Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung / Nguyễn Thị Mỹ; Quách Thanh Trúc, Quách Mộc Liên dịch. - Cần Thơ : Ban quản lý Di tích thành phố Cần Thơ, 2018. - 27tr.; 19cm

Thứ sáu - 22/05/2020 20:06 1.657 0
Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung  / Nguyễn Thị Mỹ; Quách Thanh Trúc, Quách Mộc Liên dịch. - Cần Thơ : Ban quản lý Di tích thành phố Cần Thơ, 2018. - 27tr.; 19cm
Hiệp Thiên Cung còn được gọi là Chùa Ông Cái Răng, là một di tích văn hóa nổi tiếng tọa lạc tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Chùa thờ ông Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công), Phúc Đức Chính Thần và Thiên Hậu Thánh Mẫu theo hệ phái Hoa tông.
Quyển cẩm nang “Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung” do Ban Quản lý di tích TP. Cần Thơ biên soạn năm 2018 sẽ giới thiệu đến bạn đọc di tích văn hóa nổi tiếng của vùng đất Tây Đô, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 14/4/2017.
Theo 27 trang sách, Hiệp Thiên Cung được thành lập từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trải qua nhiều quá trình: từ ngôi miếu nhỏ đến ngôi Bổn Cung khang trang như ngày nay. Theo đó, một số người Hoa di dân từ Trung Quốc đã chọn Cái Răng là nơi lập nghiệp, sinh sống. Bà con người Hoa chủ yếu sống bằng nghề buôn bán. Trong tín ngưỡng của người Hoa, Quan Thánh Đế Quân - Quan Công và Thiên Hậu Thánh mẫu là hai vị thần phù hộ, gia trì công đức, tài lộc, bình an cho họ. Vì vậy, cộng đồng người Hoa ở đây đã lập ngôi miếu nhỏ thờ Quan Thánh Đế Quân ngay trong lòng chợ Cái Răng để cầu cho bà con sản xuất được mùa, mua mau bán đắt, gia đạo bình an.
Hiệp Thiên Cung hiện tại có kiến trúc hình chữ “Quốc” với 4 dãy nhà khép kín vuông góc nhau, giữa là thiên tỉnh (giếng trời). Gian chính của Hiệp Thiên Cung thờ Quan Thánh Đế Quân, gian bên phải thờ Phúc Đức Chính Thần, gian bên trái thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Kiến trúc Hiệp Thiên Cung đậm bản sắc của người Hoa ở Nam bộ; đặc biệt là còn lưu giữ nhiều bức hoành phi được chạm khắc tinh xảo.
Hàng năm tại Hiệp Thiên Cung diễn ra nhiều lễ hội và thu hút đông đảo du khách và khách thập phương và đông đảo cộng đồng người Hoa đến cúng bái và tìm hiểu như: Lễ đón Giao thừa (Mồng một Tết), Lễ họp mặt đầu xuân của người Hoa, Lễ Nguyên tiêu, Lễ vía bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Lễ vía “Ông”, Lễ Vu lan, Lễ Bửu Điện Trùng Quang (Rước Ông).
Các lễ hội ở Hiệp Thiên Cung và một số chùa Hoa khác ở Cần Thơ đã góp phần làm nên sự phong phú cho bản sắc văn hóa Cần Thơ cũng như tạo được một sân chơi tinh thần lành mạnh cho người dân địa phương. Đây còn là một trong những điểm đến thú vị cho du khách muốn nghiên cứu văn hóa đặc sắc của người Hoa cùng với cảnh sông nước miệt vườn Cần Thơ.
Quyển cẩm nang đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 959.793 / D300T
- DV.056001
* Phòng Đọc Địa chí:
- 959.793 / D300T
- DC.002676, DC.002677, DC.002678
* Phòng Mượn:
- 959.793 / D300T
- MG.009534, MG.009535

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây