Các giá trị văn hoá Việt Nam chuyển từ truyền thống đến hiện đại/ Đỗ Huy. - H.: Hồng Đức, 2021. - 412tr.; 24cm

Thứ hai - 20/12/2021 22:07 2.139 0
Các giá trị văn hoá Việt Nam chuyển từ truyền thống đến hiện đại/ Đỗ Huy. - H.: Hồng Đức, 2021. - 412tr.; 24cm
Trên góc nhìn giá trị học, văn hóa là một giá trị. Các hệ thống của giá trị văn hóa Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tự lập, tự cường, các giá trị đạo đức và bộ giá trị phổ quát Chân - Thiện - Mỹ trong nền văn hóa Việt Nam truyền thống. Dựa trên ý tưởng trong văn kiện Hội nghị lần thứ 9 BCH TW khóa XI cho rằng: “Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn có những nội hàm và định nghĩa khác nhau tùy theo cách tiếp cận”, GS. TS. Đỗ Huy đã biên soạn quyển sách “Các giá trị văn hoá Việt Nam chuyển từ truyền thống đến hiện đại’ trên góc nhìn giá trị học. 

Sách dày 412 trang gồm 6 nội dung: Các chuẩn mực và các giá trị văn hóa. Sự vận động của chúng đến đầu thế kỷ XXI; Văn hóa nhìn từ góc độ giá trị: Kế thừa các giá trị văn hóa và các phản giá trị trong văn hóa: Nhân cách văn hóa trong bảng giá trị Việt Nam; Định hướng xây dựng những giá trị của nền văn hóa mới; Hướng phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam vì mục tiêu Chân - Thiện - Mỹ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo tác giả, giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam dựa trên các yếu tố: Địa văn hóa nhiệt đới, gió mùa bán đảo; Cư dân chủ yếu sống thành làng xã làm ruộng, làm vườn; Có thiết chế gia đình huyết tộc như nhiều dân cư Nam Á khác. 

Người Việt có một chủ nghĩa nhân văn rõ rệt, ở đó hòa quyện bốn yếu tố cơ bản xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc tạo thành nền tảng của bảng giá trị văn hóa, đó là: Chủ nghĩa yêu nước đậm đà tinh thần cộng đồng; Tinh thần vị tha cao thượng là cơ sở của chủ nghĩa khoan dung Việt Nam; Ý chí tự lập, tự cường mạnh mẽ biểu hiện một tinh thần quật khởi và sức sống mãnh liệt trước mọi khó khăn; Tinh thần đoàn kết gia đình, làng xã, quốc gia và tộc người.

Người Việt sống nghiêng về thực tiễn, thiết thực, tiết kiệm, ham học và nặng tình, nặng nghĩa. Nhà - làng - nước là lẽ sống của ngời Việt. Quê hương trong tâm thức người Việt như cha, như mẹ, ông bà, tổ tiên. Không có quê hương thì người Việt sẽ  “không lớn nổi thành người”. Văn hóa truyền thống người Việt với nghệ thuật cung đình hay nghệ thuật dân gian đều ẩn bên trong là sự ký thác một triết lý sống thanh cao, một tâm hồn nhân hậu.

Ở thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bản giá trị văn hóa mới Việt Nam có sự tiếp biến hệ tư tưởng Mác - Lênin, sự phát triển chủ nghĩa yêu nước kiểu mới tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ độc lập dân tộc và văn hóa dân tộc. Đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội nhằm hướng tới những giá trị dân tộc - hiện đại - nhân văn trên bảng giá trị văn hóa mới Việt Nam. Cái đúng, cái tốt, cái đẹp, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là nhân cách văn hóa Việt Nam, là bảng giá trị văn hóa Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh. 

Quyển sách “Các giá trị văn hoá Việt Nam chuyển từ truyền thống đến hiện đại” là tài liệu tham khảo hữu ích cho độc giả tìm hiểu về văn hóa Việt Nam trên góc nhìn giá trị học.
Quý vị và các bạn có thể tìm đọc đầy đủ nội dung quyển sách tại Thư viện TP Cần Thơ với mã số: 
- Môn loại: 306.09597 / C101GI 
- Phòng Đọc: DL 19863;
- Phòng Mượn: MA 24998-24999


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây