Chu đáo, lịch sự, tế nhị - Bài học Bác dạy / Phan Thị Ánh Tuyết, Đặng Thị Mai Anh sưu tầm, tuyển chọn. - H. : Dân trí, 2021. - 199tr.; 21cm.

Thứ năm - 24/06/2021 21:16 2.374 0
Chu đáo, lịch sự, tế nhị - Bài học Bác dạy / Phan Thị Ánh Tuyết, Đặng Thị Mai Anh sưu tầm, tuyển chọn. - H. : Dân trí, 2021. - 199tr.; 21cm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bằng cuộc sống thanh cao, giản dị, trong sáng và đạo đức cách mạng mẫu mực của một người cộng sản, Người đã nêu một tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, nhân dân và để lại cho chúng ta một di sản quý báu về tư tưởng và đạo đức của một người cách mạng trong thời đại mới, năm 2021, Công ty CP Sách Trí thức Việt phối hợp NXB. Dân Trí xuất bản và phát hành quyển sách: “Chu đáo, lịch sự, tế nhị - Bài học Bác dạy” do Phan Thị Ánh Tuyết, Đặng Thị Mai Anh sưu tầm, tuyển chọn. 

Đây là một trong những quyển sách góp phần hiện lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; mong muốn phổ biến thật rộng rãi đến đông đảo bạn đọc về tấm gương của Bác, về con người Bác, chân dung Bác, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị (khóa XII).

Sách dày 199 trang, trình bày các bài viết của các tác giả về văn hóa giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Học tập văn hóa giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bài học lãnh đạo, quản lý từ cách ứng xử của Bác Hồ; Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh - ngoại giao vì con người; Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”; Văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Phương Đông có gì hay cũng học, phương Tây có gì hay cũng tiếp thu”; Lan tỏa ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh; Hồ Chủ tịch với đường lối ngoại giao rộng mở, hội nhập;...

Qua đây giúp chúng ta thấy được tư tưởng Hồ Chí Minh về giao tiếp được hình thành và phát triển trên cơ sở lòng yêu thương con người, yêu sự nghiệp giải phóng dân tộc, yêu quê hương, đất nước. Văn hóa giao tiếp Hồ Chí Minh thể hiện một phong thái đặc biệt, đầy nhân văn, nhân bản của con người. Người luôn bình dị, lạc quan, yêu đời, xử lý một cách khéo léo các tình huống giao tiếp xảy ra có lợi cho công việc chung. Người luôn có một phong cách và kỹ năng giao tiếp giản dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, tế nhị và chu đáo với mọi người. 

Thêm vào đó, sự cảm hóa, bao dung, độ lượng là một trong những đặc điểm trong văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người - được coi là nét chủ đạo trong triết lý nhân văn Hồ Chí Minh. Đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, văn hóa ứng xử của Người vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái gần gũi; khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình nghiêm khắc mà vẫn khoan dung, độ lượng lay động cảm hóa lòng người cao độ. Theo Người, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có mặt tốt. Mặt xấu, thiện, ác... giống như năm ngón tay trên bàn tay, có ngón dài, có ngón ngắn, như mấy mươi triệu con người Việt Nam có thế này, thế khác... Dẫu vậy, tấm lòng của Người luôn độ lượng, bao dung, “thương người như thể thương thân”. Người chỉ rõ: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái dĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng của nó hẹp và nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái dĩa cạn”.

Riêng ở bài viết “Xây dựng phong cách ứng xử cho cán bộ, đảng viên” đã đúc kết phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 4 đặc trưng nổi bật: Một là, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Hai là, chân tình, nồng hậu, tự nhiên. Ba là, linh hoạt, chủ động, biến hóa. Bốn là, vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách. Phong cách ứng xử của Người là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập, noi theo. Đặc biệt, giúp cán bộ, đảng viên tự mình soi rọi, khắc phục những hạn chế và phát huy những điều tốt đẹp khi ứng xử trong công tác và trong quan hệ cuộc sống đời thường; đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia, của tập thể trên trên hết, trước hết; thực hiện có hiệu quả nói đi đôi với làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Bên cạnh đó, quyển sách còn trình bày những câu chuyện kể về phong cách giao tiếp, ứng xử của Bác Hồ như: Không ai được vào đây!; Bác Hồ chăm sóc cán bộ; Không ai thương mình như Bác; “Chú còn trẻ, chú vào hầm trú ẩn trước đi!”; Nước nóng, nước nguội; “Chú ra xem bộ đội có bị ướt không!”; 15 cái Tết của Bác Hồ (1954 -1969);... Mỗi một câu chuyện đều chứa đựng những ân tình sâu nặng, những lời dặn ân cần sâu sắc của Người và đã trở thành di sản tinh thần vô giá của dân tộc ta.

Được sưu tầm, tuyển chọn từ các nguồn thông tin chính thống kèm một số ảnh tư liệu về Bác Hồ, quyển sách “Chu đáo, lịch sự, tế nhị - Bài học Bác dạy” là tài liệu thiết thực giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo gương Bác, xây dựng phong cách giao tiếp, ứng xử có văn hóa với mọi người, xuất phát từ thái độ yêu thương, trân trọng, khiêm nhường và khoan dung, độ lượng trong đối nhân xử thế. 

Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc. 
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 335.4346 / CH500Đ
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059813;
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.012418; MH.012419

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây