CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 12 (tháng 7/2023)

Thứ tư - 26/07/2023 05:41 771 0
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 12 (tháng 7/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!

I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe bài viết “Lời khuyên và cách đọc sách của các tỷ phú trên thế giới” do A.D tổng hợp đăng trên tạp chí điện tử Doanh nghiệp hội nhập.

Đọc sách nhiều chưa chắc đã thành công nhưng người thành công chắc chắn đọc sách rất nhiều. Chính thói quen này đã tạo nên sự đặc biệt và mang đến thành công cho riêng họ.

Bill Gates: Đọc sách có quy tắc. Những người theo dõi vị tỷ phú giàu nhất nhì thế giới Bill Gates đều biết rằng ông không chỉ đam mê kinh doanh mà còn rất yêu sách. Gates coi việc đọc sách là thói quen không thể bỏ mỗi ngày và đặt ra những quy tắc riêng cho mình. Người sáng lập Microsoft đưa ra bốn quy tắc nhanh và hiệu quả khi đọc được tóm tắt ngắn gọn như sau:
1. Sử dụng lề để ghi chép.
2. Hoàn thành mọi thứ bạn bắt đầu.
3. Chọn một phiên bản mà bạn cảm thấy thoải mái khi đọc – sách in hoặc sách điện tử.
4. Chỉ định một giờ để đọc.
Bill Gates chia sẻ, ông không bao giờ bỏ dở một cuốn sách và tự đặt ra một quy tắc: không đọc một cuốn sách nếu không chắc chắn mình sẽ đọc hết. Và thói quen đầu tiên của Gates khi cầm một cuốn sách là ghi chú vào phần lề của trang sách. Ông cho biết: “Khi tôi đọc một cuốn sách phi hư cấu, tôi sẽ gặp rất nhiều kiến thức, cả mới và cũ. Đối với tôi, ghi chép giúp đảm bảo rằng tôi thực sự suy nghĩ nghiêm túc về chúng. Đôi khi tôi không đồng ý với những quan điểm trong sách và khi đó phần ghi chép sẽ rất dài”.

Mark Cuban - Đọc sách làm nên sự nghiệp. Có thể nói tỷ phú công nghệ Mark Cuban là một người “cuồng” đọc sách, chính thói quen này đã giúp ông có một sự nghiệp thành công như ngày hôm nay. Được biết, ông thường dành 3 tiếng mỗi ngày để tiếp nhận các tri thức mới từ trang sách, điều đó cũng phần nào giúp Mark Cuban tự tin trên thương trường hơn. Chia sẻ trên blog cá nhân của mình, Mark Cuban cho biết: "Tôi đọc mọi cuốn sách hoặc tạp chí nào mà mình vớ được vì đôi khi tôi sẽ tìm được một ý tưởng thú vị nào đó trong chúng. Điều này có thể giúp tạo nên sự khác biệt kha khá đó." 

Warren Buffett - Mỗi ngày đọc đến 600 trang sách. Nhà đầu tư Warren Buffett không phải là một trong những người đầu tiên được biết đến thành công với việc đọc sách. Phần lớn, ông dành đến 80% của một ngày chỉ để đọc sách và suy ngẫm về những giá trị mà cuốn sách mang lại. "Tôi thường ngồi trong văn phòng và đọc hầu như tất cả mọi ngày" là một câu nói nổi tiếng mỗi khi nhắc đến Buffett. Hơn thế nữa, ông còn cho biết sự thật rằng, khi bắt đầu khởi nghiệp thì Buffett đã từng đọc từ 600 đến 1000 trang sách mỗi ngày. Với nhà đầu tư này, việc đọc sách được xem như một thức quà quý giá nhất của thượng đế ban tặng cho loài người. Việc đọc sách như thế là một cách tiếp nhận tri thức hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Warren Buffett còn đưa ra lời khuyên rằng “Không cần biết bạn đang ở vị trí nào của cuộc đời, chỉ cần không ngừng học hỏi, sự thành công sẽ tìm đến bạn”.

Các bạn thân mến! Thành công không phải là kết quả mà là những gì chúng ta đúc kết được trên con đường tìm kiếm thành công. Để có được những kinh nghiệm quý báu đó, phần lớn đều dựa vào sách - kho tàng tri thức của tàng nhân loại. Và những tỷ phú, doanh nhân hàng đầu trên thế giới là minh chứng rõ ràng nhất cho thói quen đọc sách hằng ngày, chính những con người ấy góp phần truyền cảm hứng đến những người trẻ nhiều hơn. 

I. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Những tiện ích của tài khoản định danh điện tử mức độ 2” của Quang Việt đăng trên báo Lao động Điện tử, ngày 17/04/2023.

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Theo đó, tài khoản định danh điện tử được quản lí và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID), do Bộ Công an phát triển.

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử tiết kiệm được thời gian, chi phí, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Ngoài ra, công dân có thể thay thế căn cước công dân và các loại giấy tờ mà họ đăng kí tích hợp, hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu; nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo giúp các giao dịch được an toàn.

Theo Bộ Công an, điều kiện để công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử là các cá nhân đủ 14 tuổi trở lên (đăng ký thông qua ứng dụng định danh điện tử). Cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Khi đăng ký tài khoản, cá nhân cần khai báo đầy đủ các thông tin gồm: số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; họ và tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; quốc tịch; số điện thoại; email.

Tài khoản định danh điện tử có hai mức với những tiện ích khác nhau.
Cụ thể mức độ 1: Công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng…), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…).

Với mức độ 2: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.

Với tài khoản mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng định danh điện tử quốc gia cung cấp như: đăng kí tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...), thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền...
Để đăng kí tài khoản định danh điện tử mức độ 2, công dân đến trực tiếp cơ quan công an các cấp để được hướng dẫn đăng ký.

Bộ Công an cho biết, quá trình sử dụng, chủ tài khoản định danh điện tử phải bảo mật tài khoản của mình, không cung cấp mật khẩu cho người khác. Nếu mất kiểm soát tài khoản định danh điện tử của mình, hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình, thì cần báo ngay cho công an theo số 19000368 để được hỗ trợ.

Việc cấp tài khoản định danh điện tử nằm trong chương trình triển khai Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau: 
 
1. Quyển sách “Tình cảm của Bác Hồ với giai cấp công nhân và người lao động” do Hoàng Thanh Dung biên soạn, Nxb. Lao động ấn hành năm 2017 sẽ giới thiệu đến bạn đọc những bài viết, bài nói chuyện của Bác với công nhân, người lao động. Sách dày 360 trang bao gồm 03 phần. Phần 1 giới thiệu một số bài nói, bài viết của Bác với giai cấp công nhân như: “Cách tổ chức công hội”, “Thư gửi anh chị em lao động toàn quốc”, “Lời kêu gọi nhân dịp ngày quốc tế lao động 1-5-1951”, “Bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu mỏ”,… Phần 2 và phần 3 là những bài viết thể hiện tình cảm của Bác Hồ với giai cấp công nhân và người lao động; biên niên sự kiện lịch sử của Bác với công nhân, lao động và công đoàn; và những kỉ niệm sâu sắc của các nhà lãnh đạo chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo, văn nghệ sỹ, chiến sỹ, người lao động với Bác. Một số câu chuyện tiêu biểu như: “Bác Hồ với cán bộ công nhân ngành Điện lực Nghệ An” (Đào Duy Tân), “Bác Hồ với công nhân viên chức Công ty xi măng Hải Phòng” (Nguyễn Đức Huy),…  Qua các bài viết giúp bạn đọc nhận ra, dù bận trăm công, nghìn việc hay lúc tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn thường xuyên đi đến các công trường, nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò, giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn với tình cảm yêu thương bao la, mong muốn xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc. Quyển sách là tài liệu thiết thực nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào học tập và làm theo lời Bác trong công nhân lao động cả nước. Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại 305.5 / T312C. Phòng Đọc tổng hợp: DV.054902.  Phòng Mượn: MA.019484; MA.019485.

2. Quyển sách “Khó khăn phải tìm cách khắc phục” do Nxb. Dân trí ấn hành năm 2019 với 199 trang, giới thiệu đến bạn đọc những bài viết, bài nói của Bác Hồ và những câu chuyện kể về Bác do Phan Tuyết sưu tầm, tuyển chọn như: Bác Hồ - Một tấm gương sáng về tinh thần vượt qua mọi khó khăn gian khổ; Không có việc gì khó; Việc gì làm được hãy tự làm lấy; Khó khăn phải tìm cách khắc phục; Bác Hồ ra mặt trận; Bài học quyết tâm; Nhóm lửa; Học đánh cờ; Bốn tháng rồi; Trời hửng; Khổ tận cam lai; Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám và ngày độc lập 2 tháng 9; Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ; Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến; Thanh niên phải làm gì?… Đây là những lời tâm huyết, lời căn dặn nhẹ nhàng, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc của Bác mà mỗi chúng ta khi cảm nhận, thấu hiểu sẽ rút ra nhiều điều bổ ích trong quá trình rèn luyện nhân cách, đạo đức của bản thân. Đặc biệt là bài học quý, là lời động viên ân cần đầy tình thương yêu dành cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của nước nhà. Quyển sách “Khó khăn phải tìm cách khắc phục” là tài liệu góp phần phổ biến rộng rãi đến đông đảo bạn đọc về chân dung, về nhân cách và tấm gương mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp việc học tập và làm theo gương Bác ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực. Đó cũng chính là tấm lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trân trọng giới thiệu quyển sách đến bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 335.4346 / KH400KH. ▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.056778. PHÒNG MƯỢN: MH.010538; MH.010539.

3. Quyển sách “Sự hy sinh kỳ diệu” do Quốc Đại sưu tầm, tuyển chọn là những câu chuyện kể về những tấm gương chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo hy sinh quên mình vì nghĩa lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh “để đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”.  Sách do Nxb Dân Trí xuất bản năm 2022, dày 251 trang trình bày các bài viết, các câu chuyện như: Thêm trân quý đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ, 15 tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất đất nước (Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Cừ, Cù Chính Lan, Vừ A Dính, Nguyễn Viết Xuân, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Kim Đồng, 10 cô gái Tiểu đội 4 ở Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Thái Bình, Trần Can, Phan Đình Giót), Chân dung liệt sỹ anh hùng trên mặt trận Tây Nam, 23 ngày đêm bi tráng trên đường tiến vào nội thành Sài gòn, Chuyện về một tuổi 20 đã gửi lại chiến trường của một thương binh, Người lính đầu tiên hy sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc (liệt sĩ Lê Đình Chinh), Cô gái “hái bom” trong đại hội Anh hùng hai lần được truy điệu sống (cựu thanh niên xung phong Cao Thị Hạnh Kiểm), Bông hồng gai (nữ trinh sát an ninh vũ trang miền Nam Phan Thị Ngọc Tươi), Biên cương - ký ức tháng 2, Lòng dân che chở, Ký ức người chỉ huy trận chiến ác liệt tại Nà Sác Cao Bằng, Những bông hồng trên tuyến lửa Trường Sơn năm xưa, Ký ức của các cựu chiến binh về cuộc chiến Vị Xuyên, Người chiến sĩ Cộng sản hy sinh bản thân để dành sự sống cho đồng đội (đồng chí Trương Quang Trọng - người tù chính trị anh dũng trong cuộc đấu tranh lưu huyết tại Ngục Kon Tum), Sư đoàn 2 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, “Đội quân tóc dài” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nữ Anh hùng Đoàn Thị Liên: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”, Thành cổ Quảng Trị: Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”, Giải cứu Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng…

Đây là những bài viết chân thực, những câu chuyện cảm động có ý nghĩa giáo dục truyền thống rất sâu sắc cho các thế hệ sau này. Năm tháng sẽ trôi qua nhưng những hy sinh cống hiến quên mình của các anh hùng liệt sĩ mãi mãi được Tổ quốc và Nhân dân ghi nhớ công ơn.

Trân trọng giới thiệu quyển sách "Sự hy sinh kỳ diệu" đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: ▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / S550H ▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061423 ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.011132; MG.011133

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn 
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây