CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 05 (01–07/02/2021)

Thứ ba - 02/03/2021 03:02 947 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
 Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Sức khỏe tinh thần - Giảm hệ lụy của kỷ nguyên số” của Ngọc Thúy trích từ báo Doanh nhân Sài Gòn. 
    Sức khỏe tinh thần cũng là một thực trạng ngày càng cấp bách. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. 
    Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên đoàn thế giới về sức khỏe tâm thần và Tổ chức sức khỏe tâm thần toàn cầu đã hợp tác để kêu gọi cộng đồng thế giới thảo luận về các biện pháp xung quanh thách thức sức khỏe tinh thần qua chiến dịch “Vì sức khỏe tinh thần: Hãy hành động”.
    Một hệ quả từ dịch Covid-19 là làm gia tăng số giờ làm việc, giải trí cũng như nhu cầu cập nhật thông tin trực tuyến ngay tại nhà. Thời gian trực tuyến quá lâu đã kéo theo hàng loạt thách thức mới, cụ thể là vấn đề lạm dụng thiết bị điện tử và bắt nạt qua mạng, khiến việc đảm bảo một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh càng trở nên cấp bách. 
     Thúc đẩy vấn đề sức khỏe tinh thần 
Các nền tảng số đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao kiến thức và nhận thức của người dùng về vấn đề sức khỏe tinh thần, như TikTok với thử thách #thinkbe4youdo đã truyền đi thông điệp: “Hãy suy xét kỹ trước khi thực hiện những hành vi tiêu cực hoặc thậm chí gây nguy hiểm như bắt nạt qua mạng, ngược đãi bản thân”. Những chiến dịch như vậy đã thôi thúc cộng đồng chung tay tạo ra một môi trường an toàn và tích cực cho tất cả người dùng.
Khi mà cộng đồng dành nhiều thời gian hơn trên mạng, thì cũng ngày càng có nhiều người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn trong môi trường mạng và đang tận dụng các nền tảng số để nâng cao ý thức cho những người xung quanh. 
    Tinh thần lành mạnh đến từ sự quyết tâm của mỗi cá nhân
Chia sẻ những khó khăn về mặt tinh thần là một hành trình hết sức đặc biệt đối với nhiều người nhưng cộng đồng sẽ cảm thấy được tạo động lực và cổ vũ niềm tin, từ đó để can đảm chia sẻ các câu chuyện của riêng mình và tiếp tục truyền cảm hứng cho những người cần sự giúp đỡ. Trong đó, nền tảng công nghệ đã mở ra cơ hội để chúng ta thực hiện những điều đó, cụ thể: 
    Giảm thời gian trực tuyến. Chúng ta có thể chủ động hạn chế thời gian trực tuyến bằng cách tắt các thiết bị điện tử vào những thời điểm nhất định trong ngày, chẳng hạn như khi ngủ hoặc lúc dành thời gian cho những người thân yêu. Việc tắt thông báo các thiết bị điện tử có thể giúp mỗi người tránh xa được “sức cám dỗ” của những tin nhắn không cần thiết. Hiện có rất nhiều công cụ hữu ích để mỗi người chủ động quản lý thời gian trực tuyến cá nhân một cách hiệu quả.
    Thay đổi mối quan tâm. Nhiều người trong chúng ta sử dụng các thiết bị điện tử như một thói quen để giết thời gian. Nhưng liệu rằng bạn có đang tự “giấu mình” vào một thế giới ảo để thoát khỏi cuộc sống thực tại? Việc tìm đến các ứng dụng như mạng xã hội hay diễn đàn trực tuyến có thể dễ dàng và thuận tiện đấy, nhưng có những cách khác để mỗi người tận hưởng quỹ thời gian bản thân một cách lành mạnh và hiệu quả hơn. Khi cảm thấy buồn chán, hãy cân nhắc tập thể dục hoặc bắt đầu một sở thích mới. Bí quyết ở đây là cân bằng giữa thời gian tương tác trực tuyến và ngoại tuyến, hãy ghi nhớ rằng bạn không nhất thiết phải dán mắt vào màn hình 24/7 để có thể tận hưởng cuộc sống.
    Ưu tiên thời gian cho cuộc sống thực tại. Việc tách bản thân ra khỏi các thiết bị điện tử sẽ cho mỗi người nhiều thời gian hơn để học cách tập trung. Hãy thử viết nhật ký hoặc ngồi thiền. Tập ghi lại những kỷ niệm đẹp hoặc những điều tích cực, học cách bày tỏ sự biết ơn với mọi người và cuộc sống xung quanh.
    Hành trình nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và xóa bỏ những rào cản xung quanh vấn đề này đòi hỏi những nỗ lực của toàn xã hội. Mỗi người bên cạnh việc tự ý thức nuôi dưỡng sự lành mạnh tinh thần của bản thân, đồng thời cũng có thể truyền động lực tích cực cho gia đình và bạn bè - những người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tinh thần. Ví dụ, lãnh đạo doanh nghiệp có thể xây dựng những chương trình nâng cao sức khỏe tinh thần, nhằm nuôi dưỡng một môi trường lao động lành mạnh cho các nhân viên trong tổ chức của mình.
    II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Chiến trường lịch sử và những câu chuyện về chiến tranh ở Việt Nam.
- Tối đa hoá sức mạnh bộ nhớ.

 
CHIẾN TRƯỜNG LỊCH SỬ
VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

     Với truyền thống yêu nước lâu đời của dân tộc Việt Nam, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử trong cộng cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
    Quyển “Chiến trường lịch sử và những câu chuyện về chiến tranh ở Việt Nam” do Thiên Bình sưu tầm, tuyển chọn; hiệu sách Minh Châu phối hợp Nxb. Lao động ấn hành năm 2020 là tài liệu ghi nhận, ca ngợi truyền thống đấu tranh anh dũng, ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo của nhân dân ta; tôn vinh những hy sinh; cống hiến to lớn của nhân dân ta trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
      Sách gồm 6 phần được chuyển tải qua 400 trang:
Phần 1 là một số hình ảnh tư liệu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975 và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc;
Phần 2: Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh;
Phần 3: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trong tiến trình lịch sử Việt Nam;
Phần 4: Đại thắng mùa Xuân 1975 - Kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Phần 5: Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc - Cuộc chiến vì chính nghĩa.
Phần 6: Những câu chuyện về chiến tranh.
     Quyển sách “Chiến trường lịch sử và những câu chuyện về chiến tranh ở Việt Nam” là tài liệu hữu ích, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. 
    Sách được Thư viện TP Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 959.704 / CH305TR; ▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019073

 
TỐI ĐA HOÁ SỨC MẠNH BỘ NHỚ

    Các bạn thân mến! bạn hãy xác định xem bạn có rơi vào bất kỳ trường hợp nào dưới đây:
-    Mất nhiều thời gian để tìm kiếm đồ đạc?
-    Gặp một người quen cũ nhưng không tài nào nhớ được tên của họ?
-    Tính nói điều gì đó nhưng lại quên?
-    Không nhớ các ngày kỷ niệm hoặc các cuộc hẹn?

    Nếu rơi vào những trường hợp này và bạn muốn khắc phục, các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Tối đa hoá sức mạnh bộ nhớ” của tác giả Nishant Kasibhatla - một kỷ lục gia Guinness trí nhớ. Sách do Lê Nguyễn Anh Như dịch, Nxb. Thế giới ấn hành năm 2020 với 200 trang.
    Đọc sách, các bạn sẽ hiểu được: Trí nhớ hoạt động như thế nào? Sự liên kết - chất keo tâm trí được kích hoạt ra sao? Đặc biệt, tác giả hướng dẫn kỹ thuật ghi nhớ cho người mới bắt đầu như: Kỹ thuật Chữ cái đầu tiên; Đặt câu từ chữ cái đầu tiên; Cụm từ và số; Hình dạng của số, vần của số; Cách nhớ danh sách, bài phát biểu, bài thuyết trình; Cách nhớ từ trừu tượng và tiếng nước ngoài, Nhớ con số và số liệu thống kê, Nhớ tên và khuôn mặt.
    Trong đó, hướng dẫn chi tiết 8 cách tăng nội lực sức mạnh não bộ: Thiền định, giải câu đố, tạo một bức tranh tâm trí, hỏi “Sẽ ra sao nếu…?”, nghĩ ra 10 công dụng, Tin vào bộ não của bạn, học một kỹ năng mới, thực hiện hồi tưởng tức thời. 
    Kỹ thuật ghi nhớ các vấn đề thường nhật như nhớ lịch, nhớ thông tin trong cuộc họp và ứng dụng màn trình diễn trí nhớ vào cuộc sống cũng được hướng dẫn cụ thể.
    Đọc sách, bạn sẽ hiểu được rằng: Ai cũng có trí nhớ tuyệt vời, chỉ là chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng thật sự của nó. Có được trí nhớ tốt giúp bạn có thêm sự sắc bén, khả năng tập trung tốt hơn, ghi nhớ dễ dàng hơn, lưu giữ thông tin lâu hơn, giảm căng thẳng và thậm chí là làm cho mọi người bất ngờ thú vị với trí nhớ siêu phàm của bạn.
    Sở hữu trí nhớ tốt là một kỹ năng, để đạt được kỹ năng này thì đòi hỏi phải tập luyện. Sau khi đọc quyển sách này, bạn hãy tiếp tục thực hành những bài tập đa dạng đã được sách giới thiệu để đạt đến tối đa tiềm năng ghi nhớ của mình. Chúc bạn thành công khi tối đa hóa sức mạnh trí nhớ của mình?.
    Các bạn hãy tìm đọc quyền sách “Tối đa hoá sức mạnh bộ nhớ” tại Thư viện TP. Cần Thơ với môn loại: 153.1 / T452Đ; - Phòng Đọc: DV 58880; - Phòng Mượn: MH 11687-11688 
     III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
     Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Sống chậm thời Covid-19” trích từ báo Nhân dân. 
    Hàng quán đóng cửa, người dân hạn chế ra đường, những hàng cây như cũng cô đơn. Thường ngày phố phường nhộn nhịp, hàng quán đông đúc, người đi mua sắm rộn ràng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người người, nhà nhà chung tay vì mục tiêu chung, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan ra cộng đồng, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh.
    Guồng quay của xã hội đang chậm lại. Thậm chí rất chậm. Nhịp sinh hoạt của con người cũng đang thay đổi theo hướng chậm lại. Không có cảnh ùa nhau đi xem phim, vui chơi giải trí. Không còn cảnh đua nhau đi lễ, du lịch tấp nập, nghẽn đường. Chẳng còn cảnh tụ tập bạn bè, hát karaoke. Hầu hết những nhu cầu giải trí, ăn tiêu hằng ngày đều tạm thời dừng lại. Nhiều hãng thời trang đắt đỏ ế ẩm và cũng chẳng thu hút được nhiều người mua dù cố gắng quảng cáo bán hàng qua mạng.
    Trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, lúc này nhiều người chỉ cầu mong bản thân, gia đình được an toàn, toàn xã hội mau chóng chiến thắng bệnh dịch. Quy định và khuyến cáo về “xã hội cách ly” đề nghị mỗi người nên ở trong ngôi nhà của mình, hạn chế ra ngoài để bảo đảm an toàn cho cộng đồng và xã hội. Mà ở nhà thì làm sao lao vun vút? Làm sao sống nhanh, sống gấp? Ở nhà có nghĩa là phải sống chậm, ăn chậm và nghiền ngẫm. Buồn tay buồn chân sẽ tìm việc để làm. Người thì chăm cây cảnh, người đọc sách, người vẽ tranh hoặc thêu tranh chữ thập… Nghĩa là người ta phải quay lại làm những việc mà trước đây trong guồng quay gấp gáp không có thời gian để làm. Giờ chăm chỉ làm để tiêu bớt thời gian. Càng làm càng thấy mình được thư thái, thấy sức khỏe quan trọng hơn nhiều thứ khác.
    Lúc này các gia đình đang quần tụ bên nhau, cùng chăm sóc, có những bữa ăn chung. Thậm chí nhiều ngày ăn chung ba bữa mỗi ngày. Điều mà bình thường thật khó thực hiện được. Bởi sáng ra lo con cái ăn rồi đi học, mỗi người vợ người chồng tự ăn sáng rồi đi làm. Buổi trưa vợ, chồng ăn ở nơi làm việc hoặc ra hàng quán, con cái ăn ở trường. Chỉ buổi tối mới được quần tụ, mọi thành viên mới ăn chung một bữa. Mà có khi người đàn ông còn đi tiếp khách đến khuya, bỏ bữa ở nhà. Nay người này chăm sóc người kia, nâng cao sức khỏe, phòng dịch. Người này nhắc nhở người kia phải đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn liên tục, hạn chế đi lại. Gia đình bỗng trở nên gắn kết. Người vợ nhìn người chồng. Người chồng nhìn người vợ và bỗng nhận ra, mình đang hạnh phúc, đang đầm ấm trong việc chăm sóc nhau. Điều mà bình thường không cảm nhận thấy. Điều rất đỗi bình thường mà mỗi thành viên trong các tổ ấm có quyền được hưởng nhưng đã không được hưởng khi cuộc sống quá bận rộn. Nay thì chuyện bình thường đó được thực hiện. Mỗi người đều thấy thêm yêu tổ ấm hơn. Việc cách ly, việc ở nhà với gia đình hóa ra cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhìn nhận về lối sống của mình và không bỏ phí khoảng thời gian này để làm những việc có ý nghĩa.
    Một mai bệnh dịch qua đi, mọi việc trở lại bình thường. Biết đâu có người sẽ nghĩ ra một sản phẩm sáng tạo mới, một vườn cây ở quê nhà hay suy nghĩ tích cực hơn về quan hệ vợ chồng, cha con, người với người. Biết đâu, nếp sống chậm này sẽ làm lan tỏa trong cuộc sống nhanh sau này, để những giá trị tưởng chừng như giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng hiện diện nhiều hơn nơi tâm hồn mỗi người.
    Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
    Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.  

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây