Thế giới 100 năm (1920-2020) : Sách tham khảo / Nguyễn Đăng Song. - H. : Quân đội nhân dân, 2021. - 231tr.; 21cm

Thứ tư - 29/12/2021 04:18 1.751 0
Thế giới 100 năm (1920-2020) : Sách tham khảo / Nguyễn Đăng Song. - H. : Quân đội nhân dân, 2021. - 231tr.; 21cm
Là một bức tranh toàn cảnh tương đối về chính trị thế giới trong 100 năm qua, cuốn “Thế giới 100 năm (1920-2020)” do Nguyễn Đăng Song biên soạn, Nxb. Quân đội nhân dân xuất bản 2021. 
Qua  231 trang, cuốn sách khắc hoạ lại một cách khái quát những sự kiện lớn chủ yếu trong đời sống chính trị thế giới. Theo tác giả:

“Trăm năm qua (1920-2020) là khoảng thời gian đặt biệt, với những sự kiện, biến cố tác động mạnh mẽ đến thế giới hơn bất kì trăm năm nào khác trong lịch sử nhân loại.

Mở đầu là cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Mặc dù nằm trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản và bị các nước đế quốc tấn công quân sự nhằm tiêu diệt, Chính quyền Xôviết vẫn đứng vững và không ngừng lớn mạnh, từ đó, tạo ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đối với cục diện thế giới. Trong khi đó, giữa các cường quốc tư bản diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm tranh giành, phân chia phạm vi thế lực, dẫn đến sự sụp đổ của Hệ thống Versailles - Washington được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và làm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tiếp theo, từ năm 1945 đến năm 1991 là giai đoạn của trật tự thế giới hai cực (Thể chế Yalta) với tính chất gay gắt, quyết liệt, phức tạp của cuộc đối đầu Mỹ - Liên Xô, đối đầu Ðông - Tây, thường được biết đến với tên gọi Chiến tranh lạnh. Phần sau của giai đoạn này, chủ nghĩa xã hội dần lâm vào khủng hoảng toàn diện, trầm trọng dẫn tới sự sụp đổ của xã hội chủ nghĩa theo mô hình xôviết ở Ðông Âu và Liên Xô. Chủ nghĩa tư bản chiếm được ưu thế về nhiều mặt so với chủ nghĩa xã hội, song trong lòng nó vẫn tồn tại những mâu thuẫn, những tiêu cực mà tự thân nó không thể khắc phục.

Từ năm 1991, dần hình thành một trật tự thế giới mới -  thế giới đa cực với hai xu thế mới là liên kết khu vực và toàn cầu hóa. Mọi quốc gia đều điều chỉnh lại chính sách đối nội, đối ngoại và đường lối xây dựng đất nước cho phù hợp với tình hình thế giới mới. Sự cọ xát về lợi ích, mâu thuẫn về kinh tế, thương mại và các trung tâm kinh tế hàng đầu diễn ra gay gắt.

Bước vào thế kỷ XXI, do sự suy yếu tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Ðộ, dẫn tới sự chuyển dịch trọng tâm quyền lực từ Tây sang Ðông và dẫn tới sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ với mục tiêu duy trì vị thế siêu cường duy nhất, tiếp tục đẩy mạnh chiến lược quân sự, an ninh toàn cầu bằng việc tập hợp lực lượng, điều chỉnh chiến lược với từng khu vực để khống chế, kìm hãm các thế lực thách thức “ngôi vị số 1” của mình. Trong khi đó, cạnh tranh quyền lực, lợi ích và vị thế chiến lược giữa các nước, đặc biệt là giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga diễn ra ngày càng quyết liệt. Tình hình đó dẫn tới xu hướng liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng và chạy đua vũ trang mang tính đối đầu có chiều hướng gia tăng. Từ đó, làm nảy sinh những điểm nóng tại nhiều khu vực trên thế giới, làm cho tình hình an ninh thế giới có nhiều biến động.

Ðặc biệt, hai mươi năm đầu thế kỷ XXI, thế giới trở nên bất ổn hơn. Ðịa bàn cạnh tranh lan rộng từ kinh tế, thương mại, công nghệ cao sang cả mô hình phát triển và ý thức hệ, song mấu chốt vẫn là cạnh tranh chiến lược giữa cường quốc đang lên với cường quốc tại vị, vẫn là tư duy tranh giành ảnh hưởng theo kiểu “được - mất”, “thắng - thua” giữa các cường quốc. Trong một thế giới đầy biến động như vậy, mẫu số chung lợi ích của tất cả các nước trong việc duy trì hòa bình, thịnh vượng chung vẫn là nhân tố quan trọng giúp ngăn ngừa xung đột, duy trì động lực hợp tác và đối thoại. Dẫu cạnh tranh chiến lược quyết liệt, các nước lớn vẫn có nhu cầu hợp tác thúc đẩy lợi ích chung và xử lí các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố, ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Các sự kiện đều được lựa chọn dựa trên mức độ ảnh hưởng mang tầm thế giới và khu vực; được sắp xếp theo trình tự thời gian để bạn đọc có thể tiện theo dõi. Cuốn sách “Thế giới 100 năm (1920-2020)” là tài liệu bổ ích giúp bạn đọc mở rộng thêm kiến thức về lịch sử thế giới hiện đại.

Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 909.82 / TH250GI
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.060433
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010837; MG.010838

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây