CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 11 (tháng 6/2023)

Thứ sáu - 30/06/2023 02:51 256 0
                                                                                                                                
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 11 (tháng 6/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe bài viết “Cách giúp bạn nhớ 90% những gì đã đọc” do chúng tôi tóm lược từ trang Thông tin điện tử Nhịp sống kinh tế.

Đọc đơn thuần không mang đến cho bạn kiến thức. Bạn không nhớ 100% những gì vừa đọc cũng không sao cả nhưng nếu bạn muốn nhớ 90% những gì đã đọc, bạn phải chủ động và chủ đích tìm hiểu sâu hơn về những ý tưởng bạn bắt gặp trong cuốn sách của mình.

Nghiên cứu cho thấy việc tóm tắt những điểm nổi bật của một cuốn sách có thể giúp bạn nâng cao hiểu biết. Ghi chú trong khi đọc cho phép bạn liên kết với ý tưởng của tác giả. Nó cũng giúp bạn tích lũy ý tưởng theo thời gian.

Mục tiêu rõ ràng giúp việc đọc hiệu quả hơn nhiều. Bạn có thể đọc để tìm kiếm thông tin, kiến thức thú vị, thông tin nhanh hoặc để cải thiện bản thân. Ghi chép biến việc đọc thành một nhiệm vụ - một nhiệm vụ tìm kiếm những ý tưởng hay nhất, chắt lọc từ hàng trăm trang sách và giữ chúng để sau này áp dụng trong cuộc sống.

Một số người cho rằng việc ghi chép phá vỡ mạch đọc của họ và làm giảm sự hiểu biết. Bí quyết là hãy thử nghiệm các phương pháp khác nhau và duy trì phương pháp phù hợp với bạn, giúp bạn tập trung và học nhanh hơn. Hệ thống ghi chú có thể giúp bạn tập trung đọc hơn.

Cách ghi chú khi đọc. Một số chiến lược ghi chú phổ biến bao gồm: ghi chú nhanh ở lề và ở cuối mỗi trang (nếu là sách giấy chứ không phải sách điện tử); gạch chân các câu, khoanh tròn các ý tưởng nổi bật đối với bạn, đánh dấu các từ và cụm từ khóa; sử dụng ghi chú dán hay giấy ghi chú để viết ra các ý chính từ mỗi chương; ghi nhật ký chỉ để tóm tắt hoặc lưu lại điểm nổi bật của cuốn sách và nghỉ giữa các chương để ghi lại các ý chính.

Nếu bạn ghi chú trên ứng dụng, bạn vẫn có thể ghi lại và sắp xếp các suy nghĩ, từ khóa, tóm tắt của mình - bạn có thể sắp xếp các ý tưởng từ mọi cuốn sách thành các ghi chú riêng lẻ. Bạn có thể sử dụng chức năng đánh dấu để đánh dấu văn bản bằng các màu khác nhau.
Nếu mục tiêu của bạn là hiểu sâu và ghi nhớ nội dung hoặc ý tưởng trong một cuốn sách, các nghiên cứu cho thấy tốt nhất bạn nên đọc sách giấy.

Nếu mục đích của bạn là ghi nhớ những gì bạn đang đọc để sau này sử dụng, đừng quên ghi chú theo cách của riêng bạn.

Nếu bạn không muốn làm gián đoạn quá trình đọc, hãy làm nổi bật hoặc ghi chú nhanh các ý tưởng ở bên cạnh hoặc ở phía dưới. Đó là cách tiếp cận tốt nhất. Nó không chủ động thu hút sự tham gia của bộ não hoặc mất quá nhiều thời gian. Mục đích của ghi chú theo phương pháp này chỉ là tương lai khi bạn cần ý tưởng thì bạn có thể giở lại.

Ghi chú đạt chuẩn là một ghi chú thu hút sự chú ý của bạn ngay sau khi bạn nhìn thấy nó, và là tài liệu để bạn tham khảo sau này. Ghi chú hiệu quả có thể giúp bạn sắp xếp các ý tưởng của mình, suy nghĩ chín chắn về những gì bạn đang đọc và tự rút ra kết luận tốt hơn.

Thiết lập hệ thống ghi chú phù hợp với bạn. Việc thiết lập hệ thống sắp xếp các ý tưởng thú vị trong sách cho phép bạn phản ánh thông tin sau này và tận dụng tối đa bộ sưu tập sách của mình.
Nếu bạn quan tâm đến việc ghi nhớ những ý tưởng bắt gặp trong những cuốn sách phát triển bản thân và nếu bạn quan tâm đến việc tạo ra những ý tưởng của riêng mình, hãy nhớ ghi chú lại.
Ghi chú trong khi đọc sách không phải là một việc vặt. Hãy cân nhắc mục tiêu của bạn là gì và bạn sẽ đạt được điều gì. Đọc sách sẽ là một trải nghiệm thú vị. 

I. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài “Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7) và những giá trị lịch sử nối tiếp của Dân tộc Việt Nam” do Đỗ Hồng Thanh tổng hợp đăng trên Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh Tuyên Quang.

Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27 tháng 7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm được tổ chức, từ năm 1947 theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nay, dành tất cả tình thương yêu, tôn vinh những người thương binh, liệt sĩ của đất nước. Ngày lễ này được ghi nhận như là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây ở đất nước ta. Trong ngày này, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các đoàn thể, Hội cựu chiến binh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, dâng hương tri ân tại các Nghĩa trang liệt sĩ…

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh, Liệt sỹ của cả nước. Mỗi năm cứ đến Ngày Thương binh, Liệt sỹ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể... từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các hoạt động dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; gặp mặt, thăm chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… trên địa bàn tỉnh.

Trên toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945: gần 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người; liệt sỹ: gần 1,2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 117.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; thương binh loại B: trên 40.000 người; bệnh binh: gần 185.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người. Hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước (
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương, 07/6/2017).

Khắc ghi, đền đáp công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy (Theo bài viết của GS.TS. Tô Lâm, Đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng (2017), Nhân dân - Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam- Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 27/7/2022).

Có thể nói đến nay, hòa bình và sự phát triển bền vững của đất nước đã được đánh đổi bằng quá trình đấu tranh lâu dài, trong đó những cuộc chiến giành độc lập đã xảy ra trong quá khứ là không thể tránh khỏi của nhiều dân tộc. Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay giành được độc lập là công lao của biết bao thế hệ đi trước. Xem lại Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, và đọc trước Công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945, chúng ta sẽ hiểu được lý tưởng này. Trong trái tim của những người con đứng lên bảo vệ Tổ quốc, giành quyền độc lập bấy giờ không có gì khác ngoài lòng yêu thương quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Không chỉ trong bom đạn của chiến tranh, trong chiến đấu với giặc ngoại xâm, mà kể từ khi đất nước thống nhất, bước sang giai đoạn cách mạng mới, máu của các chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân đội, Công an nhân dân vẫn đổ. Đã có hàng nghìn liệt sĩ, thương binh Công an nhân dân hy sinh, bị thương tích trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân [2]. Trong giai đoạn gần đây nhất, bối cảnh đại dịch Covid-19 càng làm rõ nét hơn hình dáng của những người con đã và đang hi sinh vì vận mệnh của quốc gia, vì an toàn và sức khỏe cho cộng đồng - người dân cả nước. Những con người đó không chỉ là quân nhân mà là bác sĩ, y sĩ, sinh viên tình nguyện, công an, các cán bộ công chức, cán bộ xã phường, những nhà hảo tâm… không kể ngành nghề. Và dù giai đoạn tới có còn nhiều khó khăn, hình ảnh những chiến sĩ trong lịch sử hào hùng cùng với hiện đại, sẽ luôn được tiếp nối, sáng ngời tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và lòng yêu nước của Dân tộc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc. Đồng thời cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau: 

1. Quyển sách “Huyền thoại Củ Chi” nằm trong Dự án văn hóa uống nước nhớ nguồn tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc sẽ giúp bạn đọc thêm hiểu hơn về mảnh đất Củ Chi anh hùng, sự tri ân sâu nặng của những người đang sống trong đất nước hòa bình hôm nay đối với những người con ưu tú đã hiến dâng cuộc đời cho nền độc lập dân tộc.

Sách do Nhà báo, Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương (Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập) chỉ đạo thực hiện nội dung, với Ban biên soạn gồm Đặng Đình Chấn, Phạm Văn Thủy, Cao Hà, Phước Lập, Trí Đức; Nxb.Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2020 với 510 trang trình bày các nội dung gồm: Bác Hồ với đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ; Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược; Bài Văn bia Đền Bến Dược, Địa đạo Củ Chi - một kỳ tích anh hùng; Bí mật địa đạo Củ Chi; Sài Gòn  - Gia Định trong đại thắng mùa xuân 1975; Còn mãi ký ức về Trung đội nữ Du kích Củ Chi Anh hùng. 

Đặc biệt, quyển sách lưu danh 45.639 Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Chiến trường Sài Gòn - Gia Định và Củ Chi. Gồm những danh sách Liệt sỹ Khối lượng lực lượng vũ trang, Khối Dân Chính Đảng và Danh sách Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh quản lý. Trong quyển sách, những dòng tên của các liệt sĩ với năm sinh và năm hy sinh được sắp xếp trang trọng theo quê quán là sự ghi nhớ tri ân sâu sắc của hậu thế dành cho người ngã xuống vì quê hương đất nước. 

Với những hình ảnh tư liệu quý, “Huyền thoại Củ Chi” là tiếng lòng trong thẳm sâu của những người đang sống mãi mãi không quên công ơn của những người đã ngã xuống cho đất nước được hòa bình, độc lập, tự do hôm nay. Dân tộc ta, nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ công ơn của các Anh hùng, liệt sĩ. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 959.779 / H527TH. ▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019317; ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010509; MG.010510

2. Quyển sách “Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập quốc tế” là công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Ngô Nguyễn Hiệp Phước nhằm đóng góp giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước (QLNN) về du lịch để thúc đẩy hoạt động du lịch (HĐDL) phát triển bền vững, góp phần làm cho du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Cần Thơ. Sách dày 299 trang do NXB Lao động ấn hành năm 2021, gồm các nội dung: Cơ sở lý luận và thực tiễn của quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương trong hội nhập quốc tế: Một số kinh nghiệm QLNN về du lịch ở các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Kiên Giang; Thực trạng, phương hướng và giải pháp hoàn thiện QLNN về du lịch trên trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập quốc tế. Trong đó, nêu các giải pháp hoàn thiện QLNN về du lịch trên trên địa bàn thành phố Cần Thơ gồm: Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động du lịch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả xây dựng và triển khai thực hiện các quy định, chính sách về hoạt động du lịch trên địa bàn; Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch;Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động du lịch. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích giúp bạn đọc có thêm tư liệu nghiên cứu, tìm hiểu về QLNN đối với ngành du lịch và hoạt động du lịch, góp phần để du lịch Cần Thơ phát triển tương xứng với điều kiện hiện nay. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 354.60959793 / QU105L; ▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP : DL.019869; ▪ PHÒNG MƯỢN : MA.025007; MA.025008

3. Quyển sách “Vỡ lòng về tiền tệ” được viết bởi nhóm tác giả Eddie Reynolds, Matthew Oldham, Lara Bryan; do Marco Bonatti minh hoạ; Quỳnh Chi dịch. Nxb. Thế giới xuất bản 2022 với 127 trang sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi chung về tiền, giải đáp những vấn đề về tiền của mỗi cá nhân và cung cấp kiến thức về các sự kiện lớn có liên quan đến tiền trong thế giới ngày nay. Đó là các bài viết như: Các thông lệ về tiền; Tiền vận hành như thế nào?; Ngân hàng; Kiếm tiền và vay tiền; Tiêu tiền, kiếm thêm và cho đi; Chính phủ và tiền; Những câu hỏi về tiền chưa ai biết câu trả lời.

Với hình minh hoạ sinh động, cùng nội dung súc tích, dễ hiểu, “Vỡ lòng về tiền tệ" là quyển sách hay dành các bạn nhỏ tích lũy những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong đời sống. Sách được phục vụ tại Phòng đọc sách Thiếu nhi - Thư viện thành phố Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 332.4 / V460L. ▪ PHÒNG ĐỌC SÁCH THIẾU NHI: ND.012467; ND.012468

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn
                  Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại! 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây