Những điều thú vị về “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”

Chủ nhật - 27/08/2023 23:01 536 0
Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A và NXB Hội nhà văn vừa liên kết ấn hành bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”. Đây là lần tái bản thứ 10 của bộ truyện được đánh giá là công trình nghiên cứu đã trở thành cổ điển.
Những điều thú vị về “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”
DUY KHÔI

     Hầu hết những truyện cổ tích mà chúng ta được nghe từ thuở nhỏ như “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”... đều được Giáo sư Nguyễn Đổng Chi kể lại trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”. Đây là bộ sách sưu tầm, nghiên cứu được biên soạn và in xong lâu nhất, trong thời gian ¼ thế kỷ (1957-1982), với tổng cộng 5 lần in lẻ để hoàn chỉnh bộ 5 cuốn. Sau đó, bộ truyện đã qua 10 lần tái bản, chỉnh lý. Cùng với các tác phẩm “Lược khảo về thần thoại Việt Nam” (1957), “Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh” (1995, chủ biên) thì “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” (5 tập, xuất bản từ năm 1958-1982) là cụm 3 tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt 1-1996.

    “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” là công trình nghiên cứu khoa học giá trị, đồng thời là bộ sưu tập truyện cổ tích hấp dẫn, với 201 truyện kể. Bộ sách gồm 4 phần. Phần đầu giúp độc giả tìm hiểu về bản chất, lai lịch và lịch sử phát triển của truyện cổ nói chung và cổ tích nói riêng. Với phần thứ hai, sách giới thiệu 201 truyện cổ tích Việt Nam đã được Giáo sư Nguyễn Đổng Chi tuyển chọn và sắp đặt theo hệ thống, có kèm các dị bản. Trong phần khảo dị, tác giả so sánh các điểm dị biệt giữa các truyện chính với hàng trăm truyện cổ dân gian Đông - Tây khác, mang đến góc nhìn tổng quan về hệ thống truyện cổ dân gian trên thế giới. Phần cuối của bộ sách là những nhận xét sơ bộ về nguồn gốc, con đường lưu chuyển, đặc điểm tư tưởng, nghệ thuật, qua đó đánh giá tổng quát truyện cổ tích Việt Nam.

     Theo Công ty Đông A, trong bản in lần thứ 10 của bộ sách này có nhiều điểm thú vị. Cụ thể, nội dung sách được chỉnh lý bởi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, là con trai của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Các nhân vật có tên riêng nước ngoài được thể hiện bằng tên nguyên gốc, với các ngôn ngữ không dùng chữ Latinh thì thay bằng chuyển tự Latinh. Bộ sách còn được bổ sung phần tranh minh họa của hai họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn và Phạm Ngọc Tân.

     Nhà nghiên cứu Nguyễn Chung Anh cho rằng, hơn 200 truyện cổ mà Giáo sư Nguyễn Đổng Chi tìm tòi, chọn lọc, có một phong cách ngôn ngữ riêng, giản dị, truyền cảm, với sự khảo dị so sánh rất dày công. “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” mang rõ nét tâm hồn Việt Nam, kết tinh những gì tiêu biểu cho tư duy nghệ thuật tự sự dân gian Việt Nam. PGS Vũ Ngọc Khánh thì nhận xét: “Cách kể của anh hồn nhiên mà sinh động, có ít nhiều vẻ dân dã và phong cách cổ. Khi kể chuyện, anh đã tỏ ra tôn trọng những đặc điểm mà anh nêu ra. Đồng thời, anh vẫn có tư cách của một nhà văn. Cách kể của anh mộc mạc, có vẻ biến hóa, và điều đáng quý hơn cả: rất đáng tin”.

     Giáo sư Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) quê gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra tại Phan Thiết, là con của nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi, là đồng sáng lập  Trường Dục Thanh. Hơn 50 năm nghiên cứu, sáng tác, ông có nhiều đóng góp to lớn cho văn hóa, văn học Việt Nam, đặc biệt là ở lĩnh vực văn học, văn hóa dân gian. Ông được xem là một trong những nhà văn hóa dân gian hàng đầu của nước ta. Nhiều địa phương trong cả nước có đường phố được đặt theo tên Giáo sư Nguyễn Đổng Chi.
Nguồn: Online Báo Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây