Đàng Trong là tên gọi vùng lãnh thổ Đại Việt thời phong kiến được kiểm soát bởi chúa Nguyễn, xác định từ sông Gianh (Quảng Bình) trở vào Nam. Trong nhiều thế kỷ qua, đã có nhiều tác giả với nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu xứ Đàng Trong. Trong đó, quyển sách “Đàng trong thời Chúa Nguyễn - Kinh tế, văn hoá, xã hội” do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế biên soạn, Nxb. Tri thức ấn hành năm 2020 sẽ là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc nghiên cứu về lịch sử vùng đất này.
Sách có độ dày 282 trang với bố cục 02 phần.
Phần 1 giới thiệu bức tranh kinh tế Đàng Trong được 15 tác giả quan tâm tìm hiểu và công bố như: Những thành tựu nghiên cứu mới về khẩn hoang miền Đông và miền Tây Nam Bộ trước và sau năm 1698; Tình hình ruộng công qua việc nghiên cứu tại vùng đất Thuận - Quảng; Tình hình thủy lợi và hoạt động sản xuất nông nghiệp lúa nước; vai trò của thủ công nghiệp đối với kinh tế - xã hội; Giao thông đường thủy; Nghề khai mỏ; Hoạt động trao đổi buôn bán vùng thượng nguồn sông Bồ; Kinh tế thương mại ở Sài Gòn; Quan hệ giao thương với Nhật Bản;…
Phần 2 trình bày về vấn đề xã hội và văn hóa Đàng Trong, gồm 07 tham luận về: Vai trò của các chúa Nguyễn đối với dân tộc thiểu số; Đóng góp của đội ngũ trí thức nho học; Tam giáo và các tín ngưỡng dân gian trong đời sống tư tưởng người dân; Chuông đồng, gốm sứ - những dấu ấn văn hóa nghệ thuật;… và cuối cùng là công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thời chúa Nguyễn - một vấn đề quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Quyển sách “Đàng trong thời Chúa Nguyễn - Kinh tế, văn hoá, xã hội” hiện đang phục vụ tại Phòng Đọc, Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
- 959.70272 / Đ106TR
- DL.018334