HÀNG LOẠT NGHIÊN CỨU CỦA ĐẠI HỌC CẦN THƠ ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ RA SẢN XUẤT

Thứ hai - 23/10/2023 22:17 513 0
HÀNG LOẠT NGHIÊN CỨU CỦA ĐẠI HỌC CẦN THƠ ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ RA SẢN XUẤT
Thời gian qua, hàng loạt nghiên cứu của Đại học Cần Thơ về lĩnh vực nông nghiệp có tính thực tiễn cao đã được đưa ra ứng dụng hiệu quả trong sản xuất tại ĐBSCL.

Chế phẩm Trico-ĐHCT do Đại học Cần Thơ nghiên cứu được chuyển giao ứng dụng hiệu quả trên cây trồng ở ĐBSCL.
Ảnh: Hữu Đức.
 
Trường Đại học Cần Thơ có thế mạnh trong đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành lớn nhất khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm… Các thành tựu trong nghiên cứu, các công nghệ mới đa số được chuyển giao về các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng thành công.
Trong nghiên cứu khoa học và phát triển chuyển giao công nghệ, hàng năm, Đại học Cần Thơ có 300 - 400 đề tài, dự án trong nước và 30 - 40 dự án quốc tế được triển khai trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Trong giai đoạn 2017 - 2022, Trường đã triển khai thành công 36 chương trình nghiên cứu khoa học với quy mô lớn và có tính ứng dụng cao. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu đa dạng, các quy trình công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất hiệu quả.
Mới đây, Đại học Cần Thơ vừa công bố, giới thiệu 116 công nghệ và sản phẩm công nghệ sáng tạo, trong đó chiếm nhiều nhất là lĩnh vực thủy sản với 32 sản phẩm công nghệ và quy trình kỹ thuật được chuyển giao ứng dụng. Lĩnh vực nông nghiệp có 13 sản phẩm và quy trình công nghệ được ứng dụng vào sản xuất. Còn lại là các lĩnh vực công nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, môi trường...
Trong các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đáng chú ý như: Sản xuất rau non trên kệ nhiều tầng kết hợp ánh sáng đèn LED, ứng dụng công nghệ CRIP/CAS9 để phát triển cây trồng liên quan đến khả năng chịu mặn; quản lý sâu xanh da láng Spodoptera exigua gây hại trên hành bằng pheromone giới tính tổng hợp; sử dụng chế phẩm vi sinh chứa vi khuẩn quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía để giảm phân bón hóa học, xử lý đất nhiễm mặn trong canh tác lúa sử dụng biochar.

 Giải pháp công nghệ sinh học do Đại học Cần Thơ nghiên cứu đã giúp xử lý đất nhiễm mặn cho vườn cây ăn trái ở Bến Tre.
Ảnh: Hữu Đức.
Trong lĩnh vực thủy sản, có hàng chục công trình nghiên cứu đạt kết quả tốt như: Xử lý nước trong ao tôm, quan trắc môi trường nước; kỹ thuật ương nuôi giống và kỹ thuật sản xuất tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm càng xanh; nuôi lươn đồng, cá trê vàng... Nhiều kỹ thuật mới trong sinh sản nhân tạo giống thủy sản cũng được nghiên cứu thành công như cá sát sọc (Pangasius micronema), cá niên (Onychostoma gerlachi). Bên cạnh đó, nhiều quy trình công nghệ sản xuất giống thủy sản đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất như: Kỹ thuật sản xuất giống ốc bươu đen (Pila polita), kỹ thuật sản xuất giống cá nâu (Scatophagus argus), chọn lọc giống cá sặc rằn...
Điển hình có thể kể tới công trình nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống ốc bươu đen do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Ngô Thị Thu Thảo (Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ) triển khai. Đây là kỹ thuật có tính mới, độc đáo, sử dụng giá thể chùm dây nilon và thức ăn công nghiệp để ương ốc giống làm cho môi trường sạch hơn, ốc lớn nhanh và đạt tỷ lệ sống cao hơn, đạt hơn 95% sau 21 ngày ương. Đề tài nghiên cứu đã ứng dụng thành công, chuyển giao cho trại thực nghiệm sản xuất giống cung cấp cho người nuôi và tập huấn cho người dân ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang). 
Quy trình sinh sản nhân tạo và sản xuất giống cá sát sọc do TS Nguyễn Văn Triều chủ trì thực hiện cùng nhóm tác giả Trường Đại học Cần Thơ cũng cho kết quả thành công lớn. Kết quả nghiên cứu cá sát sọc thành thục sinh dục tốt ở điều kiện nuôi vỗ trong bể và trong ao, mở ra triển vọng tốt cho nghề sản xuất giống và nuôi loài cá này, góp phần bảo vệ nguồn lợi cá trong tự nhiên.
Sinh sản nhân tạo thành công giống cá niên là sản phẩm của đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum”, do PGS. TS Dương Nhựt Long (Đại học Cần Thơ) làm chủ nhiệm.
Những kết quả nghiên cứu của đề tài này được đưa vào sản xuất với tính khả thi cao, có ý nghĩa xã hội. Các cơ quan quản lý chuyên môn, cán bộ kỹ thuật cơ sở và các doanh nghiệp thủy sản cùng người dân địa phương ở tỉnh Kon Tum hoàn toàn có khả năng ứng dụng tốt.
Hữu Đức
 

Nguồn: Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam cập nhật ngày 11/09/2023

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây