CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 24 (tháng 07/2024)                                                   

Thứ bảy - 08/06/2024 03:47 333 0
                                                                       
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 24 (tháng 7/2024) của Thư viện thành phố Cần Thơ!

I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0  
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Phương pháp đọc sách hiệu quả” của Nguyễn Hiếu đăng trên tạp chí điện tử Tri thức Znews.vn.

Để đọc sách trở thành thói quen tích cực và hữu ích trong cuộc sống hàng ngày, việc chọn lựa thể loại, lên kế hoạch đọc, phương pháp đọc… là các yếu tố quan trọng.
Bạn muốn có một giấc ngủ ngon, đầu óc nhạy bén và đồng cảm nhiều hơn? Hãy thử đọc một quyển sách. Có rất nhiều thứ ở giữa những cuốn sách, không đơn thuần là câu chuyện được viết ra.
Bạn từng là một người đam mê đọc sách nhưng cuộc sống bận rộn đã cản trở niềm vui đó? Bạn muốn tìm một không gian riêng kèm một quyển sách, hoặc đơn thuần xem đọc sách như một cách giải trí lành mạnh? 
Việc tìm ra phương pháp đọc sách phù hợp sẽ giúp nâng cao khả năng, hiệu quả đọc của bạn. Dưới đây là một số lời khuyên từ Tina Jodan, biên tập viên kì cựu của mục Book Review trên New York Times. 
Chọn loại sách phù hợp
Muốn trở thành một độc giả tích cực, trước tiên bạn phải có sách để đọc. Bạn có thể bắt đầu ngay nếu sẵn sách tại nhà và hiểu rõ nhu cầu của bản thân. Ngược lại, hãy trả lời một số câu hỏi: Bạn muốn đọc để thưởng thức hay tìm hiểu kiến thức? Bạn có muốn thay đổi theo một ai đó? Bạn có tìm kiếm sự thoát ly khỏi hoàn cảnh thực tại? Hoặc, bạn có tò mò về những quyển sách đang bán chạy?
Sau khi trả lời những câu hỏi này, hãy thử tìm một quyển sách để bắt đầu. Bạn không cần mua ngay. Có thể đọc một quyển sẵn trên kệ, mượn từ bạn bè, nghe thử trên các nền tảng trực tuyến hoặc đọc tại thư viện. Từ khởi đầu này, bạn sẽ xác định được loại sách phù hợp với nhu cầu và sở thích của chính mình.

Lập kế hoạch đọc
Một kế hoạch tốt sẽ giúp đọc sách trở thành thói quen hàng ngày trong cuộc sống của bạn. Việc này phụ thuộc nhiều vào tính cách mỗi người. Chỉ có bạn mới hiểu được cách tìm thời gian rảnh rỗi trong ngày, không bị cuốn vào nội dung trên TV hoặc hình thức giải trí khác.
Kế hoạch đọc sách không nhất thiết bao gồm lịch trình cụ thể. Nó chỉ cần có mục tiêu hoặc một lời hứa với bản thân. Điều này tạo ra động lực để bạn cầm quyển sách lên. Mục tiêu càng cụ thể và chi tiết thì bạn càng có thể biến nó thành hiện thực.
“Sự khác biệt duy nhất giữa người không đọc và người đọc sách là người đọc có kế hoạch thực hiện việc đó trong tương lai còn người không đọc thì không”, Donalyn Miller, tác giả của The Book Whisperer và Reading in the Wild nhận xét.

Đọc sâu hơn
Để đọc sâu hơn, kích thích trí tưởng tượng của bạn về câu chuyện được tác giả đề cập trong sách, điều quan trọng là cần dành thời gian. Bạn không thể làm được điều này nếu chỉ đọc lướt qua.
Ngày nay, hầu hết chúng ta đọc những đoạn thông tin ngắn, như tin nhắn, tweet, email... một cách hời hợt để tiết kiệm thời gian. Có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi tập lại thói quen đọc chậm rãi. Tuy nhiên, đó là việc cần thiết.
Trong quyển Slow Reading in a Hurried Age (Tạm dịch: Đọc chậm trong thời đại vội vã), tác giả David Mikics cho rằng đọc chậm sẽ giúp thay đổi suy nghĩ của con người, tương tự việc tập thể dục sẽ thay đổi cơ thể. “Một thế giới hoàn toàn mới được mở ra, bạn sẽ cảm nhận và hành động khác. Sách sẽ giúp bạn cởi mở và năng động hơn”, David Mikics đánh giá.
Để đọc sâu hơn, bạn cần dành ít nhất 15 phút mỗi ngày cho việc đọc. Hãy thử một số bài tập như: đọc lướt, bỏ qua một số phần sau đó quay trở lại đọc kỹ lần nữa; đặt một từ điển ở gần, có thể tra cứu thêm thông tin khi cần thiết; đọc lại một cách tích cực phần đã đọc trước đó; sử dụng bút ghi chú, đánh dấu những đoạn hay; tự tóm tắt lại nội dung của sách sau khi đọc.

Đánh giá nội dung
Phê bình hay đánh giá vấn đề là kỹ năng có thể học được, tương tự các kỹ năng khác trong cuộc sống. Khi đọc sách một cách nghiêm túc, cảm nhận sâu sắc nội dung, bạn sẽ nhận thấy mình thường xuyên nghĩ đến nội dung của nó. Bạn sẽ có những suy luận, phân tích và tìm ra mối liên hệ giữa các cuốn sách, sự tương đồng của câu chuyện trong sách với vấn đề bên ngoài cuộc sống.
Để rèn luyện kỹ năng đánh giá nội dung sách, bạn hãy thử dừng lại và tự đặt ra các câu hỏi “Tác giả muốn đề cập việc gì?”, “Mục đích của chương này là gì?”, “Tác giả dùng kỹ thuật nào để xây dựng tình huống hồi hộp như vậy?”.
Bạn hãy tập nhận định và đưa ra ý kiến đồng tình hay không đồng tình với tinh thần chung của tác giả. Đặt câu hỏi về những gì đọc được. Cuốn sách có khiến bạn phải suy nghĩ hay nhìn nhận lại vấn đề gì hay không. Ngoài ra, nên nhận xét về các yếu tố để tạo ra một bài viết hay.

Khám phá cách loại hình sách
Sự đa dạng của các loại hình sách tạo nên gia vị cho việc đọc, giúp bạn tránh được tình trạng nhàm chán. Có nhiều tranh luận về cách tốt nhất để thưởng thức nội dung của một quyển sách, nhưng cuối cùng vẫn chưa có phương án nào hợp lý. Do đó, bạn nên thử nhiều hình thức khác nhau.
Bạn hãy nhờ ai đó đọc cho mình nghe một chương, hoặc chuyển từ bản in giấy sang âm thanh, phiên bản kỹ thuật số. Mở rộng các định dạng khác nhau đồng thời tăng khả năng đọc của bạn.
Một cách để đọc sách phổ biến hiện nay là dùng điện thoại di động. Đây là thiết bị được mọi người mang theo bên mình. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, màn hình smartphone ngày càng lớn, sắc nét, có nhiều ứng dụng hỗ trợ đọc sách, số đầu sách được cung cấp ở định dạng kỹ thuật số ngày càng đa dạng, phong phú.

Sách nói cũng là một loại hình đang được ưa chuộng. Bạn có thể vừa làm việc nhà vừa nghe nội dung, không bị cản trở như việc cầm sách giấy để đọc. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn nghe vài chương của một quyển sách sau đó tiếp tục đọc bằng phiên bản kĩ thuật số hoặc bản in giấy.

Tìm niềm vui đọc sách từ mạng xã hội
Thay vì âm thầm đọc một quyển sách, bạn có thể trò chuyện với mọi người xung quanh, chia sẻ những điều mình yêu thích, ghét hoặc chưa hiểu rõ. Có nhiều cách để làm việc này.
Bạn có thể tham gia vào một hội, nhóm đọc sách trên mạng xã hội. Có hàng nghìn câu lạc bộ dành cho người đam mê sách trên Facebook, Goodreads và nền những tảng khác.
Ngoài ra, các tác giả đương đại cũng tham gia mạng xã hội. Stephen King thường xuyên chia sẻ trên Twitter về những đầu sách ông đọc và gợi ý đầu sách hay. Nhiều tác giả khác cũng có hoạt động tương tự. Một số người còn tạo ra các chủ đề thảo luận sôi nổi. Nếu bạn đang đọc sách của một tác giả nào đó, hãy thử tìm tài khoản của họ trên Facebook, Instagram hoặc Twitter.
Trải nghiệm sau khi đọc
Những gì bạn nhận được từ một quyển sách không kết thúc khi đọc đến trang cuối cùng. Ngược lại, nó là sự khởi đầu. Có một số cách để độc giả tiếp tục gắn bó với sách, chủ đề và tác giả.
Chẳng hạn, bạn hãy ghi nhật ký đọc sách và xem lại nó sau một thời gian. Việc này giúp bạn phân tích được những nội dung đã tìm hiểu. Khi nghe tên một quyển sách có vẻ cuốn hút, hãy ghi lại, sau đó tìm cách đọc nội dung. Đây chính là cách tiếp tục lộ trình đọc sách của bạn trong tương lai.
Đôi lúc bạn cũng cần đi ra khỏi vùng an toàn, tìm đọc những thể loại mà mình chưa từng thử. Một lời khuyên hữu ích khác là hãy đọc càng nhiều càng tốt. Khi yêu thích phong cách của một nhà văn nào đó, hãy đọc tất cả quyển sách của tác giả.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức”  kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Những điều cần biết để an toàn trong không gian mạng dành cho trẻ em và người sắp thành niên” được đăng trên trang thông tin điện tử của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam unicef.org 
Không gian mạng thật tuyệt vời 
Ngày nay, không gian mạng vẫn có thể giúp các em trong việc học tập, giải trí và giữ liên hệ với bạn bè. Tuy nhiên không gian mạng cũng có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn như: 
Thông tin xấu, độc: Trẻ em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm.
Xâm phạm đời tư: Thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa các em.
Bắt nạt: Các em có thể bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý. Thậm chí các em có thể bị công kích, đe dọa hoặc xuyên tạc các thông tin hình ảnh có liên quan đến các em.
Xâm hại tình dục: Một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen, và gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm. Chúng có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải vâng lời làm theo các yêu cầu khác.

Để tránh gặp phải những rắc rối khi sử dụng không gian mạng, các em cần biết:
1. Nói không: Không làm quen và trò chuyện với người lạ. Nếu đã lỡ kết bạn thì bỏ chế độ kết bạn và chặn người mà mình không quen biết ngoài đời thực. Không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng. Tuyệt đối KHÔNG chia sẻ thông tin, hình ảnh nhạy cảm, tâm trạng riêng tư.
2. Kiểm soát: Thoát khỏi chương trình, trang thông tin, phòng chat, xóa phần mềm ứng dụng, tắt máy tính hay điện thoại. Không chia sẻ vị trí định vị của bạn khi sử dụng các ứng dụng trên mạng.
3. Thông báo: Chia sẻ với bố mẹ, thầy cô – người mà các em tin tưởng, gọi cho Tổng đài 111 về các rắc rối mà em gặp phải để được tư vấn, trợ giúp. Tuyệt đối không GIẤU KÍN rắc rối.
4. Kiềm chế: Cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận một nội dung, hình ảnh của người khác. Không nên a dua, có những bình luận ác ý, hay hành vi khiếm nhã khi tương tác trên không gian mạng, vì nên nhớ, các hành động của các em có thể ảnh hưởng xấu, gây đau khổ cho bạn bè và những người khác.
Đó là những điều các em cần biết để chung tay xây dựng một không gian mạng sạch sẽ, văn minh và lành mạnh để mỗi chúng ta đều được “sống đẹp” dù ở bất cứ đâu, trên mạng hay trong đời thật.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:

1. Quyển sách “Sống như Anh” do Trần Đình Vân ghi, Phan Thị Quyên kể, Nxb. Kim Đồng ấn hành 2021. Sách với 131 trang chuyển tải đến bạn đọc câu chuyện của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964) - chiến sĩ biệt động Sài Gòn, người thực hiện nhiệm vụ gài bom dưới chân cầu Công Lý. Bị giặc bắt, đưa ra pháp trường, anh không hề khuất phục. Tuổi thanh xuân, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã hy sinh tính mạng của mình để góp sức cùng dân tộc đánh đuổi đế quốc, giành lại hòa bình, no ấm cho đồng bào. Tiếng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm! Hãy nhớ lấy lời tôi!" của Anh là ý chí của cả thế hệ trẻ Việt Nam không bao giờ lùi bước, sẵn sàng hy sinh vì tự do, độc lập của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Qua quyển sách hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi hiển hiện sống động, chân thật, gần gũi với tình yêu trong sáng, nhiệt tình cách mạng và lòng can đảm... Một câu chuyện cảm động về người anh hùng kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù đã đi vào huyền thoại. Các bạn và các em tìm đọc sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số ký hiệu phân loại: 959.7043092 / S455NH; ▪ PHÒNG THIẾU NHI: NA.004838; NA.004839

2. Quyển sách “Ba từ nhiệm màu: Bí quyết trở thành những bậc cha mẹ trẻ hằng mong ước” của tác giả Saito Takashi do Lan Hương phiên dịch, Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2020 với độ dày 147 trang, sẽ giúp các phụ huynh hiểu rõ rằng: Điều quan trọng nhất trong giáo dục trẻ em là đưa trẻ vào khuôn khổ của việc rèn luyện. Và thói quen học tập hay bất cứ một loại hoạt động nào trong cuộc sống hằng ngày của trẻ có được khi cha mẹ biết cách thúc đẩy và duy trì bằng ba cụm từ “có phép màu”, đó là:
     - Nói mẹ nghe xem nào!
     - Tuyệt vời, con đã rất cố gắng!
     - Mình sẽ làm gì đầu tiên, con yêu?
     Quyển sách còn cung cấp nhiều kiến thức hữu ích dành cho các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái để trẻ nhận thấy rằng học tập khiến cải thiện tâm trí và để tích lũy vốn cá nhân trong tương lai. Từ đó xây dựng cho trẻ lòng hiếu học để có một cuộc đời thành công và ý nghĩa. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số ký hiệu phân loại: 649 / B100T;  PHÒNG MƯỢN: ME.008529; ME.008530; PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.060607. 

3. Quyển sách "Phát triển du lịch nội địa" ở Việt Nam do nhiều tác giả biên soạn, Nxb. Thể thao và Du lịch, Hà Nội ấn hành năm 2022. Sách dày 159 trang giúp cho bạn đọc hiểu rõ những giá trị và lợi ích của du lịch, nhất là du lịch nội địa tác động như thế nào đến cộng đồng và xã hội.
     Sách gồm 6 chương với các nội dung: Giới thiệu về du lịch và hướng dẫn viên du lịch;      Phát triển du lịch nội địa hướng đi và giải pháp;  phát triển du lịch ra nước ngoài, thu hút khách nước ngoài du lịch Việt Nam; Quy hoạch đô thị du lịch và chiến lược phát triển du lịch; Du lịch văn hóa tâm linh và những yếu tố tác động; Sự ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng đến du lịch Việt Nam. Quyển sách là tài liệu tham khảo rất hữu ích đối với ngành du lịch, cơ quan quản lý và doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số ký hiệu phân loại: 338.4 / PH110TR; PHÒNG MƯỢN: MA.027247; MA.027248; PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.062104; DV.062105.

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây