CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 28 (tháng 11/2024)     

Thứ bảy - 19/10/2024 21:00 73 0
                                                                                                             Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 27 (tháng 11/2024) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0  
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Đọc sách và những cách vượt qua rào cản tự thân” của Lan Hương đăng trên báo điện tử Vietnamnet. 
Thay vì tìm kiếm các động lực bên ngoài mỗi người quay trở lại khám phá chính mình để tìm động lực đọc sách là cách tốt nhất.
Kích hoạt nội lực của mỗi độc giả
Theo một khảo sát online, có đến hơn 60% độc giả cho biết: họ thường mất rất nhiều thời gian để lựa chọn sách trước khi đọc nhưng sau đó lại bỏ dở. Có không ít người nhìn thấy một cuốn sách dày kín chữ là nản.

Mỗi năm, người Việt Nam đọc bình quân chỉ khoảng một cuốn sách, mặc cho phong trào đọc được phát động rộng khắp; các cộng đồng đọc sách xuất hiện muôn nơi (online, offline, trong công ty khi bạn đi làm và ở tổ dân phố khi bạn về nhà); marketing cho ngành xuất bản được chú trọng hơn bao giờ hết. Và đặc biệt, theo một logic xa nào đó người ta kéo gần vấn đề lại khi kết luận ngắn gọn rằng: Đọc sách là con đường dẫn đến thành công… Tất cả không nằm ngoài mục tiêu khuyến đọc.

Cần giao tiếp với sách để hành vi đọc trở nên chủ động và kích thích tư duy đa chiều. 
Nhưng có lẽ nhiều vậy rồi vẫn chưa đủ. Vẫn còn quá ít lý do thực sự “chạm” vào nội lực để kích hoạt động lực của mọi người. Suy cho cùng, nội lực là cách duy nhất để chúng ta vượt qua rào cản tự thân của việc đọc sách. Dù có thuộc về rất nhiều đội nhóm thì khi cầm quyển sách trên tay, bạn cũng thấu cảm được một cách rõ ràng đây là công việc đơn độc và chỉ có thể làm một mình. Nhưng đồng thời sách lại chính là một người bạn. ‘Giao tiếp’ với sách để hành vi đọc trở nên chủ động và kích thích tư duy đa chiều. Đặt sách trong dòng chảy nhận thức chứ không chỉ đơn thuần là bổ sung thêm một ‘cái biết’.

Do đó, nếu không có một động lực rõ ràng bạn dễ bỏ cuộc. Hãy bắt đầu với một lý do chính đáng hơn là sự giải trí. Dưới góc độ giải trí thói quen đọc sách đang phải cạnh tranh không cân sức với những hình thức nghe/nhìn khác, các đoạn tweets trên mạng xã hội, video ngắn trên TikTok. Ngay cả phim cũng phải tóm tắt và sử dụng giọng đọc điện tử bắn nhanh như máy thì cầm một cuốn sách lên là việc làm khá buồn tẻ, nhất là khi chiếc điện thoại với Wi-Fi căng đét liên tục sáng notification (thông báo) bên cạnh. 

Đọc sách mang lại lợi ích phi thường
Ở một khía cạnh khác chúng ta cũng đừng vội khoác lên sách những giá trị khó định lượng như là: đọc sách để thành công, người thành công thường hay đọc sách... Thực tế một mục tiêu cụ thể với khát khao tri thức cho chính mình sẽ giúp bạn đọc sách bền bỉ hơn, nhất là trong các tình huống học tập. Sẽ hữu ích nếu bạn thực sự quan tâm đến chủ đề đang đọc. Tuyệt vời nhất là khi sách giải quyết được vấn đề của bạn.

Đôi khi bạn từ chối sách không phải do lười biếng mà do đọc quá nhiều những tác phẩm không phù hợp. Đọc không nên là một nhiệm vụ nặng nề. Nếu bạn không thích cuốn sách đang cầm trên tay, hãy bỏ qua. Ai đó nói với bạn cuốn này hay, không có nghĩa là bạn phải thích nó. Sách best seller chưa chắc đã là gu của bạn hoặc không có thứ bạn cần. Hãy trả lời câu hỏi mình đang tìm kiếm hoặc yêu thích điều gì? Sau đó bắt đầu bằng việc chăm chỉ đọc review trước khi quyết định ngấu nghiến cả quyển. 

Cũng cần bổ sung thêm một cách vượt qua rào cản tự thân hiệu quả, đó là tham gia các challenge (thử thách) cùng đội nhóm của mình hoặc cộng đồng yêu sách. Khi không có mục tiêu cá nhân hãy tạo ra mục tiêu tập thể. Kết quả thường là không tệ chút nào với tính liên tục của giải đấu và bạn thường xuyên nhìn thấy vị trí của mình trong bảng xếp hạng. Đó có thể là những cuộc thi chia sẻ sách hay, cam kết đọc sách cùng đồng đội vào khung giờ nhất định trong ngày…
Trong thời đại mutilmedia hiện nay sách lại là lựa chọn cân bằng. Khi mạng xã hội bộc lộ nhiều tác hại cả về nội dung truyền tải cũng như các yếu tố thuộc về đặc thù nền tảng thì những lợi ích mà đọc sách mang lại là phi thường và bất ngờ như: nó có thể giúp chống lại bệnh Alzheimer; giảm căng thẳng tới 68% (theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Sussex); dành 30 phút đọc sách mỗi ngày có thể kéo dài tuổi thọ của bạn thêm nhiều năm...


II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức”  kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Bác Hồ và những lời dạy với giáo viên, học sinh Việt Nam” đăng trên Trang Thông tin điện tử Công đoàn Giáo dục Việt Nam theo nguồn báo Ấp Bắc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trong “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5-9-1945, Bác viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.


Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: “Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Cho đến bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15-10-1968, Bác lại nhấn mạnh yêu cầu của nền Giáo dục nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”.

Đầu thư, Bác hết sức cảm kích những cố gắng lớn lao của nền giáo dục nước nhà, mặc dù trong hoàn cảnh cả nước còn chiến tranh nhưng sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Tình cảm sâu nặng, chân tình của Bác Hồ với các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên và những lời khen đối với ngành Giáo dục không chỉ khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của học sinh, sinh viên trong những năm tháng ác liệt.

Trong bức thư, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng;

Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật;

Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Cuối thư, Bác yêu cầu của nền giáo dục nước nhà: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.

Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới”.  


* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:
1. Quyển sách “Tôi đi học” là tự truyện của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Đây là tự truyện nâng đỡ tinh thần cho nhiều thế hệ bạn đọc những lúc gặp khó khăn và nghịch cảnh trong cuộc sống. Năm 2019, quyển sách đã được Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh tái bản lần thứ 8. Trong lần tái bản này, chính tác giả đã bổ sung thêm một số chi tiết, tình tiết để đáp ứng trọn vẹn hơn sự mong chờ của bạn đọc.
    Qua 171 trang sách với 39 câu chuyện chân thực, cuộc đời đầy khổ luyện và ý chí phấn đấu vượt lên trở ngại tật nguyền của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký sẽ đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc và lòng khâm phục. 
    Ở truyện “Những ngày mon men đến lớp” bạn đọc sẽ không khỏi xúc động khi lắng nghe những dòng tâm sự của tác giả. Hình ảnh cậu bé Ký chạy ra ngõ đứng lặng nhìn không chớp mắt cho đến khi tốp trẻ con cuối cùng đi mất hút mới lững thững quay vào nhà với dòng nước mắt lã chã tuôn rơi hay đứng lấp ló ở cửa lớp học nhìn bọn trẻ đọc “O” mà mồm cũng chúm môi đọc “O” theo, càng cho ta thấy niềm ước mơ khát khao cháy bỏng được đi học giống như các bạn. 
    Hay truyện “Chuyện chiếc bàn học bị mất” cho ta thấy thầy Nguyễn Ngọc Ký là con người đầy nghị lực, luôn cố gắng làm mọi thứ bằng chính đôi chân của mình, chứ không trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. 
    Trong truyện “Niềm vui nối tiếp niềm vui” kể về sự mạnh mẽ vượt qua khó khăn tạo ra những kỳ tích của thầy Nguyễn Ngọc Ký như: đứng thứ 5 trong kỳ thi Học sinh giỏi Toán lớp 7 ở miền Bắc, hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu khen ngợi và bốn lần được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
    Bằng những ngôn từ mộc mạc, giản dị tạo cảm giác gần gũi và hấp dẫn người đọc, “Tôi đi học” không chỉ là một tác phẩm văn học có giá trị mà còn là một quyển sách có tác dụng giáo dục về nghị lực sống giúp bạn đọc có thêm một tấm gương sáng về ý chí vượt khó vươn lên trong học tập. Qua đó, thầy Nguyễn Ngọc Ký muốn gửi gắm đến các bạn đọc trẻ hôm nay  thông điệp: “Hãy đừng để cho một phút nào của tuổi trẻ trôi đi hoài phí”. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 895.92283403 / T452Đ;  PHÒNG THIẾU NHI: NA.004425; NA.004424
2. Quyển sách “Cắt cơn điện thoại” của tác giả Catherine Price do Thế Anh dịch, Nxb. Hồng Đức xuất bản năm 2022. Sách dày 222 trang. Với độ dày 222 trang, sách được chia làm 3 phần:
     Phần I “Thức tỉnh” gồm 10 chương như: Điện thoại thiết kế để gây nghiện; Dopamine; Thủ thuật trong thương mại; Tại sao mạng xã hội hấp dẫn?; Sự thật về đa tác vụ; Điện thoại đang thay đổi não bộ; Điện thoại đang hủy hoại khả năng tập trung; Điện thoại làm rối loạn trí nhớ; Căng thẳng, giấc ngủ và sự hài lòng; Phương pháp cân bằng cuộc sống.
     Phần II “Chia tay” hướng bạn đến trải nghiệm 4 tuần thay đổi thói quen sử dụng điện thoại gồm  Tuần 1: Chọn lọc công nghệ; Tuần 2: Thay đổi thói quen; Tuần 3: Khôi phục não bộ; Tuần 4: Mối quan hệ mới.
     Phần kết chia sẻ kinh nghiệm của tác giả sau hai năm hạn chế sử dụng điện thoại. Tác giả đã rất cảm kích và biết ơn chiếc điện thoại của mình vì mọi tiện ích của nó, nhưng cũng liên tục cảnh giác vì nó đang làm thay đổi cuộc sống con người trong thời kỳ công nghệ 4.0.
     Đọc quyển sách “Cắt cơn điện thoại” bạn sẽ sống tích cực, hiệu quả và thành công hơn trong cuộc sống. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 384.5 / C118C. PHÒNG MƯỢN: MA.026417; MA.026418.
3. Quyển sách “Hãy biến thức ăn thành liều thuốc dinh dưỡng” của Tiến sĩ Paul Calyton, do Trần Lan Hương, Huy Bùi dịch, tái bản lần thứ 1, Nxb. Hà Nội xuất bản năm 2022. Sách gồm 121 trang, gồm 3 chương: Viêm là gì? Ảnh hưởng của viêm đối với cơ thể; Phương pháp kháng viêm. Đọc sách bạn sẽ biết được: Thế nào là viêm cấp tính và mãn tính; các nguyên nhân gây viêm; ảnh hưởng của viêm đối với cơ thể  (những vấn đề về tim, về trao đổi chất, về tế bào, về não, các chứng rối loạn tâm trạng, vấn đề về khớp, về miễn dịch, về ruột, các chứng viêm miệng); Những vấn đề sinh sản - vô sinh; Trẻ em và viêm; Tập thể dục, viêm và dinh dưỡng, Omega 3 và sức khỏe làn da.
Đặc biệt, trong phương pháp kháng viêm 7 bước, tác giả đề cập: Muốn tăng cơ hội sống lâu và khỏe mạnh, chúng ta nên cân nhắc thực hiện một số thay đổi đơn giản như: ăn nhiều trái cây, rau và cá nhiều dầu, giảm đồ chiên nướng, giảm muối và rượu, ngừng hút thuốc. Nhưng những điều này chỉ mới đưa chúng ta đến bước thứ nhất. Nếu muốn làm tốt hơn và lâu dài hơn, chúng ta nên dùng hai loại hợp chất bổ sung kháng viêm cơ bản là hợp chất dầu cá với chất hữu cơ tự nhiên (polyphenol) và loại thứ hai là hợp chất đường liên phân tử (beta glucan).
Có thể thấy, với những nghiên cứu đã được kiểm nghiệm, thực hành qua 40 năm của tác giả, quyển sách này đem đến một cách tiếp cận mới về về lối sống, biết được phương pháp tiết kiệm chi phí để giảm bệnh tật và tăng tuổi thọ. Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 613.2 / H112B.  PHÒNG ĐỌC: DV.061019. PHÒNG MƯỢN: ME.008634; ME.008635


Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây