THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY
bài GTS tuần 4 tháng 8
Thứ năm - 22/08/2024 03:37180
Cuộc đời và văn nghiệp của Sơn Nam là sự nối kết của những chuyến đi bộ, thâm nhập thực tế, nghiên cứu điền dã không biết mệt mỏi, như ông vẫn thường nói: “Ðọc sách bằng mắt chưa đã thì anh “đọc bằng chân”, đi cũng biết được nhiều!”. Đó cũng là quan niệm sáng tác mà nhà văn đã minh chứng bằng cả cuộc đời cầm bút. Một câu nói tâm huyết của ông được nhiều người nhắc đến, ông xem đó là phương châm sống và viết của cuộc đời mình: “Viết văn để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích nào khác!”. Hãy đọc và cảm nhận sâu sắc đặc trưng cá tính người miền Nam, về cuộc sống xứ miệt vườn, về những phong tục tập quán nếp sống của người dân vùng sông nước. Từ đó, quý độc giả làm phong phú thêm vốn tri thức của bản thân, thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Văn chương luôn có tầm quan trọng không nhỏ trong đời sống tinh thần của chúng ta, nhất là văn chương đặc trưng của một vùng-miền nào đó. Nó không chỉ là món ăn tinh thần của người dân, mà nó còn chứa đựng vô vàng những giá trị nhân văn tích luỹ qua biết bao nhiêu thế hệ, là sự lắng đọng văn hoá-văn học của biết bao nhiêu ngòi bút thi nhân. Đôi khi, chỉ cần đọc các tác phẩm, nghiên cứu văn chương của các tác giả, chúng ta đã có thể tích luỹ cho bản thân vô vàng kiến thức, mở rộng tầm nhìn, dường như có thể thấy tận nơi, cảm nhận được sự vật sự việc chỉ thông qua con chữ. Đó chính là sức mạnh của văn chương – mà mỗi một tác giả là một nhân tài trong vận dụng con chữ. Nói đến văn chương viết về miền Nam Việt Nam, không thể không nhắc đến nhà văn Sơn Nam – tác giả được xưng tụng là “ông già Nam Bộ”, “ông già Ba Tri”, “ông già đi bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay “nhà Nam Bộ học”. Vì sao ông lại có danh xưng này? Bởi vì, thông qua các sách biên khảo về vùng đất Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam, độc giả sẽ có dịp cùng ông tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển vùng đất mới của Tổ quốc thông qua những biến động lịch sử từ ngày mở đất đến nay. Qua ngòi bút của ông, những cánh rừng bạt ngàn, những bưng láng nước đọng, những sông ngòi chằng chịt của vùng đất được bồi lắng từ phù sa hiện hiện vô cùng đặc trưng và hấp dẫn: ruộng đồng bao la cò bay thẳng cánh, những vườn cây ăn trái sum suê, mương rạch dọc ngang tấp ngập xuồng ghe và những xóm làng rộn vang nhịp sống,…Tất cả tạo nên một miền Nam với những bản sắc và cá tính riêng – không khác mấy với đặc tính dân tộc Việt Nam nhưng luôn mang màu sắc địa phương rõ nét (hay còn được xưng là phong cách “miệt vườn”), không thể nào nhầm lẫn với vùng đất nào khác của Việt Nam. Với mong muốn cung cấp cho quý thính giả-quý độc giả một trong những ấn phẩm rất nổi tiếng viết về miền Nam Việt Nam của nhà văn kỳ cựu Sơn Nam -người con của vùng đất miền Nam,Tổ Thư viện – Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh quận Ninh Kiều xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả ấn phẩm “NÓI VỀ MIỀN NAM – CÁ TÍNH MIỀN NAM – THUẦN PHONG MỸ TỤC VIỆT NAM” – được Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần thứ 2 và giới thiệu đến bạn đọc năm 2015 về những nét riêng Nam Bộ trong ngôi nhà chung Việt Nam, kể cả trong các sinh hoạt lễ đám hội hè, các thủ tục của quan, hôn, tang, tế với những dẫn chứng thú vị về nguồn gốc hình thành và phát triển của nó. Quyển sách “NÓI VỀ MIỀN NAM – CÁ TÍNH MIỀN NAM – THUẦN PHONG MỸ TỤC VIỆT NAM” là sự tập hợp từ 03 tập sách cũ đã được xuất bản của nhà văn Sơn Nam gồm: Nói về Miền Nam (NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1967), Cá tính Miền Nam (NXB Đông Phố, Sài Gòn, 1974) và Thuần phong mỹ tục Việt Nam (NXB Đồng Tháp, 1994). Sách có 405 trang in giấy ngà, sạch sẽ, minh họa bìa màu đẹp mắt, cá tính với tranh sơn mài, bìa giấy cứng khổ 14cmx20cm. Trong cuốn sách này, cũng được chia thành 3 phần tương ứng với nội dung của 03 tập sách đã nêu trên. Mở đầu là phần “Nói về miền Nam” gồm có 06 bài viết của nhà văn như: Phi Lộ, Ông Hoàng Hiệp và trận giặc năm 1673, Dân hai huyện và ông Nguyễn Hữu Cảnh, Nhận xét về ca dao Hậu Giang, Ăn ở cho đúng điệu nghệ, Một nghệ thuật “Trưởng giả mới”. Trong phần “Cá tính miền Nam”, nhà văn Sơn Nam nói về: Đồng bằng sông Cửu Long và miền Hậu Giang với nếp sống cực khổ nhưng nhàn rỗi; Thất Sơn huyền bí, “Cảnh tiên” tại thế của các chiến sĩ Cần Vương; Anh em kết nghĩa, hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly; Những kẻ sĩ hoà mình và đứng về phía bình dân. Tập sách này viết ra từ trước năm 1975 không lâu. Trong phần cuối, “Thuần phong mỹ tục”, nhà văn Sơn Nam giới thiệu về: Quan, Hôn lễ, Tang lễ, Lễ giỗ, Việc tế lễ, Bàn về nguồn gốc của tế lễ ở đình xưa, Diễn tiến của lễ Kỳ Yên, Lễ xây chầu. Tập sách này gồm những vấn đề thiết yếu trong quan niệm và giá trị tinh thần của các nghi thức, phong tục, tập quán trong đời sống xã hội vùng đất Nam Bộ xưa-nay.
Cuộc đời và văn nghiệp của Sơn Nam là sự nối kết của những chuyến đi bộ, thâm nhập thực tế, nghiên cứu điền dã không biết mệt mỏi, như ông vẫn thường nói: “Ðọc sách bằng mắt chưa đã thì anh “đọc bằng chân”, đi cũng biết được nhiều!”. Đó cũng là quan niệm sáng tác mà nhà văn đã minh chứng bằng cả cuộc đời cầm bút. Một câu nói tâm huyết của ông được nhiều người nhắc đến, ông xem đó là phương châm sống và viết của cuộc đời mình: “Viết văn để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích nào khác!”. Hãy đọc và cảm nhận sâu sắc đặc trưng cá tính người miền Nam, về cuộc sống xứ miệt vườn, về những phong tục tập quán nếp sống của người dân vùng sông nước. Từ đó, quý độc giả làm phong phú thêm vốn tri thức của bản thân, thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.