
     * 3 nhu cầu chính của người chồng: được tôn trọng; thích dịu dàng; được ủng hộ, được thừa nhận, được thấu hiểu.
     * 3 nhu cầu chính của người vợ: cảm giác an toàn, lãng mạn, được cưng chiều và dỗ dành.
     * 3 vấn đề lớn trong cuộc sống: vấn đề kinh tế; vấn đề giới tính; vấn đề giao tiếp.
     * 3 nhiều: quan tâm đến nhau nhiều hơn; tìm ra nhiều ưu điểm của bạn đời; nói chuyện tích cực.
     * 3 ít: ít phàn nàn; ít chỉ trích; ít hiểu lầm.
     * 4 điều vợ/chồng nên làm: nghĩ về điều tốt của bạn đời; tán thưởng sở trường của bạn đời; thông cảm điều khó xử của bạn đời; bao dung khuyết điểm của bạn đời.
     * 4 câu nên nói khi vợ/chồng ở bên nhau: thật xin lỗi, anh/em sai rồi; Em/anh tin tưởng anh/em; Em/anh thấy vinh dự và tự hào về anh/em; Anh/em yêu em/anh.
     * 3 điều phải luôn ghi nhớ: Chuyện nhà không có đúng hay sai, mà chỉ có hòa thuận hay bất hòa; Nhà là nền móng và linh hồn, cả hai đều nằm trong tay người phụ nữ cùng với bạn đời của mình; Sức mạnh vĩ đại nhất trên thế giới là tình yêu, vũ khí mạnh nhất là cảm động.
     Qua 115 trang sách với những dẫn chứng là tình huống thường gặp trong cuộc sống hôn nhân gia đình, bạn đọc là các bạn trẻ sẽ lĩnh hội được nhiều điều bổ ích và có thêm thêm kiến thức để không bỡ ngỡ khi bước và cuộc sống hôn nhân. Sách cũng giúp người đã lập gia đình bổ sung kiến thức và nâng cao nhận thức xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ.
     Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 306.872 / H107PH, phòng Đọc mã số: DV.057808; phòng Mượn vớ mã số: MA.022225; MA.022224.

 
DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC NHƠN THÀNH - CẦN THƠ
 
     Nhơn Thành là khu di tích khảo cổ học thuộc văn hóa Óc Eo có khung niên đại tồn tại vào khoảng thế kỷ IV-VII, phân bố ở trung tâm của vùng đồng bằng trũng thấp Ô Môn - Phụng Hiệp thuộc miền Tây sông Hậu. Được phát hiện từ năm 1990 và sau đó là các cuộc khai quật và nghiên cứu vào các năm 1995, 2000, 2013 đã đem lại nhiều thành tựu góp phần quan trọng vào việc nhận diện ngày càng đầy đủ hơn diện mạo văn hóa Óc Eo và phục dựng bức tranh lịch sử vùng đất Nam Bộ.
     Tập sách “Di tích khảo cổ học Nhơn Thành - Cần Thơ” do Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ chủ trì biên soạn và xuất bản năm 2019 là tài liệu cung cấp những thành tựu nghiên cứu về khu di tích Nhơn Thành trong thời gian qua, nhằm giúp cho giới khoa học trong và ngoài nước biết đến di tích có giá trị đặc biệt này, góp phần tư vấn cho các cấp chính quyền quản lý nhận diện rõ giá trị đích thực của khu di tích tồn tại trên địa bàn thành phố Cần Thơ để có những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích có hiệu quả.
     Sách dày 196 trang với bố cục 4 chương:
     Chương 1 trình bày tổng quan về khu di tích Nhơn Thành gồm: Điều kiện tự nhiên, môi trường; Quá trình phát hiện, nghiên cứu. Cho thấy, khu di tích Nhơn Thành có quy mô rộng 56 hecta, phân bố trên không gian địa bàn ấp Nhơn Thành và một phần lan rộng về phía Tây sang địa phận ấp Thị Tứ (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ).  Đến nay, Nhơn Thành được giới nghiên cứu xem là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng đối với quá trình nghiên cứu về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.
     Chương 2 giới thiệu các loại hình di tích và di vật như: Di tích cư trú; Di tích cư trú - xưởng chế tác thủ công; Di tích “bến - thuyền” (hay cầu tàu); Di tích kiến trúc; di tích đống đá; Di tích mộ huyệt đất hình vòm;…Di vật tượng, điêu khắc nghệ thuật - kiến trúc; Dụng cụ chế tác thủ công; vật dụng sinh hoạt; Đồ gốm;… Qua đây từng bước làm rõ diện mạo không gian của một khu đô thị cổ mang đặc trưng “đô thị sông nước” gắn với hình ảnh trên bến dưới thuyền với các cụm nhà sàn dọc theo kênh rạch.
     Chương 3 trình bày kết quả nghiên cứu về đặc trưng văn hóa và niên đại cho thấy Nhơn Thành là một trong những đại diện tiêu biểu và đặc sắc của văn hóa Óc Eo và có khung niên đại khoảng thế kỷ IV - VII, là khu di tích lớn nằm ở trung tâm miền Tây Nam Bộ.
     Chương 4 trình bày giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, hiện trạng và định hướng bảo tồn khu di tích Nhơn Thành. Đặc biệt nhấn mạnh việc cần tiếp tục nghiên cứu và quy hoạch khu di tích để bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của khu di tích, một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh tổng thể của văn hóa Óc Eo miền Tây Nam Bộ.
     Quý vị và các bạn hãy tìm đọc tập sách “Di tích khảo cổ học Nhơn Thành - Cần Thơ” tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 959.793 / D300T, tại phòng Đọc có mã số: DL.018357; phòng đọc Địa chí: DC.002826, DC.002827, DC.002828, phòng Mượn: MG.010083, MG.010084, MG.010085

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
     Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Nghệ thuật lắng nghe” trích từ tạp chí Thanh niên tuổi trẻ và hạnh phúc.
     Kỹ năng giao tiếp là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng phần lớn mọi người thường nhầm tưởng rằng, để có thể giao tiếp tốt, chỉ cần học cách ăn nói khéo léo là đủ hoặc ai giao tiếp giỏi là những người có kỹ năng nói tốt. Nhưng trên thực tế, ngoài việc ăn nói khéo léo ra, để giao tiếp tốt bạn cần có kỹ năng lắng nghe người khác nói. Nếu người biết cách ăn nói có thể tạo được ấn tượng trước người khác thì người biết lắng nghe sẽ cho người khác cảm giác gần gũi, thân thiết. Nhưng lắng nghe như thế nào cho đúng, đó là cả một nghệ thuật.
     1/ Lắng nghe quan trọng hơn nói
     Tại sao lắng nghe lại quan trọng hơn nói. Có lẽ không ít bạn cho rằng nếu mình không nói thì người khác sẽ không đánh giá được con người, năng lực của mình, như thế có thể họ cho mình là người không thông minh. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai. Phần đông trong chúng ta chỉ biết nói chứ không biết nghe, những người biết lắng nghe thật sự vô cùng ít. Nếu người biết nói có thể tạo ấn tượng trước người khác thì người biết nghe sẽ tạo được cảm giác quan tâm, gần gũi, thân thiết. Nhưng phải nghe như thế nào cho đúng để được gọi là biết nghe, đó là một câu hỏi mà không ít người đang đi tìm câu trả lời cho mình.
     2/ Lắng nghe một cách cẩn thận khi giao tiếp
     Việc lắng nghe người khác cẩn thận thể hiện bạn đang tôn trọng người nói. Khi bạn giao tiếp với người khác, đừng vội vàng đưa ra lời nhận xét hay nói chen vào khi họ chưa nói hết câu, hãy lắng nghe một cách cẩn thận. Vì đôi khi một chi tiết nhỏ bị bỏ qua cũng có thể khiến bạn hiểu sai ý mà người khác đang nói. Lắng nghe một cách cẩn thận những gì đối phương nói sẽ giúp bạn có được đầy đủ thông tin của cuộc trò chuyện. Khi chú ý lắng nghe cẩn thận bạn sẽ cảm thấy sự đồng cảm và giúp bạn dành được lòng tin của người khác. Khi lắng nghe người khác một cách cẩn thận bạn có thể cùng họ giải quyết được vấn đề..
     3/ Sự kiên nhẫn
     Trong nghệ thuật giao tiếp, để lắng nghe người khác, bạn cần phải có sự kiên nhẫn. Bởi vì, đôi khi trong những trường hợp nội dung trò chuyện không hấp dẫn bạn, thậm chí nhàm chán và bạn không có hứng thú tham gia nhưng vẫn phải lắng nghe. Vì vậy, bạn nên học cách kiên nhẫn trong giao tiếp. Trong những tình huống thế này, bạn chỉ cần gật nhẹ thể hiện rằng bạn đã hiểu những gì đối phương nói và chia sẻ  với họ để họ cảm thấy mình không đơn độc. Đó cũng là bí quyết để bạn có được những mối quan hệ tốt đẹp và được nhiều người yêu mến.
     4/ Đặt mình vào vị trí của người nói
     Việc đặt mình vào vị trí của người nói vô cùng quan trọng, bạn không nên lắng nghe một cách thụ động và để lời nói lọt từ tai này qua tai kia, không đọng lại gì trong tâm trí của bạn. Vậy để hiểu được câu chuyện bạn hãy đặt mình vào vị trí của người nói. Đặt mình vào vị trí người nói bạn sẽ tập trung và tôn trọng câu chuyện của người khác. Vì khi đó bạn đã xem câu chuyện của họ như câu chuyện của mình. Đã là câu chuyện của mình thì tất nhiên mình phải quan tâm.
     5/ Tạo ra là bạn quan tâm và hứng thú với câu chuyện
     Khi lắng nghe bạn không nên chỉ đứng yên nhìn chăm chăm vào người nói, bạn cần có những hành động để người nói biết rằng bạn đang rất hứng thú với câu chuyện họ đang kể.
     Trong lúc lắng nghe bạn nên có những cái gật đầu thể hiện rằng bạn hiểu và đang rất quan tâm đến câu chuyện của người nói. Bên cạnh đó bạn có thể có những phản ứng như: ừ, à, vâng… Những hành động đó tuy rất nhỏ nhưng sẽ làm cho người nói biết rằng bạn đang rất chú ý lắng nghe và hứng thú với câu chuyện của họ.
     6/ Không chen ngang hay cắt ngang lời người khác đang nói
     Một điều tối kỵ trong giao tiếp, đó là cắt ngang hoặc chen ngang lúc người khác đang nói. Hành động này được cho là không lịch sự và dễ gây phản cảm cho người khác. Người nói sẽ bị cắt ngang, không còn có sự hứng thú để nói tiếp câu chuyện và họ sẽ nghĩ rằng bạn không tôn trọng họ.. Hãy để họ nói xong hết ý nếu lúc đó bạn có ý kiến thì hãy thật khéo léo để không gây ra những hiểu lầm không đáng có.
     7/ Góp ý hoặc phản hồi lại người nói
     Một việc làm không kém phần quan trọng trong kỹ năng lắng nghe mà bạn cần phải có đó là phản hồi lại ý kiến người nói. Có thể bạn hiểu được câu chuyện, cũng có thể bạn không hiểu nhưng bạn cần phải có phản hồi lại những gì bạn đã nghe được. Khi hiểu được câu chuyện bạn sẽ phản hồi bằng cách cùng người nói chia sẻ về vấn đề câu chuyện họ đã nói, nhưng khi không hiểu bạn cần phải hỏi lại như: “Xin lỗi, tôi không hiểu lắm về vấn đề này, bạn (anh, chị) có thể nói lại được không?” hay “có phải bạn muốn nói về vấn đề…” Việc phản hồi lại ý kiến của người khác chứng tỏ bạn đã lắng nghe họ một cách cẩn thận. Bạn đã đặt mình vào vị trí của người nói để lắng nghe và thấu hiểu họ.
     8/ Tôn trọng ý kiến của người khác
     Bạn hãy lắng nghe và đánh giá một cách khách quan và chân thật nhất. Trong giao tiếp, bạn không nên trực tiếp đả kích hay chê bai, khích bác ý kiến của người khác. Vì như vậy sẽ khiến cho họ cảm thấy không thoải mái và có ác cảm với bạn. Do đó, trước khi đưa ra bất kỳ nhận định gì, bạn cần phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận những gì mình đã nghe được.
     Lắng nghe là kỹ năng sống rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, nó không chỉ giúp bạn kiềm chế được cảm xúc của mình mà còn giúp bạn học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích. Nếu không hài lòng với ý kiến của ai đó bạn hãy phân tích một cách chính xác và thuyết phục để người khác công nhận. Thay vì đả kích như một người không biết suy nghĩ. Nếu bạn tôn trọng ý kiến của người khác thì chắc chắn họ cũng tôn trọng ý kiến của bạn và ngược lại.


      Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
      Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây