Nam Bộ qua ngôn từ / Hồ Xuân Mai, Phan Kim Thoa. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2019. - 172tr.; 21cm

Chủ nhật - 15/09/2019 02:16 1.687 0
Nam Bộ qua ngôn từ / Hồ Xuân Mai, Phan Kim Thoa. - H. : Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2019. - 172tr.; 21cm
Ngôn từ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa, con người ở vùng đất đó. Ở Nam Bộ sự giống và khác nhau giữa tiếng Việt Nam Bộ và tiếng Việt toàn dân, giữa văn hóa của cộng đồng người Việt ở vùng cực Tây Nam Bộ và văn hóa của người Việt thuở khẩn hoang, mở đất, đã làm cho tiếng Việt trở nên phong phú, đa thanh, đa sắc hơn.
Quyển sách “Nam bộ qua ngôn từ” do Hồ Xuân Mai và Phan Kim Thoa biên soạn, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành 2019 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ngôn ngữ, văn hóa, con người vùng đất này.
Sách có độ dày 172 trang gồm 10 bài nghiên cứu, đã phân tích, lý giải vì sao văn hóa và ngôn ngữ của người Nam bộ, cụ thể là Tây Nam Bộ lại có những điểm khác với tiếng Việt phổ thông, giúp bạn đọc nhận diện ngôn ngữ nơi đây.
Trong quyển sách này, các tác giả không quy các bài viết thành những chủ đề cụ thể nhưng người đọc vẫn nhận ra đặc điểm văn hóa của người Việt Nam Bộ qua các đặc điểm của ngôn ngữ, cụ thể là ngữ âm, từ vựng và phong cách diễn đạt của người miền Nam.
Người miền Nam, đặc biệt là vùng Tây Nam bộ có lối nói chuyện đặc trưng về ngữ âm, từ vựng và phong cách diễn đạt. Trong bài viết “Cơ sở hình thành bản chất người Nam bộ tác giả đã trình bày bối cảnh lịch sử, quá trình khai phá, hình thành vùng đất mới, sự giao thoa văn hóa - ngôn ngữ với người Khmer, điều kiện thiên nhiên,… để đi sâu vào tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa của cư dân nơi đây.
Một số bài viết như: “Ngôn ngữ - Văn hóa của người Nam Bộ”, “Nam Bộ qua ngôn từ”, “Dấu hiệu Nam Bộ”,… cho thấy người Nam bộ thẳng thắn, bộc trực thông qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Khi giao tiếp, họ dùng từ ngữ cụ thể, trực tiếp, ít khi nói vòng hay nói tránh. Từ ngữ dùng để miêu tả giàu hình ảnh, dễ hiểu và là những từ thuần Việt, hiếm khi dùng từ Hán - Việt, giúp người nghe dễ hình dung, đón nhận. Từ ngữ sử dụng có ngữ âm, ngữ khí mang tính chất dân dã như: “đi dìa”, “mình ên”, “trớt quớt”, “ta nói”, “ngon bá cháy bù chét”, “dở ẹc”, “thiệt ngộ”, “khôn bà cố”, “nghen/hen/héng, hôn/hông/hổng”,…
Các bài viết “Hai đặc điểm trong câu hỏi đáp của người miền Tây Nam Bộ” và “Từ “quầm” trong lời ăn tiếng nói của cư dân Tây Nam Bộ” đã trình bày những đặc điểm trong câu hỏi - đáp của cư dân nơi đây qua những cụm từ xưng hô “bây - mầy”, “chị - chế”, “anh - hia”. Hay từ “quầm” trong lời ăn tiếng nói của cư dân Tây Nam Bộ, sự dung hợp của người Việt tại Nam Bộ qua các từ: “xài”, “xà quần”, “xỉn”… được các tác giả phân tích, giải thích chi tiết, đưa ra những dẫn chứng cụ thể, hợp lý. Ngoài ra, sách còn có bài viết “Vài nét về tiếng Khmer Nam Bộ” đã phân tích chuyên sâu về tiếng Khmer Nam bộ - ngôn ngữ có sự ảnh hưởng khá nhiều đến ngôn từ, cách nói của người nơi đây.
Quyển sách “Nam bộ qua ngôn từ” là tài liệu quý giá, có ích cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về con người và văn hóa, ngôn ngữ Nam bộ. Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 495.92201/N104B
- DC.2696, DV.56434
* Phòng Mượn:
- 495.92201/N104B
- MB.7302, MB.7303

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây