Kể chuyện Bến Ninh Kiều / Nhâm Hùng biên soạn. - Cần Thơ : Đại học Cần Thơ, 2018. - 75tr.; 21cm

Thứ bảy - 14/09/2019 05:42 2.644 0
Kể chuyện Bến Ninh Kiều / Nhâm Hùng biên soạn. - Cần Thơ : Đại học Cần Thơ, 2018. - 75tr.; 21cm
Từ xa xưa, Bến Ninh Kiều đã là tâm điểm của thủ phủ đất Tây Đô, nổi tiếng qua câu hát:
Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân.
Quyển sách “Kể chuyện Bến Ninh Kiều” do Nhâm Hùng biên soạn, Nxb. Đại học Cần Thơ ấn hành năm 2018, sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích về địa danh này.
Với độ dày 75 trang, in màu, cùng những hình ảnh minh họa sắc nét, quyển sách đưa người đọc tìm về bến Ninh Kiều của “Ngày xửa, ngày xưa”. Theo “Gia Đinh Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức đã có những dòng ghi chép minh chứng cho sự phát triển thương mại của khu vực bến Ninh Kiều xưa: “… Ở bờ Tây làm thủ sở đạo Trấn Giang, phố chợ đông đúc, khách buôn tụ hợp…”. Qua đó cho thấy diện mạo đô thị Cần Thơ thời sơ khai, mà khu vực bến Ninh Kiều như một “trung tâm đô thị” trù mật luôn tồn tại, mở rộng, nâng lên tầm vóc qua bao thời kỳ lịch sử. Trong bài viết “Tìm về bến cũ Hàng Dương”, bến Ninh Kiều xưa có tên là bến Thương Mại được người Pháp thành lập từ cuối thế kỷ XIX, vì nơi đây là khu vực chuyên mua, bán. Khi người Pháp rút đi, bến Thương Mại đổi thành bến Lê Lợi. Cùng với việc tiến hành chỉnh toàn diện đô thị Cần Thơ - khu vực bến Lê Lợi được đầu tư xây dựng mới, thay đổi mạnh mẽ, một phần bến Thương Mại ngày nào trở thành bến dạo mát và công viên. Và bến Ninh Kiều ra đời.
Vì sao lại gọi bến Ninh Kiều? Quyển sách sẽ giúp bạn biết được nguồn gốc của cái tên này?
Sức hút của Bến Ninh Kiều gắn liền với nhiều di tích nổi tiếng nơi đây. Là “Nhà lồng chợ Cần Thơ - vẻ đẹp đô thị thương mại”, biểu trưng văn hóa - du lịch, niềm tự hào của xứ sở “gạo trắng nước trong”. Nhà lồng “cổ” xưa, càng tăng thêm giá trị, thu hút nhiều khách đến mua hàng và tham quan, mỗi khi đi du lịch Cần Thơ. Hay “Chùa Ông - nét cổ kính trăm năm” với nét đẹp thâm trầm giữa lòng thành phố văn minh hiện đại, là không gian văn hóa trong các dịp lễ hội lớn.
Sau ngày đất nước thống nhất, Bến Ninh Kiều được trùng tu, bảo dưỡng và phát huy vẻ đẹp vốn có. Năm 1976, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghi, thân thiết được dựng lên tại đây để du khách có dịp viếng Bác.
Ngày nay, Bến Ninh Kiều được nâng cấp thành công viên bề thế gắn với cảnh quan ngã ba sông Hậu. Bến tàu du lịch khang trang sẵn sàng đưa rước du khách đi khắp nơi. Ban đêm những du thuyền lớn nhỏ rực rỡ ánh đèn, hòa nhịp cùng làn điệu đờn ca tài tử. Nếu đến Cần Thơ đúng vào dịp tết, du khách sẽ càng đắm say với khu chợ hoa xuân. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên sông nước với nét đẹp được điểm tô từ bàn tay con người.
Đặc biệt, chiếc cầu Đi Bộ khơi dòng rạch Khai Luông đúng với ý nghĩa mở hướng rồng bay, tạo dáng uốn lượn hình chữ S, tạo thêm đường nét mỹ thuật hiện đại mà nhẹ nhàng, uyển chuyển cho bến Ninh Kiều. Từ năm 2017, bến Ninh Kiều là nơi tổ chức “Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều”, và trở thành sự kiện văn hóa du lịch được tổ chức hàng năm.
Bến Ninh Kiều - một thế kỷ hình thành luôn là điểm đến hấp dẫn khi về với Cần Thơ. Cái tên Ninh Kiều thân thương đi vào thơ ca, nhạc, họa,… và trở thành tên gọi của quận trung tâm - trái tim của TP. Cần Thơ.
Quyển sách “Kể chuyện Bến Ninh Kiều” hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 915.9795/K250CH
- DC.2604, DC.2605, DC.2606, DV.54931
* Phòng Mượn:
- 915.9795/K250CH
- MG.9261, MG.9262, MG.9263, MG.9261

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây