Bão táp và sông thiêng : Ký sự / Trần Lê An. - H. : Công an nhân dân, 2020. - 351tr. : Ảnh, bản đồ; 24cm. Tên thật tác giả: Trần Đình An

Thứ năm - 24/06/2021 21:46 1.739 0
Bão táp và sông thiêng : Ký sự / Trần Lê An. - H. : Công an nhân dân, 2020. - 351tr. : Ảnh, bản đồ; 24cm. Tên thật tác giả: Trần Đình An
“Những câu chuyện cùng diễn biến có thật trong Chiến dịch Trị - Thiên Xuân - Hè 1972
và 81 ngày đêm chiến đấu
ở Mặt trận thị xã - Thành cổ Quảng Trị!
Thay lời tri ân với tất cả những người đã chiến đấu
 và hy sinh trên đất Quảng Trị kiêu hùng!

Đây là những dòng chữ được trân trọng in đậm trong trang mở đầu của quyển ký sự “Bão táp và sông thiêng” của Trần Lê An, do Nxb. Công an nhân dân ấn hành năm 2020.
 Sách dày 351 trang, với nhiều ảnh tư liệu chân thực giúp bạn đọc hiểu hơn về cuộc chiến Quảng Trị năm 1972  qua những ký ức chiến trường khốc liệt in hằn trong cõi sâu thẳm của đáy lòng mỗi người lính từng đã một lần tham gia, mà tác giả là một trong số đó. Trong đó có những chiến công, vinh quang, những truân chuyên, gian khổ cùng với những nỗi đau in hằn trong những ngày tháng chiến đấu, những sự hy sinh mất mát vô bờ bến của những người lính còn nằm lại trên chiến trường Quảng Trị. Tác giả đã bày tỏ nỗi niềm: 

“Nói đến Thành cổ Quảng Trị, ai cũng cũng biết là chiến trường gian khổ ác liệt, nhưng không phải ai cũng hiểu nổi sự gian khổ ác liệt như thế nào? Không phải ai đã từng tham gia có thể nắm rõ được một cách khái quát cục diện chiến trường, diễn trình chiến đấu, những thắng lợi và cả những thiệt hại đau xót mà hai phía đã phải gánh chịu... Nhiều năm trăn trở với một ý tưởng viết về chiến trường Thành cổ Quảng Trị, người viết với những điều mắt thấy tai nghe, những câu chuyện đồng đội kể lại và tham khảo nhiều tư liệu, bài viết tổng hợp lại một bức tranh khái quát về chiến trường Quảng Trị để những ai muốn hiểu hơn về chiến dịch Quảng Trị và diễn trình chiến đấu 81 ngày đêm, nơi được gọi là “Mùa hè đỏ lửa”, là “Chảo lửa nóng bỏng” hay “Cối xay thịt” với những mất mát đau thương trên mảnh đất miền Trung cát trắng, gió Lào”.

Trong quyển sách, tác giả nói đến “sông thiêng” chính là con sông Thạch Hãn của Quảng Trị. Trong mưa bom bão đạn của quân thù, sông đã mang đi trong mình bao nhiêu linh hồn trẻ, những người con đã hiến cả tuổi thanh xuân, dâng cả cuộc đời cho đất nước. Dòng sông linh thiêng có máu và hoa, nơi chở che bao xác thân những chiến sĩ đi mãi không về. Để khi về thăm lại chiến trường xưa, một chiến sĩ thành cổ Quảng Trị đã vô cùng xúc động viết lên những câu thơ xuất thần: 
"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".


Ngoài nội dung chính, quyển sách còn có phần thống kê lượng vũ khí, bom đạn vượt sức tưởng tượng mà quân Mỹ đã sử dụng trong 81 ngày đêm khốc liệt này (tổng cộng hơn 120 tấm bom đạn, tương đương 7 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hi-roshima, nếu tính trung bình thì các chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia trận đánh phải hứng chịu 4 tấn bom mỗi người).

Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Bão táp và sông thiêng” để hiểu thêm về một trong những trận chiến giữ thành ít có trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước, tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - những người con ưu tú mãi mãi được Tổ quốc ghi công. 

Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 959.7043 / B108T
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019411;
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010595

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây