Văn hoá đọc ở Việt Nam hiện nay (từ thực tiễn tiếp nhận văn học) / Nguyễn Đăng Điệp chủ biên, Nguyễn Huy Bỉnh, Đoàn Ánh Dương.... - H. : Khoa học Xã hội, 2018. - 222tr.; 21cm

Thứ năm - 31/03/2022 05:36 1.352 0
Văn hoá đọc ở Việt Nam hiện nay (từ thực tiễn tiếp nhận văn học) / Nguyễn Đăng Điệp chủ biên, Nguyễn Huy Bỉnh, Đoàn Ánh Dương.... - H. : Khoa học Xã hội, 2018. - 222tr.; 21cm
Như chúng ta đã biết, khác với lợi ích kinh tế, lợi ích trong hoạt động văn hóa không phải là lợi ích trước mắt mà lợi ích lâu dài. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Sự nghiệp trồng người bao gồm nhiều phương diện, nhưng chắc chắn, một trong những phương diện quan trọng chính là nâng cao hiểu biết và giáo dưỡng tâm hồn thông qua việc đọc sách. Đó là lý do để khẳng định, một xã hội phát triển bao giờ cũng là một xã hội đọc. 

Ở nước ta, trong bối cảnh văn hóa đương đại có nhiều biến động, với sự phủ sóng của internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, nhu cầu lựa chọn thực đơn tinh thần, đọc cái gì, đọc như thế nào và đọc bằng cách nào từ phía người đọc đã hoàn toàn thay đổi so với trước đây. Để tìm hiểu về vấn đề này, các bạn có thể tìm đọc quyển sách “Văn hoá đọc ở Việt Nam hiện nay (từ thực tiễn tiếp nhận văn học)” do Nguyễn Đăng Điệp chủ biên cùng tập thể tác giả Viện văn học và các cộng tác viên.

 Sách do Nxb. Khoa học Xã hội xuất bản năm 2018 dày 222 trang, nội dung gồm 5 chương, trình bày việc tiếp cận văn học trong bối cảnh văn hoá xã hội Việt Nam đương đại, vấn đề về xuất bản văn học, địa lý nhân văn và việc tiếp nhận văn học, cũng như việc tiếp nhận văn học với việc xây dựng văn hoá đọc. Từ đó nêu thực trạng việc đọc nói chung, đọc văn học nói riêng cùng giải pháp và kiến nghị. 

Thông qua nghiên cứu, các tác giả đã đưa ra nhận định: Văn hóa đọc không hẳn đã xuống cấp như lâu nay chúng ta vẫn hằng lo lắng. Sự lo lắng có lẽ vẫn nằm nhiều hơn ở chất lượng đọc, đọc cái gì và đọc vì mục đích nào? Nếu trước đây độc giả Việt Nam chủ yếu chỉ đọc một vài loại sách và số sách ấy nằm trong định hướng cụ thể thì ngày nay, người đọc được tiếp xúc với nhiều loại hình sách văn học trong một thị trường văn hóa rộng mở và phong phú hơn nhiều. 

... Bên cạnh lối đọc truyền thống, hình thức đọc điện tử tăng nhanh. Những không gian đọc này góp phần mở rộng diện độc giả, nhất là độc giả văn học. Tuy nhiên, một khi người đọc bị hút quá nhiều về văn hóa giải trí và văn học giải trí mà xem nhẹ văn hóa và văn học tinh hoa thì cần có chiến lược đọc phù hợp. Thiết nghĩ có ba vấn đề quan trọng: Một là, đầu tư phát triển văn học tinh hoa và giới thiệu những sản phẩm này theo hìn thức hữu xạ tự nhiên hương với sự hỗ trợ của truyền thông; hai là, nhà phê bình cần tăng cường vai trò định hướng thẩm mỹ cho người đọc để học nhận ra giá trị đích thực của văn học tinh hoa; ba là, chương trình giáo dục phổ thông phải nỗ lực giới thiệu, truyền bá cho học sinh về văn học tinh hoa vì đây là công chúng đọc của tương lai, nhằm nâng cao chất lượng đọc cho công chúng văn học ngay còn thơ trẻ.

Theo đó, sách trình bày: Để Việt Nam thực sự hình thành xã hội đọc, phải khắc phục lối đọc sách chỉ chuyên chú và thi cử vì bắt buộc theo tâm lý thực dụng hay áp lực thành tích. Phải coi đọc sách là cơ hội phát triển toàn diện con người, xem nó vừa là hình thức nâng cao tri thức văn hóa, vừa là hưởng thụ tinh thần. Chất lượng của nguồn lực con người đối với sự nghiệp hiện đại hóa đất nước phải bắt đầu từ nhu cầu đọc sách tự giác và xã hội đọc chính là môi trường kích thích hứng thú tìm và đọc sách. Cần phải nhận thấy hiệu ứng lan tỏa: nhiều người đọc sẽ hình thành cộng đồng đọc rộng lớn, cộng đồng đọc rộng lớn là cơ sở hình thành xã hội đọc, sự lớn mạnh của xã hội đọc sẽ tác động đến toàn thể các cá nhân để họ tham gia vào xã hội đọc một cách rất tự nhiên và thuần thục.

Việc thúc đẩy thực tiễn đọc và hình thành xã hội đọc trước hết thuộc về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng mặt khác, nó cần đến sự đồng thuận và chung sức của tất cả các thành phần xã hội. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm cho sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta phải xây dựng bệ đỡ là xã hội đọc và xã hội học tập suốt đời. Người Việt sẵn tinh thần hiếu học và ham học, cần cù sáng tạo, vậy nên việc tạo nên một môi trường thấm đầy tri thức và tinh thần nhân văn phải được coi là cốt lõi của phát triển văn hóa đương đại.

Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Văn hoá đọc ở Việt Nam hiện nay (từ thực tiễn tiếp nhận văn học)” để có được những thông tin cụ thể hơn về các vấn đề được sách đề cập. 

Quyển sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách và những người trực tiếp làm công tác ở các lĩnh vực có liên quan, cũng như mọi người cùng chung ý thức chấn hưng văn hóa đọc vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 028 / V115H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.055722
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.020432; MA.020433

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây