YẾU TỐ SÔNG NƯỚC TRONG QUY HOẠCH TP. CẦN THƠ: BẢN SẮC VÀ SINH THÁI

Thứ hai - 23/10/2023 21:13 804 0
YẾU TỐ SÔNG NƯỚC TRONG QUY HOẠCH TP. CẦN THƠ: BẢN SẮC VÀ SINH THÁI
Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, đô thị Trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiều thế mạnh về tự nhiên và con người để phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội. Hệ thống sông rạch là tiềm năng quan trọng bậc nhất của Cần Thơ với sông Hậu, sông Cần Thơ và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Yếu tố này đã được tận dụng trong lịch sử xây dựng và phát triển TP., nhưng đang gặp phải thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như chưa kiến tạo bản sắc mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng.

Nghị quyết số 59-NQ/TW/ ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: “Cần Thơ là TP. sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc”.
 
Với mục tiêu xây dựng Cần Thơ là “Thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL”, việc quy hoạch Cần Thơ không thể không chú ý đến yếu tố sông nước, trong đó đặc biệt lưu ý hai vấn đề liên quan là: Bản sắc sông nước và sinh thái sông nước.
https://tckt.hn.ss.bfcplatform.vn/2022/05/22A05017-4.jpg
Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ
Kiến tạo bản sắc đô thị sông nước
Khi nhắc đến sông nước Cần Thơ, người ta thường nhớ ngay đến sông Cần Thơ, nơi có bến Ninh Kiều và chợ nổi Cái Răng. Nhưng để tạo thành một đô thị có bản sắc sông nước đầy đủ, nhiều màu sắc cảm xúc thì Cần Thơ phải phát huy các khu vực khác là tuyến dọc bờ sông Hậu dài hơn 50km và mạng lưới sông nhỏ, kênh tự nhiên dài 310km, kênh đào cấp trục dài hơn 300km, cấp 1 hơn 350km. Về cơ bản, hệ thống sông rạch ở TP. Cần Thơ có thể chia thành 3 nhóm với các sắc thái tinh thần nơi chốn khác nhau:
Sông Cần Thơ: Là con sông tạo thị của TP. Cần Thơ. Những nơi chốn lịch sử và nổi tiếng của TP. đều gắn bó với con sông này như: Bến Ninh Kiều, chợ Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng… Trước đây, sông Cần Thơ là ranh giới đô thị, nhưng hiện tại khu vực quận Ninh Kiều đã sử dụng gần hết quỹ đất và quận Cái Răng đang trên đà phát triển với nhiều khu dân cư mới. Chính vì vậy, mô hình TP. hai bên sông là một kịch bản phù hợp. Khi đó, sông Cần Thơ chảy qua khu vực đô thị trung tâm gồm ba quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Về mặt hình thái cảnh quan, sông Cần Thơ với chiều rộng vừa phải sẽ tạo ra những không gian đóng – mở hài hòa, tập trung những hoạt động quan trọng nhất của đô thị.
Khi kịch bản đô thị hai bên sông được hình thành thì chất lượng kiến trúc của những cây cầu bắc qua sông Cần Thơ phải được coi trọng. Hiện nay, có các cầu Quang Trung, Hưng Lợi, Cái Răng, tuy nhiên chất lượng kiến trúc thấp, chưa tạo thành những nơi chốn hấp dẫn. Vì vậy, cần có kế hoạch chỉnh trang thẩm mỹ những cây cầu hiện có và tổ chức thi tuyển kiến trúc cho những dự án cầu trong tương lai.
Bến nước và chợ nổi là những địa điểm mang đặc trưng văn hóa – giao thông- thương mại của ĐBSCL. Với độ rộng vừa phải (280-350m), dòng chảy ổn định, kết nối thuận tiện các quận huyện, sông Cần Thơ có điều kiện phù hợp để tổ chức các bến nước, chợ nổi ngoài chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, bến Ninh Kiều, góp phần duy trì và phát huy bản sắc đô thị sông nước.

Sông Hậu: Là ranh giới phía Đông Bắc của TP., tuyến giao thông đối ngoại đường thủy quan trọng, trong đó có các cảng Cái Cui, Trà Nóc. Mặt sông rộng bình quân từ 1,5- 2km, sâu trung bình từ -14 đến -30m. Sông có nguồn nước ngọt phong phú quanh năm, chất lượng nước khá tốt, là nguồn nước chính, đóng vai trò chủ đạo trong việc cấp nước tưới, sinh hoạt, công nghiệp cho Cần Thơ và vùng phụ cận.
Hiện tại, khu vực dọc sông Hậu chưa được đầu tư phát triển, nhiều chỗ đất để hoang. Các chức năng ít tạo giá trị bất động sản như sân vận động, kho bãi… Trong khi khu vực dọc theo sông Cần Thơ không còn đất trống để tạo những không gian mở lớn thì bờ sông Hậu lại có nhiều tiềm năng để thực hiện điều đó. Cảnh quan bờ sông Hậu sẽ phù hợp với những tổ hợp nhà cao tầng, trung tâm tài chính, vườn ươm doanh nghiệp, bên cạnh những khoảng không gian mở lớn như quảng trường trung tâm, công viên. Tính chất của khu vực này là cảm giác khoáng hoạt, mạnh mẽ, hiện đại, hướng tới tương lai.
Các sông, rạch khác: Các sông, rạch hình thành do quá trình vận chuyển nước mưa, lũ và vận động của thủy triều được nối với sông Hậu gồm: Sông (rạch) Bình Thủy, Trà Nóc, Ô Môn, Cái Cui, Cái Dầu; chúng có cửa rộng từ 50-300m, cao độ đáy từ từ -4 đến -10m. Các rạch này cùng với sông Hậu, sông Cần Thơ tạo thành một mạng lưới quan trọng trong việc phân phối, cấp/tiêu thoát nước cũng như giao thông thủy của TP.
Hệ thống kênh đào cấp trục phân bố khá đều ở Cần Thơ, trung bình khoảng 4-5km có một kênh. Theo thứ tự từ phía Bắc xuống có các kênh sau: Rạch Giá Long Xuyên, Kênh Tròn, Cái Sắn, KH1, KH3, Thốt Nốt, Thơm Rơm, KH5, Ô Môn, Thị Đội, KH7, KH8, KH9, Xà No… Các kênh này có bề rộng từ 10 đến 30m, độ sâu đáy khoảng từ -2 đến -5m. Mỗi kênh trục có hàng chục kênh nhánh nối vào.
Các rạch ở khu vực trung tâm TP. hiện nay hầu như không có hoạt động giao thông đường thủy vì ô nhiễm, không liên thông và thiếu bến nước. Để tăng cường bản sắc đô thị sông nước, những rạch này cần được liên thông và tổ chức giao thông đường thủy, ít nhất để phục vụ du lịch. Cảm xúc nơi chốn của các rạch nội đô là những không gian nhỏ, quanh co, gần gũi với hoạt động hàng ngày của con người.
Các rạch ở ngoại ô hiện vẫn là những tuyến giao thông đường thủy được sử dụng thường xuyên, đồng thời lưu giữ văn hóa sinh hoạt của vùng ĐBSCL: Nhà ở vừa có thể tiếp cận bằng đường bộ và đường thủy. Trong quá trình đô thị hóa, cần có kế hoạch bảo tồn một số tuyến rạch đặc trưng sinh hoạt sông nước truyền thống.
https://tckt.hn.ss.bfcplatform.vn/2022/05/22A05017-3.jpg
Các điểm ngập lụt ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy (Nguồn: UBND TP. Cần Thơ)
Ứng phó biến đổi khí hậu
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với hệ thống các sông rạch Cần Thơ có thể kể đến: Sạt lở đất ven sông, ngập lụt, xâm nhập mặn.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi BĐKH, TP. Cần Thơ liên tục xảy ra các vụ sạt lở dọc các sông chính thuộc các quận huyện như Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, Thốt Nốt, Thới Lai,.. với quy mô, mức độ sạt lớn, xảy ra ngày càng nhiều hơn.
https://tckt.hn.ss.bfcplatform.vn/2022/05/22A05017-1.jpgHệ thống sông, rạch TP. Cần Thơ
Ngập lụt là một hệ quả khác do BĐKH. Cần Thơ có 2 vùng bị ngập lụt theo mùa do 2 nguyên nhân khác nhau. Từ Ô Môn lên phía Bắc bị ngập do nước lũ từ sông Mekong xuống. Từ Ô Môn về phía Nam bị ngập do thủy triều từ biển Đông và do mưa tại chỗ và khả năng thoát nước kém. Các khu vực công nghiệp tại huyện Bình Thủy, Cờ Đỏ bị ảnh hưởng bởi BĐKH ở mức cao. Hạ tầng kỹ thuật đô thị có mức độ dễ bị tổn thương khá cao do chiều cao nền khi xây dựng chưa tính đầy đủ tác động của BĐKH, năng lực hệ thống thoát nước không đáp ứng.
Cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL, Cần Thơ chịu tác động xâm nhập mặn do triều biển Đông. TP. có hệ thống kênh rạch chằng chịt, thông ra biển bằng sông Hậu. Gần đây, tình hình khô hạn kéo dài, ít mưa cũng đã góp phần làm xâm nhập mặn sâu hơn với độ mặn cao và thời gian duy trì dài xảy ra phổ biến.
https://tckt.hn.ss.bfcplatform.vn/2022/05/22A05017-2.jpg
Các vị trí sạt lở trên địa bàn Cần Thơ (Nguồn UBND TP. Cần Thơ)
https://tckt.hn.ss.bfcplatform.vn/2022/05/22A05017-6.jpg
Bảng đánh giá yếu tố sông nước TP. Cần Thơ
Để giảm thiểu tác động BĐKH đối với hệ thống sông rạch Cần Thơ, đề xuất một số ý kiến sau:
  • Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng/công trình kiểm soát lũ, kiểm soát mặn;
  • Kiểm soát khai thác cát sông Hậu;
  • Tập trung gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động kiểm soát lũ, kết hợp nghiên cứu giải pháp trữ nước lũ vùng ngập sâu để phục vụ cấp nước mùa khô và các mục đích khác;
  • Quy hoạch và xây dựng, tăng cường hệ thống đê bao và thoát nước nhằm đảm bảo kiểm soát ngập do lũ thượng lưu và triều cường, nước biển dâng;
  • Khai thông các rạch nội đô bị chặn dòng, đồng thời làm sạch những đoạn bị ô nhiễm do nước thải và chất thải rắn như rạch Tham Tướng, rạch Mít Nài, rạch Cái Khế, hồ Búng Xáng…;
  • Hoàn thiện hệ thống bờ kè và đường ven sông Cần Thơ, các rạch nội đô.
KTS Vũ Hiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)

Tài liệu tham khảo
Dự án Quy hoạch Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ghi chú: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông vận tải trong đề tài mã số T2022- XD-003

Nguồn: Tạp chí điện tử Kiến trúc cập nhật ngày 13/5/2022
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây