Chuyên mục truyền thanh Tuần 605 (11/11 – 17/11/2019)

Thứ ba - 11/02/2020 03:00 911 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “8 bí mật về nước đối với sức khỏe rất nhiều người không biết” được trích từ tạp chí Gia đình.
    Thiếu nước có thể dẫn đến nhiều bệnh nghiêm trọng như teo não, ngất hoặc gây bất tỉnh, suy giảm trí nhớ...
    Uống nước trước khi đi ngủ, có thể ngăn ngừa nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ: Khi cơ thể bị mất nước, máu trở nên cô đặc, dính và ảnh hưởng đến lưu lượng máu khiến cơ thể phải tăng huyết áp, thu nhỏ mạch máu và có thể dẫn đến nhồi máu cơn tim.
    Uống nước sau khi thức dậy để cải thiện táo bón: Uống một ly nước vào buổi sáng có lợi cho nhu động của đường tiêu hóa và cải thiện chứng táo bón.
    Uống nước trước khi tập thể dục, cơ thể không mệt mỏi, tránh say nắng: Khi có đủ nước trong máu, lưu lượng máu sẽ trơn tru hơn trong quá trình tập luyện, oxy và chất dinh dưỡng trong cơ bắp và tế bào sẽ được cung cấp để vận động tốt hơn, khiến cơ thể không quá mệt mỏi và tránh say nắng.
    Khi uống rượu cũng nên uống nhiều nước: Rượu sẽ lấy đi nước trong các bộ phận khác của cơ thể. Do đó, trong khi uống rượu, đừng quên bổ sung nước.
    Khi bạn mệt mỏi hãy uống một ly nước: Nghiên cứu cho thấy, nước có chức năng ổn định, giữ ẩm và giảm nóng. Mọi người nên bổ sung 2 lít nước mỗi ngày, nhưng cần phải bổ sung đều trong cả ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất.
    Chỉ đun sôi nước sau khi trời tối, chất lượng nước tốt nhất: Chuyên gia cho rằng, tốt nhất là đun sôi nước vào buổi tối để có chất lượng nước tốt nhất, bởi vì, khi đó các ống nước đã được rửa sạch sẽ sau khi có lượng nước lớn chảy trong cả ngày.
    Mỗi lần uống nước nên uống ngụm nhỏ: Mỗi lần uống quá nhiều nước, thận sẽ hấp thu quá nhiều nước, làm tăng tốc độ đi tiểu, khiến lượng nước uống vào sẽ nhanh chóng mất đi, nước không đủ thời gian để đi vào các cơ quan khác.
    Nước đóng chai dễ bị vi khuẩn xâm nhập sau khi mở nắp: Chuyên gia cho biết, chỉ cần là đồ uống đóng chai thì sẽ rất dễ phát triển vi khuẩn sau khi mở nắp, do vậy hãy cố gắng sử dụng đồ uống nhanh sau khi mở nắp và không sử dụng lại vỏ chai.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
    - Để sang năm trẻ lại.
    - Bí mật nhà bếp - Giới đầu bếp và những chuyện bếp núc động trời!
 
ĐỂ SANG NĂM TRẺ LẠI

    Chúng ta bắt đầu già đi vào khoảng cuối độ tuổi 20, vì vậy, khi bạn bước sang tuổi 30, chất lượng cuộc sống của bạn hoàn toàn tùy vào bạn. Nó trở nên tuyệt vời nếu bạn quyết định không từ bỏ mà chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Quyển sách “Để sang năm trẻ lại” sẽ là tấm bản đồ chỉ đường để bạn thực hiện trách nhiệm đó.
    Quyển sách do Chris Crowley và Henry S. Lodge biên soạn, với phần chuyển ngữ của dịch giả Ca Dao sẽ hướng dẫn cho mọi người (nhất là những người lớn tuổi) cách trì hoãn các vấn đề thường gặp khi về già như đau yếu, thăng bằng kém và triệt tiêu 50% các bệnh trạng, chấn thương nguy hiểm.
    Sách có độ dày 427 trang, gồm 02 phần với 2 tác giả chấp bút: một bác sĩ lão khoa dày dặn kinh nghiệm (bác sĩ Henry S. Lodge) khiến bạn đọc yên tâm và một bệnh nhân 70 tuổi (luật sư Chris Crowley) kể chuyện dí dỏm, sinh động bằng chính những gì đã trải nghiệm.
    Theo quyển sách, bước vào tuổi 30, chúng ta thường sợ hãi những chứng bệnh về trầm cảm, ung thư, nhiễm các chất độc hóa học, hay nhẹ hơn là tăng cân mất kiểm soát, sức khỏe giảm sút, bệnh vặt. Với lí do đó, trong suốt 02 phần của quyển sách với tiêu đề “Sạc điện cho cơ thể bạn” và “Chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn”, tác giả Henry S. Lodge tập trung vào những nguyên tắc rèn luyện sức khỏe. Đây là toàn bộ những kinh nghiệm tích lũy và được ông trực tiếp thực hiện trong quá trình chữa trị cho những bệnh nhân của mình. Một số nguyên tắc được trình bày trong sách như sau: rèn luyện thân thể mỗi tuần 6 ngày, không ăn đồ ăn vặt, gắn kết cộng đồng…. Có tổng cộng 7 nguyên tắc được vạch ra dựa trên các phát kiến mới nhất trong lĩnh vực sinh lý học tế bào, sinh học tiến hóa, nhân học và tâm lý học thực nghiệm. Bác sĩ Harry đã đi vào lý giải nguyên nhân vì sao cần phải thực hiện những nguyên tắc đó và tính hiệu quả của nó thông qua việc điều trị cho luật sư Chris Crowley. Bạn đọc sẽ được truyền động lực rất nhiều khi đọc quyển sách vì có bác sĩ Harry đưa ra những kiến thức y học chuẩn xác và có Chris Crowley hướng dẫn thực hiện, đưa ra những lời khích lệ mọi người rèn luyện.
    “Để sang năm trẻ lại” sẽ là một người bạn tuyệt vời sẽ cùng bạn rèn luyện, thay đổi cách sống của bản thân để duy trì một sắc vóc dẻo dai, đẩy lùi những căn bệnh phổ thông và sống khỏe ở những năm tiếp theo.
    Quyển sách do Nxb. Dân trí ấn hành năm 2019. Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 613.7/Đ250S, Mã số: DV.55801, ME.7237, ME.7238.
 
BÍ MẬT NHÀ BẾP - GIỚI ĐẦU BẾP
VÀ NHỮNG CHUYỆN BẾP NÚC ĐỘNG TRỜI!

    Chắc hẳn các bạn còn nhớ hình ảnh vị đầu bếp ngồi cùng bàn và thưởng thức món bún chả với tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - ông Barack Obama - tại Hà Nội. Ông chính là người đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain - một người có duyên với ẩm thực Việt. Ông từng đưa bánh mì Phượng ở Hội An lên chương trình truyền hình “No Reservations” năm 2009.
    Không chỉ là đầu bếp, người dẫn chương trình, Bourdain còn là một tác giả viết sách được nhiều người biết đến. Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển tự truyện nổi tiếng của ông “Bí mật nhà bếp - Giới đầu bếp và những chuyện bếp núc động trời!” (Tên tiếng Anh: “Kitchen Confidential” ra mắt lần đầu vào năm 2000, mau chóng trở thành tác phẩm best seller trên bảng xếp hạng New York Times).
    Với độ dày 425 trang, quyển sách vừa là hồi ức về cuộc đời ông vừa là những câu chuyện về hậu trường bếp núc, hành trình ông chinh phục ngành công nghiệp ẩm thực đầy cạnh tranh, nhiều áp lực và thậm chí có cả nguy hiểm. Tác phẩm cuốn hút độc giả với văn phong kể chuyện chân thật pha nét hài hước. Tác giả Bourdain cũng không ngần ngại bộc lộ những góc khuất cuộc đời ông trong quyển sách này.
    Quyển sách có 06 phần với tiêu đề được cấu trúc như một bữa ăn đầy đủ, dẫn người đọc vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú trên bàn ăn, với các phần: “Món khai vị”, “Món đầu tiên”, “Món thứ hai”, “Món thứ ba”, “Tráng miệng”, “Cà phê và thuốc lá”.
    Làm việc trong nghề hơn 20 năm, Anthony Bourdain ghi chép lại những cơ duyên đã đưa mình đến với gian bếp. Tất cả những điều mà ông mắt thấy tai nghe hay cả những câu chuyện phía sau những món ăn trong nhà hàng đều được ông kể lại. Quan trọng hơn, từ chuyện bếp núc sau các menu sang trọng của nhà hàng, ông truyền đến người đọc những thông tin, lời khuyên khá cụ thể như: Đừng gọi hải sản vào các ngày thứ 2; Phía sau những bảng sushi giá rẻ là gì; Bước chân vào một nhà hàng thì trước hết nên quan sát điều gì; Những hiểu biết cần thiết về các món thịt cho đến cách làm một món xốt ngon;…
    Cuốn tự truyện còn viết về những đầu bếp, thế giới trong gian bếp đầy thú vị và cũng là một chiến trường với kỷ luật thép qua các câu chuyện: “Bên trong CIA” (Học viện Ẩm thực Hoa Kỳ), “Làm sao để nấu ăn như một đầu bếp chuyên nghiệp?”, “Bạn muốn trở thành bếp trưởng? Hãy bắt đầu từ đây”, …
    Quyển sách do Nxb. Phụ nữ ấn hành năm 2019. Mời quý vị và các bạn đọc tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại 641.5 / B300M, Mã số: MD.009178.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Bạn có thể làm được điều phi thường nếu bạn có thứ này...” được trích từ tạp chí Sống Hạnh phúc.
    Katherine Commale ở Mỹ xem đoạn phóng sự ở châu Phi trên TV, trong đó có nói ở châu Phi trung bình mỗi 30 giây sẽ có một đứa trẻ tử vong do bệnh sốt rét.
    Cô bé 5 tuổi ngồi trên sô pha đếm số bằng tay 1, 2, 3, … 30. Khi đếm đến 30, cô bé hoảng sợ nói: “Mẹ ơi, có một bạn nhỏ ở châu Phi chết rồi, chúng ta nhất định phải làm gì đó!”. Mẹ cô bé lên mạng tìm thông tin và nói với Katherine: “Bệnh sốt rét rất đáng sợ, trẻ em bị sốt rét rất dễ mất mạng.”
    “Vậy vì sao trẻ em lại bị sốt rét ạ?”
    “Sốt rét truyền nhiễm qua muỗi, ở châu Phi có quá nhiều muỗi.”
    “Vậy phải làm sao đây ạ?”
    “Hiện nay có một loại mùng (màn) được ngâm qua thuốc diệt muỗi, có nó sẽ có thể bảo vệ chúng ta khỏi bị muỗi đốt.”
    “Vậy vì sao họ không dùng mùng ạ?”
    “Bởi vì loại mùng này quá đắt đối với họ, họ không mua nổi.”
    “Không được, chúng ta phải làm gì đó!”
    Vài ngày sau, mẹ của Katherine nhận dược điện thoại của cô giáo mẫu giáo nói rằng cô bé không đóng tiền ăn nhẹ.
    Khi mẹ hỏi tiền đâu thì Katherine nói: “Mẹ ơi, nếu con không ăn đồ ăn nhẹ ở trường, bình thường không ăn vặt, cũng không mua búp bê nữa, vậy thì có đủ để mua một chiếc mùng không ạ?”
    Mẹ đưa cô bé đến siêu thị, mua một chiếc mùng chống muỗi lớn có thể sử dụng cho 4 trẻ em có giá mười mấy đô la. Sau đó cô gọi điện thoại cho tổ chức làm từ thiện ở châu Phi hỏi cách làm thế nào để gửi được chiếc mùng đến đó.
    Rất nhanh sau đó họ đã tìm cho cô tổ chức Nothing But Nets chuyên gửi mùng đến châu Phi cho trẻ em. Katherine tự tay gửi chiếc mùng đi, một tuần sau, cô bé nhận được thư cảm ơn từ tổ chức Nothing But Nets, trong thư họ cho biết cô bé là người quyên góp nhỏ tuổi nhất và nếu cô bé quyên góp 10 chiếc mùng thì sẽ được giấy chứng nhận.
    Katherine yêu cầu mẹ cùng mình ra chợ bán đồ cũ để bày bán sách cũ, đồ chơi cũ, quần áo cũ của cô bé để lấy tiền quyên góp mùng. Nhưng bán cả một ngày mà không ai mua. Katherine nghĩ: “Mình quyên tiền mua mùng, tổ chức Nothing But Nets sẽ cho mình giấy chứng nhận. Vậy người khác mua đồ của mình, đưa cho mình tiền, họ cũng nên nhận được giấy chứng nhận mới đúng chứ.”
    Thế là cô bé bắt đầu tự làm giấy chứng nhận, mẹ giúp mua vật liệu, bố giúp sắp xếp phòng làm việc, em trai giúp vẽ trái tim. Mỗi tờ giấy chứng nhận đều có dòng chữ “Nhân danh bạn, chúng ta mua một chiếc mùng để gửi đến châu Phi” do chính Katherine viết tay, đương nhiên còn có chữ ký chứng nhận của cô bé.
    Chỉ cần quyên góp 10 đô la để mua một chiếc mùng là sẽ nhận được một tờ giấy chứng nhận.
Hàng xóm nhìn thấy giấy chứng nhận của cô bé, họ cảm thấy vừa ngây thơ vừa cảm động, cô bé nhanh chóng bán được 10 tờ giấy chứng nhận. Katherine gửi tiền cho tổ chức từ thiện và nhận được “Giấy chứng nhận danh dự” đặc biệt làm riêng cho cô bé từ tổ chức Nothing But Nets, họ phong cho Katherine là “Đại sứ mùng chống muỗi”.
    Những người ở Hiệp hội nói với Katherine rằng những chiếc mùng mà cô bé quyên tặng đã gửi đến ngôi làng có tên là Stiga ở Ghana, ở đó có 550 gia đình.
    Nhưng chỉ có 10 chiếc mùng thì phải dùng sao đây?
    Hàng xóm của Katherine không chỉ cùng cô bé mua mùng, mà các con của họ cũng tham gia giúp Katherine làm giấy chứng nhận và trở thành “đồng đội của Katherine”.
    Mục sư trong khu vực cũng mời cô bé đến nói chuyện ở nhà thờ, cô bé chỉ nói vài phút ngắn ngủi, nhưng đã nhận được 800 đô tiền quyên góp. Lần này cô bé rất phấn khởi bắt đầu đến nói chuyện tại các nhà thờ khác. Khi vừa tròn 6 tuổi, Katherine đã gây quỹ được 6.316 đô la.
    Tổ chức Nothing But Nets đăng tải câu chuyện về cô bé Katherine trên mạng và đã thu hút được rất nhiều người.
    Một ngày nọ, Katherine nhìn thấy đoạn quảng cáo công ích cho tổ chức Nothing But Nets của siêu sao bóng đá người Anh David Beckham trên TV. Cô bé lập tức viết một lá thư cho Beckham để cảm ơn anh, đương nhiên cũng gửi cho anh một tờ giấy chứng nhận. Beckham có chia sẻ giấy chứng nhận của Katherine lên trang cá nhân và được chia sẻ rộng rãi.
    Vào ngày 8/6/2007, Katherine nhận được thư gửi đến từ làng Stiga, các bạn nhỏ trong làng viết: “Cảm ơn mùng mà bạn đã gửi cho chúng mình, chúng mình đã thấy ảnh của bạn, mọi người đều cảm thấy bạn rất xinh!”. Katherine vui lắm khi nhận được sự khích lệ này, khiến cô bé có động lực lớn hơn, cô và các “đồng đội” cùng chung tay làm 100 tờ giấy chứng nhận để gửi cho mỗi tỷ phú trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes mỗi người một tờ.
    Trên một lá thư có viết:
    Kính gửi ông Bill Gates, không có mùng chống muỗi, các bạn nhỏ ở châu Phi sẽ bị mất mạng do bệnh sốt rét. Họ cần tiền, nhưng nghe nói tiền đều ở chỗ của ông…
    Ngày 5/11/2007, Quỹ từ thiện Bill Gates tuyên bố quyên góp 3 triệu đô la cho tổ chức Nothing But Nets. Bill Gates cho biết ông nhận được một tờ giấy chứng nhận cùng một lá thư, trong thư nói rằng số tiền mà trẻ em ở châu Phi cần để mua mùng chống muỗi đều ở chỗ ông.  Có vẻ như ông “không đưa tiền ra là không được đâu”.
    Năm 2008, Quỹ từ thiện Bill Gates đã quay một bộ phim tài liệu công ích có tên là “Trẻ em cứu trẻ em”, nhờ đó mà Katherine đã đến châu Phi.
    Cô bé nhìn thấy các bạn nhỏ dùng bút viết lên mùng chữ “Katherine”, các bạn đều gọi những chiếc mùng cứu mạng này là “mùng Katherine”. Chiếc mùng đầy tình yêu thương này sẽ bảo vệ cho các bạn mỗi đêm. Làng Stiga bây giờ có tên là “Làng mùng Katherine”!
    Cô bé 7 tuổi ở Mỹ này đã được điều không tưởng, như chuyện hoang đường khi quyên góp được hàng triệu đô la Mỹ để trợ giúp trẻ em Châu Phi.
  Quả thật, khi có TÌNH YÊU THƯƠNG thực sự ĐỦ LỚN, chúng ta có thể làm được những điều phi thường!

IV. GIẢI TRÍ
     Kính thưa quý vị và các bạn!
    Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bài hát “Quê hương tôi”, sáng tác Khắc Việt.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây