CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 47 (16/11– 22/11/2020)

Thứ hai - 16/11/2020 01:31 1.033 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
    Kính thưa quý vị và các bạn!
          Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Nguy cơ ô nhiễm trắng từ túi ni long” của tác giả Nam Việt, trích từ Tạp chí Môi trường.
     “Ô nhiễm trắng” là cụm từ các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi ni lông gây ra cho môi trường. Ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi ni lông đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường…
     Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi ni lông/ngày. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường.
     Chỉ riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm đến 7 - 8%. Đáng chú ý là lượng túi ni lông này tăng theo từng năm. Đây chính là“gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
     Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, tác hại nguy hiểm nhất của túi ni lông tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi ni lông nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.
     Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng.
     Nếu túi ni lông bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.
     Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi ni lông được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…
     Bên cạnh đó, việc dùng túi ni lông đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể. Đặc biệt, những túi ni lông nhuộm màu xanh, đỏ, chứa các kim loại như chì, cadimi, nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe con người.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Cuộc đời chúng tôi.
     - Luật Giáo dục.

                                                 CUỘC ĐỜI CHÚNG TÔI

    Như chúng ta đã biết, Các Mác (1818- 1883) và Phriđrich Ăngghen (1820 -1895) là hai nhà lý luận lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hai ông đã sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ. Tuy nhiên, không có ai vốn sinh ra đã là người cách mạng. Các Mác và Ph. Ăngghen cũng thế. Hai ông là người thế nào? Xuất thân ra sao? Vì những lẽ gì mà hai ông trở thành những người cộng sản, được xem là những vĩ nhân đem đến ánh sáng tư tưởng giúp những dân tộc chịu áp bức đứng lên giành lại độc lập và thoát cảnh lầm than?
    Quyển sách “Cuộc đời chúng tôi” sẽ trả lời cho bạn đọc những câu hỏi đó. Sách do do H. Ghemcốp biên soạn (Lê Phương, Phạm Duy Kiên, Lê Quang Trọng, Hồ Tuyến dịch), Nxb. Chính trị Quốc gia ấn hành 2000. Sách dày 426 trang, gồm 24 chương viết về tiểu sử và sự nghiệp của Các Mác và Phriđrich Ăngghen.  
    Đọc sách, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về xuất thân, sự gặp gỡ và những điều kiện tạo nên hai con người cùng chung chí hướng vượt bao gian khó, để lại những tư tưởng vĩ đại đi vào lịch sử nhân loại. 
Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 tại thành phố Bác-men, nước Đức trong một gia đình tư sản. Tốt nghiệp tú tài, Ph.Ăngghen vâng lời cha thôi học, theo nghề kinh doanh thương mại. Những quan sát xã hội và hoạt động thực tiễn đã làm biến chuyển thế giới quan và tư duy chính trị của ông. Từ con đường tự học, học trong sách báo, trong các câu lạc bộ bác học, trong tổng kết thực tiễn và trong sự phẫn nộ với xã hội đương thời, Ph.Ăngghen đã trở thành một nhà bác học. Trên con đường học tập và nghiên cứu, Ph.Ăngghen đã gặp Các Mác một cách gián tiếp thông qua đọc các tác phẩm của Các Mác. Dần dần từ việc nghiên cứu triết học, kinh tế chính trị học, hai ông đã tìm đến nhau rồi trở thành những người đồng chí.
    Các Mác sinh ngày 05/5/1818 ở thành Tơ-ri-a nước Đức trong một gia đình trí thức. Ông tốt nghiệp tú tài rồi vào học khoa Luật tại trường Đại học Tổng hợp Bon, sau chuyển sang học trường Đại học Béc-lin, một trung tâm nghiên cứu về triết học. Mác đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ triết học.
Các Mác và Ph.Ăngghen đã gặp nhau lần đầu vào tháng 11/1842, khi Ph.Ăngghen trên đường sang Anh và ghé thăm ban biên tập tờ Nhật báo tỉnh Ranh. Mùa hè năm 1844, Ph.Ăngghen đến thăm Các Mác ở Pa-ri. Hai ông đã trở thành những người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả mọi vấn đề lý luận và thực tiễn và đây được xem như là “cuộc gặp mặt lịch sử” của hai vĩ nhân. Hai con người xa lạ, từ những hoàn cảnh xuất thân, môi trường giáo dục và quá trình đào tạo rất khác nhau đã trở thành hai người đồng chí, hai người bạn với một tình bạn vĩ đại và cảm động đã cùng nhau viết nên một học thuyết cách mạng dẫn đầu thời đại. Với chủ nghĩa duy vật lịch sử, C. Mác và Ph. Ăngghen đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới, bởi vì lần đầu tiên các quy luật phát triển của xã hội loài người được đưa ra ánh sáng, bao gồm hệ thống các quy luật. 
      Đặc biệt, sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” do C. Mác và Ph. Ăngghen viết nên đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động ý thức được vai trò lịch sử của mình, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ không tưởng trở thành khoa học. Cho đến hôm nay, Tuyên ngôn vẫn luôn là nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động của phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Trong mỗi chặng đường cách mạng, mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới lại càng khẳng định tính chất khoa học và cách mạng, đồng thời làm phong phú thêm những tư tưởng vượt thời đại và trường tồn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
     Trân trọng giới thiệu quyển sách “Cuộc đời chúng tôi” đến quý vị và các bạn. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 335.43 / C514Đ
▪ PHÒNG ĐỌC : DL.005693; ▪ PHÒNG MƯỢN: MH.002963

                                           LUẬT GIÁO DỤC
     Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
    Mục tiêu của giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẫm mỹ và nghiệp nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
    Đáp ứng yêu cầu cần tạo sự chuyển biến tích cực cho nền giáo dục hiện nay, ngày 14/6/2019 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, thông qua Luật Giáo dục sửa đổi (Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 hay còn gọi là Luật Giáo dục 2019) và hiệu lực từ 01/7/2020. 
     Nhằm phổ biến thông tin pháp luật đến mọi người, năm 2019 Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành quyển sách “Luật Giáo dục”
    Với 104 trang, sách trình bày toàn văn Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 với 9 chương, 115 điều. Đây là các quy định pháp luật gồm: Những quy định chung (phạm vi điều chỉnh; mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục; giải thích từ ngữ ; hệ thống giáo dục quốc dân; yêu cầu về nội dung phương pháp giáo dục; chương trình giáo dục; cấm lợi dụng hoạt động lợi dụng giáo dục; các hành vi nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục;...); Hệ thống giáo dục quốc dân; Nhà trường, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác; Nhà giáo; Người học; Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục; Đầu tư và tài chính trong giáo dục; Quản lý nhà nước về giáo dục; Điều khoản thi hành.
    Trong đó, Luật Giáo dục 2019 đã có nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến giáo viên như: Nghiêm cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền (Điều 22); Yêu cầu cao hơn về trình độ chuẩn của giáo viên (Điều 72); Tiền lương, phụ cấp của giáo viên được quy định cụ thể hơn (Điều 76); Làm trái ngành sau 2 năm tốt nghiệp phải hoàn trả học phí (khoản 4 Điều 85); Ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam (Điều 75);
    Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Luật Giáo dục” để biết rõ những nội dung được quy định cụ thể trong Luật. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 344.597 / L504GI
▪ PHÒNG ĐỌC:  DV.057778; ▪ PHÒNG MƯỢN: MA.022188; MA.022189

 III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Thầy hiệu trưởng và các sinh viên” trích từ báo Tiền Phong.
Một buổi tối nọ, bốn sinh viên đi chơi, tiệc tùng đến khuya. Họ chẳng quan tâm đến bài thi vào ngày hôm sau, và tất nhiên, không học lấy một chữ.
Sáng hôm sau, bốn sinh viên này lập kế hoạch để trốn thi. Họ bôi dầu mỡ và bụi bẩn lên người, rồi đến gặp thầy hiệu trưởng. Ở đó, họ kể rằng tối hôm trước, họ đi dự đám cưới một người quen và trên đường về, một bánh xe bị nổ, nên cả bốn phải đẩy xe về ký túc xá, tận sáng mới đến nơi, và vì vậy, họ không đến thi kịp.
    Các sinh viên không đến thi đã tìm cách nói dối thầy hiệu trưởng.
Thầy hiệu trưởng lắng nghe, rồi cho phép bốn sinh viên kia làm lại bài thi vào ba ngày sau đó. Bốn sinh viên rất mừng rỡ, rối rít cảm ơn thầy, và quay về học thi đàng hoàng.
    Khi tới ngày thi lại, bốn sinh viên này đến phòng thầy hiệu trưởng với thái độ tự tin. Thầy yêu cầu mỗi sinh viên vào một phòng thi riêng để làm bài. Chẳng sao cả - mấy sinh viên nghĩ vậy - vì họ đều đã học cả rồi. Thế rồi, họ nhìn thấy bài kiểm tra được thầy hiệu trưởng phát cho mình. Trong đó chỉ có hai câu hỏi:
a. Họ tên:________ (1 điểm).
b. Hôm em đi dự đám cưới về, bánh xe nào đã bị nổ? _________ (99 điểm)
Câu chuyện trên cho thấy bài học: Hãy luôn chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây