CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 15 (tháng 10/2023)  

Thứ năm - 28/09/2023 04:22 571 0
                                                                                                                 
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 15 (tháng 10/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!

I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe bài viết “5 cách đọc sách hiệu quả trong thời đại 4.0” do Đặng Hảo tổng hợp đăng trên báo điện tử VTC News.

Sự phát triển của công nghệ đã mang đến cho con người tiện ích vượt bậc. Bên cạnh việc đọc sách giấy truyền thống, chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức bằng phương tiện truyền thông hiện đại đó là sách điện tử (ebook).
Ebook đang ngày càng phát triển và thu hút người đọc vì sự đa dạng với kho thư viện khổng lồ nhưng vô cùng gọn nhẹ, có thể đọc mọi lúc mọi nơi.
Vậy như thế nào là được xem cách đọc sách hiệu quả trong thời đại bùng nổ công nghệ? Hãy cùng tham khảo một số cách sau đây nhé.

1. Tận dụng kho sách điện tử vô tận. Đọc sách trong thời đại 4.0 trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều nhờ “thư viện điện tử”. Việc tìm kiếm đầu sách và tiếp nhận sách rất đơn giản. Có thể coi sách điện tử chính là phát minh tiến bộ đáng tôn vinh trong lĩnh vực “xuất bản sách”.
Sách điện tử chính là kho tàng sách khổng lồ nhưng vô cùng gọn nhẹ. Chỉ cần một thiết bị điện tử là bạn có thể tìm, đọc hoặc nghe (sách nói) ở bất cứ thời gian, địa điểm mà không cần lỉnh kỉnh mang theo sách giấy truyền thống. 

2. Lựa chọn sách thông minh. Một cách đọc sách hiệu quả nữa chính là lựa chọn sách phù hợp. Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm việc làm Careerlink.vn cho rằng điều này rất quan trọng vì hiện nay sách số lượng sách rất đa dạng và phong phú. Số lượng lớn sách không được kiểm soát nhưng dễ dàng tìm kiếm trên mạng, bạn không thể đọc hết cũng như không biết cuốn nào là hay, phù hợp. Do đó, bạn cần biết cách để chọn những quyển sách hay, có giá trị và có ích cho bản thân, cuộc sống và nghề nghiệp của mình để đọc và lĩnh hội những giá trị mà nó mang lại, tiết kiệm thời gian. 
Với sự phổ biến của mạng xã hội, sự ra đời các nhóm đọc sách online, diễn đàn rất nhiều. Đây là nơi tụ hội của những người yêu thích đọc sách và sẵn sàng chia sẻ đến các thành viên (chẳng hạn như Cộng đồng mê đọc sách…).
Tại đây bạn sẽ được các thành viên trong nhóm giới thiệu những cuốn sách hay, địa chỉ tìm kiếm và những bài viết giới thiệu trước (review). Bạn sẽ dễ dàng có thêm được nguồn thông tin và kho sách điện tử quý giá từ nhiều nơi khác nhau. Ngoài ra, bạn còn được kết nối, chia sẻ với những người có cùng đam mê và mục tiêu.

3. Đánh dấu hoặc ghi chép lại. Dù đọc sách giấy hay sách điện tử, hay nghe sách nói… bạn cũng dễ quên đi nội dung đã đọc hoặc một số điều cần nhớ. Do đó, ghi chép lại ý chính, nội dung quan trọng giúp nhớ được lâu hơn cũng được xem là cách đọc sách hiệu quả. Việc ghi chép có thể thực hiện theo chủ đề bằng cách viết ngay trên thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng… Ghi nhớ còn giúp bạn dễ thống kê kiến thức, thể hiện suy nghĩ, đánh giá và cảm nhận cá nhân về cuốn sách sau khi đọc.

4. Lên lịch và tuân thủ theo lịch đọc sách đã định. Sự bùng nổ của các dòng sản phẩm điện thoại thông minh, ti vi thế hệ mới cho phép người dùng nhiều tiện ích và cùng đa dạng sự lựa chọn. Thay vào đó, con người cũng mất thời gian cho nó. Mạng xã hội, game trực tuyến, thông tin báo chí và truyền thông… chiếm lượng lớn thời gian. Con người ngày càng lệ thuộc vào những thiết bị tiện dụng này nên ít có quỹ thời gian dành cho việc đọc sách.

Để không bị tình trạng này, tốt nhất bạn cần chủ động điều chỉnh bản thân để đảm bảo rằng mình không tốn thời gian cho lướt mạng xã hội hoặc các chương trình vô bổ. Tự mình đặt ra một thời gian biểu hoặc mục tiêu cụ thể và quyết tâm thực hiện là phương pháp đọc sách hiệu quả bên nên thực hiện. Không nên có khái niệm “đọc khi rảnh” hoặc bị cuốn vào các phương tiện khác.

5. Xem việc đọc sách cũng chính là một phương pháp giải trí. Đừng quá căng thẳng và cho rằng mình đang đọc sách nghĩa là đang làm việc. Hãy đơn giản hóa vấn đề để việc đọc sách trở thành thói quen, niềm yêu thích và hứng thú. Sẽ thật tốt nếu sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn có thể đọc sách với tâm thế của một người đang được nhận phần thưởng.
Bên cạnh việc đọc sách để lĩnh hội trí thức, bạn hoàn toàn có thể xem nó như một hoạt động giải trí trong cuộc sống thường nhật của mình. Bạn sẽ thấy tâm trí được thoải mái và tĩnh lặng, hoặc hưng phấn, hoặc yêu cuộc sống hoặc thổi bùng khao khát, hoặc nuôi dưỡng mơ ước cho bản thân. 

Sách là nguồn tri thức vô hạn, đóng góp lớn cho sự phát triển của loài người. Sự bùng nổ của công nghệ không làm cho văn hóa đọc giảm đi mà là giúp chuyển hướng phương tiện đọc sách, hỗ trợ đắc lực để người đọc có thêm nhiều cách đọc sách hiệu quả và tiếp cận nguồn tri thức tiện lợi.

Điều quan trọng là chính bản thân những người yêu sách cần giữ thái độ tích cực, duy trì thói quen tốt này và đọc với tất cả đam mê. Giá trị của việc đọc sách sẽ trở nên thực tế và có ích hơn nếu sau khi đọc, bạn có thêm kiến thức mới, vun đầy cảm xúc và lĩnh hội đầy đủ theo một cách đặc biệt mà thông điệp cuốn sách mang lại.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Áo bà ba – nét đẹp văn hóa của những con người miền Tây” do Thảo Nguyên tổng hợp đăng trên Tạp chí điện tử Gia đình Việt Nam.

Áo bà ba là trang phục mang đậm nét chân chất của miền Tây sông nước. Chiếc áo mang nét độc đáo của văn hóa Miền Tây Nam Bộ đã xuất hiện rất nhiều trong các bài hát dân ca nổi tiếng.“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/ Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ đến mong manh”

Chắc hẳn đâu đó bạn đã nghe được giai điệu của bài hát này. Chiếc áo bà ba trong câu hát trên được xem là biểu tượng của những con người mộc mạc, chân chất ở miền Tây Nam Bộ. Ở miền Bắc, người ta còn gọi áo bà ba là “áo cánh”. Bộ trang phục này được mô tả là chiếc áo ngắn, tay dài, có hàng khuy dọc theo thân áo kết hợp cùng quần suông ống rộng.

Vẫn chưa có thông tin chính xác về thời điểm ra đời của áo bà ba, có người nói là từ thời Hậu Lê, có giả thiết khác là thế kỷ 19 do Trương Vĩnh Ký cách tân từ kiểu áo của người Bà Ba trên đảo Penang - Malaysia.

Có giả thuyết cho là bộ bà ba được cách tân từ bộ áo ngắn, quần dài của người dân di cư vào Nam khai khẩn đất hoang. Cũng có người nói là thay đổi kiểu dáng từ áo dài để phù hợp hơn với việc làm đồng. Dù xuất phát từ đâu thì áo bà ba đã trở thành biểu tượng của người dân Nam Bộ cho đến ngày nay.

Áo bà ba không chỉ phụ nữ có thể mặc mà cả nam giới cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, áo bà ba của nam và nữ sẽ có sự khác biệt. Đối với nam giới, áo bà ba sẽ có hai túi to ở phía trước, dáng áo rộng, còn với nữ túi áo nhỏ hơn. Bên cạnh đó, để đồng bộ về trang phục người ta thường kết hợp áo bà ba cùng với quần vải dài đen đến cổ chân cùng một số phụ kiện khác như khăn rằn, điển hình là khăn trắng đen.

Chiếc áo bà ba cùng với khăn rằn đã trở thành một sự kết hợp vô cùng tiện lợi cả trong chiến tranh lẫn trong lao động và trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc rất riêng của những người con miền Tây chân chất, thật thà.

Với chất liệu đơn giản, màu sắc không kén người mặc, nên áo ba bà luôn gắn liền với người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba còn được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc… Chính nhờ tính ứng dụng cao và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam và nữ lựa chọn. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám trọ, các cô, các bà thì chọn những màu mạ non, xanh lơ nhạt,…
Ngày nay, dù trang phục đã được cách tân nhưng chiếc áo vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, tạo vẻ gợi cảm nhưng không kém phần kín đáo, sang trọng cho các cô gái miền Tây Nam Bộ. Khi xã hội bắt đầu du nhập nhiều nền văn hóa, không còn nhiều người mặc trang phục này nhưng tại những lễ hội, những sự kiện, những dịp lễ tết quan trọng, người ta vẫn chọn áo bà ba làm trang phục chính như một nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước. 

Có thể nói, hình ảnh những người con của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trong chiếc áo bà ba, nghiêng nghiêng vành nón lá, kết hợp với chiếc quần đen vừa chấm gót như làm tăng thêm vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Nam Bộ. Trong những đường nét mộc mạc của chiếc áo bà ba như diễn tả một phẩm hạnh, một giá trị vĩnh cửu của người phụ nữ Việt Nam.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau: 

1. Quyển sách “Hồ Chí Minh với công tác khuyến học” do Thái Chí Thanh tuyển chọn và biên soạn, nhà xuất bản Dân Trí xuất bản năm 2022. Qua 239 trang, sách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn hệ thống quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục, khuyến học, được bố cục 2 phần: Phần I: Những bài viết và nói của Hồ Chí Minh về tư tưởng khuyến học như: “Đời sống mới”, “Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ”, “Thư gửi hội nghị giáo dục toàn quốc”, “Nói chuyện tại hội nghị cán bộ văn hóa”, “Đạo đức cách mạng”,… Phần II: Những bài viết và chuyện kể về tư tưởng khuyến học của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Học tập suốt đời là cơ sở xây dựng xã hội học tập”, “Khuyến học mở con đường trí thức đến tương lai”, “Chiến lược trăm năm trồng người”,... Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ với số ký hiệu phân loại: 370.9597 / H450CH. PHÒNG MƯỢN: MA.027286; MA.027287. PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.062179

2. Quyển sách “Ông bà thông thái, bố mẹ thông suốt dạy con thông minh” của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2022, với độ dày 199 trang mang đến những câu chuyện về hành trình thay đổi cách người lớn nhìn về một đứa trẻ. Bạn đọc có thể tìm thấy một vài gợi dẫn về việc thay đổi nhận thức nội tại, giải phóng những bế tắc của bản thân trong quá trình dạy con, hoặc giải thoát tâm trạng lạc lối trong quá trình dạy con, hoặc đơn giản là đem lại sự dễ chịu cho bạn khi ngắm nhìn vẻ đẹp của những đứa trẻ đang hạnh phúc, nhận ra tâm hồn của mỗi người luôn trưởng thành bởi những điều bên trong chứ không phải vẻ ngoài lộng lẫy.
     Chân thật, ấm áp và xúc động, quyển sách đủ sức hấp dẫn để bạn không bỏ sót câu chuyện nào, đồng thời tìm thấy động lực cho bản thân, rằng mỗi ông bố, bà mẹ, người ông, người bà, đều có khả năng trở thành một chuyên gia về giáo dục cho chính con, cháu của mình. Quyển sách “Ông bà thông thái, bố mẹ thông suốt dạy con thông minh” là cầu nối để xóa đi những khoảng cách về quan niệm giữa hai thế hệ ông bà và cha mẹ, để việc nuôi dạy trẻ có được sự thống nhất, hướng tới mục tiêu chung là nuôi dạy con khỏe mạnh, thông minh, lương thiện và đầy tình yêu thương. Sách hiện đang phục vụ Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 649 / Ô455B;      PHÒNG MƯỢN: ME.008935; ME.008936

3. Quyển sách “Quyết đoán trong 1 phút” của tác giả Takashi Ishii, do Hannah Phan và Nhóm Sóc Xanh biên dịch, nhà xuất bản Dân trí xuất bản năm 2021. Qua 178 trang sách, tác giả chia sẻ kỹ thuật làm thay đổi bản thân để xây dựng cuộc sống thành công và hạnh phúc: Tạo ra trục quyết đoán của riêng mình, xoá bỏ thời gian do dự, loại bỏ thời gian thừa, phương pháp quyết định phẳng không "thành kiến", phương pháp quyết định nhóm và phương pháp quyết định "trục bản thân".

Đáng lưu ý trong nội dung làm thế nào để tạo ra trục quyết đoán, tác giả đúc kết kinh nghiệm rằng: Trả lời theo trực giác sẽ đưa ra được câu trả lời đúng. Hãy đọc thật nhiều sách  để có được trực giác. Bởi giữa người chỉ đọc 10 quyển sách và người đọc 100 quyển sách, thì người đọc 100 quyển sách sẽ đưa ra được đáp án xuất sắc hơn. Cứ thế nhân lên sự hiểu biết thì sẽ nhân lên sự chính xác trong việc đưa ra các quyết định. 

 Các bạn hãy đọc trọn quyển sách “Quyết đoán trong 1 phút” để lĩnh hội những tri thức cần thiết và  không phải do dự một giây nào trước những quyết định quan trọng trong nhiều mặt của cuộc sống: Tìm việc, chuyển việc, ứng thí, kinh doanh, tình yêu, hôn nhân! Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 158.2 / QU605Đ;  PHÒNG MƯỢN: MH.014218; MH.014219; PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061998
     
Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn 
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây