Cha ông ta với việc khuyến học / Lê Thái Dũng. - H. : Hồng Đức, 2020. - 211tr.; 21cm

Chủ nhật - 27/09/2020 03:33 1.172 0
Cha ông ta với việc khuyến học / Lê Thái Dũng. - H. : Hồng Đức, 2020. - 211tr.; 21cm
Từ xưa, Việt Nam đã là một đất nước học tập, sự say sưa học, miệt mài học đã hun đúc nên truyền thống hiếu học qua bao đời nay. Cha ông ta quan niệm học vấn, giáo dục có vai trò thiêng liêng đối với việc giúp con người hoàn thiện nhân cách, trí tuệ: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” (Nghĩa là: Ngọc không mài giũa chẳng nên hình, người không học không biết đạo lý). Đạo lý ở đây là chân lý của vũ trụ, trời đất, và đặc biệt là đạo lý làm người, cách ứng xử tốt đẹp giữa con người với nhau. Chính nhờ giáo dục mà dân tộc ta đã vững vàng trước mọi sóng gió của thời cuộc, giữ được bản sắc văn hóa của mình.
Quyển sách “Cha ông ta với việc khuyến học” do Lê Thái Dũng biên soạn, Nxb. Hồng Đức ấn hành 2020 sẽ giúp người đọc hiểu rõ truyền thống hiếu học, tôn sư trong đạo của tiền nhân.
Sách dày 211 trang, gồm 2 phần:
Phần I “Khái quát một số vấn đề cơ bản về giáo dục, khuyến học” trình bày những nét chính về giáo dục, đào tạo của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử: Thời dựng nước, thời Bắc thuộc đến đầu thời kỳ độc lập tự chủ và qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Lê mạt, Tây Sơn, Nguyễn. Trong đó, đề cập đến việc khuyến học của các triều đại này.
 Đầu tiên, nhà Hậu Lý với việc thành lập Văn Miếu và xây dựng Quốc Tử Giám ở Thăng Long, mở rộng chế độ giáo dục và thi cử vừa đào tạo nhân tài giúp nước, vừa nâng cao trình độ tri thức của nhân dân. 
Đến thời Trần, giáo dục đào tạo phát triển mạnh mẽ, sách binh lược, sách sử được chú trọng biên soạn để truyền đạt kiến thức, tiêu biểu như “Binh gia diệu lý lược” của Trần Quốc Tuấn, “Việt Chí” của Trần Tấn, “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu. Các vị danh Nho, nhà giáo ưu tú như Chu Văn An, Trương Hán Siêu được coi trọng là tấm gương cho sĩ tử học tập, noi theo. Danh tướng Trần Quốc Tuấn đã dâng lên vua Trần kế sách “Phú Quốc Cường Binh” với quan điểm “Triều đình phải coi người hiền tài là kho báu của quốc gia”. 
Đến thời Hồ, triều đại Hồ Quý Ly đã cho sử dụng chữ Nôm thể hiện ý thức dân tộc, đồng thời bỏ hẳn lối viết ám tả cổ văn, giảm hình thức học vẹt sao chép sách vở và đưa tính (toán học) vào nội dung thi làm người học phải suy nghĩ, tạo điều kiện cho tầng lớp Nho sĩ mới khả năng sáng tạo, gắn bó hơn với đời sống thực tế. Vua nhà Hồ cũng có một cái nhìn đúng đắn khi bổ nhiệm người thi đỗ tiến sĩ trông coi, thúc đẩy việc giáo dục ở địa phương. 
Thời Hậu Lê kế thừa kinh nghiệm của các triều đại trước, đặt ra nhiều nghi thức, lệ tục khác nhau (lệ xướng danh, lệ rước và treo bảng vàng, lệ ban áo mão cân đai, phẩm phục, lệ vinh quy, lệ khắc tên người đỗ trên bia đá,…) nhưng tất cả không ngoài mục đích khuyến học, tôn vinh người đỗ đạt để hậu sinh noi theo. 
Thời Tây Sơn, các vua Tây Sơn không chỉ ban hành chính sách giáo dục, khuyến học, khuyến tài, chiêu hiền đãi sĩ, mà còn tự nêu tấm gương học tập cho nhân dân. Vua Quang Trung dù bận trăm công, ngàn việc đại sự, vẫn dành thì giờ đọc sách. Nhà vua đặt ra lệ cho mình, mỗi tháng 6 lần, một viên quan Bí thư, có nhiệm vụ vào chầu để giảng giải cho vua hiểu về kinh sách. Nhà Tây Sơn đưa chữ Nôm lên thành văn tự chính của quốc gia thay chữ Nho, thi cử bằng chữ Nôm tỏ rõ hoài bão xây dựng một nền học thuật, giáo dục mang đậm bản sắc dân tộc, độc lập, tự cường.
Thời Nguyễn, vua Minh Mạng cho xây dựng trường học ở các trấn phủ huyện theo quy cách thống nhất, miễn lao dịch, giảm thuế cho người học, ưu đãi lương bổng cho người dạy học; ra chỉ dụ lấy người 20 tuổi thông minh, có ý chí cấp tiền bạc cho ra nước ngoài học tập, trở về nếu vượt qua sát hạch sẽ bổ làm quan.
Phần hai với tiêu đề “Một quốc gia khuyến học, một dân tộc khuyến học” đề cập đến việc khuyến học trong mọi tầng lớp người dân, từ cung đình đến gia đình của dân chúng; khuyến học trong gia tộc, dòng họ đến phủ huyện, làng xã và trong đời sống xã hội. Tiếp đến, viết về  một nơi được xem là biểu tượng, là minh chứng và là “tuyên ngôn” của chính sách giáo dục, khuyến học Việt Nam thời xưa và vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, đó chính là vườn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám - niềm tự hào về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, đề cao tri thức. Qua đây cho thấy tư tưởng đúng đắn xem giáo dục là quốc sách, coi trọng phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài của ông cha ta xuyên suốt bao đời nay vẫn được trân trọng, giữ gìn, phát huy.
Cuối quyển sách là phần Phụ lục Danh sách các vị tam khôiThống kê các khoa thi tiến sĩ và tương đương (1075 - 1919) để bạn đọc tiện tra cứu, tham khảo.
Quý bạn đọc hãy tìm đọc quyển sách “Cha ông ta với việc khuyến học” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 370.9597 / CH100Ô
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058021;
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.022389; MA.022390

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây