CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 09 (01/3–07/03/2021)

Thứ ba - 16/03/2021 04:35 982 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn! Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Nụ cười mang sức khỏe và hạnh phúc đến với bạn” trích từ báo Thanh niên https://thanhnien.vn/doi-song/nu-cuoi-mang-suc-khoe-va-hanh-phuc-den-voi-ban-647108.html
   Ý tưởng nụ cười là một biểu hiện trên khuôn mặt góp phần tăng cường những cảm xúc hạnh phúc, vui vẻ, hứng thú và bối rối là lý thuyết của Charles Darwin và triết học gia William James cách đây hơn một thế kỷ. Từ khi nghiên cứu của Darwin về biểu hiện trên khuôn mặt và cảm xúc được xuất bản năm 1872, đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành về tác động của nụ cười lên việc tăng cường cảm xúc của con người.
   Vậy tại sao nụ cười lại có thể kích hoạt những cảm xúc tích cực? Khi xem những thứ hài hước trên truyền hình, bạn sẽ trải nghiệm những thứ tích cực. Những thứ này sẽ gửi tín hiệu từ vỏ não. Từ đây, các cơ sọ tạo ra các tín hiệu qua các cơ mặt giúp bạn mỉm cười.
   Một khi chúng ta bắt đầu mỉm cười, sự kích thích cơ bắp sẽ gửi các tín hiệu trở lại tới bộ não làm cho ta hạnh phúc. Nó hoạt động theo cách tương tự như cách cơ thể chúng ta phản ứng với hoóc môn endorphin - hoóc môn cảm giác vui vẻ và hạnh phúc sau khi tập thể dục.
Vì vậy, mỉm cười có thể mang đến nhiều cái lợi cho sức khỏe của bạn và làm bạn hạnh phúc hơn. Dưới đây là 4 lý do nên cười mỗi ngày.
Cười có thể “truyền nhiễm”. Hãy cười và cả thế giới sẽ mỉm cười với bạn, theo tác giả nghiên cứu Daniel Goleman, nhà báo khoa học và tâm lý học người Mỹ.
Dường như ngay sau khi một người mỉm cười, người khác một cách nhanh chóng cười theo khi họ tương tác. Việc truyền tải cử chỉ này tạo ra sự bắt chước một nụ cười ở người nhận, dẫn đến sự đồng bộ về cảm xúc. Vì vậy, cố gắng mỉm cười với một ai đó khi nhìn thấy nếu bạn muốn được nhận lại một nụ cười.
Cười mang lại lợi ích sức khỏe. Mỉm cười tạo ra hoóc môn endorphin giúp giảm huyết áp và giảm bớt căng thẳng. Căng thẳng đóng góp chính vào một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim, huyết áp cao, béo phì và bệnh tiểu đường loại 2. Vì vậy, mỉm cười không chỉ làm cho bạn cảm thấy tốt hơn, mà còn giúp bạn tránh được một loạt các vấn đề sức khỏe.
Ngoài ra, một tiếng cười dùng cơ bụng mạnh cũng mang lại những lợi ích tuyệt vời cho phổi và là bài tập tuyệt vời cho cơ bụng. Nó cũng có thể tăng cường hệ miễn dịch và đốt cháy calo giúp giảm cân. 
Cười giúp bạn thành công. Nụ cười có thể giúp đồng nghiệp biết đến bạn và thậm chí còn thúc đẩy sự tin cậy của bạn so với các đồng nghiệp khác. Nụ cười của bạn cũng có thể cho sếp của bạn thấy rằng bạn tự tin, có lương tâm và có khả năng giải quyết bất kỳ trở ngại công việc theo cách của bạn.
Cười giúp bạn hấp dẫn hơn. Một nghiên cứu do 3 tác giả Golle, Mast & Lobmaier thực hiện khám phá ra rằng cách biểu hiện niềm vui và hạnh phúc ảnh hưởng như thế nào đến việc đánh giá mức độ hấp dẫn ở một người. Theo đó, gương mặt cười trong hình được những người tham gia khảo sát chọn là hấp dẫn hơn.
Nụ cười là dấu hiệu của sự mãn nguyện, tích cực và hạnh phúc và kể cả thu hút. Vì vậy, hãy nở nụ cười trên môi để bạn trông hấp dẫn hơn.
II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Con đường cách mạng.
     - Bàn về nhiếp ảnh.
CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG
    “Con đường cách mạng” là tập hồi kí cách mạng về các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Độ. Sách do Nxb. Thanh niên ấn hành năm 1970 với độ dày 210 trang, gồm 4 phần:
    Phần 1 gồm các bài viết: “Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ” của Trần Đăng Ninh; “Chúng tôi khóc anh Hoàng Văn Thụ” của Trần Độ. Đây là những hồi kí sinh động về đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2019) - người cộng sản kiên trung, bất khuất, một trong những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trước giờ phút hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội) vào rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh và để lại bài thơ cuối cùng gửi lại đồng chí, đồng đội: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/ Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo dõi buổi tung hoành/ Bạn hãy gần xa hăng chiến đấu/ Trước sau xin giữ tấm lòng thành”.
    Phần 2 là hồi kí “Ở chiến khu Hai” của đồng chí Lê Thanh Nghị do Thép Mới ghi. Hồi ký giúp người đọc biết về phong trào cách mạng Việt Nam ở mốc thời gian đặc biệt vào năm 1945 qua lời kể của đồng chí Lê Thanh Nghị (6/3/1911 - 16/8/1989) - người trực tiếp phụ trách chiến khu II vào năm 1945 và sau này trở thành nhà lãnh đạo uy tín, tài năng của Đảng, Nhà nước ta. Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt phong trào kháng chiến toàn quốc ở liên khu III. Năm 1953 - 1954 kiêm Bí thư thành ủy Hà Nội. Năm 1960 Phó Thủ tướng chính phủ kiêm Chủ nhiệm văn phòng công nghiệp. Năm 1974 - 1980 Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1981 Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tháng 2/1982 - 12/1986 Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước. Đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng kiên trung ái quốc, sống và chiến đấu suốt đời cho lý tưởng cộng sản cao cả. Đặc biệt, đồng chí là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng có đóng góp quan trọng vào bước đầu đổi mới kinh tế nước ta.
     Phần 3 là hồi ký “Từ khám tù vị thành niên đến trường học Xô viết - Nghệ Tĩnh” do đồng chí Nguyễn Duy Trinh kể, Thép Mới ghi, giúp người đọc hiểu về một giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 20/4/1985), cán bộ tiền bối cách mạng, là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam.
    Phần 4 là hồi ký của trung tướng Trần Độ (23/9/1923 – 9/8/2002), vị tướng tài đồng thời là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng và cây bút đi suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Các bài viết được in trong sách quyển sách này gồm: Câu chuyện vượt khỏi nhà tù đế quốc; Lớp học quân sự ở chiến khu; Những mẩu chuyện… súng; Bên sông đón súng; Thảo hịch.
     Hồi ký “Con đường cách mạng” là quyển sách giúp chúng ta càng thêm hiểu biết về lịch sử đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc. Qua đó ghi nhận, tôn vinh những công lao, cống hiến to lớn của các nhà cách mạng tiền bối đối với đất nước, đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
    Trân trọng giới thiệu quyển hồi ký “Con đường cách mạng” đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số Ký hiệu phân loại: 895.922803 / C430Đ;    
    ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.006141; DV.006298
 
BÀN VỀ NHIẾP ẢNH

     “Susan Sontag đã viết một cuốn sách rất quan trọng và độc đáo… Từ nay trở đi, tất cả bàn luận hoặc phân tích về vai trò của nhiếp ảnh trong các xã hội truyền thông đại chúng thinh vượng đều bắt buộc phải bắt đầu với cuốn sách này của bà” – John Berger.
     Đó là những dòng nhận xét về quyển sách “Bàn về nhiếp ảnh” được viết bởi Susan Sontag, do Trịnh Lữ dịch, Nxb. Thế giới ấn hành 2018 sẽ giúp bạn khảo sát thực hành chụp ảnh của chính mình, đưa ra cho bạn những góc nhìn mới về quyền năng của hình ảnh. 
     Qua 269 trang, sách phân tích các luận điểm sắc bén về tính chân thực và sự lạm dụng hình ảnh, về ranh giới nhập nhằng giữa thực tế và sắp đặt trong hình ảnh, mối quan hệ giữa chủ thể, đối tượng trong ảnh và chiếc máy chụp hình như: Trong Hang động của Plato; Nước Mỹ, tăm tối qua ảnh; Những đích ngắm u buồn; Anh hùng Nhìn; Những nhà truyền giáo Nhiếp ảnh; Thế giới Hình ảnh;… Không chỉ chia sẻ kiến thức cho người chụp ảnh, quyển sách còn giúp bạn đọc tăng khả năng giải mã hình ảnh. Đặc biệt có ích trong bối cảnh văn hoá thị giác ngày càng phát triển, yêu cầu sự tích cực trau dồi tư duy hình ảnh từ công chúng ngày nay. Đây được xem là một trong những cuốn sách kinh điển, là công trình độc đáo và sáng giá nhất về chủ đề nhiếp ảnh. Với độc giả Việt Nam, quyển sách này còn là cuộc nhập môn sinh động về lịch sử nhiếp ảnh, đây là nguồn gợi ý sâu sắc cho những ai sống bằng nghề nhiếp ảnh cũng như công chúng quan tâm đến loại hình nghệ thuật này.
     Quyển sách “Bàn về nhiếp ảnh” sẽ là quyển sách dành cho những ai lựa chọn theo đuổi nhiếp ảnh như một cái nghề, những người muốn đi sâu vào nhiếp ảnh và những người muốn việc chụp ảnh của mình có thêm phần ý nghĩa. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số Ký hiệu phân loại: 770 / B105V; 
     ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.054339;  ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009093; MG.009094

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!  Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Từ kỷ niệm tuổi thơ” đăng trên Cổng Thông tin Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam: 
http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/phu-luc-mot-so-cau-noi-cua-bac-ho-ve-phu-nu-va-mot-so-cau-chuyen-cua-bac-voi-phu-nu-viet-nam-28204-501.html
     Những năm học ở bên Pháp, tôi vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc. Một đêm giao thừa, tất cả anh chị em người Việt Nam tụ tập tại trụ sở đón Tết của quê hương trên đất Pháp…
Tối hôm đó, Bác gặp Việt kiều ở Pari. Anh chị em Việt kiều quây quần xung quanh Bác như những người con tụ lại bên cha già. Trong tình cảm thương yêu rộng  lớn, Bác dặn dò tất cả mọi người thế này: “Các cô, các chú phải cố gắng mỗi người học giỏi một nghề, sau này trở về giúp nước nhà, góp phần làm cho dân ta giàu, nước ta mạnh”. Lời dạy của Bác đã trở thành bó đuốc soi đường cho tôi suốt những năm học tập ở xa quê hương.
Giữa năm 1959, tôi thi đỗ bằng thạc sĩ toán học. Nhớ lời Bác, tôi tình nguyện xin về nước phục vụ. Trong những năm công tác ở Hà Nội, tôi được gặp Bác ba lần, một lần Bác đến thăm Trường Đại học Sư phạm của chúng tôi. Lần thứ hai, vào dịp Tết, tôi được gặp Bác. Trong buổi liên hoan đón năm mới hôm ấy Bác rất vui. Tôi lại được ngồi gần Bác. Bác cười chỉ vào tôi và nói với các đồng chí lãnh đạo ngồi bên cạnh:
     - Sao ít phụ nữ thế? Bác muốn phong trào phụ nữ tiến bộ mạnh hơn nữa…
     Tôi nghĩ trong đời tôi lúc bé đã được một lần Bác dạy cho cách học, những năm sống xa quê hương, hình ảnh Bác là nguồn động viên tôi khắc phục khó khăn để học tập. Khi trưởng thành lại được Bác săn sóc từ bữa ăn. Tôi là một trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã được Bác, Đảng, Cách mạng giải phóng và trở thành người có ích, được đem sức lực của mình phục vụ nhân dân, đất nước. Đối với tôi, không có gì sung sướng hơn là giữ gìn những kỷ niệm về Bác – cái vốn quý báu mà Bác đã trao cho tôi từ khi còn bé. Cái vốn quý đó mỗi ngày càng được nhân lên gấp bội, như cuộc đời tôi, được Bác, Đảng dìu dắt mãi mãi đi trên con đường sáng… (Trích lời kể của nữ Giáo sư, Tiến sĩ Toán học Hoàng Xuân Sính). 
    Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn.  
    Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.  





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây