Trong sương thương má : Tản văn / Trương Chí Hùng; Minh hoạ: Cù Quyên. - H. : Kim Đồng, 2019. - 150tr.; 20cm

Thứ hai - 04/01/2021 21:41 1.652 0
Trong sương thương má : Tản văn / Trương Chí Hùng; Minh hoạ: Cù Quyên. - H. : Kim Đồng, 2019. - 150tr.; 20cm
    “Những trang văn đầu tiên của cuộc đời, người cầm bút thường viết về má về ba, về thầy cô và những đứa bạn thân, về những kỉ niệm ấu thơ ngập tràn niềm vui lẫn nỗi khốn khó… Những lúc đang rong ruổi ở nơi xa xôi nào đó, tôi lại chợt thèm về quê, thèm nằm ở hàng ba ngủ một giấc ngon lành. Mỗi trang văn trong quyển sách này có thể xem như lát cắt từ kí ức của một đứa trẻ miền Tây.” 
     Đó là những dòng viết của Trương Chí Hùng – tác giả quyển tản văn “Trong sương thương má” do Cù Quyên minh họa, Nxb. Kim Đồng ấn hành năm 2019.
    Qua 150 trang sách, 19 tản văn là những câu chuyện rất dung dị, mộc mạc về tuổi thơ, về mùa nước nổi miền Tây, về những kí ức quê hương mà ai đi xa cũng nhớ nhiều. Những trang văn của tác giả như lời mời gọi bạn đọc hãy một lần ghé thăm vùng đất sông nước hữu tình An Giang. Tác giả như người dẫn đường dẫn dắt bạn đọc đi qua những cảnh sắc An Giang từ sông đến núi, từ ngày mùa vàng rực rỡ đến tháng nước về.
    Bắt đầu bằng tản văn “Những nghề hạ bạc” giới thiệu đến bạn đọc những ngành nghề đánh bắt ở sông hồ vào mùa nước nổi. Cứ tháng bảy, tháng tám âm lịch hàng năm như một cái hẹn, miền Tây nói chung và An Giang nói riêng bắt đầu đón một mùa nước nổi. Cái mùa mà nhìn đâu cũng là nước, nước ngập ruộng, nước ngập vườn và ngập cả lối đi; Cái mùa niềm vui cũng nhiều mà nỗi buồn cũng không ít; Cái mùa màu vàng tươi của bông điên điển rợp dọc các mé sông, bờ đê; Cái mùa người dân miền Tây bắt đầu ví bồ, lọp ếch, nhấp ếch, cắm câu, giăng lưới, soi cá… Cái mùa cứ cơm nước, tắm rửa xong xuôi thì người miền Tây lại bơi xuồng ra khoảng đồng trống đậu lại đó để hóng mát, người lớn thì trò chuyện còn con nít té nước nhau xôn xao, ấm áp. Cái mùa tác giả lại được theo má bơi xuồng đi hái súng, hái rau, với thu nhập vài ba lon gạo mỗi ngày, nhà nào không bị đói là “mừng hết lớn”.
     Ở “Trong sương thương má” là những câu chuyện về má, về ba, về những con người giản dị mà mỗi hành động đều thấm đẫm tình thương mang đến thật nhiều xúc cảm sâu lắng.
    Trong “Quê nhà, quê người” là cảm xúc của những người con xa xứ, li hương đau đáu nhớ về quê cha đất tổ trong những ngày Tết. Qua mùa nước nổi, hai tháng sau là Tết, ký ức về những ngày Tết bên dòng sông quê rất đỗi thân thương, ngọt ngào của tác giả. Ở đó có mấy chị, mấy cô thường mang mùng, mền, quần áo ra giặt đón Tết. Rồi người vo đậu, kẻ rửa lá chuẩn bị gói bánh cúng ông bà. Tiếng cười nói, tiếng nước chảy râm ran cả một khúc sông… Mà Tết đâu chỉ có thế, Tết còn có chợ Tết, mai Tết, pháo Tết hay những háo hức khi được má mua cho bộ đồ, đôi dép mới. Tuyệt nhất là Tết tha hồ đi chơi chẳng sợ bị ai la rầy, bởi Tết đến con người cũng dễ chịu, thoải mái hơn, cảnh vật cũng tươi tắn, hân hoan hơn.
     Qua từng trang văn hiền hòa đậm chất miền Tây Nam Bộ, “Trong sương thương má” giúp chúng ta có một cái nhìn về con người và vùng đất miền Tây thật gần, thật chi tiết, thật yêu thương.
    Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
    ▪ Ký hiệu phân loại: 895.9228408 / TR431S
    ▪ PHÒNG THIẾU NHI: NA.004294; NA.004293

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây