CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 16 (tháng 11/2023)

Thứ tư - 01/11/2023 05:13 575 0
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 16 (tháng 11/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!

I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe nội dung “Làm cách nào để con yêu thích việc đọc sách?” trích trong bài viết “Bí quyết “cai nghiện” mạng xã hội cho con bằng sách” của Trân Trân đăng trên báo điện tử Pháp luật Việt Nam.

Không thể phủ nhận tác dụng tuyệt với của sách đối với sự phát triển về trí tuệ, tình cảm, tâm lý của trẻ. Nhưng với trẻ em ngày nay, vốn bị vây bủa giữa muôn vàn thú vui như mạng xã hội, phim ảnh, gameshow, các trò chơi online hay trực tiếp..., thì việc hướng con trẻ đọc sách và yêu thích sách không phải chuyện dễ dàng mà đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và phương pháp đúng đắn từ phụ huynh.

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ có thể dùng đến nhiều cách thức dẫn dụ, nhiều phương pháp để thu hút con đọc sách. Đối với trẻ nhỏ, trước hết cần tạo ra môi trường đọc sách hấp dẫn cho con. Điều này có thể thực hiện tại nhà bằng cách trang trí những “góc đọc sách” xinh xắn với ánh sáng hợp lý để con thư giãn khi đọc sách. Đồng thời có thể đưa con đến những điểm đọc sách như các nhà sách có khu đọc sách riêng cho trẻ, đường sách... để trẻ thấy hứng thú tham gia vào việc đọc. Cha mẹ cũng cần tìm cho con những quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi, tính cách và sự quan tâm của con. Cần chú ý chọn lọc nội dung sách để tránh những sách có nội dung xấu, độc hại “trà trộn” vào môi trường sách, gây hại đến nhận thức con trẻ.

Để hạn chế con sử dụng thiết bị điện tử, thay vào đó có thói quen đọc sách, cha mẹ hãy đặt ra những lịch trình cụ thể cho con, đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội và thiết bị điện tử cũng như xác định thời gian cố định để đọc sách mỗi ngày. Nên biến giờ đọc sách mỗi ngày thành khoảng thời gian vui vẻ với việc cả nhà cùng nhau chia sẻ, thảo luận về nội dung sách, thậm chí có thể đặt ra các trò chơi viết, vẽ lại cảm nhận hoặc nhân vật trong sách cho các con thêm phần hứng thú.

Và điều rất quan trọng, trẻ không thể yêu thích việc đọc nếu cha mẹ của trẻ thờ ơ. Chính vì vậy, bản thân các phụ huynh phải là người làm gương bằng cách tích cực đọc sách, yêu sách và có hiểu biết để có thể chuyện trò, trao đổi với con về các vấn đề từ trang sách.

Trao đổi tại một tọa đàm về sách, nhà giáo dục Lại Thị Hải Lý đã từng đưa ra thí dụ về thói quen đọc sách của người Do Thái được hình thành và nuôi dưỡng như thế nào. Ngay từ những năm đầu đời, trẻ nhỏ đã được làm quen với sách một cách đặc biệt. Người lớn nhỏ mật ong vào trang sách và cho trẻ nếm để dạy trẻ khái niệm đầu tiên rằng sách rất ngọt ngào. Sách và tri thức được tôn thờ trong cộng đồng và có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ.

Theo chuyên gia Lại Thị Hải Lý, với trẻ nhỏ, ngay từ những lúc rất sớm, không nên chỉ đơn thuần là đọc hoặc cho trẻ chơi với sách, mà cha mẹ cần giới thiệu, hướng dẫn con, cùng với việc chỉ cho con cách giữ gìn, trân trọng những cuốn sách.

Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cũng chia sẻ rằng, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần phải đọc sách cùng con ở bất cứ giai đoạn nào của trẻ, bởi vì điều này không chỉ nuôi dưỡng cảm xúc, phát huy trí tưởng tượng hay kích thích các giác quan của trẻ, mà còn là sự gắn kết trong gia đình, giúp cho trẻ phát triển toàn diện hơn.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ 25/11” của Tuệ Nhi đăng trên tạp chí điện tử Gia đình mới.

Nguồn gốc ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ
Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ được cử hành vào ngày 25 tháng 11 hàng năm, là ngày do Liên Hợp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức công chúng về việc loại bỏ bạo hành đối với phụ nữ trên toàn thế giới.

Ngày 17/12/1999 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 25 tháng 11 hàng năm là Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ (Nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp Quốc số 54/134). Liên Hợp Quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới tổ chức các hoạt động vào ngày này để nâng cao ý thức mọi người về tình trạng bạo hành với phụ nữ như "mãi dâm cưỡng bách", "lạm dụng tình dục", "du lịch tình dục", "cưỡng hiếp", "cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ", "bạo hành trong gia đình", "hôn nhân cưỡng bách" vv….

Năm 1993 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một bản Tuyên ngôn về loại bỏ bạo lực đối với Phụ nữ, trong đó định nghĩa thuật ngữ ‘bạo hành với phụ nữ’ như sau: "mọi hành vi bạo lực dựa trên giới tính, có thể hoặc thực sự gây ra những thiệt hại thể xác, tính dục hoặc tâm lý, kể cả những đe dọa, cưỡng ép hay ngăn cấm cách độc đoán quyền tự do, dù công khai hay trong tư gia".

Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 16 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát năm 1960 tại Cộng hòa Đôminíc. Là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Mục đích tổ chức các hoạt động tuyên truyền là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và cộng đồng hiểu biết các vấn đề cơ bản và ý nghĩa việc phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình;  tiếp tục tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ; lồng ghép tuyên truyền các chức năng gia đình vào các tiêu chí gia đình văn hóa, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy các giá trị truyền thống gia đình, xây dựng và củng cố gia đình văn hóa ở khu dân cư gắn kết trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa. 

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau: 

1. Quyển sách “Mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, do Phan Thị Ánh Tuyết – Đặng Thị Mai Anh sưu tầm, biên soạn, NXb. Dân trí xuất bản năm 2021. Sách dày 199 trang gồm các bài viết của nhiều tác giả về phong cách nêu gương của Bác như: Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh; Cán bộ trước hết “Phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; Nhớ lời Di chúc – Noi gương Bác,… Phần phụ lục là 8 câu chuyện kể về Bác Hồ: Gương mẫu tôn trọng luật lệ; Bác muốn biết sự thật kìa; Câu chuyện về ba chiếc ba lô; Phê phán căn bệnh hình thức chủ nghĩa; Bác trân trọng nêu gương người tốt, việc tốt; Đồng chí Hồ Chí Minh như tôi được biết; Dù tá hay tướng đều phải lo phục vụ nhân dân; Thời gian quý báu lắm. Quyển sách “Mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” là những bài học quý báu, những lời khuyên chân thành dành cho tất cả cán bộ, Đảng viên và nhân dân Việt Nam, sống và làm việc sao cho “ích nước lợi nhà” chăm lo đời sống nhân dân và xây dựng quê hương giàu đẹp.   Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện thành phố Cần Thơ ký hiệu phân loại: 335.4346 / M312PH và mã số PHÒNG MƯỢN: MH.012420; MH.012421; PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.059814.

2. Quyển sách “Đa năng trong thế giới phẳng: Giỏi mọi việc: Tại sao không?” của tác giả Emilie Wapnick do Nguyên Chính dịch, nhà xuất bản Thế Giới phát hành năm 2020. Với  273 trang  dành cho những người không muốn chỉ tập trung vào một thứ duy nhất và bỏ rơi tất cả những đam mê của mình. Tác giả mang đến cho bạn một lời khuyên về nghề nghiệp khác biệt. Thay vì cho rằng bạn nên tập trung phát triển sự nghiệp ở một lĩnh vực nào đó, tác giả trình bày một kế hoạch để bạn tham khảo và có thể vận dụng để giúp tương lai của bạn sẽ bền vững với sự hòa trộn của tất cả niềm đam mê của mình. Bạn có thể là bất cứ ai, làm bất cứ điều gì mà mình muốn mà không cần phải sống khác với con người đa dạng trong mình. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ với ký hiệu phân loại: 650.1 / Đ100N và mã số: PHÒNG MƯỢN: MA.024657; MA.024658; PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.059911

3. Quyển sách “Cẩm nang an toàn chung cư: Dành cho lứa tuổi 6+” do Ths. Bs. Nguyễn Trọng An biên soạn, Nhà xuất bản Kim Đồng xuất năm 2022. Sách với 61 trang, tập trung cung cấp cho trẻ em những kĩ năng để có thể nhận biết nguy cơ, giúp trẻ an toàn khi sử dụng thang máy, tránh tình trạng trẻ bị ngã từ ban công cửa sổ của nhà cao tầng và các kĩ năng phòng tránh cháy nổ… Đây là những kĩ năng cơ bản để “chung cư” đồng nghĩa với “an cư”. Quyển sách “Cẩm nang an toàn chung cư: Dành cho lứa tuổi 6+” sẽ là cẩm nang quý giá dành cho các bậc phụ huynh, các giáo viên tham khảo để truyền đạt kiến thức an toàn này cho các em học sinh và trẻ nhỏ. Sách hiện đang phục vụ tại phòng Thiếu nhi của Thư viện TP. Cần Thơ ký hiệu phân loại: 363.1 / C120N  và mã số ND.012081 - ND.012082.

     Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây