CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 08 (22–28/02/2021)

Thứ ba - 02/03/2021 20:39 1.026 0
     I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Ăn mặn đúng cách” trích từ báo Sức khỏe gia đình.
    Ăn nhiều muối thì bị cao huyết áp, ảnh hưởng tới tim, thận, nhưng ăn nhạt lại bị hạ huyết áp, cơ thể mệt mỏi. Vậy làm thế nào để điều hoà lượng muối đưa vào cơ thể? 
    Nước chiếm đến 60-70% khối lượng cơ thể. Để điều hòa được lượng nước này đến với các bộ phận trong cơ thể không thể thiếu vai trò của muối. Nó giúp cơ thể kiểm soát khối lượng máu, điều hòa huyết áp, giúp bắp thịt có thể co duỗi... Do đó muối (bao gồm cả muối ăn, nước mắm, bột canh) là một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày.
    Nếu ai không may mắc một số bệnh phải ăn nhạt hoàn toàn thì thật là khổ sở vì sẽ mất đi cảm giác ngon miệng. Tuy vậy, có những người sức khỏe bình thường ép mình ăn nhạt do ảnh hưởng của nhiều bản tin y học kể tội đủ điều về muối ăn không sạch, ăn muối nhiều không tốt cho tim, thận, huyết áp. Họ bị ám ảnh bởi những thông tin đó nên khi nấu nướng không dám nêm “mạnh tay” làm món ăn mất đi vị đậm đà. Tốt đến thế nào về sức khỏe chưa khẳng định được, nhưng điều rõ ràng là món ăn mất đi vị độc đáo, hấp dẫn.
    Vấn đề không phải là mặn hay nhạt mà cần phải ăn vừa đủ muối trong bữa cơm. Nếu có hại cho sức khỏe là do nhiều người vô tình tiếp tay nâng cao lượng muối ăn trong thói quen thích ăn mặn mà ít uống nước. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại khiến con người ngày càng ưa chuộng các thực phẩm chế biến sẵn với mọi loại gia vị đi kèm, khiến chúng ta nạp vào cơ thể một lượng muối ngày càng cao.
    Ăn bao nhiêu muối thì đủ?
    Có nhiều cách để món ăn đủ muối, đủ mặn nếu chúng ta biết cách dùng gia vị, thay vì cứ rắc thật nhiều muối cho “sướng tay” mà không nếm. Bạn có thể dùng bột canh, hạt nêm thay thế vì hàm lượng muối trong nó ít hơn, nếu có lỡ tay cũng không sợ mặn.
    Hoặc nếu bạn đã sử dụng các sản phẩm đóng gói ăn liền như đồ chiên, bánh mặn, bánh mì, ngũ cốc và rau quả đóng hộp thì nên uống nhiều nước vì các đồ ăn này có rất nhiều muối natri. Việc bổ sung muối cho cơ thể hợp lý là sự kết hợp tinh tế trong ăn uống, nó tùy thuộc vào thời tiết, mức độ hoạt động của cơ thể và thói quen ăn uống của từng người.
    Theo các nhà khoa học, người bình thường chỉ nên tiêu thụ 4-6g muối, với người cao huyết áp thì chỉ nên dùng 2-4g muối/ngày.
    Bạn nên hạn chế tối đa những loại thực phẩm chế biến sẵn như mì sợi, thực phẩm đông lạnh, các loại dưa chua, khoai tây chiên... Cũng không nên lạm dụng muối khi bảo quản thực phẩm, tốt nhất là chọn những đồ tươi sống. Khi chế biến thức ăn bạn nên cho muối vào sau cùng, để có cảm giác mặn hơn, nhờ đó lượng muối đưa vào cơ thể ít hơn.
    Ai không nên ăn mặn?
    - Người bị bệnh thận không nên ăn nhiều muối so với người bình thường vì khi ăn mặn thường khát nước khiến thận làm việc nhiều.
   - Người bệnh tim: Nếu tim yếu không chuyển được máu về thận để lọc muối và thận không lọc được tốt thì cơ thể sẽ giữ nước lại gây phù.
    - Những người hay dị ứng, nổi mề đay cũng không nên ăn mặn vì muối thừa nhiều gây tăng kích thích thần kinh ngoại vi, cơ thể tăng mẫn cảm với chất gây dị ứng.
    - Trẻ em, người già và phụ nữ mang thai nên dùng ở tỷ lệ thấp hơn mức bình thường vì nhu cầu cơ thể ít, các cơ quan hoạt động yếu, giảm triệu chứng tim hồi hộp, lòng buồn bực khó chịu (đối với bà bầu), điều này tốt cho thai nhi. Phương Lan (Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học)
II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Cẩm nang pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
     - 20 - 30 tuổi, càng nhiều cố gắng, càng lắm may mắn.

 
CẨM NANG PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI,
 BẢO HIỂM Y TẾ VÀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

 
    Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có vai trò hết sức quan trọng đối với an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên vì những lý do khác nhau, hiện nhiều người chưa nắm được các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi, thậm chí nếu vi phạm còn có thể bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
      Nhằm giúp người dân, người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt các kiến thức pháp luật về các vấn đề trên, Thư viện TP. Cần Thơ trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách “Cẩm nang pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp” do Luật sư Phạm Thanh Hữu biên soạn,  Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2020. 
    Với 175 trang, sách trình bày 3 phần gồm: Những quy định chung của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; Xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm về bảo hiểm (các tội gian lận, trốn đóng thuế bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xã hội cho người lao động). 
    Được biên soạn một cách ngắn gọn, dễ hiểu, quyển sách này sẽ giúp bạn đọc tiếp cận và áp dụng pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đúng theo quy định. 
    Các bạn hãy tra tìm sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 
    ▪ Ký hiệu phân loại: 344.59702 / C120N
    ▪ PHÒNG ĐỌC:  DV.058632; ▪ PHÒNG MƯỢN: MA.023122; MA.023123

 
20 - 30 TUỔI, CÀNG NHIỀU CỐ GẮNG, CÀNG LẮM MAY MẮN

    “May mắn không phải là sức mạnh thần bí, mà là quả ngọt vun trồng bằng tâm huyết và mồ hôi của bạn. Bạn hao tâm tổn trí bao nhiêu, bỏ ra sức lực nhường nào, hoa trái của bạn sẽ đậm hương vị nhường ấy”. 
    Đó là chính là điều cốt lõi mà quyển sách “20 - 30 tuổi, càng nhiều cố gắng, càng lắm may mắn” của tác giả Liêu Trí Phong gửi gắm đến các bạn trẻ. Sách do Đỗ Thu Thuỷ dịch, Nxb.Công thương ấn hành năm 2020. 
    Với 242 trang, tác giả giúp bạn đọc hiểu được mối quan hệ nhân - quả giữa cố gắng và may mắn trong những năm tháng tuổi trẻ. Bằng những nhận định, phân tích sâu sắc, tác giả đúc kết nên những lời khuyên thiết thực như: Hãy sống tốt cuộc đời của riêng mình; Kiên trì đúng cách để thành công; Chuyện tốt, chuyện xấu đều là trải nghiệm trong cuộc đời; Trong nghịch cảnh luôn tồn tại những cơ hội; Thứ không đạt được chưa chắc là thứ tốt nhất; Thanh xuân của chúng ta đều là những tấm vé một chiều; Khi yêu hãy dốc sức trân trọng, khi chia tay hãy triệt để rời xa; Nỗ lực tự thân là nỗ lực đáng tự hào; Tùy duyên thì được, tùy tiện thì không; Khoan dung với người chính là rộng lượng với chính mình; Càng gian nan càng trưởng thành; Bước ra khỏi thế giới của mình, bạn sẽ thấy một chân trời rộng mở; Đừng dễ dàng lùi bước khi phải tiến lên; Đi qua bóng đêm mới hiểu được ánh sáng; ... Qua đây, truyền tải đến bạn đọc thông điệp: Vận may không tự nhiên đến với ai. Thành công là kết quả của quá trình nỗ lực lâu dài. Nó là kết quả của quá trình vươn lên, phấn đấu không ngừng nghỉ khi đối mặt với những vấp váp, trở ngại của tuổi thanh xuân. Chỉ có càng cố gắng, các bạn trẻ mới càng gặp nhiều may mắn. May mắn ấy do chính mỗi người chúng ta tạo ra từ những nỗ lực học tập, kiên trì rèn luyện và làm việc không ngừng nghỉ trước đó.
    Các bạn trẻ hãy tìm đọc quyển sách sách “20 - 30 tuổi, càng nhiều cố gắng, càng lắm may mắn” để nhanh chóng nhận ra rằng: Thanh xuân tuổi đôi mươi, bạn đang sống những ngày tháng đẹp nhất, bạn có sức trẻ, bạn có sức khỏe và tài năng. Cuộc đời này đâu thiếu những hòn đá tảng ngáng chân bạn, nhưng không ai có thể đánh bại bạn ngoài chính bạn. Cứ tiếp tục chiến đấu, cứ không ngừng ước mơ, nỗ lực của bạn sẽ mang may mắn đến cho bạn. Hãy đọc sách và tạo nên may mắn cho chính mình!
    Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 158.1 / H103M
    - Phòng Đọc: DV 58832;
    - Phòng Mượn: MH 11661-11662

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Lịch sử, ý nghĩa của ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2” trích từ báo Đầu tư.
    Nguồn gốc ra đời ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
   Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn ba điều:
    1. Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sỹ, Dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc.
Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
    2. Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
    Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“ Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
    3. Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp vơí nhu cầu của nhân dân ta.
   Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “ Đông” và thuốc “Tây”.
   Vì ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, năm 1985, Đảng và Nhà nước ta quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Cũng từ đó, ngày 27/2 được xem là ngày tôn vinh những người làm trong ngành Y tế,  trách nhiệm cũng như tài trí của những người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
    Ý nghĩa ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
   Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có biết bao thế hệ cán bộ và nhân viên ngành y tế có mặt trên khắp các nẻo đường để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.
    Không ít người để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường, mang trong mình những căn bệnh quái ác do chất độc hóa học của chiến tranh, thậm chí nhiều người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường mà không bao giờ trở lại, như Liệt sỹ - Bác sỹ Đặng Thùy Trâm.
   Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ và nhân viên ngành Y tế tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học và cứu chữa người bệnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội.
   Có rất nhiều Giáo sư, Bác sĩ, nhân viên y tế được nhà nước vinh danh phong tặng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Chiến sỹ thi đua như: GS.TS Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Ngữ, GS. Hoàng Đình Cầm, GS. Lê Thế Trung, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch....
   Đó là những tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần vì nước, vì dân, sống hết mình vì người bệnh, xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo và phát huy để làm tốt hơn nữa trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
   Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy "Lương y phải như từ mẫu". Y đức được coi là phẩm chất tốt đẹp của những người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ và thương yêu chăm sóc cho người bệnh.
Một người thầy thuốc giỏi không những giỏi về chuyên môn mà còn giỏi về tâm lý tiếp xúc, chẩn đoán.
    Ngày 27/2 là ngày đề cao, tôn vinh những người trong ngành y, đồng thời cũng là ngày để nhắc nhở về trách nhiệm và sứ mệnh mà xã hội đã giao phó đối cho các Y, Bác sĩ và những người làm công tác Y tế.
    Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
    Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây